“Nền kinh tế vẫn có những điểm sáng”
“Một điểm sáng được xem là yếu tố thành công mà Việt Nam đạt được trong năm 2012 là vẫn ổn định được giá trị của VND”…
Kinh tế Việt Nam năm 2013 được dự báo ra sao? Liệu những khó khăn của năm 2012 có còn tiếp tục ảnh hưởng tới nền kinh tế trong năm 2013? Bên lề hội thảo “Dự báo và chính sách kinh tế Việt Nam 2013″ diễn ra vào ngày 30/11, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chia sẻ xung quanh chủ đề này.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Ông đánh giá thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2012?
Nền kinh tế của Việt Nam qua 11 tháng đầu năm 2012 cũng giống bức tranh kinh tế chung của thế giới và khu vực với chủ đề chung là màu xám. Nhưng nhìn ra xa hơn và nhìn vào những yếu tố vi mô thì trong nền màu xám đã có ánh sáng màu hồng trong tương lai.
Năm 2012 là năm có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong 10 năm liên tiếp. Nhưng nếu nhìn riêng từng quý trong năm 2012 thì thấy quý sau tăng trưởng hơn quý trước. Điều này cho thấy nền kinh tế có dấu hiệu tự chuyển biến, cộng thêm sự tác động của điều hành chính sách kinh tế vĩ mô.
Vậy “ánh sáng màu hồng” ít ỏi trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2012 là gì, thưa ông?
Nếu so sánh 6 tháng đầu năm 2007 với 6 tháng đầu năm của 2012 thì thấy rằng, 6 tháng của năm 2007, Việt Nam thu hút được khoảng 8 tỷ USD vào nền kinh tế để tăng dự trữ nhưng phải bơm một lượng tiền rất lớn ra thị trường và tạo ra áp lực lạm phát cho năm 2008 và năm 2009.
Còn năm 2012, cũng với lượng tiền khoảng gần 10 tỷ USD nhưng đảm bảo được lượng tiền hút vào, không tác động lớn đến tăng giá hàng tiêu dùng và các yếu tố vĩ mô khác. Như vậy, trong 5 năm, chúng ta đã rút được kinh nghiệm, bài học trong điều hành kinh tế vĩ mô từ năm 2007 đến năm 2011 và tạo được tiền đề cho năm 2012. Đây chính là điểm sáng!
Một điểm sáng khác được xem là yếu tố thành công mà Việt Nam đạt được trong năm 2012 là vẫn ổn định được giá trị của VND, làm tăng niềm tin của người dân vào điều hành vĩ mô của Chính phủ. Tỷ giá phản ánh rất chân thật tốc độ tăng giá tiêu dùng, chỉ số CPI đã được giữ và giảm dần.
Video đang HOT
Đây là tiền đề quan trọng cho năm 2013 và cả giai đoạn 2013-2015 dần dần đưa tốc độ tăng trưởng vượt qua tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng. Như vậy đảm bảo được tăng trưởng thật và đời sống của người dân cũng được củng cố.
Thành công tiếp theo của năm 2012 là các chính sách an sinh xã hội trong bối cảnh thu ngân sách rất khó khăn. Nhìn vào số thu ngân sách nhà nước năm 2012 thấy chưa bao giờ số lượng các địa phương hụt thu ngân sách lớn như hiện nay.
Điều may mắn giúp chúng ta giữ được tỷ lệ bội chi cân bằng là giá dầu thô đã tăng so với giá dự toán là 8 USD/thùng và sản lượng khai thác vượt dự toán đã góp phần bù lại được hụt thu của các địa phương.
Theo ông, những khó khăn nào trong năm 2012 sẽ tiếp tục ảnh hưởng trong năm 2013?
3 điểm nhấn quan trọng nhất, tồn tại nhất của năm 2012 sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2013 là: hàng tồn kho cao, lãi suất cho vay của ngân hàng đối với các doanh nghiệp cao và số lượng doanh nghiệp bị phá sản lớn.
Tuy lãi suất đến cuối năm 2012 đã giảm nhưng đối với các lĩnh vực sản xuất thực sau khi trừ chi phí để còn lãi 14 – 15% trả nợ lãi vay ngân hàng đối với các nhà quản trị doanh nghiệp là cực kỳ khó khăn.
Bên cạnh đó, lần đầu tiên trong tháng 11/2012, số lượng doanh nghiệp dừng sản xuất và phá sản lớn hơn số lượng doanh nghiệp đăng ký mới. Điều này như một tín hiệu cảnh báo: nếu năm 2013 những chính sách vĩ mô không điều hành tốt thì số lượng người lao động bị mất việc làm sẽ tăng lên rất lớn.
Khi doanh nghiệp đóng cửa sẽ không có nguồn thu ngân sách, sẽ phải bội chi. Khi bội chi hoặc phải đi vay hoặc phải làm một cách nào đó để chi thì áp lực lên ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2013 từ những vấn đề của năm 2012 sẽ rất lớn.
Ông có thể chia sẻ định hướng điều hành chính sách lãi suất năm 2013 của Chính phủ sẽ như thế nào?
Sang năm 2013, chúng ta phải xác định được đâu là nút thắt, đâu là điểm tắc để có thể tác động vào và tạo hiệu ứng lan tỏa đối với nền kinh tế. Tôi nghĩ rằng, một trong những vấn đề là phải giải quyết được mối liên hệ giữa các tổ chức tín dụng với các doanh nghiệp.
Trong mối liên hệ đó có thể nhìn vào nhiều chiều, trong đó có việc đáp ứng nguồn vốn cho các doanh nghiệp.
Chúng ta không thể duy ý chí để nói là sẽ dừng lại hết các khoản vay tín dụng ngân hàng cho các doanh nghiệp vì nền kinh tế của Việt Nam trong 10 năm qua tăng trưởng là do đầu tư và gắn liền với tăng trưởng tín dụng.
Tôi nghĩ rằng trong năm 2013, vấn đề quan trọng nhất là tạo được sự gắn kết trách nhiệm cộng sinh. Bây giờ ngân hàng nợ xấu rất lớn nhưng phải yêu cầu doanh nghiệp có chỉ số báo cáo tài chính rất đẹp thì mới cho vay tiếp mà lại quên một điều là doanh nghiệp “xấu” như thế là do một thời các ngân hàng đã nới lỏng chính sách tín dụng.
Hiện nay, những dự án, công trình đang trong hoàn cảnh đó, nền kinh tế vĩ mô đang khó khăn, ngân hàng phải thấy rõ trách nhiệm với doanh nghiệp, với xã hội và phải tính toán bài toán kinh tế là nếu ngân hàng có dừng cho vay thì có đòi được nợ hay không.
Đến thời điểm này, Bộ Luật Dân sự quy định không được cho vay quá 150% lãi suất cơ bản, nhưng hiện tượng này vẫn còn diễn ra. Chúng ta có thể áp dụng các biện pháp hành chính bên cạnh điều hành theo quy luật của nền kinh tế thị trường, và chúng ta vẫn còn dư địa dành cho các biện pháp quản lý khác.
Theo Dantri
Bán vé tàu Tết 2013 cho người dân từ ngày 10/12
Ngày 26/11, ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng ga Sài Gòn cho biết ga sẽ triển khai bán vé tàu đi lại dịp cao điểm Tết Quý Tỵ 2013 cho các cá nhân từ 8h ngày 10/12/2012.
Các năm trước, việc đặt chỗ qua mạng vetau.com.vn gây phiền toái cho khách hàng do tình trạng nghẽn mạng thường xuyên xảy ra.
Vé tàu Tết tăng 1-2% so với năm ngoái
Theo ông Thành, việc bán vé tàu Tết sẽ chia làm 2 giai đoạn. Từ ngày 1/12/2012 sẽ bắt đầu bán vé tàu Tết cho các tập thể và đối tượng chính sách đã đăng ký từ trước. Từ 8h ngày 10/12/2012 mới bắt đầu nhận đặt chỗ và bán vé cho các cá nhân có nhu cầu đi lại trong dịp cao điểm Tết ở tất cả các ga và website vetau.com.vn.
Sau khi đặt chỗ thành công tại mạng vetau.com.vn, hành khách có thể thanh toán tiền vé tại các điểm giao dịch hoặc qua máy ATM của hệ thống Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), hoặc thanh toán trực tiếp tại các ga, các đại lý bán vé.
Theo ông Đinh Văn Sang, Phó giám đốc Công ty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn thì năm nay đơn vị quản lý website vetau.com.vn đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm khắc phục tình trạng nghẽn mạng khi bắt đầu đặt vé tàu tết qua mạng. Cụ thể như nâng cấp đường truyền, đáp ứng đến 30.000 lượt người truy cập vào hệ thống cùng lúc, thay đổi cách thức đặt chỗ qua mạng...
Trước đây, khi hành khách đưa ra yêu cầu đặt chỗ như 4 vé ngồi mềm đi ngày nào đó, hệ thống sẽ đưa ra danh sách chỗ ngồi mềm còn trống trong ngày đó cho hành khách lựa chọn. Việc này gây ra tình trạng chiếm dụng mạng vì phải chờ hành khách này chọn xong thì hệ thống mới lập danh sách mới cho khách hàng khác chọn. Nay khi hành khách đưa ra yêu cầu như trên, hệ thống sẽ tự động chọn 4 chỗ thỏa mãn các yêu cầu về thời gian đi, ga đến... như trên để cấp cho hành khách, tránh tình trạng chiếm dụng mạng.
Hoặc khi khách hàng tìm kiếm các thông tin như giờ tàu, giá vé tàu... thì sẽ được tự động chuyển sang website khác của ngành đường sắt để tránh nghẽn mạng bán vé tàu trực tuyến.
Cũng theo ông Sang thì năm nay các ga từ Sài Gòn đến Đà Nẵng sẽ bán 160.000 vé tàu ra phía Bắc trong dịp cao điểm Tết (từ 21 đến 28 tháng chạp âm lịch). Giá vé tàu Tết năm nay tăng từ 1% - 2% (tùy chỗ ngồi, nằm) so với giá vé tết năm ngoái, tăng 15% - 20% so với ngày thường (tùy chỗ ngồi, nằm).
Bắt buộc phải mang giấy tờ tùy thân có dán ảnh
Theo quy định của ngành đường sắt, khi hành khách mua vé và đi tàu trong dịp cao điểm tết phải mang theo chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân có dán ảnh và được pháp luật công nhận như giấy phép lái xe, thẻ ngành... Ông Thành lưu ývé của hành khách chỉ có giá trị đi tàu khi các thông tin cá nhân phù hợp với thông tin ghi trên vé.
Quy định này áp dụng đối với hành khách đi lại từ 21 - 28 tháng Chạp năm Nhâm Thìn (tức ngày 1/2/2013 - 8/2/2013) theo hướng Sài Gòn - Hà Nội và ga đến thuộc các ga từ Nha Trang đến Hà Nội. Quy định này cũng áp dụng đối với hành khách đi lại theo hướng Hà Nội - Sài Gòn từ mùng 4 - 12 tháng Giêng năm Quý Tỵ (tức ngày 13/2/2013 - 21/2/2013) và có ga đến thuộc các ga từ Nha Trang đến Sài Gòn.
Để tăng số lượng vé phục vụ dịp cao điểm Tết, ngành đường sắt cũng quy định việc bán vé chuyển đổi trong thời gian này đối với toa xe nằm mềm khoang 4 giường theo hướng một giường tầng 1 được bán 3 vé ghế ngồi, các giường tầng 2 bán bình thường. Khách mua vé ghế phụ được bố trí ngồi bằng ghế nhựa.
Trẻ em đi lại dịp này cũng phải mua vé không chỗ (bằng 50% giá vé ghế phụ). Vé không chỗ cho trẻ em chỉ được bán khi có người lớn đi kèm và người lớn phải có vé giường nằm tầng 1 hoặc ghế ngồi. Mỗi vé người lớn chỉ được bán kèm 1 trẻ em không chỗ và trẻ được bố trí sử dụng chỗ chung với người lớn đi kèm.
Đối với vé đi lại dịp cao điểm Tết, khi hành khách có nhu cầu trả vé, đổi vé thì phải thực hiện trước giờ tàu chạy ít nhất là 10 tiếng đồng hồ và bị khấu trừ 30% giá vé.
Từ ngày 10/12/2012, ga Sài Gòn sẽ bố trí 14 cửa vé để phục vụ nhu cầu của hành khách, trong đó bố trí 8 cửa bán vé trên lầu phục vụ hành khách mua vé Tết có phiếu đặt chỗ qua mạng vetau.com.vn, 6 cửa bán vé ở lầu 1 chỉ bán vé qua điện thoại giao vé tận nhà và bán vé phục vụ hành khách có nhu cầu đi từ nay đến ngày 24/01/2013 (tức ngày 13 tháng Chạp).
Theo Dantri
Lại một lời hứa quen Trong phiên thảo luận về đất đai, đã có một từ gây phản ứng gay gắt trong các phát biểu tại nghị trường. Không khó để nhận ra, đó là từ "thu hồi"... Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội không đồng tình với cụm từ thu hồi đất. Ảnh: VnEconomy Đã có gần hơn 1,2 triệu đơn thư khiếu tố, với gần...