Nên để Sở hay Trường chọn sách giáo khoa mới?
Làm sao dung hòa việc chọn sách của năm học 2020-2021 với năm học 2021-2022 để đem lại lợi ích thiết thực cho cả người dạy, người học?
Trước thông tin các trường tiểu học sẽ chọn sách giáo khoa mới cho trường mình trong năm học 2020 – 2021, dư luận đã có nhiều băn khoăn về việc: làm sao đọc được 32 đầu sách để chọn; mỗi trường chọn một loại sách, học sinh khi chuyển trường, kiểm tra đề chung làm sao; chọn sách như thế sẽ gây lãng phí v.v…
Năm học 2021 – 2022 khi Luật Giáo dục mới có hiệu lực, việc chọn sách thuộc quyền Uỷ ban nhân dân tỉnh phụ trách, một tỉnh sẽ chọn một bộ sách thống nhất.
Làm sao dung hòa việc chọn sách của năm học 2020-2021 với năm học 2021-2022 để đem lại lợi ích thiết thực cho cả người dạy, người học?
Nói khó là khó, nói không khó thì phải tìm ra giải pháp, tạo sự thống nhất cao nhất trên một tỉnh ngay từ năm học 2020 -2021, làm nền tảng cho việc chọn sách năm học 2021 -2022.
Đơn giản nhất, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phải nhập cuộc ngay quá trình chọn sách năm học tới.
Việc chọn sách giáo khoa đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm. (Ảnh minh họa: Dangcongsan.vn)
Nhập cuộc như thế nào?
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cụ thể tiêu chí để lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với địa phương. Tiêu chí phải: Phù hợp với đăc điêm kinh tế – xã hội của địa phương; phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.
Video đang HOT
Để có bộ tiêu chí này, Sở Giáo dục và Đào tạo cần tổ chức hội thảo, góp ý xây dựng chi tiết, người tham gia cần phải có các Phòng Giáo dục và Đào tạo, đại diện các trường học tiêu biểu trên địa bàn; các giáo viên cốt cán; giáo viên có tâm huyết với nghề.
Khi có bộ tiêu chí, cần tổ chức hội thảo sách giáo khoa mới. Thành phần tham gia hội thảo này cần mở rộng về phạm vi, số lượng; người tham gia hội thảo có thể là thành phần dự kiến trong hội đồng chọn sách giáo khoa của mỗi trường.
Khi giáo viên, cán bộ quản lý đã được tham gia hội thảo có cùng tiêu chí, cùng quan điểm lựa chọn sách giáo khoa thì việc chọn sách sẽ khách quan và có tính thống nhất cao trong cả tỉnh.
Phòng Giáo dục và Đào tạo thống kê lựa chọn của các trường, tổng hợp và báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo.
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ cần thống kê lựa chọn của các Phòng Giáo dục và Đào tạo, tìm ra bộ sách có nhiều lựa chọn nhất; giới thiệu bộ sách đó đến các trường; nếu trường nào chọn không đúng, có thể cân nhắc lại, chọn cho phù hợp.
Trên cơ sở tôn trọng ý kiến địa phương; thế nhưng các trường cũng có thể xem xét lại để có lựa chọn phù hợp nhất cho địa phương mình.
Để đảm bảo khách quan, tránh lợi ích nhóm, “đi đêm” giữa nhà xuất bản với Sở Giáo dục và Đào tạo hay Phòng Giáo dục và Đào tạo, mọi thông tin cần minh bạch trên website của các Trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo.
Một số địa phương đã thực hiện quy trình này, cụ thể Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đã có công văn Số: 2367/SGDDT-MNTH, ngày 3/12 về việc dự hội thảo giới thiệu sách giáo khoa lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, sau khi đã có cuộc họp với các lãnh đạo chủ chốt Phòng Giáo dục và Đào tạo, giáo viên cốt cán tiểu học các phòng Giáo dục và Đào tạo.
Nếu chúng ta đã có tiềm lực kinh tế, không phải cân nhắc tái sử dụng sách giáo khoa, chống lãng phí thì việc mỗi trường chọn một bộ sách giáo khoa nhiều khi là cơ hội để bộ sách giáo khoa tốt nhất có thể phát triển theo quy luật chọn lọc.
Tuy nhiên, với điều kiện hiện nay, việc chọn sách giáo khoa để tránh lãng phí, tạo tiền đề cho việc chọn sách theo Luật Giáo dục mới; mỗi sở Giáo dục và Đào tạo của các tỉnh cần thống nhất cao nhất về tiêu chí chọn sách của địa phương mình là một việc phải làm; nếu thống nhất cao, có thể mỗi sở Giáo dục và Đào tạo nên chọn một bộ sách lớp 1 trong năm học 2020 – 2021.
Sơn Quang Huyến
Theo giaoduc.net
Chỉ có 2 tháng để lựa chọn sách giáo khoa mới
Hạn cuối đến ngày 31-3-2020, các trường phải lựa chọn xong sách giáo khoa để các nhà xuất bản in, phát hành và tập huấn cho giáo viên.
Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa (SGK), các trường sẽ có hai tháng để đọc, đánh giá và lựa chọn các bản SGK để sử dụng cho trường mình trong năm học 2020-2021.
Tháng 2-2020, các trường mới có bản mẫu SGK
Cuối tháng 11 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố 32 cuốn SGK lớp 1 của tám môn học được biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Sau đó, vào đầu tháng 12, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông, lấy ý kiến trước khi ban hành để triển khai SGK cho chương trình mới từ năm học 2020-2021. Các góp ý gửi về bộ đến hết ngày 30-1-2020. Như vậy, phải đến đầu tháng 2-2020, Bộ GD&ĐT mới chính thức công bố thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK.
Theo nội dung dự thảo thông tư, các trường phải công khai danh mục SGK được lựa chọn để sử dụng và niêm yết tại cơ sở trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất từ năm tháng. Nhiều ý kiến lo ngại hiện tại các trường chưa được tiếp cận SGK thì làm sao có thể chọn lựa, thành lập hội đồng nghiên cứu lựa chọn sách.
PGS-TS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Giám đốc dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, cho biết sau khi công bố thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK vào đầu tháng 2-2020, các trường sẽ nhận được các bản mẫu SGK đã được bộ phê duyệt và tiến hành lựa chọn.
Các trường sẽ có hai tháng để lựa chọn SGK. Đến ngày 31-3, các trường phải công bố các SGK đã lựa chọn. Sau đó, nhà xuất bản (NXB) có SGK lớp 1 được lựa chọn sẽ tiến hành in, phát hành và phối hợp tập huấn sử dụng SGK cho các giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020-2021.
"Bộ đã tính toán rất kỹ rồi, các mốc thời gian và các đầu việc phải hoàn thành trước khi năm học mới diễn ra, đảm bảo có SGK cho thầy cô và các em học sinh. Các NXB có nhà in trên khắp cả nước chứ không phải in một chỗ rồi chuyển. Hệ thống phát hành tỉnh nào cũng có" - ông Thành nhấn mạnh.
NXB Giáo dục giới thiệu các bản mẫu SGK. Ảnh: AH
Mỗi tổ bộ môn chỉ đọc 4-5 cuốn sách giáo khoa
Trước một số ý kiến lo lắng về việc các trường chỉ có hai tháng để đọc 32 cuốn SGK rồi lựa chọn, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết: "32 cuốn SGK là của tất cả môn học, chia ra mỗi tổ bộ môn chỉ có 4-5 cuốn rồi chọn".
Cũng theo ông Thành, mỗi cuốn sách có cách thức tổ chức riêng nhưng đều đảm bảo cấu trúc cơ bản là mở đầu, đọc hiểu, luyện tập... Điều các thầy cô cần quan tâm là ngữ liệu sách để tổ chức hoạt động học tập cho học sinh bao gồm kênh chữ và kênh hình.
"Các thầy cô không phải nghiên cứu tất cả bài trong sách mà thông qua vài bài học minh họa, tổ bộ môn có thể phân tích được sự phù hợp với phương pháp dạy học, tổ chức dạy và học của địa phương và của trường" - ông Thành cho biết.
Chậm công bố SGK môn tiếng Anh
Lý giải về sự chậm công bố SGK tiếng Anh lớp 1, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT), cho biết trong chương trình lớp 1 có hai môn tự chọn là môn tiếng dân tộc và môn tiếng Anh.
Bộ đã công bố SGK những môn học bắt buộc, sau đó mới công bố môn tự chọn và những bản thảo SGK được thẩm định lại.
AN HIỀN
Theo PLO
Giáo viên và học sinh hiểu biết hơn ai hết về chất lượng của sách giáo khoa mới Khi triển khai đại trà chương trình giáo dục phổ thông mới vào các năm tới đây, vai trò và trách nhiệm của các thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp là rất to lớn. Báo Người lao động đưa tin, ngày 29/11, Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ...