Nên chọn trường ĐH thấp điểm hơn, học liên thông hay thi lại?
Điểm thi vào của các trường Đại học lần lượt được công bố, có người vui kẻ buồn. Nhiều thì sinh còn đang “cân não” suy nghĩ có nên tiếp tục ôn luyện khi rớt đại học hay đi bằng con đường khác?
Ức nhất là điểm khá mà vẫn rớt
Tùy theo lực học của mình, mà mỗi người chọn trường và con đường đi riêng. Mặc dù năm nay điểm sàn tương đối không cao nhưng vẫn có hàng trăm, hàng ngàn thí sinh rớt vì thiếu 0,5 điểm. Đây cũng có thể coi là chuyện thường hàng năm. Nhưng năm nào cũng vậy, thiếu ít điểm, nhiều thí sinh cân não tìm trường hay suy tính đến chuyện quyết thi đại học vào năm sau.
Như trường hợp của anh chàng P (thí sinh trường Đại học ngoại thương) chẳng hạn. Cậu bạn học lực khá, nhưng quyết tâm thi vào Ngoại thương vì đó là trường P mơ ước lâu nay. Nhưng thật chẳng may, bước chân vào giảng đường đại học của P bị cản lại vì… thiếu 0,5 điểm. Bạn bè nhiều người khuyên P nộp nguyện vọng 2 sang trường lấy thấp điểm hơn, thậm chí chọn ngành lấy thấp điểm để đậu đại học. Nhưng bản thân P thì anh chàng không thể quyết định được: “Từ bỏ mơ ước hay dốc sức thử một lần nữa vào năm sau?”
Nếu thiếu hẳn 1 điểm, hay một vài điểm, thì rớt trường mình mơ ước cũng bớt ấm ức. Nhưng nếu thiếu 0,5 điểm, thì sẽ có nhiều thí sinh tiếc hùi hụi và đành não nề tìm trường NV2. Bên cạnh đó, một số thí sinh thì đau đầu nhức óc chuyện nộp tiếp hồ sơ vào những trường lấy điểm thấp hơn, nhưng vẫn là đại học, hay nộp hồ sơ vào cao đẳng tại trường “xịn”?
Video đang HOT
Học một ngành hay trường mình không thích đôi khi là giải pháp cứu cánh cho nhiều người. Nhưng học mà không có đam mê thì kết quả học cũng chẳng đến đâu. Có không ít sinh viên đại học đã bỏ dở vì học… quá chán. Chán ở đây là do không đúng mơ ước của mình, chỉ cố xin vào trường khác để có bằng Đại học.
Thế nhưng vì thế mà bỏ luôn cái cơ hội cuối cùng để thi lại thì chẳng mấy người dám. Bởi ôn luyện cả một năm thì đòi hỏi sự quyết tâm và kiên nhẫn cực kì cao. Gian nan vất vả nhưng vẫn không thể chắc chắn hoàn toàn rằng năm sau mình thi sẽ đậu. Học hành quan trọng, nhưng cũng còn phụ thuộc ít nhiều những yếu tố khác như tâm lí, tính chủ quan và sự may mắn.
Không con đường nào là duy nhất
Đừng lo lắng hay phân vân, vẫn còn rất nhiều con đường lựa chọn khác.
Thực ra, chính cái áp lực phải học được trường đại học khiến nhiều bạn có quyết định sai lầm. Lúc kịp nhận ra thì không còn cơ hội để sửa chữa.
Như cô bạn M (thí sinh Đại học xã hội và nhân văn). Rớt đại học với số điểm khá, cô bạn M lao đao không biết nên lựa chọn như thế nào. Điểm thi vừa đủ điểm sàn đại học. Chắc chắn rằng nếu nộp nguyện vọng 2 vào trường lấy điểm thấp hơn thì sẽ… có cơ hội.
Thế nhưng khổ nỗi cái chuyên ngành Báo Chí – Truyền Thông mà M mơước từ bé lại không có nhiều trường đào tạo. Trường đào tạo thì lại lấy điểm cao, số khác thì nó chỉ là Cao đẳng. Thế là cô bạn quyết định nộp đơn vào một trường đủ điểm, học “đại” ngành Kinh tế.
Nghĩ là làm. Thay vì chọn trường cao đẳng để được học ngành mình thích, M tìm trường đại học lấy thấp điểm hơn rồi xin học ngành Quản trị kinh doanh. Học được hơn 1 năm, khi bắt đầu vào môn chuyên ngành thì M mới cảm thấy thật sự chán nản và ân hận. Nhìn mấy người bạn cùng thi đang được học ngành mình thích M lại càng buồn hơn. Giá như không phải vì cái mác “sinh viên đại học”, có lẽ M đã được theo đuổi mơ ước.
Thực tế, hiện nay rất nhiều trường cao đẳng có liên thông lên đại học tại trường, hay liên thông với những trường khác. Nếu học trái chuyên ngành, để rồi bỏ dở hay chỉ để có tấm bằng không biết có sử dụng không thì thật lãng phí thời gian và tiền của.
Nhiều thí sinh đã chọn đi những con đường khá dài, nhưng do có ước mơ và niềm tin, họ vẫn đi được đến đích. Họ có thể bắt đầu từ những trường trung cấp, rồi tiếp tục học liên thông lên cao đẳng, đến là đại học, rồi thạc sĩ.
Đừng vì cái mác sinh viên đại học mà bỏ dở ước mơ hay cố rẽ một lối khác. Dù đi con đường nào, thì quan trọng nhất vẫn là quyết tâm và ước mơ. Sai lầm một bước có thể bạn sẽ không quay đầu lại kịp.
Theo PLXH
Khổ như... sinh viên học liên thông
Theo phản ánh của nhiều sinh viên đang học liên thông từ trung cấp lên CĐ, CĐ lên ĐH, dù có thời khoá biểu tuần hẳn hoi nhưng nếu giảng viên bận,sinh viên vẫn phải chấp nhận một ngày tới trường "trắng tay".
Đơn cử như ở CĐ Phát thanh - Truyền hình 2 (quận 5, TPHCM), sinh viên lớp 09 LTBC, cho biết thường xuyên phải nghỉ học bất ngờ. "Lớp học buổi tối, có thời khóa biểu hẳn hoi, nhưng đến lớp mới được trường thông báo nghỉ học nguyên tuần. Chưa hết, sinh viên còn phải học dồn vào thứ 7, chủ nhật", một sinh viên trong lớp phản ánh.
Sinh viên lớp liên thông luôn bị động thời khóa biểu. (Ảnh minh họa)
Thế nhưng, theo lý giải của ông Cao Văn Trực, Trưởng phòng Đào tạo: trường không thể sắp theo lịch của sinh viên mà phải dựa vào thời gian biểu của giảng viên. Nếu giảng viên bận đột xuất hay vì một lý do nào đó thì sinh viên cũng phải chấp nhận nghỉ học.
Chuyện sinh viên các lớp liên thông luôn bị động với thời khoá biểu cũng xảy ra như cơm bữa tại nhiều trường khác. Anh Nguyễn Huy Hùng học liên thông khóa đầu tiên của ĐH Hùng Vương, cho biết: Khi thông báo tuyển sinh, nhà trường giới thiệu đây là lớp liên thông hệ đại học chính quy dành cho những người đã đi làm ít nhất một năm, học viên sẽ được chọn buổi học. "Nhưng khi nhận lớp thì trường xếp lịch học vào giờ... hành chánh. Vì thế, có người thi đậu nhưng phải bỏ học, có người muốn đi học thì phải nghỉ làm", anh Hùng bức xúc.
Chị Hoàng Oanh, sinh viên liên thông của một trường ĐH tại TPHCM thì tâm sự: "Mới đi học gần một năm mà tôi thấy mệt mỏi bởi giảng viên dạy liên thông toàn là thầy cô mới ra trường hoặc được mời nơi khác về nên không đủ kinh nghiệm giảng dạy. Trường cũng thường xuyên cho sinh viên nghỉ hay chuyển buổi học vì thầy cô bận công tác".
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Mai Bình, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Hùng Vương thông tin: năm 2008 trường tuyển sinh liên thông khoá đầu tiên với hai ngành Công nghệ thông tin và Du lịch. Đối với hệ liên thông, nếu đầu vào ít quá thì sinh viên phải học ghép lớp với hệ ĐH chính quy. Như năm 2009, ngành CNTT hệ liên thông chỉ tuyển được bốn sinh viên nên không thể mở riêng lớp được. Do đó, sinh viên phải chấp nhận theo dõi lịch học của ĐH chính quy để tham gia học các học phần.
Như vậy, với cách giải thích của lãnh đạo các trường này, trong thời gian tới sinh viên theo học chương trình liên thông vẫn phải tiếp tục chịu nhiều thiệt thòi. Song, băn khoăn lớn nhất của sinh viên các lớp liên thông là phải đóng học phí cao hơn lớp chính quy, nhưng đổi lại, sinh viên phải luôn trong trạng thái bị động về nhiều thứ từ lịch học, giảng viên...
Theo kênh 14