Nên bỏ quy định đuổi học
Một cơ hội để sửa chữa, một cơ hội để yêu thương và nhận lấy yêu thương, một cơ hội để được tha thứ…, đó là những gì các em học sinh nên được nhận.
Hiện nay các nhà trường đều áp dụng việc kỷ luật học sinh dựa vào thông tư 08 ban hành tháng 3-1988. Sau này, trong điều lệ trường trung học cũng có quy định về kỷ luật học sinh nhưng vẫn bám vào thông tư 08. Theo thông tư này thì các mức kỷ luật học sinh gồm có khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học 1 tuần và đuổi học 1 năm.
Nhiều thầy cô giáo, nhà quản lý giáo dục bày tỏ quan điểm nên sửa quy định kỷ luật theo hướng bỏ mức “đuổi học” mà thay thế bằng hình thức khác.
“Đuổi học là thô bạo”
Các mức kỷ luật trên đều quy định khá chung. Vì thế mỗi nhà trường cần có bộ quy định xử lý kỷ luật riêng cùng các biện pháp giáo dục đi kèm với hình phạt. Tuy nhiên, trên thực tế, rất ít trường quan tâm tới việc này một cách thấu đáo. Có một số trường đã vận dụng quy định “đuổi học” vội vã.
“Trừ những học sinh nghiện ma túy, mắc tội hình sự, còn những sai phạm khác đuổi học là thô bạo. Vì đuổi học sinh thì các em đi đâu? Ai sẽ tiếp tục giáo dục? Ai có trách nhiệm với những hành vi sai phạm của các em này sau khi bị đuổi học?” – ông Phan Trọng Ngọ, viện trưởng Viện nghiên cứu sư phạm ĐH Sư phạm Hà Nội, đặt vấn đề.
Video đang HOT
Một quyết định đuổi học một năm vì học sinh phạm lỗi vô lễ với giáo viên và sử dụng điện thoại trong giờ học – Ảnh: V.H.
Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm – hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, có những lớp có tới 50% học sinh cha mẹ ly tán hoặc phải sống xa cha mẹ. Nếu đuổi học, nếu chỉ áp dụng những chế tài lạnh lùng, cứng nhắc mà không tìm hiểu hoàn cảnh, nguyên nhân khiến học sinh mắc lỗi thì các em sẽ không phục, không thay đổi. “Trả về gia đình, trả về địa phương là cách làm phủi sạch trách nhiệm” – thầy Lâm nhận xét.
ThS Hà Hữu Thạch – hiệu trưởng Trường THPT Giồng Ông Tố (Q.2, TP.HCM) – cho rằng khi một học sinh bị đuổi học là nhà trường đã không thành công trong việc giáo dục. Ông Thạch nói vào đầu năm học, trường sẽ phổ biến những điều học sinh cần lưu ý để tránh bị kỷ luật. Trường cũng giải thích những từ ngữ trong thông tư 08 như “phạm lỗi có hệ thống” là như thế nào cho học sinh hiểu. “Trường vẫn áp dụng thông tư 08 về kỷ luật học sinh ban hành năm 1988 của Bộ GD-ĐT. Việc xử lý kỷ luật học sinh là do trường vận dụng theo hướng uốn nắn, giáo dục các em. Trường chưa bao giờ áp dụng hình thức đuổi học một năm với học sinh, nhưng tôi nghĩ rằng điều này vẫn cần thiết với những học trò phạm lỗi nặng, nhiều lần và cần có sự hỗ trợ giáo dục của gia đình, địa phương” – thầy Thạch nói.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Đình Thịnh – hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) – cho rằng nên viết lại thông tư cho phù hợp hơn. “Giáo dục là một sự kiên trì – thầy Thịnh đưa ra quan điểm – Nhà trường như một xã hội thu nhỏ nên việc học sinh mắc lỗi này lỗi kia là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu xem học trò như con, những người ở trường là cha mẹ thì dù con lỗi lầm gì đi chăng nữa cha mẹ cũng không thể từ con. Đó là chưa kể cứ mười em phạm vào lỗi bị đuổi học thì chín em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt. Để các em ở nhà một năm, các em sẽ làm gì, đi đâu và năm sau vào trường các em có học được nữa hay không?”. Thầy Nguyễn Minh Triết – hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Hóc Môn, TP.HCM) – cũng cho rằng không nên quá cứng nhắc trong xử lý kỷ luật học sinh, đặc biệt là với những lỗi phải đuổi học. Theo thầy Triết, “cần quy định lại việc xử lý kỷ luật học sinh cho phù hợp hơn”.
Có nhiều cách kỷ luật tích cực, nhẹ nhàng hơn
Cô Hà Thanh, phó hiệu trưởng phụ trách đạo đức Trường THPT Trương Định, Hà Nội, nhận xét: học sinh phạm lỗi nặng phải ra hội đồng kỷ luật nhà trường không nhiều, trong khi học sinh phạm lỗi nhẹ hơn thì phổ biến nhưng lại không có chế tài xử lý. Cô Thanh ví dụ việc học sinh nói xấu thầy cô không phải hi hữu, nhưng chỉ thành to chuyện khi được tung lên mạng như trường hợp em học sinh ở Quảng Nam. Tuy nhiên, không phải cứ chờ đến khi các em đưa lên mạng mới xử lý theo kiểu cực đoan là đuổi học mà cần có biện pháp linh hoạt, mềm dẻo và kiên trì trong cả quá trình, từ khi các em mới chỉ mắc lỗi nhỏ.
Theo cô Hà Thanh, Trường Trương Định đang duy trì rất nhiều hình thức kỷ luật học sinh như cho học sinh mắc lỗi quét sân trường, chăm sóc vườn trường, cạo bã kẹo cao su bám ở hành lang, hoặc tham gia một đợt lao động trong dịp nghỉ hè…”Có hôm thấy các em quét sân trường không đúng cách, tôi trực tiếp hướng dẫn. Cách phạt học sinh như thế vừa để các em hiểu cần phải trả giá cho việc làm sai của mình nhưng cũng không khiến các em thấy bị tổn thương, bị dồn đến đường cùng. Đã có em làm được bài văn rất xúc động từ chính đợt “phạt lao động” của mình” – cô Hà Thanh chia sẻ
Cô Đặng Ngọc Trâm, phó hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, cho biết: “Có em học sinh nổi tiếng quậy phá, vô kỷ luật của Trường Đinh Tiên Hoàng đã được giáo viên chủ nhiệm “phạt” bằng cách cử em làm “ sao đỏ” với vai trò kiểm tra, nhắc nhở kỷ luật các bạn. Chỉ một thời gian sau em học sinh này không những không quậy phá mà thay đổi rất nhiều về thái độ học tập, nề nếp”.
Theo Vĩnh Hà – Hồ Ngọc – Hà Bình (Tuổi Trẻ)
Trường cho phép nữ sinh "chống phá kỳ thi trên Facebook" đi học lại
Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) đã có quyết định cho em Nguyễn Thanh Vy, nữ sinh trong vụ "chống phá kỳ thi trên Facebook" được đi học trở lại.
Quyết định vừa được đưa ra sau cuộc họp tại trường của Hội đồng kỷ luật nhà trường, Đoàn trường, Đoàn phường An Xuân, nơi em Vy cư trú và học sinh Vy chiều 14/1. Theo đó, nhà trường thu hồi kỷ luật đuổi học 1 năm đối với em Vy, cho phép em Vy đi học lại, và vẫn giữ nguyên quyết định kỷ luật cảnh cáo toàn trường.
Ông Nguyễn Tấn Sỹ - hiệu trưởng nhà trường, đại diện Hội đồng kỷ luật nhà trường cho phép em Vy đi học lại, và vẫn giữ kỷ luật cảnh cáo toàn trường.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Sỹ - Hiệu trưởng nhà trường vẫn giữ quan điểm "Việc Hội đồng kỷ luật nhà trường trước đó quyết định kỷ luật đuổi học 1 năm đối với học sinh Vy là đúng quy định". Chính học sinh trong biên bản cam đoan không tái phạm lỗi như vừa qua, cũng nhận thấy nhà trường kỷ luật em như vậy là đúng.
Song theo ông Sỹ, hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Vẫn có câu đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại, còn nước thì còn tát. Tình thương của người thầy, người cô đối với học sinh của mình là không thay đổi.
Hội đồng kỷ luật nhà trường họp lại quyết định cho em Vy đi học trở lại, nhưng em Vy và gia đình phải cam đoan rằng gia đình chung sức với nhà trường quản giáo con em chặt chẽ hơn, học sinh chăm lo học tập, phải cam đoan là không tái phạm nữa. Chứ kỷ luật trường học không phải muốn làm sao thì làm rồi cũng được khoan dung".
Tại cuộc họp, đại diện Đoàn phường An Xuân và Đoàn trường THCS Lý Tự Trọng cũng đã đọc cam kết bão lãnh cho em Vy, và sẽ quan tâm đến học sinh này nhiều hơn ở địa phương, cũng như ở trường học, không để xảy ra vụ việc như vừa qua một lần nữa.
Theo tờ trình bão lãnh em Vy của Đoàn phường An Xuân: "Hành vi của em Vy bắt nguồn từ sự nông nổi, bồng bột của tuổi mới lớn. Bản thân em chưa nhận thức hết được hành vi vi phạm của mình. Bên cạnh đó, nguyên nhân một phần cũng do sự thiếu trách nhiệm trong việc chăm lo giáo dục con em của gia đình, địa phương, mà tròng đó có tổ chức Đoàn thanh niên. Ban Chấp hành Đoàn phường cam kết chịu trách nhiệm về việc bảo lãnh này và các vấn đề liên quan khi em Vy được nhà trường cho phép đi học lại, trong thời gian năm học 2012-2013".
Khánh Hiền - Phú Đông
Theo dân trí
Vụ "chống phá kỳ thi" trên Facebook: Sở GD-ĐT sẽ xem xét lại vụ việc Cha mẹ học sinh này có đơn xin cứu xét sau khi trường ra quyết định cho nghỉ học 1 năm song cuộc họp sau đó vẫn giữ mức kỷ luật này. Hội đồng Kỷ luật Trường THCS Lý Tự Trọng, TP Tam Kỳ - Quảng Nam ngày 8/1 cho biết đã đuổi học 1 năm đối với học sinh Nguyễn Thanh Vy,...