Nên bỏ phương thức xét tuyển không hiệu quả
Từ thành công trong công tác tuyển sinh năm 2022, đại diện các cơ sở GD đại học đề xuất, năm 2023 không nên thay đổi Quy chế tuyển sinh ĐH.
Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức. Ảnh: NTCC
Tuy nhiên, nên loại bỏ các phương thức xét tuyển không phù hợp và rút ngắn thời gian thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng.
Hoàn thiện quy trình tuyển sinh
Ghi nhận và đánh giá cao kết quả công tác tuyển sinh đại học năm 2022, TS Dương Tôn Thái Dương – Phó ban Đào tạo, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh – nhìn nhận, điểm nhấn trong công tác này là ứng dụng công nghệ thông tin toàn diện; trong đó có lọc ảo chung tất cả phương thức xét tuyển và thí sinh chỉ đỗ 1 nguyện vọng duy nhất. Quy định này đã khắc phục tình trạng thí sinh cùng trúng tuyển nhiều trường như những năm trước.
Có thể nói, công tác tuyển sinh năm 2022 đã thành công trên các phương diện với nhiều điểm sáng. Từ thành công này, TS Dương Tôn Thái Dương đề xuất, Quy chế tuyển sinh năm 2023 nên kế thừa, phát huy và giữ ổn định như năm nay. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện phần mềm theo hướng thân thiện hơn, tạo thuận lợi cho thí sinh và các trường trong quá trình tuyển sinh.
Đồng quan điểm, TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) – trao đổi: Hiện, chúng ta chỉ dừng lại lọc ảo với thí sinh trúng tuyển vào các trường theo phương thức xét tuyển sớm. Tuy nhiên, điểm trúng tuyển được các trường công bố từ trước đó, dẫn đến tỷ lệ ảo ở phương thức này cao hơn. Do đó, năm 2023 cần tính toán để giảm tỷ lệ thí sinh ở phương thức xét tuyển sớm.
Nhấn mạnh, năm 2023 Bộ GD&ĐT giữ ổn định công tác tuyển sinh, TS Võ Thanh Hải cho rằng, trong phần mềm cần đồng nhất cơ sở dữ liệu để hội đồng tuyển sinh của các trường cập nhật thuận tiện hơn. Ngoài ra, đẩy tiến độ xét tuyển lên sớm hơn, nên trở lại lịch tuyển sinh của những năm trước khi có dịch Covid-19. Việc này nhằm giúp nhà trường kịp tổ chức khai giảng năm học mới vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 và không ảnh hưởng đến cấu trúc đào tạo tín chỉ của năm kế tiếp.
Nhắc lại năm 2022 có khoảng 20 phương thức xét tuyển, lãnh đạo Trường ĐH Duy Tân cho hay, nhiều phương thức không phát huy hiệu quả. Thực tế, thí sinh vẫn chủ yếu nhập học bằng kết quả tuyển sinh theo phương thức xét học bạ THPT và kết quả thi tốt nghiệp THPT. “Tỷ lệ thí sinh nhập học bằng phương thức này hơn 88%” – TS Võ Thanh Hải thông tin và cho rằng, việc có quá nhiều phương thức xét tuyển cũng khiến thí sinh bị rối và các trường gặp một số khó khăn nhất định trong quá trình xét tuyển.
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh: TG
Nâng cấp phần mềm
Video đang HOT
Từ thực trạng trên, TS Võ Thanh Hải đề xuất, nên chăng giới hạn lại một số phương thức xét tuyển không hiệu quả, tạo thuận lợi cho thí sinh khi lựa chọn đăng ký phương thức xét tuyển. Mặt khác, tránh những nhầm lẫn, sai sót không đáng có khi các em đăng ký xét tuyển.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch – Trưởng ban Quản lý đào tạo, Học viện Tài chính – bày tỏ, Quy chế tuyển sinh đại học năm 2023 cần được giữ ổn định trong thời gian trung hạn nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh và các cơ sở đào tạo. Nếu có điều chỉnh kỹ thuật cũng cần công bố sớm để các trường và thí sinh chủ động.
Theo TS Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT, cần xem xét lại những gì Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung làm được theo nguyên tắc chuyển đổi số thì chúng ta làm. Thí sinh đăng ký cung cấp những thông tin cần thiết. Hệ thống tự động chọn phương thức nào có lợi nhất cho thí sinh. Trên cơ sở đó, cơ sở đào tạo cũng chọn được thí sinh theo chỉ tiêu và chất lượng đặt ra.
Tại cuộc họp giao ban quý IV/2022 về công tác tuyển sinh và đào tạo khối đại học và CĐ sư phạm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, sẽ lưu ý để làm sao dữ liệu phần mềm trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung kết nối với hệ thống xét tuyển của các trường bảo đảm tính liên thông. Dự kiến năm 2023 tổ chức đăng ký xét tuyển nguyện vọng sớm hơn; cố gắng hoàn thành trong tháng 8 để các trường có thể khai giảng vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9.
Theo Thứ trưởng, năm 2023 Bộ GD&ĐT dự kiến không ban hành Quy chế tuyển sinh mới. Về cơ bản, công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo giữ ổn định như năm 2022, đồng thời tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của cơ sở đào tạo và thí sinh trong quá tình xét tuyển. Do đó, các đơn vị cần chủ động, khẩn trương xây dựng Quy chế tuyển sinh của mình.
Trao đổi về dự kiến phương hướng công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) – cho hay, Bộ tiếp tục chỉ đạo và thực hiện nâng cấp, bổ sung thêm chức năng cần thiết khác của phần mềm; nâng cấp đường truyền hệ thống, tăng cường các giải pháp để kiểm tra thông tin thí sinh nhập lên hệ thống nhằm giảm thiểu sai sót, nhầm lẫn.
Cùng với đó, Bộ GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo rà soát các phương thức xét tuyển hiệu quả, loại bỏ (không sử dụng) phương thức không phù hợp, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh.
Bộ cũng rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh, kế hoạch tuyển sinh; trong đó có thể xem xét không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022 (trừ các trường đặc thù), mà tất cả phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT – tuyển sinh đợt 1 và rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1.
Theo PGS.TS Trần Trung Kiên – Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nên rút ngắn thời gian đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển của thí sinh để các trường có thể tổ chức nhập học và kịp khai giảng vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9. Bởi việc xét tuyển muộn quá có thể cơ hội sẽ “hẹp” đi với thí sinh.
Phổ điểm cho thấy cạnh tranh giành 'vé' vào đại học sẽ quyết liệt
Các chuyên gia dự đoán, với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ có cạnh tranh quyết liệt để giành 'vé' vào đại học.
Ảnh minh họa
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022
Thí sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2022
Không chủ quan đăng ký 1 nguyện vọng
TS Võ Thanh Hải - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) - thông tin: Thống kê từ đề án tuyển sinh của các trường đại học cho thấy, có khoảng 180 tổ hợp môn xét tuyển đại học. Tuy nhiên, trên 95% các trường vẫn xét tuyển với các tổ hợp truyền thống nên thí sinh hoàn toàn yên tâm, không lo mất cơ hội.
Từ phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT, TS Võ Thanh Hải nhận xét, môn Sinh học và tiếng Anh có nhiều thí sinh đạt điểm dưới trung bình nên dự báo các tổ hợp xét tuyển có những môn này điểm chuẩn đầu vào sẽ giảm. Tuy nhiên, phổ điểm môn Lịch sử cao nên các tổ hợp xét tuyển có bài thi môn này sẽ tăng hơn so với năm ngoái.
"Nhìn chung, so với năm 2021 điểm chuẩn vào các trường đại học theo các tổ hợp truyền thống không có nhiều biến động. Có chăng, sự biến động dao động ở mức 0,5 - 0,75 điểm" - TS Võ Thanh Hải nhận xét, đồng thời cho rằng, biểu đồ phổ điểm tập trung ở mức điểm từ 18-26 điểm - khoảng 94 - 97%. Do đó, sự cạnh tranh để giành "vé" vào đại học sẽ quyết liệt.
Cũng theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, năm nay, các trường có thể sẽ phải sử dụng đến tiêu chí phụ để xét tuyển và tiêu chí này sẽ ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh của thí sinh. Vì vậy, thí sinh cần đọc kỹ đề án tuyển sinh của trường mà mình đăng ký xét tuyển; trong đó đặc biệt lưu tâm đến tiêu chí phụ.
Năm nay, Bộ GD&ĐT cho phép các trường xét tuyển sớm. Ước tính, còn khoảng 50% chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Do đó, nhìn tổng thể, điểm chuẩn trúng tuyển năm nay có xu hướng tăng lên. Vì số chỉ tiêu giảm, mức điểm không thay đổi lớn.
Đây là điểm mà thí sinh cần lưu ý, cần khi đăng ký xét tuyển, tuyệt đối không chủ quan chỉ đăng ký xét tuyển vào 1 nguyện vọng (trừ những thí sinh đã trúng tuyển có điều kiện và xác định đó là ngành học mình sẽ xác nhận nhập học).
Với những thí sinh bắt đầu "chiến dịch" đăng ký xét tuyển, các em nên đặt từ 3-4 nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển đại học cho mình. "Tôi tin, các em sẽ có chiến thuật đăng ký xét tuyển nguyện vọng hợp lý, nhất là với những thí sinh đạt điểm cao; đừng để xảy ra trường hợp đáng tiếc là: học giỏi, điểm cao vẫn trượt đại học" - TS Võ Thanh Hải bày tỏ.
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022
Mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất
Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội), kết quả Kỳ thi THPT có ý nghĩa quan trọng, nhằm đạt được mục tiêu đánh giá để học sinh có thể tốt nghiệp THPT theo chương trình đã định ra. Bên cạnh đó, chúng ta đánh giá chỉ số về giáo dục, các địa phương, các vùng miền. Từ đó có những điều chỉnh đánh giá phù hợp.
Về cơ bản tất cả các môn, phổ điểm đều vẫn giữ ổn định, tỉ lệ điểm 8 vẫn như năm trước. Nhưng đặc biệt năm nay kết quả môn Lịch sử tốt hơn và môn Tiếng Anh có sự tính toán, điều chỉnh phù hợp, sát hơn với tình hình năng lực, kiến thức của học sinh về môn tiếng Anh năm nay. Như vậy, những điều được dư luận phản ánh cũng được tiếp thu.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nhìn nhận, điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ có sự chênh lệch. Đối với từng môn học, khoảng chênh lệch là 1 điểm - khoảng cho phép, phù hợp. Nhưng nếu 3 điểm trên 3 đầu môn thi trong một tổ hợp thì chênh lệch đến 3 điểm khác nhau.
"Rõ ràng điểm thi và điểm xét học bạ là hai điểm hoàn toàn khác nhau. Do đó, sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào đại học sẽ sát hơn và tốt hơn" - GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nêu ý kiến, đồng thời cho rằng, phổ điểm như năm nay sẽ rất hiếm hoặc sẽ không xảy ra hiện tượng 30 điểm vẫn trượt đại học, vì có sự phân hóa tốt ở ngưỡng điểm tuyệt đối. "Tôi cho rằng, đó là sự điều chỉnh rất phù hợp"- GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nêu quan điểm.
Nhắc lại, từ ngày 22/7/2022 đến 17 giờ 00 ngày 20/8/2022, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng không giới hạn số lần; GS.TS Nguyễn Đình Đức tư vấn: Việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đối với các phương thức xét tuyển phải thực hiện theo hình thức trực tuyến trên Hệ thống hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Thí sinh sử dụng tài khoản đã được cấp để xử lý thông tin (nhập, sửa, xem) thông tin của thí sinh trên Hệ thống. Các nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành, các phương thức tuyển sinh ở tất cả các trường được xếp thứ tự từ 1 đến hết (nguyện vọng 01 là nguyện vọng cao nhất).
Tất cả các nguyện vọng của thí sinh theo các phương thức xét tuyển của trường được xử lý nguyện vọng trên Hệ thống và mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký và đủ điều kiện trúng tuyển.
Thí sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2022
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học nhấn mạnh, Quy chế tuyển sinh năm nay ghi rất rõ về nguyên tắc công bằng với thí sinh. Theo đó, mỗi em được cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng, tin cậy, nhất quán và kịp thời để có quyết định phù hợp và chuẩn bị tốt nhất cho việc tham gia tuyển sinh.
"Không thí sinh nào bị mất cơ hội dự tuyển do những quy định không liên quan tới trình độ, năng lực (trừ những quy định của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng mang tính đặc thù); hoặc do quy trình tuyển sinh gây phiền hà, tốn kém" - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy khẳng định, đồng thời nhấn mạnh: Thí sinh phải được đánh giá khách quan, công bằng và tin cậy về khả năng học tập và triển vọng thành công, đáp ứng yêu cầu của chương trình và ngành đào tạo.
Về cơ hội trúng tuyển, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho hay: Thí sinh được tạo cơ hội trúng tuyển cao nhất và quyền xác định nguyện vọng ưu tiên trong số những chương trình, ngành đào tạo đủ điều kiện trúng tuyển. Cơ sở đào tạo phải thực hiện các cam kết đối với thí sinh; tư vấn, hỗ trợ và giải quyết khiếu nại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dự tuyển trong những trường hợp rủi ro.
Bộ GD&ĐT đề nghị các trường đại học bỏ bớt phương thức tuyển sinh gây nhiễu Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin, mùa tuyển sinh 2023, Bộ sẽ hướng dẫn các trường rà soát, loại bỏ phương thức xét tuyển không phù hợp gây nhiễu hệ thống, vướng mắc cho thí sinh. Thông tin được đưa ra trong giao ban tuyển sinh quý IV giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) với các trường đại học,...