NASA làm rõ bí ẩn vật thể bay quanh Trái Đất
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ thông báo vật thể bí ẩn đang bay quanh Trái Đất không phải thiên thạch như nghi ngờ ban đầu mà là tên lửa được khai hỏa 54 năm trước.
Phòng thí nghiệm Động cơ đẩy Phản lực, thuộc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA), thông báo họ đã nhận diện được vật thể lạ ngoài vũ trụ di chuyển theo quỹ đạo bên ngoài Trái Đất. Vật thể này được phát hiện từ tháng 9.
Ban đầu các nhà khoa học xếp nó vào nhóm Vật thể cận Trái Đất (NEO), có khả năng là thiên thạch và được đặt tên là 2020 SO.
Tuy nhiên, chuyên gia thiên thạch hàng đầu NASA, ông Paul Chodas, nghi ngờ đây thật ra là tên lửa Centaur từ chương trình thám hiểm Mặt Trăng bất thành vào năm 1966, mang tên Surveyor 2.
Tên lửa Atlas-Centaur 7 tại điểm phóng tên lửa của NASA, mũi Canaveral, bang Florida, vào tháng 9/1966. Ảnh: AP.
Các phân tích quỹ đạo của 2020 SO cũng cho thấy vật thể này đến gần Trái đất một vài lần trong những thập kỷ qua, với lần gần nhất trùng năm 1966. Điều này cho thấy vật thể có khả năng xuất phát từ chính Trái Đất.
Những ước tính về kích thước vật thể khiến Chodas thêm tin vào giả thuyết của mình. Vật thể tương đương tên lửa Centaur cũ, dài khoảng 10 m và đường kính hơn 3 m.
Vishnu Reddy, nhà khoa học hành tinh tại Đại học Arizona, sau đó dẫn đầu một nhóm nghiên cứu quan sát quang phổ của 2020 SO. Họ sử dụng Cơ sở Kính viễn vọng Hồng ngoại (IRTF) của NASA trên núi Maunakea, Hawaii. Kết quả ban đầu cho thấy 2020 SO không phải là thiên thạch.
Reddy và các cộng sự tiếp tục phân tích cấu tạo 2020 SO và đối chiếu dữ liệu quang phổ của vật thể với vật liệu chế tạo tên lửa Centaur để chứng minh giả thuyết do Paul Chodas đặt ra.
Ngày 1/12, nhóm may mắn phát hiện thêm một mẫu tên lửa Centaur khác được phóng ra vũ trụ vào năm 1971 và đang bay gần Trái Đất.
Nhờ so sánh dữ liệu quang phổ thu thập từ mẫu tên lửa này với 2020 SO, Reddy cùng các cộng sự đã có thể tự tin xác nhận vật thể bí ẩn tiếp cận Trái Đất từ tháng 9 đến nay chính là những gì còn lại của tên lửa Centaur được phóng 54 năm trước.
2020 SO đến gần Trái Đất nhất vào ngày 1/12. Xác tên lửa tiếp tục duy trì quỹ đạo bay bên trong vùng trọng lực của Trái Đất (khoảng 1,5 triệu km quanh hành tinh) cho đến tháng 3/2021. Sau đó, nó sẽ thoát khỏi trường trọng lực và đi vào một quỹ đạo mới bay quanh Mặt Trời.
Phát hiện 'siêu Trái Đất' có thể tồn tại sự sống cách chúng ta 120 năm ánh sáng
Hai hành tinh mới phát hiện là TOI-1266 b và TOI-1266 c mất khoảng 11 và 19 ngày để hoàn thành một vòng quanh sao chủ.
Hai hành tinh là TOI-1266 b và TOI-1266 c vừa được phát hiện cách đây không lâu
Các nhà khoa học phát hiện ra hai hành tinh mới quay xung quanh sao lùn đỏ, trong đó có một hành tinh được ví như 'siêu Trái Đất' cách đây 120 năm ánh sáng.
Kết quả nghiên cứu mới đăng trên tạp chí khoa học Astronomy & Astrophysics (Thiên văn học & Vật lý thiên văn), một trong những tạp chí hàng đầu về thiên văn học trên thế giới, cho biết hai hành tinh mới TOI-1266 b và TOI-1266 c mất khoảng 11 và 19 ngày để hoàn thành một vòng quanh sao chủ.
Sao chủ của chúng nhỏ hơn Mặt Trời, lạnh hơn nên có thể xuất hiện chất lỏng trên bề mặt những hành tinh xung quanh.
Brice-Olivier Demory, người đứng đầu nghiên cứu cho biết: "Những hành tinh có kích thước trong khoảng giữa TOI-1266 b và c khá hiếm gặp, do ảnh hưởng của bức xạ mạnh từ ngôi sao làm xói mòn khí quyển của chúng".
Cụ thể, TOI-1266 b được coi là một "tiểu sao Hải Vương" do nó có kích thước gấp 2,5 Trái Đất và TOI-1266 c có kích thước gấp 1,5 lên Trái Đất, được xếp vào hàng "Siêu Trái Đất".
Mặc dù có kích thước khác nhau nhưng cả hai hành tinh đều có nhiệt độ tương tự nhau và có thể bao gồm các thành phần đá và kim loại. Các nhà khoa học đề xuất rằng chúng có thể có nước.
Đồng tác giả nghiên cứu Yilen Gómez Maqueo Chew cho biết việc nghiên cứu hai loại hành tinh khác nhau trong cùng một hệ thống là cơ hội tốt để hiểu rõ hơn về cách các hành tinh có kích thước khác nhau hình thành như thế nào.
Nhờ vào kính thiên văn SAINT-EX đặt tại Mexico, các nhà nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu và khám phá ra hành tinh mới.
Trước đó, vào tháng 8/2019, vệ tinh khảo sát ngoại hành tinh quá khổ của NASA phát hiện ra một siêu hành tinh Trái Đất cách chúng ta khoảng 31 năm ánh sáng có thể cho là ở được.
Đầu tháng này, các nhà nghiên cứu đã xác định được 24 'hành tinh siêu sống' là một dạng ngoại hành tinh có thể phù hợp hơn Trái đất cho sự xuất hiện và tiến hóa của sự sống.
Tính đến tháng 9/ 2018, NASA phát hiện hơn 4.500 ngoại hành tinh, khoảng 50 hành tinh trong số đó 'có khả năng sinh sống được'. Chúng có kích thước và quỹ đạo phù hợp với ngôi sao chủ để nướccó thể tồn tại trên bề mặt, về mặt lý thuyết là hỗ trợ cuộc sống.
Phát hiện mới về năng lượng tối bí ẩn đang gây ra sự giãn nở của vũ trụ Trong quá trình tính toán có bao nhiêu vật chất trong vũ trụ, các nhà thiên văn học đã phát hiện ra, 2/3 vũ trụ được tạo thành từ 'năng lượng tối' bí ẩn. Một nhóm các nhà khoa học đã đạt được một thành quả lớn về nghiên cứu thiên văn học khi có thể tính toán được toàn bộ lượng vật...