Nàng Trinh – cô học trò đặc biệt của tộc người B’râu
Sinh ra trong một gia đình nghèo, cha bị tai biến mạch máu não, mẹ quanh năm bám rẫy nên cô bé Nàng Trinh (12 tuổi, dân tộc B’râu) sớm phải lao động giúp gia đình từ khi lên 7 tuổi. Vất vả là vậy nhưng Nàng Trinh luôn học giỏi với ước mơ làm cô giáo.
Nằm ở vùng biên giới nơi con gà gáy cả 3 nước đều nghe rõ, tộc người B’râu (làng Đắk Mế, xã Bờ Y, Ngọc Hồi, Kon Tum) là một trong những dân tộc ít người nhất ở Việt Nam với vỏn vẹn 425 người (116 hộ) sống tập trung tại làng Đắk Mế. Chính vì vậy, cuộc sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề giao tiếp với xã hội vẫn còn là thách thức lớn khi nhiều người dân trong làng vẫn chưa thông thạo tiếng phổ thông. Tuy nhiên, với cô học trò nhỏ bé Nàng Trinh thì ngược lại: “Kĩ năng giao tiếp của Trinh rất tốt, em rất nhạy bén trong các công việc mà giáo viên triển khai… trong khi em lại là một trong những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” – cô Nàng Thái Sinh, giáo viên Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (xã Bờ Y, Ngọc Hồi, Kon Tum) vừa dẫn chúng tôi đến nhà Trinh vừa kể.
Có lẽ gia đình Trinh nằm trong diện nghèo nhất thôn, khi nơi trú ngụ của Trinh và cha mẹ chỉ là căn chòi nhỏ rộng chưa đầy 20m2, cao chừng 3m, nằm nấp sau ngôi nhà của ông bà ngoại. Trong nhà không có bất kì một đồ dùng gì đáng giá, ngay cả cái giường cũng chỉ làm bằng mấy cây cọc tre đóng xuống đất rồi vót vài cây nứa lát lên để 3 con người sinh hoạt ăn uống, ngủ nghỉ, tiếp khách… và cho Trinh kê sách ngồi học. Cách cái giường chừng 1 mét là chỗ dành để cái kiềng cho Trinh ngày nấu 3 bữa ăn cho gia đình.
Căn chòi tạm bợ là nơi mẹ con Trinh và người cha bị bệnh tai biến mạch máu não trú ngụ.
Đảo mắt quanh nhà, chúng tôi cũng chỉ thấy thêm được vài bộ quần áo treo trên vách nứa, ngay đến cả cái bàn học và chỗ ngồi học cho cô học trò nghèo cũng không có. Trinh cho biết, ba em bị bệnh tai biến di chuyển khó khăn nên hầu như nằm trên giường cả ngày. Vì vậy, mỗi lần muốn học bài thì em lấy một viên gạch kê dưới đất để ngồi, còn sách vở thì đặt trên giường để học. Nhìn thấy cảnh cô bé ngồi học chúng tôi không khỏi xót xa, vậy nhưng cô bé vẫn hồn nhiên cho biết: “Em học bài ở nhà rất ít, vì ở trên lớp em tranh thủ học hết rồi nên về nhà em học ít lắm, để thời gian làm việc nữa”.
Chỗ học tập của Trinh cũng là cái giường của cả nhà.
Trinh cho biết, vì ba bị bệnh, mẹ phải lên rẫy cả ngày nên mọi công việc trong gia đình từ nấu cơm, kiếm rau, giặt giũ, đi chặt củi… đều do một tay em lo liệu từ khi Trinh mới học lớp 3. “Mỗi buổi sáng em dạy lúc 5 giờ sáng để nấu cơm cho mẹ ăn lên rẫy, ăn cơm xong thì em đi học. Buổi trưa đi học về, em nấu cơm cho 2 ba con ăn, buổi chiều em giặt đồ, đi kiếm rau về làm thức ăn, kiếm củi, rồi tiếp tục nấu cơm chờ mẹ đi làm về…”, Trinh kể công việc một ngày của mình.
Video đang HOT
Góc giường là nơi để sách vở, đồ dùng học tập của cô học trò nghèo.
Đó chỉ là công việc của những ngày đi học, còn ngày lễ hay thứ 7, chủ nhật thì sau khi chuẩn bị cơm nước cho cha ở nhà thì Trinh đi bộ cả chục km đường đồi núi để vào rẫy làm cùng mẹ: “Thứ 7 và chủ nhật thì em cùng mẹ đi bộ vào rẫy làm cỏ mì, trồng lúa… đến từ sáng đến khoảng 4 giờ chiều thì bắt đầu đi về. Vì rẫy ở xa lại trên cao nên em và mẹ ở lại rẫy ăn cơm trưa luôn. Còn mùa hè thì em sẽ theo mẹ đi làm rẫy cho đến khi đi học thì nghỉ”, Trinh vô tư kể cho chúng tôi nghe về công việc nặng nhọc mà chỉ dành cho người lớn.
Còn cô Sinh cho biết: “Gia đình Trinh rất khó khăn, nhiều lúc giáo viên trong trường phải vận động quyên ghóp tiền và quần áo để em có cái mặc đến trường”.
Vất vả là vậy, Trinh vẫn dẻo dai và kiên cường vượt khó học giỏi với ước mơ sau này làm cô giáo. Dù mới học lớp 5 (Trường Tiểu học Bế Văn Đàn, xã Bờ Y) nhưng Trinh đã sở hữu hàng chục tờ giấy khen. Ngoài những tờ giấy khen là học sinh Khá, Giỏi, Xuất sắc thì cô bé còn có hàng loạt giấy khen khác như: giải Nhất huyện cuộc thi Học sinh giỏi giao lưu tiếng Việt dành cho học sinh dân tộc thiểu số, giải Nhất cấp huyện, giải Nhì cấp tỉnh cuộc thi Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…
Cách chỗ Trinh ngồi học một chút là cái bếp củi dùng để nấu ăn, khiến căn chòi rất nóng nực.
Nói về thành tích học tập của Trinh, cô Sinh tự hào kể: “Cả trường có tổng số 386 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số là 219 học sinh. So với mặt bằng chung của trường thì Trinh là một học sinh giỏi, học lực và kĩ năng giao tiếp của em rất nổi trội. Trinh rất nhạy bén trong các việc giáo viên triển khai, năng động trong các phong trào nhà trường phát động. Ngoài những thành tích trên, Trinh còn là cô học trò viết chữ đẹp nhất trường, em học giỏi nhất là môn toán và tiếng Việt”.
Không chỉ vậy, cô Sinh còn khoe thêm: “Ngoài là một học sinh ngoan, giỏi, Trinh còn nói được 4 thứ tiếng: Tiếng Kinh, tiếng B’râu (tiếng dân tộc mẹ), tiếng Hre (tiếng dân tộc của ba Trinh ở Sơn Hà, Quảng Ngãi) và tiếng dân tộc Jẻ của làng bên cạnh”.
Hàng chục tờ giấy khen trong học tập của cô học trò nghèo người dân tộc thiểu số.
Tâm sự về ước mơ của mình, cô học trò người B’râu cho biết: “Em mơ ước sau này sẽ trở thành giáo viên để về lại làng dạy học cho những bạn học sinh nghèo trong làng”.
Mẹ của Trinh là chị Nàng Tiên (33 tuổi) chia sẻ: “Mình khổ nên mình muốn con mình được đi học, nhưng mình rất lo sẽ không có tiền để cho Trinh tiếp tục đi học cao hơn. Trước đây gia đình mình ở quê chồng Quảng Ngãi, nhưng sau đó chuyển lên đây nên không có đất để dựng nhà, đây là đất của cha mẹ mình cho ở tạm”.
Thiên Thư
Theo dân trí
Chị em song sinh cùng đỗ ĐH, cùng vào Đảng
Hai chị em sinh đôi cùng đậu đại học và vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng cùng một lần - đó là Nguyễn Thị Trà Giang và Nguyễn Thị Trà Anh,cựu học sinh lớp 12A7, Trường THPT Phan Đình Phùng, TP Hà Tĩnh.
Hai chị em sinh đôi Trà Giang và Trà Anh sinh ra trong một gia đình nghèo, bố làm kế toán cho các doanh nghiệp, mẹ là giáo viên trường làng, bố mẹ hai em bươn chải nuôi con ăn học. Chỗ ở của họ là một ngôi nhà cấp 4 đơn sơ trong ngõ hẽm thuộc tổ 15, phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh. Hai chị em Trà Giang và Trà Anh lớn lên cùng học chung một trường, một lớp và vừa qua cùng thi đậu vào Học viện Ngân hàng Trà Giang đạt 20 điểm còn Trà Anh 19,5 điểm. Hai em nhận được giấy báo nhập học đúng vào ngày 2/9 vừa rồivà đó cũng là ngày cả hai em vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng tại Chi bộ Hóa sinh thuộc Đảng bộ Trường THPT Phan Đình Phùng. Thật là một sự trùng hợp thú vị.
Hai chị em Trà Giang và Trà Anh (đứng giữa) trong lễ kết nạp Đảng viên mới của Trường THPT Phan Đình Phùng, TP Hà Tĩnh.
Cô giáo Nguyễn Thị Hiền - GV chủ nhiệm hai em suốt 3 năm học THPT cho biết, cả hai em đều là học sinh giỏi cũng là cán bộ lớp nhiệt tình và năng nổ công việc được giao. Còn anh chị Chung và Hoàn - bố mẹ của hai em không khỏi bồi hồi xúc động vì những thành tích mà con mình phấn đấu đạt được.
Tâm sự với chúng tôi, anh Chung bùi ngùi kể lại chuỗi ngày đầy gian truân vất vả: "Vợ tôi mang thai mới được sáu tháng rưỡi thì sinh hai cháu. Trà Giang sinh được hơn mười phút thì Trà Anh ra đời. Vì đẻ thiếu quá nhiều tháng nên mỗi cháu chỉ nặng hơn 1kg. Lúc đó, cả hai vợ chồng tôi đều không có việc làm ổn định, lăn lộn làm đến hàng chục nghề nhưng chẳng nghề nào bền vững nào là bán cháo, bán hàng thuê, giữ xe đạp... Do thiếu thốn về kinh tế, không có tiền để bồi dưỡng sức khỏe nên cả hai đứa trẻ bị còi xương, ức nhô cao, một vùng xương đầu bị thiếu nên thóp lại, sau bốn năm các cháu mới mọc được tóc. Hai đứa cứ phập phồng trông mà thắt cả ruột.
Mặc dầu vậy, khi hai con đã lớn, tôi động viên vợ đi học Cao đẳng Sư phạm. Lại một chuỗi ngày vừa nuôi con, vừa theo học. Cả gia đình kéo nhau hết ở trọ chỗ này đến trọ chỗ khác. Khi ra trường, vợ tôi được phân dạy ở trường Tân Vịnh thuộc xã Hỗ Độ cách nhà đến hơn chục km. Mới ra trường, tiền lương ít ỏi còn phải chi tiền xăng xe cho hai lượt đi về mỗi ngày. Thế nhưng, nhờ hai cháu biết hoàn cảnh nghèo của gia đình nên ngoài việc chăm chỉ học tập còn luôn ngoan ngoãn phụ giúp bố mẹ những nhiều việc vặt trong nhà như nấu ăn, giặt quần áo, dọn dẹp nhà cửa... Đêm đến, xong công việc gia đình, mỗi cháu một góc học tập, cặm cụi với bài vở, nhiều đêm bố mẹ phải thúc giục các cháu mới chịu đi ngủ ".
Tôi chia tay gia đình anh Chung cũng là lúc hai em Trà Giang và Trà Anh chuẩn bị lên đường để đi ra trường nhập học, chúng tôi ngỏ ý muốn biết yếu tố nào để hai chị em có được kết quả đáng mừng này, hai em chỉ nhỏ nhẹ bày tỏ ý nghĩ thật đơn giản: "Cũng do hoàn cảnh gia đình vất vả nên chúng cháu phải dốc tâm mà học hành khỏi phụ lòng bố mẹ nuôi dưỡng và sự gửi gắm tin cậy của thầy cô, bạn bè".
Nguyễn Tiến Chương
Giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng, TP Hà Tĩnh
Theo dân trí
Nữ sinh nghèo đậu hai trường đại học Không cha, nhà thuộc diện đặc biệt nghèo, mẹ hay đau bệnh... Trần Đoàn Thảo Nguyên (thôn Quan Châu, xã Hòa Châu, Hòa Vang, Đà Nẵng), đậu 2 trường ĐH với số điểm cao, nhưng ước mơ giảng đường vẫn đầy chông chênh phía trước. Nhà của Nguyên ở cuối thôn Quan Châu là bốn bức vách, lợp mái tôn, bên trong có...