Năng lực giúp giáo viên đạt mục tiêu “kép”: Tích hợp và phân hóa
GD&TĐ – Giảng viên Nguyễn Thị Ngọc Linh và Trần Thị Nâu (Trường ĐH sư phạm TPHCM) cho rằng: Có những năng lực chung, cốt lõi giúp mỗi giáo viên thực hiện tốt cả dạy học tích hợp và phân hóa trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Chẩn đoán nhu cầu và đặc điểm học sinh
Đây là năng lực phát hiện và nhận biết kịp thời, đầy đủ và chính xác sự phát triển của học sinh (HS), những nhu cầu cần được giáo dục của từng HS.
Để có năng lực chẩn đoán chính xác, giảng viên Nguyễn Thị Ngọc Linh và Trần Thị Nâu cho rằng, giáo viên (GV) phải thực hiện một khâu quan trọng đó là tìm hiểu đối tượng giáo dục, hiểu biết về môi trường giáo dục.
GV cần nắm rõ một số vấn đề về đối tượng giáo dục của mình như: Nhận thức, trí tuệ, đời sống tình cảm, ý chí, đặc điểm tính cách, khả năng, nhu cầu, sở thích; cần có thái độ khách quan và khoa học trong việc nhìn nhận, đánh giá đối tượng dạy học, giáo dục thì sự chẩn đoán mới đạt độ chính xác cao.
Trong trường hợp này, năng lực, đạo đức nghề nghiệp, tình yêu nghề và tình yêu trẻ là những nhân tố quyết định. Người thầy chỉ có thể hiểu, chẩn đoán chính xác nhu cầu và đặc điểm của HS khi biết quan sát, lắng nghe và thấu hiểu bằng cả trái tim của mình.
Xây dựng mục tiêu, kế hoạch, thiết kế các hoạt động dạy học, giáo dục
Theo hai giảng viên, năng lực này là năng lực biết dựa vào điểm mạnh, điểm yếu của HS, mục tiêu giáo dục (những phẩm chất, kiến thức, kĩ năng cần hình thành cho HS), hình dung được hiệu quả của các tác động giáo dục thông qua việc tổ chức các hoạt động.
Từ đó, GV xác định mục tiêu bài học/giáo dục, nội dung bài học/giáo dục, xác định khối lượng kiến thức, kĩ năng, thiết kế các hoạt động và dự kiến mức độ tham gia của HS trong bài học, dự kiến kết quả đạt được.
Triển khai chương trình dạy học
Đây là năng lực tiến hành dạy học và giáo dục. GV căn cứ vào mục đích và nội dung dạy học và giáo dục đã được quy định tiến hành dạy học, giáo dục theo chương trình chung nhưng lại phù hợp với đặc điểm riêng của đối tượng.
Video đang HOT
Trong quá trình dạy học, đánh giá, GV phải chú trọng đến vài trò trung tâm của HS và giúp họ phát huy năng lực.
Với mục tiêu đáp ứng yêu cầu tích hợp và phân hóa trong dạy học, GV cần phải biết những bài học nào thì chú trọng theo hướng phân hóa, bài học nào cần sẽ phải cần vận dụng tích hợp những kiến thức khoa học liên môn để đạt được mục tiêu bài học.
Từ đó, GV sẽ chủ động phác thảo nguồn kiến thức, lựa chọn tư liệu và phương pháp dạy, thiết kế câu hỏi, công cụ kiểm tra đánh giá và cách thức sử dụng phù hợp.
Tổ chức, thực hiện kế hoạch hoạt động dạy học, giáo dục
Năng lực này được GV thể hiện qua việc giao nhiệm vụ học tập, hướng dẫn HS thực hiện, theo dõi, điều chỉnh và hỗ trợ hoạt động của HS khi cần thiết, lưu tâm tới sự tiến bộ của HS.
Để thực hiện được điều này, GV phải có vốn kiến thức chuyên môn chắc chắn, kết hợp với bản lĩnh và kĩ năng sư phạm của bản thân.
Chẳng hạn, năng lực tổ chức dạy học hợp tác cho HS và xử lí những tình huống phát sinh trong dạy học hợp tác đó sẽ được GV hình thành, đúc kết trong quá trình dạy học.
Tổ chức thực hiện các hoạt động học tập cho HS, GV phải hướng đến mục tiêu chính là tăng cường phát huy tính tự tin, tích cực, chủ động, sáng tạo và tăng cường khả năng, kĩ năng vận dụng vào thực tế của HS.
Phải làm sao cho HS yêu thích môn học, tự khám phá để kiến thức các em tiếp thu được một cách tự nhiên không gò ép. Có như vậy, kiến thức đó sẽ bền vững và hữu dụng.
Giải quyết tình huống có vấn đề nảy sinh trong thực tiễn dạy học, giáo dục
Năng lực này đòi hỏi GV phải có kiến thức tâm lí học vững chắc, sự nhạy bén và một kinh nghiệm sống phong phú.
Những cách ứng xử, giải quyết vấn đề một cách thông minh, hợp lý sẽ tác động tích cực đến việc hoàn thiện nhân cách của HS. Ngược lại, những cách ứng xử tiêu cực sẽ để lại những ấn tượng, kí ức không tốt trong tâm hồn các em.
Trong thực tế dạy học, GV nào ít nhiều cũng trải nghiệm những tình huống sư phạm đòi hỏi GV phải có cách giao tiếp, ứng xử sư phạm thật khéo léo.
Ví dụ, khi trong giờ học bất ngờ có HS đặt những câu hỏi khó, thuộc phạm vi rộng mà có thể GV chưa thông hiểu để giải đáp cho HS thì GV cần ứng phó nhịp nhàng, tránh việc các em mất lòng tin và sự tôn kính đối với người thầy.
Trong trường hợp đó, GV có thể khen HS có câu hỏi hay, đồng thời yêu cầu tập thể lớp thảo luận hoặc biến câu hỏi đó thành bài tập về nhà để đến buổi học sau thầy và trò sẽ cùng nhau thảo luận và giải quyết.
GV cũng có thể chân thành khuyến khích các em tìm tòi những tri thức mới, và giúp các em hiểu rằng tri thức khoa học là vô tận mà không ai có thể tinh thông mọi thứ. Chỉ có con đường tự trau dồi kiến thức để tìm chân lí khoa học là cách tốt nhất.
Hoặc một tình huống sư phạm thường gặp khác là khi GV tổ chức cho HS thảo luận bằng phương pháp dạy học nêu vấn đề thảo luận nhóm, có thể sẽ phát sinh những tình huống gay cấn, bất đồng quan điểm giữa các thành viên.
Khi đó, GV phải khéo léo dẫn dắt để các em hiểu những ý kiến nào phù hợp và những điều cần phải nghiên cứu thêm. Trong trường hợp này, GV cần một chút năng khiếu hài hước nhưng không quá đà để xóa tan bầu không khí căng thẳng.
GV dạy cho HS cách phản biện, rèn luyện tư duy phê phán và học thái độ bày tỏ sự phản biện một cách có văn hóa. Ngoài ra, GV cần phải có khả năng tham vấn, hướng dẫn và tư vấn đối tượng giáo dục, giúp các em không chỉ học tốt mà còn phải có cách sống đúng đắn.
Kiểm tra, đánh giá kết quả của các hoạt động dạy học, giáo dục
Đó là năng lực nhìn thấy được sự thay đổi về nhận thức, kĩ năng thái độ và tình cảm của HS thông qua những tác động giáo dục. Nó không chỉ nhằm mục đích xác nhận kết quả học tập của người học mà còn là nguồn thông tin phản hồi giúp người dạy nắm bắt chất lượng, phương pháp dạy để từ đó có những điều chỉnh thích hợp trong công việc giảng dạy của mình.
Ngoài ra, kết quả của hoạt động đánh giá còn giúp các cơ quan giáo dục, các nhà quản lý và hoạch định chính sách có những số liệu, thông tin về chất lượng và trình độ của hệ thống giáo dục các cấp để có những điều chỉnh, bổ sung và chỉ đạo kịp thời. Năng lực này giúp nhìn nhận tính đúng đắn của các năng lực nói trên.
Sử dụng thiết bị dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học
Khoa học kĩ thuật ngày càng hiện đại vì vậy đòi hỏi GV phải có khả năng áp dụng những tiến bộ của khoa học vào giảng dạy.
Phương tiện dạy học của GV ngày nay không chỉ là “phấn trắng, bảng đen” mà còn có các thiết bị dạy học riêng cho từng bộ môn và việc sử dụng giáo án điện tử với máy vi tính, máy chiếu … giúp cho tiết học thêm cụ thể, sinh động.
Vì thế, GV sẽ trở nên lạc hậu nếu không biết sử dụng những phương tiện dạy học hiện đại này. Tuy nhiên, GV phải biết lựa chọn thiết bị dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin một cách phù hợp với yêu cầu và phương pháp của từng bài học, đảm bảo tính khoa học và tính sư phạm.
Tự học, tự nghiên cứu, tự giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng
Đây là yêu cầu quan trọng giúp giáo viên không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và những phẩm chất của nhân cách. GV cần phải luôn tự đặt câu hỏi về việc mình làm, đánh giá chất lượng công việc của bản thân để từ đó rút ra ưu, khuyết điểm để có hướng khắc phục, học tập và phát triển.
Trong những năng lực này thì nghiên cứu khoa học của GV là một năng lực cần thiết trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay. Bởi vì, GV có năng lực nghiên cứu khoa học tốt thì mới có thể hướng dẫn HS thực hiện nghiên cứu khoa học.
Để giúp HS ứng dụng kiến thức khoa học vào thực tiễn, đòi hỏi GV phải có năng lực và kinh nghiệm nghiên cứu. Sáng kiến kinh nghiệm cũng là một sản phẩm của nghiên cứu khoa học giáo dục mang tính ứng dụng cao đang được thực hiện rộng rãi ở trường phổ thông.
Thiết lập mối quan hệ với người khác
Đó là quan hệ đồng nghiệp, quan hệ với phụ huynh HS và nhất là quan hệ với HS. Tất cả những điều này nhằm mục đích giúp GV có được nhiều “kênh thông tin” về đối tượng giáo dục của mình.
Từ đó, GV sẽ hiểu hơn về đối tượng giáo dục và một phần biết được những kết quả giáo dục mà bản thân đạt được.
Trong xu thế hội nhập và phát triển, kết hợp dạy học tích hợp và dạy học phân hóa thì việc tạo ra một cộng đồng học tập, liên kết hợp tác trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu giữa những GV cùng chuyên môn, chuyên môn gần để trao đổi kinh nghiệm là nhu cầu thiết yếu.
Theo GD&TĐ