Năng lực giáo viên ngoại ngữ: Choáng và sốc
Tỷ lệ 100% giáo viên dạy tiếng Anh cấp tiểu học ở Phú Thọ không đạt chuẩn năm 2011 từng khiến các trường, cũng như chính bản thân thầy có sốc và choáng.
Trên 50% giáo viên tiếng Anh tiểu học, 63,29% bậc THCS và 73,88% cấp THPT chưa đạt chuẩn. Đó là con số được Bộ GD&ĐT đưa ra tại hội thảo tuyển dụng, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh tiểu học, đáp ứng yêu cầu giảng dạy môn học này và hướng tới thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Hội thảo diễn ra sáng 22/1 tại Hà Nội.
Cô giáo và học sinh tiểu học trong giờ học. Ảnh minh họa: Infonet.
Gần 70% giáo viên chưa đạt chuẩn
Bà Phùng Thị Hoàng Yến, chuyên viên Sở GD&ĐT Phú Thọ cho biết, năm 2011, khi đánh giá đội ngũ giáo viên tiếng Anh của tỉnh, 100% thầy cô không đạt chuẩn. Con số này khiến Sở, các trường, cũng như chính bản thân giáo viên sốc và choáng.
Ngay sau đó, Sở GD&ĐT Phú Thọ tiến hành bồi dưỡng 400 tiết trên lớp, 300 tiết online cho giáo viên trong 3 tháng liền, không phải dạy học. Sở cũng yêu cầu đơn vị nhận bồi dưỡng phải thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá từng người, cũng như thái độ chuyên cần của giáo viên.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Ngọc Thu, Phó giám đốc sở GD&ĐT Bắc Giang chia sẻ, qua đợt khảo sát năm 2011, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn của tỉnh rất thấp. Thậm chí, theo đại diện Vụ tiểu học, Bộ GD&ĐT, có địa phương số giáo viên đạt chuẩn chỉ đạt 5,7%.
Liên quan vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thúy Hồng, Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và Quản lý Cán bộ, Bộ GD&ĐT, thông tin, qua vài năm bồi dưỡng tích cực, đến tháng 7/2015, hơn 32% giáo viên tiếng Anh phổ thông đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ. Như vậy, khoảng 68% giáo viên dạy môn này chưa đạt chuẩn (trong đó riêng cấp tiểu học là 68,63%).
Video đang HOT
“Với số lượng giáo viên chưa đạt chuẩn, chúng ta sẽ mất nhiều thời gian, ngân sách để tiếp tục bồi dưỡng. Đây là khó khăn, rào cản lớn cho việc nâng cao chất lượng thực hiện chương trình tiếng Anh mới”, bà Hồng nói.
Sẽ chuyển công tác giáo viên không “lên hạng”
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Thu, Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang rất quyết tâm trong việc nâng chuẩn cho giáo viên, dù gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nếu thầy cô được bồi dưỡng nhiều lần vẫn không đạt chuẩn, thì sẽ phải nhận nhiệm vụ khác.
Đề cập vấn đề đào tạo, Giám đốc Sở GD&ĐT Vũng Tàu Nguyễn Thanh Giang cho rằng, bồi dưỡng còn chạy theo số lượng, cần khảo sát lại để triển khai thực chất hơn. Còn bà Nguyễn Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Yên Mỹ 1 (Hưng Yên) cho hay, giáo viên ngoại ngữ cấp tiểu học đang gặp phải hai vấn đề: Hết chỉ tiêu và tuyển dụng khó khăn.
Hiện, chỉ tiêu tuyển dụng các tỉnh đều không còn. “Nhiều giáo viên dạy tốt, có người gắn bó với ngành 10 năm nhưng không được vào biên chế nên đã chuyển việc”, bà Thúy nói.
Khó khăn thứ hai là có chỉ tiêu thì tuyển dụng khó khăn vì yêu cầu thầy cô phải đạt trình độ B2. Trong khi đó, việc bồi dưỡng giáo viên còn bất cập (chủ yếu giáo viên xác định để lấy chứng chỉ), cán bộ quản lý không thể tự bồi dưỡng cho giáo viên của mình. Công tác tự bồi dưỡng chưa đạt hiệu quả cao vì thầy cô chưa xác định được động cơ, cũng như không có nhiều thời gian tự học.
Tuyển không đạt chuẩn, “chữa mãi” không xong
Để đảm bảo chất lượng đào tạo, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định phải tuyển mới những người đạt yêu cầu. “Thời gian qua, chúng ta tuyển không đạt chuẩn, đến bây giờ ‘chữa mãi’ không xong”, ông Hiển nói.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, nếu không có giáo viên đảm bảo chất lượng thì không dạy, vì trong Đề án Ngoại ngữ Quốc gia đến năm 2020, Bộ đã đề cập vấn đề này.
Đối với việc chuyển ngang giáo viên dạy từ chương trình cũ sang mới, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, sẽ phải “bù dần” để nâng trình độ người dạy. Giáo viên đã tham gia bồi dưỡng nâng chuẩn là phải đạt.
Theo Zing
Giáo viên nghe, nói tiếng Anh ấm ớ
Giáo viên dạy tiếng Anh không giao tiếp được bằng tiếng Anh nên chỉ chú trọng dạy đọc, viết. Học sinh không giao tiếp được tiếng Anh là tất yếu, đa số lên đại học phải học lại.
Trao đổi với phóng viên về việc tại sao không chọn các trường sư phạm là đơn vị khảo sát, bồi dưỡng giáo viên (GV) theo đề án nâng cao năng lực ngoại ngữ, một cán bộ Sở GD&ĐT TP HCM cho biết không thể gửi GV về đơn vị đào tạo mà sản phẩm đào tạo của họ hiện nay phải đi bồi dưỡng lại.
ĐH Sư phạm cần tự chủ trong chương trình đào tạo giáo viên tiếng Anh. Ảnh: Người Lao Động.
Dạy tiếng Anh, nói bằng... tiếng Việt
Cũng theo cán bộ này, TP HCM dù là địa phương có thế mạnh về tiếng Anh nhưng qua các kỳ thi khảo sát, kỹ năng nghe - nói của GV rất kém, nhất là đội ngũ GV lớn tuổi. Chính vì thế, để hoàn thành mục tiêu đề án, đơn vị chịu trách nhiệm bồi dưỡng phải mở thêm các khóa ôn luyện bổ sung, chủ yếu nâng cao khả năng nghe - nói. Nhiều trường phải đốc thúc, tạo mọi điều kiện để GV đi học.
Tại TP HCM, Trung tâm Đào tạo khu vực Seameo là 1 trong 2 đơn vị được Bộ GD&ĐT cho phép và công nhận kết quả khảo sát, bồi dưỡng GV theo Đề án ngoại ngữ 2020. Bà Trịnh Thị Hoa Mỹ, Trưởng ban Ngôn ngữ và Văn hóa nước ngoài - Trung tâm Đào tạo khu vực Seameo, cho biết, qua quá trình bồi dưỡng, trình độ GV đã cải thiện nhưng tỉ lệ vượt chuẩn, ví dụ chỉ yêu cầu B1 nhưng đạt C1 cực kỳ hiếm; cũng có tỷ lệ GV thi rớt chủ yếu là ở phần nghe. Tỷ lệ này cũng không đồng đều vì số GV ở vùng sâu, vùng xa thì thấp hơn.
"Việc GV tiếng Anh không nói được tiếng Anh kéo theo học sinh cũng không nói được, lên đến bậc ĐH phải khảo sát, học lại là một sự lãng phí rất lớn" - bà Mỹ nhận định.
Bà Mỹ cho rằng nguyên nhân GV tiếng Anh kém phần nghe - nói từ nhiều lý do, trong đó có môi trường giao tiếp hiện nay rất nghịch lý, nhiều GV dạy tiếng Anh nhưng giao tiếp bằng tiếng Việt.
"Trong các lần trung tâm đi tập huấn cho GV, chúng tôi đều hỏi sao GV tiếng Anh mà không nói chuyện bằng tiếng Anh, họ trả lời vì nói tiếng Anh mệt, vì thế chúng tôi lại hướng dẫn GV phần nào cần nói bằng tiếng Việt, phần nào bằng tiếng Anh. Lý tưởng của chúng tôi là tất cả trường ở các địa phương được dạy tiếng Anh từ tiểu học và khuyến khích GV bằng nhiều cách nói tiếng Anh" - bà Mỹ nêu thực tế.
Trường sư phạm cần tự chủ chương trình đào tạo
GS.TS Nguyễn Lộc - nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, nguyên Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 - cho biết, phần lớn GV tiếng Anh hiện nay yếu đều cả 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết. Nhiều người cứ nhầm tưởng kỹ năng nghe - nói tách rời 2 kỹ năng còn lại nhưng không phải vì muốn nói tốt thì phải có nhiều từ vựng, phải giỏi ngữ pháp.
Nghe - nói chỉ là biểu hiện bên ngoài của năng lực tiếng Anh. Tuy đội ngũ GV tiếng Anh hiện đang giỏi dần lên nhưng việc có địa phương không tin chất lượng đào tạo của các trường sư phạm là có thật. Đó là tình cảnh chung vì không ít đội ngũ GV hiện nay ở các trường sư phạm đã lâu đời, họ được đào tạo theo kiểu cũ, phương pháp truyền thống mà phương pháp cổ điển thì không chú trọng nghe - nói. Vì thế mới có tình trạng học sinh giỏi tiếng Anh là nhờ đi học ở trung tâm, vào trường nói chuyện với GV mà GV chóng mặt, không thể giao tiếp nổi. Muốn dạy tiếng Anh tốt thì trước hết nói tiếng Anh phải tốt.
GS Lộc cho rằng, chính thực tế này khiến việc đào tạo, bồi dưỡng GV tiếng Anh cũng phải thay đổi, không những giao quyền tự chủ cho các địa phương mà còn ở các trường ĐH nguồn về sư phạm. Hiện nay, quyền tự chủ ở các trường ĐH không nhiều khiến họ cũng gặp khó khăn trong vấn đề chương trình đào tạo. Chỉ khi được tự chủ thì sẽ đẩy mạnh sự cạnh tranh, sản phẩm đào tạo ra sẽ quyết định chất lượng, uy tín của từng trường.
"Khung năng lực đầu ra theo Đề án 2020 không hề thấp nhưng nếu địa phương nào có cách làm hay hơn, có điều kiện hơn, chẳng hạn như tìm một đơn vị quốc tế có uy tín đào tạo, kể cả mời GV người nước ngoài, thì nên hoan nghênh và ủng hộ" - GS Lộc nói.
98,6% học sinh không thể đạt chuẩn
Trong khảo sát của nhóm giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP HCM trên 143 học sinh THPT và 10 GV, cán bộ quản lý tại Trường Trung học Thực hành sư phạm, có đến 70% học sinh cho rằng GV sử dụng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, 15,3% học sinh cho rằng GV sử dụng quá nhiều tiếng Việt khi dạy tiếng Anh. Có đến 98,6% học sinh cho rằng không thể đạt được 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết theo chuẩn đầu ra. Thậm chí, 55,2% học sinh không biết gì về chuẩn đánh giá đầu ra do bộ quy định.
Theo Đặng Trinh/Người Lao Động
Dạy và học khó khăn vì... trò giỏi tiếng Anh hơn thầy Việc triển khai dạy toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh gặp nhiều trở ngại, đặc biệt do trình độ tiếng Anh của giáo viên còn hạn chế. Sau 5 năm triển khai thí điểm mô hình dạy toán và các môn khoa học khác bằng tiếng Anh trong các trường THPT chuyên giai đoạn 2011 - 2015, mục tiêu ban...