Nâng chất thư viện trường học – bài toán khó
Dự án Luật Thư viện đã được thảo luận và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV. Các ý kiến cho rằng, trong 8 loại thư viện mà dự thảo luật nêu ra thì thư viện cơ sở giáo dục có tầm quan trọng bậc nhất.
Thư viện trường học góp phần phát triển văn hóa đọc, xây dựng nhân cách cho học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thư viện trường học vẫn chưa được đầu tư tương xứng và quan tâm đúng mức.
Thư viện ngoài trời của Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (TP Lào Cai). Ảnh: Minh Phong
Chưa được đầu tư tương xứng
Theo đại biểu Lâm Đình Thắng (đoàn TP Hồ Chí Minh), nhiều nước trên thế giới đã có những chính sách đầu tư rất mạnh cho thư viện trong cơ sở giáo dục. Nhật Bản đã ban hành Luật Thư viện trường học từ năm 1953. Tại Hàn Quốc, Luật Thư viện trường học được ban hành vào năm 1963, bắt buộc mỗi trường học đều phải có thư viện. Các quốc gia có điều kiện kinh tế – xã hội phát triển đều có tầm nhìn chiến lược cách đây nhiều năm. Họ rất chú trọng và đầu tư thực sự cho thư viện trường học.
“Trong khi đó thư viện cơ sở giáo dục ở Việt Nam hiện nay chưa được đầu tư tương xứng. Bên cạnh nhiều đơn vị xem thư viện là trái tim của trường học, vẫn còn nhiều đơn vị không quan tâm đến việc phát triển thư viện. Có trường bố trí thư viện ở tầng cao nhất hoặc ở gần nhà vệ sinh, không phù hợp và không thuận tiện cho trẻ em đến đọc sách và tìm thấy sự hứng thú với hoạt động thư viện.”
Đại biểu Quốc hội Lâm Đình Thắng
Cũng theo đại biểu, kinh phí đầu tư mua sách hàng năm không phục vụ đủ nhu cầu học chuyên môn và đọc mở rộng cho học sinh. Trung bình một thư viện trường tiểu học được cấp 8 triệu đồng một năm không đủ để trang bị sách cho học sinh. Nhiệm vụ chính của rất nhiều thư viện hiện nay là bán sách giáo khoa, bán dụng cụ học tập cho học sinh.
Cán bộ thư viện cơ sở giáo dục hiện nay không có chế độ chính sách bảo đảm cho cuộc sống và tạo động lực cho nghề nghiệp, cũng không có chế độ thâm niên, không có phụ cấp đứng lớp. Rất nhiều trường bố trí cán bộ thư viện là giáo viên kiêm nhiệm hoặc giáo viên đứng tuổi không còn sức khỏe giảng dạy tại lớp.
Góp phần nâng cao chất lượng dạy học
Khẳng định thư viện trường học thực chất có vị trí, nhiệm vụ và chức năng vô cùng quan trọng, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (đoàn Nam Định) trao đổi: Dù mang tính đặc thù riêng nhưng vẫn góp phần nâng cao chất lượng dạy học và xây dựng thói quen tự học, tự nghiên cứu cho học sinh, tạo cơ sở từng bước thay đổi phương pháp dạy học, hình thành văn hóa đọc, văn hóa cộng đồng ngay trong nhà trường.
Theo đại biểu Đặng Thị Phương Thảo, về cơ sở pháp lý, tính từ thời điểm Pháp lệnh Thư viện năm 2000 được ban hành đến nay đã có trên 30 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thư viện. Theo đó, trong trường phổ thông, thư viện được xác định là một hạng mục thiết yếu, là trung tâm sinh hoạt văn hóa khoa học của nhà trường, được Nhà nước đầu tư xây dựng hạng mục và hoạt động khá đồng bộ với phòng học bộ môn chức năng của nhà trường.
Video đang HOT
Tuy nhiên, nhìn từ góc độ thực tiễn cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề. Thứ nhất, ở một số trường học hiện nay, thư viện chỉ được coi là một kho chứa sách, gây lãng phí về phòng ốc, nhất là ở một số nơi nhà trường còn thiếu phòng học. Điều này còn gây lãng phí khi nguồn tài nguyên của thư viện không được khai thác. Còn có nơi không được đầu tư về cơ sở vật chất, số lượng các đầu sách không nhiều và chất lượng không cao. Thư viện không hướng tới nhu cầu của độc giả, dẫn tới nhiều học sinh phổ thông không còn thiết tha với thư viện trường học.
Một góc thư viện của Trường Tiểu học Nguyễn Siêu (Hà Nội). Ảnh: Minh Phong
Thứ hai, tại nhiều nhà trường nhắc đến thư viện là nhắc tới một vị trí cố định, có khi lại đặt không hợp lý trong khuôn viên, không thuận lợi cho học sinh lui tới, thời gian hoạt động thì theo giờ hành chính, mở cửa khi học sinh đã vào học và đóng cửa trước khi học sinh tan học.
Thời gian nghỉ giải lao ở trường hạn hẹp, trong khi đó hầu hết học sinh cần vận động chứ không phải tiếp tục ngồi đọc sách trong thư viện nhà trường vào thời điểm này… Do đó, bên cạnh một số nhà trường đã có cách nhìn nhận không đúng về tầm quan trọng của thư viện thì tại hoạt động của chính bản thân các nhà trường cũng đã không bảo đảm cho học sinh có cơ hội được tiếp cận thường xuyên với thư viện.
Thứ ba, chất lượng phục vụ trong thư viện nhà trường ở nhiều nơi không cao. Người làm công tác thư viện hoặc là kiêm nhiệm hoặc thiếu trình độ chuyên môn, thiếu kỹ thuật, nhiều khi không hợp tác, tạo tâm lý e ngại cho học sinh. Hình thức hoạt động của thư viện còn đơn điệu, khó tạo được hứng thú, thu hút người đọc.
Thứ tư, bản thân các nhà trường thường chỉ quan tâm đến nội dung, cách thức giảng dạy từ giáo viên tác động đến học sinh, ít khuyến khích giáo viên trong hướng dẫn học sinh khả năng tự học, tự tìm kiếm tài liệu để hình thành thói quen. Nghĩa là nhà trường đã không chú trọng đến công tác phát triển kỹ năng đọc cho học sinh từ sớm.
Từ những thực tiễn nêu trên, đại biểu Phương Thảo đề nghị bổ sung vào Điều 14 dự thảo Luật Thư viện một mục quy định về các hình thức thư viện của loại hình thư viện trường học. Đó là các hình thức thư viện thân thiện, đa chức năng, ngoài trời, lưu động hay các thư viện mini, góc thư viện tại mỗi lớp học. Thực tế, các hình thức này đã và đang tồn tại, phát huy hiệu quả ở nhiều nhà trường, nhiều địa phương. Tuy nhiên, các mô hình hiệu quả đó chưa có chính sách khuyến khích, nhân rộng và chưa được quy định trong dự thảo luật cũng như trong các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Bên cạnh đó, cần quy định rõ trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong công tác chủ trì, phối hợp về thư viện trường học. Cần cụ thể hóa quy định khi thực hiện chương trình giáo dục tại các nhà trường; Đồng thời bố trí các môn học hợp lý, có thời gian nhất định để học sinh được tiếp cận và hình thành thói quen nghiên cứu, khai thác tài liệu ngay tại thư viện nhà trường.
“Hiện đã có 400 thư viện các trường đại học và cao đẳng, gần 26.000 thư viện ở trường phổ thông các cấp. Hệ thống thư viện, trường học đang chiếm đến 85% trên tổng số thư viện của cả nước. Nếu kể cả các tủ sách, phòng đọc trong trường học thì hệ thống thư viện trường học có quy mô và số lượng rất lớn trên toàn quốc”. – Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo
Minh Phong
Theo GDTĐ
Để thư viện không thành kho chứa sách
Thư viện trường học là một trong những yếu tố cấu thành chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, không phải trường học nào cũng phát huy được lợi thế này vào quá trình giáo dục khi khó khăn thách thức từ thực tế chưa được tháo gỡ.
Đẩy mạnh văn hóa đọc trường học góp phần nâng cao chất lượng dạy học
Trăn trở thư viện trường vùng khó
Thầy Phạm Văn Tường - Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH Mậu Long, xã Mậu Long huyện Yên Minh, Hà Giang chia sẻ: Trường có tổng số 882 HS và 16 điểm trường. Tuy nhiên do khó khăn về mọi mặt nên tới nay chỉ 352 HS và hơn 30 GV tại điểm trường chính có cơ hội nghiên cứu, học tập tại thư viện. 15 điểm trường lẻ vẫn trong tình trạng "trắng" thư viện và góc văn hóa đọc.
Theo thầy Tường, thư viện nhà trường không chỉ thiếu phòng đọc, đầu sách truyện hạn chế và không phong phú... mà còn không có nhân viên chuyên trách. Công tác thư viện hiện nay vẫn do 2 GV vừa dạy học vừa đảm nhiệm.
2 GV này có thể đảm bảo những công việc cơ bản nhất của thư viện là mở cửa đúng giờ, ghi chép người mượn trả sách, thống kê số lượng, thiết bị dạy học... nhưng về chuyên môn sâu cho công tác thư viện thì chắc chắn không thể đảm bảo. Các hoạt động để kích thích văn hóa đọc trong GV, HS, thúc đẩy GV nâng cao kĩ năng nghiệp vụ, tự bồi dưỡng kiến thức qua thư viện cũng bị bỏ ngỏ.
Tại Trường PTDTBT TH Ma Li Pho xã Ma Li Pho, huyện Phong Thổ - Lai Châu, đến nay, thư viện trường học cũng có không ít khiếm khuyết cần tháo gỡ. Cô Trần Thị Hằng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Số đầu sách tham khảo cho GV hiện nay còn hạn chế và chưa phong phú về thể loại. Hàng năm, nhà trường trích từ chi thường xuyên để đầu tư cho thiết bị dạy học nhưng đầu tư cho thư viện chỉ một phần nhỏ và chỉ tập trung chính vào sách, truyện cho HS.
Cũng như nhiều trường vùng khó, Trường PTDTBT TH Ma Li Pho không có nhân viên chuyên trách làm công tác thư viện. Trường phải cắt cử 1 GV kiêm nhiệm. Thậm chí, trong quá trình GV kiêm nhiệm nghỉ chế độ thai sản thì nhà trường phải tăng cường cả phó hiệu trưởng đảm nhiệm tạm thời.
Thiếu về số lượng, yếu về chất lượng... khiến thư viện trường học vùng khó rơi vào tình trạng hoạt động trầm lắng. Ít, thậm chí không có GV, HS tới thư viện hằng ngày để đọc sách. Vai trò của thư viện mờ nhạt, và không trở thành một kênh cập nhật, bổ sung kiến thức hiệu quả cho GV, HS. "Để duy trì và phát triển văn hóa đọc cho 302 HS, 34 GV và PHHS, nhà trường phải tăng cường các hoạt động hỗ trợ như: Tiết học thư viện (1tuần/tiết); Tổ chức thư viện xanh; Thư viện ngoài trời; Tổ chức ngày hội đọc sách" - Cô Hằng cho biết.
Có thể thấy, điểm chung về thư viện trường học vùng khó là thiếu về cơ sở vật chất, số lượng đầu sách, nhân viên chuyên trách thư viện. Những hạn chế này khiến vai trò của thư viện trường học không được phát huy hiệu quả.
Có thể nói, đa số thư viện các trường học vùng khó đang ở trong tình trạng không đảm bảo cơ sở vật chất, số lượng và chất lượng sách giáo khoa, sách nghiệp vụ của GV, sách tham khảo dùng chung cho HS... Vấn đề thiếu nhân viên chuyên trách và phải "lấp" bằng GV bộ môn, nhân viên y tế, hiệu phó làm kiêm nhiệm công tác thư viện... cũng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng hoạt động. Thiếu đổi mới, sáng tạo trong các hoạt động thư viện kết hợp với sự nghèo nàn, sơ sài nội dung hình thức càng khiến thư viện trường học xa rời với GV, HS và kém phát huy hiệu quả.
Mặt khác, số GV, HS hình thành được thói quen đọc sách thường xuyên và có mục tiêu chưa nhiều, tình trạng HS lười đọc sách, dành thời gian ít ỏi cho sách... không chỉ dẫn tới thiếu hụt tri thức mà vai trò của thư viện trở nên nhạt nhòa.
Trong thư viện. Ảnh: INT
Phát huy hiệu quả bằng cách nào?
Trong những năm qua, vai trò của công tác thư viện đã được ngành giáo dục, các địa phương, nhà trường nhìn nhận và có sự đầu tư nhất định. Song để bắt nhịp với xu thế đổi mới hoạt động thư viện trường học, phát triển văn hóa đọc trong nhà trường; đáp ứng được yêu cầu bổ sung kiến thức, nâng cao phương pháp nghiệp vụ giảng dạy của GV trong quá trình đổi mới CT và SGK... vẫn đòi hỏi phải có sự đầu tư hơn nữa cho thư viện trường học.
Thầy Đỗ Quang Tám - Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bảo Thắng (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) khẳng định: Hoạt động thư viện nếu không đạt hiệu quả sẽ lãng phí ngân sách. Thư viện không thúc đẩy được nhu cầu đọc sách của GV, HS thì chỉ là "kho" chứa sách...
Theo thầy Tám, để phát huy vai trò của thư viện, về phía nhân viên thư viện phải thật sự trăn trở với trách nhiệm mà ngành yêu cầu, đó là định hướng, hình thành và phát triển văn hóa đọc cho HS; đồng thời cần nghiên cứu, đổi mới phương pháp phục vụ bạn đọc, tìm ra con đường ngắn nhất để đưa HS tiếp cận tri thức, sách, báo một cách nhanh chóng và dễ dàng nhất...
Đối với các nhà trường, tổ chuyên môn cần phát động phong trào XHH các hoạt động thư viện nhằm quyên góp sách báo, kinh phí, tăng cường cơ sở vật chất... cho thư viện. Cùng với đó, cần động viên, khích lệ GV đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, ham thích tìm tòi tư liệu phục vụ học tập của HS...
BGH các nhà trường cần chỉ đạo kịp thời, sát với thực tế, đôn đốc nhắc nhở, động viên những định hướng để tạo động lực giúp cho nhân viên thư viện và các bộ phận thực hiện tốt nhiệm vụ...
Cô giáo Bùi Thị Hường - Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH số 1 xã Sín Chéng (huyện Si Ma Cai, Lào Cai), với kinh nghiệm xây dựng thư viện đạt chuẩn quốc gia cũng chia sẻ: Nâng cao hoạt động thư viện, hỗ trợ thiết thực cho dạy và học là đòi hỏi tất yếu trong quá trình đổi mới giáo dục. Như vậy, đòi hỏi sự chỉ đạo sát sao, sự linh hoạt trong hoạt động tổ chức thư viện ngay từ BGH.
Tại Trường PTDTBT TH số 1 xã Sín Chéng, giờ mở cửa thư viện được thực hiện nghiêm chỉnh. GV, HS được tạo điều kiện mượn sách về đọc tại nhà. Một lượng lớn sách tham khảo của GV được tăng cường từ các nguồn XHH, không mất kinh phí mua. Trường cũng tổ chức nhiều mô hình thư viện (Thư viện xanh, thư viện ngoài trời), qua đó HS được tiếp cận và tạo cơ hội đọc sách từ ngoài trời đến nhà chòi, góc cầu thang, trong lớp...
Đến nay, việc tổ chức tốt các mô hình thư viện trong trường học đã giúp Trường PTDTBT TH số 1 xã Sín Chéng nâng cao chất lượng dạy học; tăng cường khả năng tiếng Việt cho HS dân tộc; bổ sung kiến thức cho GV và HS; nhiều HS đã đạt được thành tích cao qua các cuộc thi sáng tạo khoa học cấp tỉnh và quốc gia... Thư viện đã thực sự phát huy được vai trò trong hoạt động giáo dục khi được tổ chức và vận hành đúng cách, hiệu quả.
Đức Trí
Theo GDTĐ
Cần nghiên cứu để tổ chức thư viện thành không gian mở Thư viện trong chương trình giáo dục phổ thông mới đồng thời là không gian sinh hoạt văn hóa trong nhà trường nhằm hình thành và nuôi dưỡng các phẩm chất nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm cho học sinh. Thông tin trên được chia sẻ tại Hội thảo Tổng kết công tác thư viện năm học 2018-2019 định hướng...