Nâng chất hoạt động thể thao trong trường học
Với mục tiêu giúp học sinh phát triển toàn diện về thể chất và tri thức, nhiều địa phương, đơn vị trường học đã và đang nỗ lực nâng chất các sân chơi thể thao học đường.
Đây là bước đi hợp lý, đáp ứng nhu cầu rèn luyện sức khỏe của đông đảo học sinh, đồng thời tạo nguồn lực trẻ cho phong trào thể thao địa phương.
Là một trong các điểm trường chuyên biệt đào tạo học sinh dân tộc thiểu số (DTTS), Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tịnh Biên (An Giang) luôn hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn lực tri thức trong cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, đơn vị nỗ lực nâng cao chất lượng sân chơi thể thao học đường, thông qua việc trang bị cơ sở vật chất và kết nối cùng ngành chuyên môn mở các lớp dạy võ thuật, bơi lội cho học sinh.
Hiện tại, trường có 2 sân bóng chuyền để các em có điều kiện vận động thể chất, phát triển tinh thần sau giờ học. Đa số học sinh Khmer đều yêu thích bóng chuyền, nên sân chơi này giúp các em gắn bó hơn với bạn bè, nhất là trong điều kiện nội trú tại trường.
Bên cạnh đó, nhà trường còn tạo điều kiện để học sinh được tham gia các lớp dạy bơi trên cơ sở phối hợp với Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Tịnh Biên. Thời điểm này, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tịnh Biên là một trong số các đơn vị tại huyện miền núi này chính thức đưa môn bơi vào trường học với mục tiêu giúp học sinh tránh được tai nạn đuối nước.
Nhiều học sinh tham gia các hoạt động thể thao
Thời điểm dịch bệnh Covid-19 chưa bùng phát, nhà trường còn phát triển môn võ taekwondo với khoảng 45-50 học sinh tham gia. Tận dụng điều kiện cơ sở vật chất thuận lợi, ban giám hiệu nhà trường đã nỗ lực nâng cao chất lượng các sân chơi thể thao nhằm tạo nguồn vận động viên cho địa phương, hướng đến các sự kiện văn hóa – thể thao dành cho đồng bào DTTS Khmer trên địa bàn tỉnh.
Trong Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào dân tộc Khmer tỉnh An Giang năm 2019, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tịnh Biên là nơi cung cấp nguồn vận động viên cho đơn vị Tịnh Biên ở một số môn như: kéo co, đẩy gậy, đội cà om lấy nước và các tiết mục văn hóa – văn nghệ. Các em học sinh của trường đã đạt được kết quả rất khả quan, đóng góp vào thành công chung của huyện Tịnh Biên tại sự kiện văn hóa – thể thao đặc sắc này.
Ở thị xã biên giới Tân Châu (An Giang), việc nâng chất sân chơi thể thao trong trường học cũng được quan tâm. Có thể nói, TX. Tân Châu là một trong những đơn vị có công tác đào tạo trẻ hiệu quả và nguồn lực này chủ yếu từ các sân chơi thể thao học đường. Với sự phối hợp tích cực của các điểm trường trên địa bàn, ngành thể thao Tân Châu có thể phát hiện sớm những cá nhân tiềm năng để bồi dưỡng, huấn luyện và hình thành nguồn vận động viên chất lượng.
Theo Trung tâm Văn hóa – Thể thao thị xã Tân Châu, địa phương luôn chú trọng đào tạo nguồn lực vận động viên trẻ nhằm hướng đến những “chặng đường dài” trong thể thao, chứ không quá đặt nặng thành tích “cục bộ” tại một thời điểm nhất định. Vì vậy, việc quan tâm nâng chất hoạt động thể thao trong trường học có ý nghĩa quyết định đến những mục tiêu của ngành thể thao thị xã hiện nay và cả tương lai. Có thể kể đến những điểm trường đóng góp tích cực vào thành tích thể thao của địa phương như: THPT Nguyễn Quang Diêu, THCS Tân An.
Những năm qua, Trường THCS Tân An luôn quan tâm, phát triển các sân chơi thể thao trong nhà trường theo hướng vừa đáp ứng nhu cầu của đông đảo học sinh, vừa tìm kiếm, bồi dưỡng những cá nhân có tố chất. Với những học sinh có năng khiếu thể thao, nhà trường luôn tạo điều kiện để các em phát triển nhưng vẫn đảm bảo thời gian học tập trên lớp. Hiện nay, trường có đầy đủ sân tập bóng chuyền, bóng bàn, bóng đá, đá cầu và cả bi sắt nên có thể đáp ứng nhu cầu rèn luyện thể chất của đông đảo học sinh, cũng như quá trình tập luyện của các vận động viên tiềm năng.
Việc các điểm trường và địa phương quan tâm nâng chất hoạt động thể thao trong trường học sẽ góp phần trong việc giáo dục, đào tạo học sinh một cách toàn diện. Đồng thời, khai thác tốt tiềm năng của các em, đảm bảo tính kế thừa, phát huy trong việc xây dựng, phát triển phong trào thể thao tại địa phương cũng như hướng tới những sân chơi thành tích cao trong tương lai.
MINH QUÂN
Bữa cơm bán trú níu chân học sinh ở trường Pa Nang
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Pa Nang trở thành ngôi nhà thứ 2 của các em người Vân Kiều, bởi các em không chỉ được học chữ làm người
Buổi sáng trên dãy Trường Sơn vốn trong lành tinh khiết, trời đất đang độ vào xuân, chỉ một vài ngày nữa thôi, các em học sinh ở trường Pa Nang sẽ về nhà ăn tết cùng gia đình.
Khi dãy Trường Sơn huyền thoại vẫn bịt bùng trong những màn sương, trên một mỏm đồi ở Pa Nang, tiếng trống trường tập thể dục buổi sớm đã rộn rã.
Các em học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Pa Nang (xã Pa Nang - huyện Đakrông, Quảng Trị) bắt đầu một buổi sớm như thế.
Khác với mọi năm, các thầy cô giáo ở trường Pa Nang không còn nỗi lo phải đi "bắt" học sinh đến lớp sau Tết nữa.
Ngày nay, dù có nhiều thay đổi nhưng cuộc sống ở xã vùng biên Pa Nang vẫn còn khá nghèo.
Thế nhưng chuyện học của những trẻ em lại được cha mẹ và cả những thầy cô giáo nơi đây hết lòng vun đắp.
Là ngôi trường dạy học sinh dân tộc thiểu số nên bên cạnh việc giáo dục kiến thức phổ thông thì việc giúp học sinh giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống và ý thức tự hào dân tộc luôn được nhà trường quan tâm.
Thầy hiệu trưởng Lê Thanh Tùng cho biết, toàn bộ học sinh được sắp xếp ở vào các phòng ở kí túc xá của 2 khu nhà dành cho học sinh nam và học sinh nữ riêng.
Ban đầu mới về sinh hoạt chung các em chưa quen sinh hoạt tập thể nên đêm nào thầy cô cũng phải đi từng phòng nhắc nhở các em.
Dần dần rồi các em quen , đã đi vào nền nếp, sinh hoạt đúng quy định. Được dạy dỗ cẩn thận nên bây giờ các em chấp hành nền nếp ở kí túc xá và học đường rất tốt.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Pa Nang.
Nhà ở bán trú ngay trong khuôn viên trường, bên cạnh nội quy của nhà trường, còn ghi rõ nội quy sinh hoạt được các em tự xây dựng với nhau:
Học đúng giờ, chơi đúng lúc; không được dùng điện thoại trong giờ học, giờ ngủ; tiết kiệm nước sinh hoạt hằng ngày; giữ gìn vệ sinh chung; giày dép xếp ngay ngắn trước cửa phòng, sách vở, áo quần xếp ngăn nắp...
Để học sinh trời mưa rét có áo ấm mặc thường xuyên nên trong khu kí túc xá được nhà trường đặt một máy giặt phục vụ việc giặt chăn và vắt khô quần áo ấm cho các em.
Nhà trường thường xuyên tổ chức hội thi "Phòng ở kiểu mẫu" để học sinh thi đua giữ gìn phòng ở gọn gàng, vệ sinh, qua đó nâng cao ý thức học sinh trong việc tự tổ chức cuộc sống.
Giờ học tăng cường tiếng dân tộc Vân Kiều ở Pa Nang.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã tổ chức các hoạt động nhằm thu hút học sinh đến trường cũng như rèn luyện kỹ năng sống cho các em như: Tổ chức Hội thi "Thể thao học đường", Hội thi "Tìm hiểu về sức khỏe sinh sản vị thành niên và hậu quả của kết hôn sớm" qua đó thu hút học sinh tham gia tích cực.
Nhà trường cũng đã chi trả đầy đủ và kịp thời chế độ cho học sinh bán trú. Mua sắm trang thiết bị, dụng cụ Thể dục thể thao tạo điều kiện cho các em vui chơi, thu hút các em đến trường.
Chính từ những hoạt động như vậy, lớp học bán trú ở trường Pa Nang đã níu chân các em học sinh người Vân Kiều.
Nếu trước đây, sau Tết cổ truyền hay mùa đót, học sinh bỏ học dài ngày là hiện tưởng phổ biến thì nay, các việc học bán trú, được ăn, được ở, sinh hoạt tại trường hiện tượng đó đã không còn nữa.
Nhờ đó, chất lượng dạy và học đã và đang tốt dần lên. Năm học Năm học 2019-2020 toàn trường có 11 lớp với 379 học sinh.
Trong đợt sơ kết học kỳ 1 năm học 2019 - 2020 nhà trường đã có 6 em học sinh đạt học lực giỏi, 88 em đạt học lực khá, không có học sinh bị học lực kém.
Song song với học tập, các em học sinh đã có những chuyển biến tích cực về hạnh kiểm trong đó có 216 em đạt hạnh kiểm tốt chiếm tỷ lệ 57,45%, Khá 112 em chiếm tỷ lệ 29,79%, Trung bình 48 em chiếm tỷ lệ 12,77%, không có học sinh bị xếp hạnh kiểm yếu.
Một ngày của học sinh bán trú tại Pa Nang:
Núi rừng Trường Sơn bồng bềnh trong sương sớm.
Các em học sinh ở Pa Nang bắt đầu ngày mới với màn tập thể dục buổi sáng lúc 6h30.
Sau giờ thể dục, các em học sinh sẽ ăn sáng. Một ngày 3 bữa cơm được nhà trường lo đầy đủ.
Bữa sáng của các em là bánh mỳ, là mỳ tôm, là cháo...
Sau giờ học là bữa trưa, những bữa cơm có giá 8 ngàn ở trường là bữa cơm ngon hơn rất nhiều so với ở nhà.
Ký túc xã đã xuống cấp, thầy Lê Thanh Tùng, hiệu trưởng nhà trường mong mỏi sẽ có mạnh thường quân giúp đỡ nhà trường để có một cơ ngơi tốt hơn cho các em.
Sau giờ cơm, sinh hoạt, các em được xem ti vi trước khi vào giờ tự học trên lớp.
Ngoài giờ học, trường Pa Nang dạy tăng cường song ngữ tiếng Việt và tiếng Vân Kiều.
Trật tự, an ninh khu ký túc xá của học sinh được đảm bảo.
Trần Phương
Theo giaoduc.net
Thầy giáo Khmer tận tâm, yêu nghề ó là nhận xét của hầu hết thầy, cô giáo và học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú (DTNT) Huỳnh Cương, TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) về thầy giáo Kim Văn Ngói, 37 tuổi, Phó Hiệu trưởng, Phó Bí thư Chi bộ nhà trường. Với sự tận tâm, nhiệt huyết của mình, thầy Kim Văn Ngói đã có những phương pháp...