Nâng cấp các trường học xuống cấp vẫn phải chờ cấp trên
Vụ lở trần tại một lớp học của Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) vừa xảy ra tiếp tục là một lời cảnh báo đối với những ngôi trường từ lâu đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư cải tạo.
Vừa học vừa lo
Sáng 26.4 vừa qua, một mảng vữa trần nhà đã rơi xuống trong giờ học buổi sáng của lớp 11A1 (THPT Kim Liên, Hà Nội). Đám vữa còn kéo theo cả dây điện rơi xuống. Vết lở trần nhà khoảng 3m2 trơ ra những tấm bê tông bên trong. May mắn là học sinh đã kịp chạy ra ngoài nên chỉ có một em bị xước tay.
Video đang HOT
Mảng trần rơi tại Trường THPT Kim Liên ngày 26.4.2011. Ảnh: Hoàng Thùy.
Đây không phải là lần đầu tiên các phòng học của Trường THPT Kim Liên xảy ra hiện tượng lở vữa trần nhà như thế này. Tháng 10.2010, một mảng tường to khoảng 60cm, dày hơn 20cm rơi từ trần nhà xuống đã gây hoảng loạn cho cả lớp 11A15, làm một học sinh nữ bị thương nhẹ. Trước đó nữa, ngày 8.9.2009, khi lớp 12A15 chuẩn bị bước vào tiết học thứ ba, chiếc quạt trần đang chạy đột nhiên rơi xuống làm 2 học sinh nam và nữ bị thương. Được biết, Trường THPT Kim Liên được xây dựng từ giữa những năm 1980, sửa chữa một lần vào năm 1999, đến nay nhiều hạng mục và trang thiết bị đã xuống cấp nhưng chưa có kinh phí để sửa chữa lớn.
Không chỉ riêng Hà Nội, tại rất nhiều địa phương đều có những ngôi trường nằm trong diện xuống cấp từng phần hoặc xuống cấp trầm trọng.
Trường THCS Nguyễn Hoa (An Lĩnh, Tuy An, Phú Yên) được xây dựng từ năm 1984 đang xuống cấp nghiêm trọng, nhiều mảng tường bị nứt toác, móng sụt lún, sàn nhà thủng lỗ chỗ, có thể sập bất cứ lúc nào, gây nguy hiểm cho tính mạng cả thầy và trò. Để tránh nguy hiểm, trường phải cấm các em học sinh chạy nhảy chơi đùa trong các phòng học, riêng phòng học cuối tuyệt đối không cho phép các em mở cửa sổ vì mỗi lần đóng mở là mảng tường đó lại rung lên như sắp đổ.
Trường Tiểu học Âu Cơ (Q.11, TP. HCM) ) hơn 10 năm nay, học trò và các thầy cô vẫn sinh hoạt ngay trong các lớp học được bố trí chẳng khác nào… địa đạo. Những lớp học bé tí bé tẹo, xuống cấp trầm trọng, nguy cơ tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Theo chuẩn quy định của Bộ GDĐT, một phòng học phải có diện tích 6×8m thì phòng học ở Trường TH Âu Cơ chỉ đạt 3×5m. Mỗi phòng học chỉ có một cửa ra vào. Chính vì vậy mà khu A của trường đã xuống cấp trầm trọng, có thể đổ sập bất cứ lúc nào, một số khối học phải “lấn” sang khu B.
Trường THPT Telơman (Q.1, TP. HCM) nằm trong khuôn viên khu nhà được xây dựng từ thời Pháp thuộc nên đã xuống cấp trầm trọng, mùa mưa thì dột, mùa nắng thì nóng như xông hơi. Có dãy phòng học phải dùng loại cây sắt vuông phi 12 gắn vào kính cho cửa sổ, cửa ra vào. Thậm chí, nhà trường phải cho tháo hết kính chắn gió vì sợ HS trong khi học, vui chơi không may va chạm vỡ kính gây tai nạn…
Sửa chữa, nâng cấp – vẫn phải chờ
Ban giám hiệu Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) cho biết, trước những vụ lở trần, nhà trường chỉ có thể thực hiện biện pháp hàng ngày giám thị cầm sào đi chọc ở những vị trí khả nghi để tránh tai nạn, lở đâu quét vôi đấy chứ không thể vá, vì càng vá càng rơi nhiều. Được biết, từ năm 2009, Sở GDĐT Hà Nội đã có kế hoạch cải tạo lại trường nhưng đến nay, khi năm học 2011 sắp kết thúc, thành phố vẫn đang trong quá trình khảo sát. Dự kiến, đến năm 2012 sẽ khởi công cải tạo, sửa chữa với kinh phí được thành phố phê duyệt gần 28 tỷ đồng.
Tại Trường THCS Nguyễn Hoa (An Lĩnh, Tuy An, Phú Yên), Ban giám hiệu nhà trường chỉ có thể cố gắng dựng các khung gỗ để gia cố lại các phòng học một cách tạm thời.
Trường Tiểu học Âu Cơ đã có dự án xây trường mới nhưng đến nay vẫn dậm chân tại chỗ do vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng. Còn Trường THPT Tenlơman, do nằm ở vị trí “đắc địa” (trung tâm TP), trong khu quy hoạch Công viên 23/9 nên “không được xây mới hay sửa chữa gì, phải giữ nguyên hiện trạng”. Được biết, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Kế hoạch đầu tư của TP. HCM đã dự kiến địa điểm xây trường mới nhưng lại nằm lọt trong khu dân cư, diện tích nhỏ và chỉ có một lối ra vào, không đảm bảo giao thông nhất là vào giờ đưa, đón học sinh.
Trong khi còn phải chờ những quyết sách từ các cơ quan quản lý nhà nước, thầy và trò trong các ngôi trường xuống cấp vẫn phải tiếp tục dạy và học trong nỗi lo tai nạn đổ xuống đầu thầy và trò hàng ngày.
Theo Lao Động