Nâng cao ý thức học tập, phòng chống dịch bệnh
Ngày 4-5, cùng với học sinh cả nước, học sinh các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã trở lại trường học sau 3 tháng phải nghỉ học phòng, chống dịch Covid-19.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hà Nội Mới, các nhà trường đã tăng cường nhiều biện pháp quản lý bảo đảm vừa dạy học tốt, vừa nâng cao ý thức phòng, chống dịch. Trong khi đó, chính quyền cơ sở cùng lực lượng đoàn thanh niên cũng vào cuộc để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bên ngoài các trường học.
Đo thân nhiệt cho sinh viên trước khi vào lớp học tại Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội.
Học sinh, sinh viên yên tâm đi học trở lại
Từ 6h45 ngày 4-5, các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn Thủ đô đã bố trí cán bộ, giáo viên đón học sinh trở lại học tập theo quy trình bảo đảm an toàn về phòng, chống dịch Covid-19. Các nhà trường đều tổ chức chia lớp thành hai nhóm nhỏ, bố trí chỗ ngồi so le để bảo đảm giãn cách trong lớp học. Việc đo thân nhiệt, ghi sổ theo dõi sức khỏe của học sinh được duy trì từ khi học sinh đến trường cho đến khi kết thúc buổi học. Học sinh Bùi Ngọc Linh, lớp 9A7, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Được trở lại trường học, em và các bạn đều nhắc nhở nhau cùng thực hiện các quy định về phòng, chống dịch theo sự hướng dẫn của thầy, cô giáo để có sức khỏe tốt, đi học đều đặn”.
Trao đổi với phóng viên Báo Hà Nội Mới, bà Nguyễn Thị Bích Nga, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) cho biết, để bảo đảm an toàn trong thời điểm còn dịch Covid-19, nhà trường tạm thời dừng tổ chức bán trú. Việc thực hiện nghi lễ chào cờ đầu tuần được thực hiện tại các lớp học, tránh tập trung đông người. Sau khi tan học, học sinh được yêu cầu lập tức về nhà và tránh đi đến những nơi đông người.
Còn tại Trường Trung học cơ sở Phương Trung (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai), từ đầu giờ sáng 4-5, các giáo viên đã chia hàng đón, đo thân nhiệt cho học sinh; trong các lớp đều bố trí nước rửa tay. Hiệu trưởng nhà trường Phạm Thị Kim Hoa cho biết: Khi tan học, các lớp chia giờ cho học sinh về nhà, bảo đảm giãn cách đúng quy định. Trao đổi thêm, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai Đoàn Việt Dũng cho hay: Các trường trên địa bàn huyện đều chia lớp, bảo đảm 20 học sinh/lớp, tuân thủ nghiêm quy định phòng dịch.
Để giãn mật độ học sinh tập trung vào đầu giờ sáng, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) tổ chức phân luồng giao thông tại khu vực cổng trường. Theo ông Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều, nhà trường bố trí cho 2.000 học sinh đi học theo khối lớp, ngồi học so le, bảo đảm mỗi buổi học chỉ có 500 học sinh.
Tương tự, ngày 4-5, hơn 300 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức đón học sinh, sinh viên trở lại học tập. Sinh viên Phạm Văn Thức, lớp TC cắt gọt 1 (Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội) cho biết: “Phòng học của chúng em được vệ sinh sạch sẽ, bảo đảm yêu cầu phòng dịch nên chúng em hoàn toàn yên tâm học tập”.
Cũng trong ngày 4-5, chính quyền các địa phương đã cắt cử lực lượng công an, dân phòng… hỗ trợ các nhà trường bảo đảm trật tự ở khu vực ngoài cổng trường. Trước giờ học và khi tan trường, lực lượng công an đều có mặt, từ đó giúp tình hình trật tự được bảo đảm, không xảy ra tình trạng tụ tập đông người, khó đáp ứng yêu cầu giãn cách. Lực lượng đoàn viên thanh niên cũng tham gia tích cực vào việc này. Trong đó, đoàn viên thanh niên các cơ sở Đoàn trực thuộc Thành đoàn Hà Nội đã ra quân trực chốt thanh niên tình nguyện, hỗ trợ triển khai hoạt động phòng, chống dịch tại khu vực các cổng trường.
Quận đoàn Hoàng Mai đã thành lập 23 chốt thanh niên tình nguyện tại các điểm trường trên địa bàn. Còn đoàn viên thanh niên huyện Gia Lâm trực tại các cổng trường nhắc nhở học sinh giữ khoảng cách theo quy định, về nhà ngay sau khi tan trường. Riêng tại huyện Phúc Thọ, ngoài việc hỗ trợ các nhà trường thực hiện biện pháp phòng dịch cho học sinh ở cổng trường học, đoàn viên thanh niên của huyện còn phối hợp phân luồng giao thông tại quốc lộ 32 để giúp học sinh đến trường an toàn…
Video đang HOT
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hà Nội Mới trên địa bàn các quận, huyện như Long Biên, Ba Đình, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Thanh Trì, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ…, nhiều trường học bố trí giờ tan lớp lệch giờ nhau nên không có tình trạng tập trung quá đông học sinh ở một thời điểm. Học sinh tan lớp cũng được phụ huynh đón về ngay hoặc đi thẳng về nhà để bảo đảm yêu cầu phòng dịch.
Nâng cao chất lượng giảng dạy và không chủ quan với dịch bệnh
Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ dạy học và công tác phòng dịch Covid-19 trong các nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các trường tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 07/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức 6 đoàn kiểm tra đột xuất về công tác phòng, chống dịch và tổ chức dạy học tại các nhà trường. Ông Hoàng Hữu Trung, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, kiểm tra thực tế trong ngày 4-5, các đoàn kiểm tra ghi nhận, đa số các trường đều chấp hành tốt các quy định về phòng, chống dịch, có phương án dạy, học bảo đảm an toàn.
Riêng tại huyện Mê Linh, địa phương vẫn đang thực hiện cách ly xã hội, học sinh trung học cơ sở sẽ đi học trở lại vào ngày 6-5; riêng xã Mê Linh cho học sinh các cấp trở lại trường ngày 11-5… Còn tại huyện Thường Tín, học sinh ở xóm Trên, thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến sẽ trở lại trường học sau ngày 13-5, khi địa phương này kết thúc cách ly xã hội.
Còn với các trường nghề, theo bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong những ngày tới, các nhà trường tiếp tục triển khai phòng, chống dịch song song với bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.
Để việc tổ chức dạy – học diễn ra an toàn trong bối cảnh còn dịch Covid-19, những ngày tới, Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các nhà trường chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch. Những đơn vị, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
Ngày 4-5, khoảng 170.000 học sinh các khối lớp 9 và lớp 12 các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên… tại thành phố Hồ Chí Minh đã quay trở lại trường học. Các nhà trường đều thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định. – Bích Ngọc
Học sinh trở lại trường: Ôn tập là chủ yếu
Trong 1-2 tuần đầu, các trường tập trung ôn tập kiến thức đã dạy trực tuyến, trên truyền hình, sau đó học kiến thức mới theo phương án tinh giản
Sáng 4-5, học sinh từ khối lớp 6-12 của các trường THCS, THPT ở TP Hà Nội trở lại trường sau 3 tháng tạm nghỉ học do dịch Covid-19.
Lập đoàn kiểm tra phòng chống dịch
Tại Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên), trước khi vào lớp, học sinh được đo thân nhiệt, sử dụng dung dịch sát khuẩn tay. Trường cũng đã diễn tập các phương án xử lý tình huống khi có trường hợp bất thường về sức khỏe; yêu cầu giáo viên, học sinh tăng cường ý thức tự giác tuân thủ các quy định về phòng chống dịch Covid-19.
Ông Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, cho hay các lớp học của trường đều được chia làm hai. Trong đó tùy theo khối, học sinh sẽ học trực tiếp tại trường vào các ngày thứ hai, tư, sáu hoặc ba, năm, bảy. Ngoài buổi học tại trường, học sinh vẫn học trực tuyến hằng ngày, bảo đảm hoàn thành chương trình trước ngày 15-7. Như vậy, mỗi buổi chỉ có 500 học sinh tập trung tại trường, bảo đảm tốt các quy định về giãn cách.
Học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh (TP Đà Nẵng) rửa tay sát khuẩn trước khi vào lớp. Ảnh: BÍCH VÂN
Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) cũng chia đôi học sinh các lớp để bảo đảm giãn cách trong quá trình giảng dạy. Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trong tuần đầu tiên trường chỉ tập trung ôn tập kiến thức cho các em và duy trì việc dạy trực tuyến song song với dạy trên lớp. Sau 2 tuần, trường sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá học lực của học sinh để triển khai phương pháp dạy phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Bích Nga, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Ba Đình), cho hay nhà trường có 1.500 học sinh, trước đây có hơn 300 học sinh bán trú tại trường nhưng để bảo đảm an toàn cho học sinh trong bối cảnh hiện nay, nhà trường tạm thời dừng việc tổ chức bán trú. Hiện mỗi lớp được chia làm hai, sĩ số cao nhất 22 học sinh/lớp. Học sinh được bố trí chỗ ngồi so le, bảo đảm khoảng cách an toàn trong quá trình học. Việc thực hiện nghi lễ chào cờ đầu tuần được thực hiện tại lớp.
Trong ngày đầu học sinh đi học trở lại, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Hà Nội đã tổ chức 6 đoàn kiểm tra tại các trường về công tác phòng chống dịch và tổ chức dạy học. Ông Hoàng Hữu Trung, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT TP Hà Nội, cho hay theo đánh giá sơ bộ từ 6 đoàn kiểm tra, các trường đều chấp hành tốt quy định về phòng chống dịch, có phương án dạy - học bảo đảm an toàn. Tỉ lệ học sinh đến trường đạt gần 100%. Trong ngày 4-5 chưa ghi nhận trường hợp học sinh, cán bộ, giáo viên... có biểu hiện bất thường về sức khỏe.
Chạy đua ôn tập, dạy kiến thức mới
Sáng cùng ngày, 150.000 học sinh khối lớp 9 và 12 ở TP HCM đi học trở lại. Ngoài thực hiện các biện pháp như đo thân nhiệt, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, các trường trên địa bàn còn tổ chức chia lớp, học lệch giờ để bảo đảm các quy định về giãn cách xã hội.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), cho biết vì không phải 100% học sinh được học trực tuyến nên trong 2 tuần đầu tiên đi học lại, nhà trường chỉ ôn tập kiến thức cũ. Những tuần tiếp theo, sẽ dạy theo chủ đề, tích hợp, bỏ những phần giảm tải, chú trọng phần kiến thức chính.
Theo ông Phú, thực tế học sinh chỉ còn được học bài mới 1 tháng, 1 tuần ôn, 1 tuần thi nên thời gian rất gấp rút. Tuy nhiên, nhà trường đã tăng cường học trực tuyến 3 buổi/tuần để hỗ trợ học sinh giải bài tập.
Cũng như vậy, Trường THPT Trần Hữu Trang (quận 5) cho học sinh ôn tập kiến thức cũ trong 2 tuần đầu tiên, những tuần tiếp theo học bài mới và kiểm tra đánh giá theo đúng chương trình tinh giản đã được hướng dẫn.
Còn theo ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), trường sẽ rà soát kiến thức cũ cho học sinh trong tuần đầu tiên, tuần thứ hai bổ sung những kiến thức bị hụt trong thời gian nghỉ và kết hợp dạy bài mới. Nhà trường cũng lên kế hoạch tinh giản chương trình học đúng theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, song song đó giảm các bài kiểm tra đánh giá theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT.
Còn tại TP Đà Nẵng, ngày 4-5 có hơn 200.000 học sinh từ lớp 1 đến 12 đi học trở lại. Theo Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, trong tuần học đầu tiên này, các khối tiểu học sẽ tập trung ôn tập kiến thức đã học trong 3 tuần thực hiện dạy học trực tuyến. Những học sinh chưa tiếp cận được chương trình học trực tuyến sẽ được hỗ trợ để nắm bắt kiến thức. Bắt đầu từ ngày 11-5, bậc mầm non đi học lại, các trường tiểu học sẽ tổ chức học 2 buổi mỗi ngày và bán trú.
Đối với bậc THCS và THPT, ngoài việc tổ chức giảng dạy bài mới, các trường cũng rà soát lại nội dung đã học trực tuyến, truyền hình để xây dựng kế hoạch giảng dạy và đặc biệt chú trọng đối với khối lớp 9 và 12.
Ở TP Cần Thơ, khoảng 63.000 học sinh gồm học sinh lớp 8, 9 và khối THPT, học viên các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trở lại trường vào sáng 4-5.
Ông Trịnh Ngọc Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Châu Văn Liêm (quận Ninh Kiều), cho biết: "Để chuẩn bị đón học sinh trở lại trường, trường đã phun thuốc khử trùng, vệ sinh lớp học và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch Covid-19. Trường không tổ chức chia lớp nhưng sẽ thực hiện tối đa việc giãn cách trong lớp học đối với học sinh. Trong tuần đầu tiên, các giáo viên sẽ ôn tập, củng cố lại kiến thức cho học sinh sau thời gian học online".
Tại Vĩnh Long, học sinh các khối lớp 1, 5, 6, 7, 8, 10, 11 bắt đầu trở lại trường. Theo ông Nguyễn Phước Điền, Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Ninh (huyện Long Hồ), khối lớp 12 trở lại trường từ tuần trước. Từ ngày 4-5, khối 10 và 11 bắt đầu đi học lại nên trường đã bố trí học sinh khối 11 và 12 học buổi sáng, khối 10 học buổi chiều, lớp học bố trí học sinh ngồi xa nhau nhất có thể, có bàn chỉ có 2 học sinh; lớp này với lớp kia xa hơn, ra chơi, vào học và ra về lệch giờ nhau.
Không làm kiểm tra dồn dập
Chiều 4-5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đến thăm, động viên học sinh và giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng (TP Hà Nội) trong ngày đầu đến trường sau thời gian tạm nghỉ phòng chống dịch Covid-19. Theo Bộ trưởng, sau thời gian nghỉ dài với không ít khó khăn, áp lực, trường cần quan tâm hỗ trợ tâm lý cho học sinh, giáo viên.
Về việc triển khai kế hoạch năm học, Bộ trưởng cho rằng 1-2 tuần đầu, các trường tập trung rà soát, đánh giá kết quả học trực tuyến, học qua truyền hình, từ đó có kế hoạch củng cố kiến thức đã học, trang bị kiến thức mới. "Ngoài lớp 9, lớp 12, các khối lớp khác có thể xem xét kéo dài nội dung học tới đầu năm học mới nếu cần thiết. Đề kiểm tra, đề thi học kỳ II phải có nội dung phù hợp, có thể kết hợp nhiều hình thức kiểm tra đánh giá linh hoạt, không bắt học sinh phải làm dồn dập quá nhiều bài kiểm tra, dẫn tới căng thẳng không cần thiết" - ông Nhạ lưu ý.
TP HCM: Đánh giá học kỳ II trước 30-6
Theo hướng dẫn dạy học, kiểm tra học kỳ và số cột điểm kiểm tra đánh giá học kỳ II năm học 2019-2020 của Sở GD-ĐT TP HCM, nhà trường sẽ tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học qua internet, trên truyền hình các môn học đã thực hiện từ ngày 6-4 đến ngày đi học trở lại để tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá cho phù hợp. Vận dụng kết hợp các hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến, giao nhiệm vụ học tập tại nhà cho học sinh, bảo đảm 100% học sinh được tiếp cận, thực hiện và hoàn tất nhiệm vụ học tập của học kỳ II.
Về tổ chức kiểm tra đánh giá trong học kỳ II, các trường chủ động tổ chức và hoàn thành vào ngày 30-6. Số lượng bài kiểm tra được quy định: Môn học có từ 1 tiết trở xuống/tuần sẽ thực hiện 1 đầu điểm thường xuyên (hệ số 1 - HS1), 1 đầu điểm định kỳ (HS2) và 1 đầu điểm kiểm tra học kỳ (HS3). Môn học có trên 1 tiết đến dưới 3 tiết/tuần có tối thiếu 2 đầu điểm thường xuyên (HS1), 1 đầu điểm định kỳ (HS2) và 1 đầu điểm kiểm tra học kỳ (HS3). Môn học có từ 3 tiết trở lên/tuần, thực hiện ít nhất 3 đầu điểm thường xuyên (HS1), 1 đầu điểm định kỳ (HS2) và 1 đầu điểm kiểm tra học kỳ (HS3).
Về hình thức kiểm tra đánh giá, các trường đẩy mạnh hoạt động đánh giá thường xuyên bằng nhiều hình thức: vấn đáp, phỏng vấn kiểm tra ngắn, nhanh dạng viết hoặc trên máy tính, báo cáo thuyết trình, kết quả/sản phẩm học tập (bài viết, bài tập về nhà, tiểu luận, viết báo cáo...). Có thể sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập trực tuyến của học sinh quy đổi thành kết quả thường xuyên.
Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn học và thi với đào tạo nghề trực tuyến do dịch COVID-19 Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành hướng dẫn các địa phương, trường nghề thực hiện quản lý, tổ chức dạy, kiểm tra, đánh giá việc đào tạo trực tuyến do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội dạy học trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19. Ảnh: XC. Theo đó, do dịch COVID-19, Bộ LĐ-TB&XH cho phép các trường...