Nâng cao tầm vóc người Việt, đề án 6 nghìn tỷ có khả thi?
Một trong những mục tiêu cụ thể của đề án “Phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam”, là tới cuối năm 2030, tầm vóc trung bình ở độ tuổi 18 của nam giới đạt 168,5cm, nữ đạt 157,5cm.
Vừa qua, tại 3 điểm cầu Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng cùng lúc đã tiến hành trực tuyến Hội nghị phổ biến và tuyên truyền về Đề án tổng thể “Phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030″ (còn gọi là đề án 641 của Chính phủ). Dự kiến, kinh phí thực hiện đề án lên tới 6 nghìn tỷ đồng.
Cơ bản, đề án sẽ triển khai 4 chương trình gồm: Chương trình 1 “Nghiên cứu triển khai, ứng dụng những yếu tố chủ yếu tác động đến thể lực, tầm vóc người Việt Nam”;
Chương trình 2 “Chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số có liên quan”;
Video đang HOT
Chương trình 3 “Phát triển thể lực, tầm vóc bằng phương pháp tăng cường giáo dục thể chất đối với học sinh từ 3 tuổi đến 18 tuổi”;
Chương trình 4 “Tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi xã hội về phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam”.
Đến cuối năm 2020, chiều cao trung bình ở độ tuổi 18 của nam phải là 167cm
Trong tham luận của mình với chương trình 3, ông Lâm Quang Thành – Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT khẳng định chương trình có mục tiêu quan trọng riêng của nó nhằm góp phần nâng cao chất lượng tầm vóc người Việt Nam. Đơn cử, chương trình hướng tới nhiệm vụ cuối năm 2020 thì tầm vóc trung bình ở độ tuổi 18 của nam giới là 167cm, nữ là 156cm còn cuối năm 2030 phải là 168,5cm đối với nam còn nữ là 157,5cm.
Điểm mấu chốt được ông Lâm Quang Thành bày tỏ đó là chi phí thực hiện Đề án lên tới 6.000 tỉ đồng. Và thời điểm khởi đầu khoảng từ nay đến năm 2015 liệu có đạt kết quả như mong muốn?
Theo Quyết định đã được phê duyệt vào giữa tháng 5 vừa qua, trong giai đoạn 2013-2015 thì Chương trình 1 phải thực hiện 14 hoạt động của 3 nội dung dành cho đối tượng trẻ từ 3 tuổi tới thanh niên 18 tuổi ở phạm vi rộng khắp tại 8 vùng khu vực cả nước.
Trong khi đó, Chương trình 2 cũng chọn giai đoạn 1 là 2013-2014 nhằm khai điểm một số tỉnh thành rồi mới có những đánh giá sơ bộ ban đầu.
Chương trình 3 thực hiện đồng thời trong các trường mầm non và THPT toàn quốc. Giai đoạn 2011-2015, chương trình tạm triển khai 24% số trường mẫu giáo, THPT (mỗi năm thực hiện 6% tổng số trường) ở 63 tỉnh, thành nhưng tập trung trọng điểm là Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thái Bình, Lào Cai, Quảng Ngĩa, Gia Lai, Bình Dương, Bạc Liêu, Tây Ninh.
Còn Chương trình 4 sẽ dành thời gian 2013-2015 để tập trung thông tin tạo nhận thức đúng cho người dân về Đề án…
Ông Lê Khánh Hải – Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL nhận định: “Để thực hiện thành công Đề án này, không phải chỉ một vài yếu tố mà đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều yếu tố hợp thành”. Nói cách khác, bản thân từng địa phương phải thực hiện tốt ở chính địa phương mình thì tổng thể cả Đề án mới hiệu quả.
Theo TTVH