Nâng cao kỹ năng sơ cấp cứu cho giáo viên, học sinh
Trang bị những kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu cho giáo viên, học sinh, đó là nội dung chính tại “ Ngày hội Sơ cấp cứu” tại Trường tiểu học Hoàng Minh Đạo, quận 8, TP.HCM diễn ra ngày 7.4 do Hội Chữ thập đỏ TP.HCM tổ chức.
Các em thực hành cấp cứu bị thương do xuất huyết
Đồng thời, nâng cao nhận thức cho các bậc phụ huynh học sinh, các cấp các ngành về ý nghĩa của việc trang bị kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu trong cộng đồng dân cư.
Theo ông Trần Văn Tuấn-Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố, Giám đốc Trung tâm huấn luyện sơ cấp cứu và Phòng chống thảm họa thành phố, trong khuôn khổ của dự án “Nâng cao năng lực Sơ cấp cứu tại trường học và cộng đồng” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chủ trì tổ chức thực hiện. Dự án được triển khai từ tháng 11.2018 tới tháng 6.2019 tại TP.Hà Nội và TP.HCM. Từ đó xây dựng và nhân rộng mô hình trang bị kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu trong trường học tại các thành phố lớn vào các năm tiếp theo.
Đến nay, dự án đã tiến hành khảo sát điều tra kiến thức, kỹ năng thực hành sơ cấp cứu của giáo viên và học sinh, đã tổ chức tập huấn cho 200 giáo viên và trên 10.000 học sinh của 22 trường tiểu học tại TP.Hà Nội và TP.HCM; tố chức ngày hội Sơ cấp cứu tại cộng đồng chung cư, tại trường học; truyền thông nâng cao nhận thức về sơ cấp cứu cho cộng đồng dân cư tại các tòa nhà văn phòng và các khu chung cư, cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đến với “Ngày hội Sơ cấp cứu”, các em học sinh đã tham gia Hội thi Sơ cấp cứu được tổ chức với Chủ đề “Sơ cấp cứu bảo vệ sức khỏe, bảo vệ sự sống” với sự tham gia của 10 trường tiểu học trên địa bàn quận 8.
Hoàng Hải
Theo motthegioi
Video đang HOT
Sống nhân văn, sẽ triệt tiêu mầm ác
Bạo lực học đường liên tiếp diễn ra trong thời gian qua, vừa gây bất bình dư luận, vừa làm vấy bẩn môi trường học đường. Tại sao những đứa trẻ đang còn ngồi trên ghế nhà trường lại có thể nhẫn tâm với bạn học của mình? Bạo lực học đường từ đâu ra, có ngăn chặn được không?...
Bà Trần Kim Lê - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông, Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) - đã có cuộc trao đổi với báo Đại Đoàn Kết xung quanh vấn đề này.
Bà Trần Kim Lê.
PV: Thưa bà, nguyên nhân của bạo lực học đường đã được các chuyên gia chỉ ra rằng do thế gắn kết chân kiềng "Gia đình- nhà trường- xã hội lâu" nay quá lỏng lẻo. Theo bà, còn có nguyên nhân nào khác nữa?
Bà Trần Kim Lê: Theo tôi có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân căn cốt dẫn đến tình trạng bạo lực học đường có phần không nhỏ bởi tính ích kỷ, thói vô cảm. Trẻ ích kỷ bởi ngày nay mỗi gia đình có ít con, trẻ được sự nuông chiều của cha mẹ, chỉ biết đến mình. Sự vô cảm từ bạn bè, từ người lớn ngang qua đường nhìn thấy cảnh con trẻ đánh lộn lẫn nhau mà không can ngăn; hoặc khi có học sinh thưa lại với thầy/cô có bạn A, bạn B đánh lộn, cãi cọ... không ít giáo viên cho đó là chuyện xích mích của trẻ con, phải chờ đến cuối tuần có buổi sinh hoạt lớp mới nhân tiện nhắc nhở học sinh.
Sự thờ ơ, vô cảm từ những người xung quanh - nhất là người lớn - vô tình đang tiếp tay cho những mầm ác. Nếu không được ngăn chặn kịp thời, sẽ không còn là chuyện "trẻ con" nữa mà trở thành vấn đề xã hội như chúng ta đang thấy. Cùng với đó, hiện ở nhiều trường học chưa chú trọng tới tư vấn tâm lý học đường. Trẻ không được quan tâm đến vấn đề tâm lý, không có nơi để chia sẻ. Ấm ức vì những chuyện nhỏ không được phân xử kịp thời, lâu dần tích tụ lại sẽ dẫn đến bạo lực học đường.
Một nguyên nhân nữa là trẻ bây giờ thiếu quá nhiều kỹ năng sống. Kỹ năng sống không phải dạy trẻ trong ngày 1 ngày 2 mà trẻ phải được học hàng ngày tại gia đình, tại trường học. Cha mẹ phải dành thời gian giúp con bồi dưỡng kỹ năng. Thầy cô hướng dẫn học trò qua các giờ học trên lớp. Trẻ sử dụng bạo lực cũng là do thiếu kỹ năng tự bảo vệ, tự thương thuyết, hòa giải. Từ những vụ việc bạo lực học đường/bạo lực ở lứa tuổi học đường diễn ra gần đây, còn cho thấy khoảng trống về kiến thức pháp luật cho lứa tuổi học sinh. Trên thực tế, nhiều em không ý thức được mình sẽ bị trừng phạt thế nào khi có hành vi xâm hại bạn khác.
Thưa bà, có quan điểm cho rằng lối sống "lệch chuẩn" của không ít người trẻ hôm nay có nguyên nhân từ mạng xã hội, và đôi khi là sự thái quá của truyền thông?
- Việc sử dụng mạng xã hội trong thời đại công nghệ số là cần thiết, nhưng ở lứa tuổi học trò, không phải đứa trẻ nào cũng biết cách hoặc đủ khôn ngoan/thông minh để chọn lọc thông tin. Nhất là khi xu hướng của tuổi teen là hay "a dua", hưởng ứng "trend" cho theo kịp xu thế... Thậm chí ngay cả người lớn cũng dễ mắc vào những cái bẫy hiệu ứng mạng xã hội, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng. Rõ ràng việc sử dụng mạng xã hội không đúng cách đã dẫn tới nhiều hệ lụy.
Những gì diễn ra trên mạng xã hội cũng chính là tấm kính phản chiếu đời sống. Do đó, ngoài sự quan tâm, theo dõi sâu sát của cơ quan quản lý nhà nước về nội dung trên internet, mỗi người dùng cần đọc kỹ điều khoản sử dụng trước khi lên mạng xã hội, cân nhắc có chọn lọc xem: nên xem gì, học tập gì từ những thần tượng ảo. Đặc biệt con trẻ sử dụng mạng xã hội cần có sự giám sát từ phụ huynh/giáo viên. Việc trẻ sử dụng Internet nếu có sự định hướng của cha mẹ thì rất hữu ích. Bởi đó là kho dữ liệu khổng lồ, song đó cũng là cạm bẫy nếu trẻ sa đà và bị lôi cuốn bởi những trang web độc hại. Nếu chúng ta không định hướng, uốn nắn, thiếu giám sát, sẽ dẫn đến những hành vi lệch chuẩn và những hệ lụy không lường trước được.
Điều đáng lưu ý là sau mỗi vụ việc trẻ em (nói chung) bị bạo hành, Cục Trẻ em luôn lên tiếng đề nghị các cơ quan truyền thông không đưa tin và hình ảnh quá chi tiết gây tổn hại tinh thần nạn nhân.
Việc không đưa thông tin chi tiết các vụ việc cũng là một cách bảo vệ trẻ trước nguy cơ xâm hại?
- Vâng, Đây là điều mà Cục Trẻ em luôn quan tâm trong quá trình bảo vệ trẻ trước một vụ xâm hại, bạo lực, đặc biệt là xâm hại tình dục. Trẻ bị xâm hại luôn bị sang chấn tâm lý rất nặng nề. Khi cơ quan báo chí truyền thông đưa tin về vụ việc mà đưa quá nhiều chi tiết cụ thể thì các em lại bị xâm hại lần thứ hai. Đây sẽ là lỗi của chúng ta. Bởi nỗi đau của các em và gia đình các em luôn bị nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Không chỉ 1 báo đưa, nhiều báo đăng tin rồi trên mỗi bài báo sau khi đăng thêm tình tiết mới thì lại nhắc lại vụ việc diễn ra như thế nào. Điều này ảnh hưởng rất nhiều tới gia đình trẻ bị xâm hại. Có trường hợp gia đình trẻ bị xâm hại phải chuyển khỏi địa phương để trẻ có cơ hội đi học trở lại. Có em bị sang chấn tâm lý, việc trị liệu cho trẻ mất rất nhiều thời gian mà các em luôn phải đối diện với những thông tin về mình thì trị liệu sẽ khó khăn hơn gấp nhiều lần.
Tuy báo chí truyền thông đã có nhiều đóng góp trong việc đưa ra công luận và lên án các vụ xâm hại, bạo lực, song việc cẩn trọng khi đưa thông tin về các em rất cần thiết như tôi vừa nói là xâm hại trẻ lần thứ hai. Để giải quyết tình trạng này, tới đây Cục Trẻ em sẽ phối hợp với Cục Báo chí có văn bản pháp lý qui định cụ thể một vụ việc trẻ bị xâm hại tình dục thì báo chí thông tin ở mức độ nào, không được nhắc tên, địa chỉ của trẻ... Trong tuần vừa qua, lãnh đạo Bộ LĐTBXH và Bộ GDĐT cũng đã có cuộc họp khẩn để đưa ra kế hoạch phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em trong trường học.
Thưa bà, theo báo cáo của Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111, từ 1/1/2019 đến 31/3/2019, Tổng đài tiếp nhận hơn 300.000 cuộc gọi đến. Tổng đài đã tư vấn 6.794 ca, can thiệp 207 ca. Trong đó số ca trẻ bị bạo lực 74 ca (chiếm 35,8% số ca hỗ trợ, can thiệp của Tổng đài); Trẻ em bị xâm hại tình dục là 63 ca (chiếm 30,4%). Điều này cho thấy tình trạng trẻ em bị xâm hại bạo lực không nhỏ, nhưng trong thực tế vẫn còn nhiều em chưa được tiếp cận, hoặc chưa có điều kiện tiếp cận với Tổng đài?
- Hiện thách thức trong hoạt động của Tổng đài là nhiều trường hợp Tổng đài không kết nối được với người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, không kết nối được với công an do không nghe máy, bận họp và từ chối hợp tác, không tiếp nhận thông tin từ phía Tổng đài; chưa thực sự tiếp cận hiệu quả nhóm trẻ em cần được bảo vệ đặc biệt, trẻ em vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số. Điều đó hạn chế việc đáp ứng kịp thời nhu cầu được giúp đỡ của trẻ em. Nhiều vụ việc các gia đình cũng từ chối sự trợ giúp của Tổng đài do chưa có sự tin tưởng.
Dẫu thế cũng có những trường hợp người dân vẫn còn thiếu thông tin về Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111, hoặc ít nhiều phụ huynh còn e dè khi liên lạc với tổng đài. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi sẽ tăng cường truyền thông, quảng bá rộng rãi về chức năng của Tổng đài 111 để can thiệp, trợ giúp được nhiều hơn trẻ bị xâm hại, bạo lực. Nhiều năm nay Tổng đài đã trực 24/24h và hoàn toàn miễn phí.
Vậy trong trường hợp trẻ bạo hành "cầu cứu", Tổng đài 111 đã giúp đỡ các em ra sao?
- Nhiều vụ việc trẻ bị bạo hành, Tổng đài đã kết nối với công an xã, Trung tâm Công tác xã hội địa phương để can thiệp. Trong tình huống khẩn cấp ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ, chúng tôi phải kết nối khẩn trương với Cục Cảnh sát hình sự C02, cảnh sát 113 để cùng can thiệp kịp thời. Tổng đài 111 được ví như cầu nối, là "trung tâm thông tin" giữa các ngành, các đơn vị chức năng để trợ giúp cho một em bé trong tình huống khẩn cấp. Sau khi trẻ được giải cứu, chúng tôi lại tiếp tục trị liệu tâm lý và hỗ trợ pháp lý nếu trẻ có nhu cầu. Năm 2018, chúng tôi đã thành lập thêm 2 Tổng đài vùng đặt tại Đà Nẵng và An Giang để can thiệp, trợ giúp trẻ tại các khu vực này. Bên cạnh đó Tổng đài 111 có chức năng can thiệp, hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán qua biên giới.
Câu hỏi cuối cùng: Trong vai trò phụ huynh bà thấy cần phải trang bị kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho con trẻ ra sao?
- Tôi vẫn muốn nhấn mạnh rằng sau mỗi sự việc xảy ra, những giải pháp đưa ra rất giống nhau và có phần chung chung. Đơn cử như: Gia đình, nhà trường và xã hội cần nâng cao nhận thức, ý thức cho học sinh, sinh viên và con em mình về những hành động bạo lực và hậu quả của những hành động bạo lực này...
Thực chất mọi giá trị sống đang thay đổi, âu cũng chính là hệ quả của lối sống (gấp) mà ra. Vì thế, dù ở môi trường nào đi chăng nữa (gia đình, nhà trường hay ngoài xã hội), chỉ cần mỗi người lớn hãy sống thực nhân văn. Khi người lớn thực sự là tấm gương - thì chúng ta cũng không phải bàn quá nhiều về việc trang bị kỹ năng sống cho trẻ.
Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!
Hương Lê
Theo Đại đoàn kết
Bỏ thi giáo viên dạy giỏi sẽ thật sự giảm áp lực ? Việc xét giáo viên giỏi, chủ nhiệm giỏi thay vì tổ chức thi như hiện nay nhận được nhiều ý kiến trái chiều... Giáo viên tham dự tọa đàm trình bày ý kiến của mình - ẢNH: T.N Sáng 6.4, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức...