Nâng cao kỹ năng nghề nhờ nghiên cứu khoa học
Đầu tháng 9-2019, nhóm tác giả Lê Trọng Cơ, Lê Duy Khánh, Trịnh Nam Phong (giảng viên Trường cao đẳng kỹ thuật Đồng Nai) đã đoạt giải nhất tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc với mô hình Hệ thống phân loại và vận chuyển sản phẩm tự động.
Nhóm sinh viên giúp việc (trái) thảo luận cùng giảng viên về các phương án lắp ráp mô hình Hệ thống phân loại và vận chuyển sản phẩm tự động. Ảnh: H. Yến
Theo chia sẻ của thầy Lê Trọng Cơ, ngoài nỗ lực của nhóm, thành công này có sự đóng góp công sức không nhỏ của nhóm sinh viên giúp việc. Đó là 4 sinh viên đã tình nguyện tham gia cùng các thầy thực hiện mô hình ngay từ những ngày đầu hình thành ý tưởng.
* Góp công giành giải thưởng
“Theo quy chế của hội thi, tác giả chỉ cần đưa ra ý tưởng, việc thực hiện mô hình có thể thuê đơn vị khác làm. Tuy nhiên, nếu thuê đơn vị khác làm thì sẽ rất tốn kém nên chúng tôi đã kêu gọi các sinh viên giúp sức. Để làm được một mô hình thiết bị dạy nghề đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức, trong khi đó, giảng viên không thể bỏ các tiết dạy để tập trung làm mô hình được. Vì thế, vai trò của nhóm sinh viên giúp việc là rất quan trọng” – thầy Cơ cho biết.
Sinh viên Trần Thanh Thiên cho hay: “Trong lúc học, em còn “lơ mơ” nhiều nội dung nhưng khi tham gia làm mô hình, em đã được thầy và các bạn hướng dẫn thêm, lại được thực hành nhiều nên em đã nắm vững những kiến thức trước đây mình bị hổng”.
Video đang HOT
Sau khi hình thành ý tưởng ban đầu về mô hình dự thi, nhóm tác giả đã thông báo tuyển sinh viên giúp việc tới các lớp. Một nhóm sinh viên đã xung phong làm việc cùng giảng viên và có 4 sinh viên trụ lại được đến cuối cùng gồm: Tống Bá Hùng, Tống Bá Hiếu, Trần Thanh Thiên, Trịnh Công Hậu. Cả 4 em đều là sinh viên năm 3 ngành điện công nghiệp.
Trong quá trình làm việc, nhóm không chỉ làm theo yêu cầu của giảng viên mà còn thảo luận về các phương án thực hiện mô hình sao cho hiệu quả nhất.
Từ thực tế làm việc, nhóm sinh viên đã phát hiện ra nhiều bất cập cần khắc phục và đưa ra được nhiều ý tưởng hay. Chẳng hạn, ban đầu, các thầy dùng cảm biến để phân loại sắt trên dây chuyền nhưng nhóm đã đề xuất ý tưởng dùng nam châm; hay như bộ phận cấp phôi bằng bộ phận rung nhưng máy rung có nhiều bất cập nên nhóm sinh viên giúp việc đã đề xuất cấp phôi bằng máng.
Cả 2 ý tưởng này khi đưa vào thực tế đều đạt hiệu quả hơn cách làm cũ. Nhờ đó, tổng thể hoạt động của mô hình cũng tốt hơn. Đây thực sự là những đóng góp hữu ích của các sinh viên giúp việc trong thành công chung của mô hình dự thi.
* Tiến bộ vượt bậc
Tống Bá Hùng, thành viên nhóm sinh viên giúp việc kể lại: “Điều kiện ban đầu thầy đặt ra với chúng em là chỉ cần chăm chỉ, chịu khó tìm hiểu và tích cực trong mọi công việc. Chúng em đã cùng thầy làm mô hình này trong 6 tháng. Trong thời gian đó, ngoài những lúc phải đi học, còn thời gian buổi tối và những lức rảnh rỗi là chúng em lại lên trường để hỗ trợ thầy”.
Trong quá trình làm mô hình, giảng viên đã đưa ra nhiều câu hỏi gợi mở, nêu vấn đề để sinh viên tìm tòi, nghiên cứu hướng giải quyết. Nhờ cách làm này mà các em có thể phát huy được năng lực sáng tạo của bản thân. Các sinh viên cũng sẽ phát hiện được điểm yếu của mình để bổ sung kiến thức, kỹ năng. “Thực tế, các em đã đưa ra nhiều ý tưởng mà chính giáo viên cũng không nghĩ ra. Từ ý tưởng của các em, chúng tôi khai thác thêm và hướng dẫn trở lại để các em tự làm” – thầy Cơ chia sẻ.
Nhờ cách làm việc khoa học, thời gian thực hành nhiều nên chỉ trong 6 tháng, tay nghề của cả 4 sinh viên giúp việc đều tiến bộ vượt bậc. Với quá trình làm việc này, nhóm sinh viên được ưu tiên cộng điểm, miễn thời gian thực tập tốt nghiệp tại doanh nghiệp; đồng thời, các em cũng được doanh nghiệp “săn đón” và chắc chắn sẽ có được vị trí việc làm ổn định ngay sau khi rời ghế nhà trường.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên các giảng viên của Trường cao đẳng kỹ thuật Đồng Nai dùng phương án nhóm sinh viên giúp việc cùng tham gia làm mô hình thiết bị dạy nghề tự tạo. Tuy nhiên, những năm trước đây, do chưa có kinh nghiệm hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học nên các em chỉ làm được những công việc đơn giản. Qua nhiều năm cùng làm việc với sinh viên, hiện nay, các giảng viên đã có kinh nghiệm trong việc hướng dẫn sinh viên làm nghiên cứu khoa học. Theo đó, giảng viên là người hướng dẫn gợi mở, còn sinh viên là người trực tiếp làm. Giảng viên kiểm tra lại, nhắc nhở những điểm chưa hợp lý để sinh viên tự sửa chữa.
Cách làm này vừa thuận tiện cho giảng viên hướng dẫn, vừa giúp sinh viên nâng cao tay nghề, đáp ứng được yêu cầu thực tế tại các doanh nghiệp.
Hải Yến
Theo baodongnai
Thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc
Sáng 7-9, tại TP Huế, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí nhằm thông tin về Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ sáu năm 2019. Hội thi diễn ra tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế từ ngày 8 đến 12-9.
Ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí.
Theo Ban tổ chức Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ sáu năm 2019, đến thời điểm này đã có 58 tỉnh, thành trong toàn quốc tham gia với tổng số thiết bị đăng ký dự thi là 396 thiết bị của 216 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hội thi năm nay được đánh giá là có số đơn vị và thiết bị tham gia cao nhất từ trước đến nay. Các thiết bị dự thi, gồm: dụng cụ, mô hình, thiết bị, phần mềm... phục vụ cho đào tạo, tập trung ở bốn nhóm nghề; Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông; Công nghệ Kỹ thuật cơ khí; Máy tính và Công nghệ thông tin và nhóm nghề tổng hợp (gồm các thiết bị của các nghề: y tế, xử lý nước thải, nuôi trồng thủy sản, thú y, kỹ thuật xây dựng, du lịch, khách sạn, nhà hàng, sản xuất chế biến,...).
Tác giả, nhóm tác giả dự thi đều là những nhà giáo có kỹ năng nghề cao, từng thiết kế, chế tạo thành công những sản phẩm đạt chất lượng cao và đang áp dụng cho công tác đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Việc chấm thi được tiến hành công khai, giữa các giám khảo không có sự tranh luận để thống nhất ý kiến mà cho điểm độc lập bằng phương pháp bỏ phiếu kín, kết quả chỉ được công bố trong lễ bế mạc hội thi. Để đảm bảo công bằng trong chấm thi, danh sách cán bộ chấm thi đối với từng loại thiết bị được giữ kín thông tin cho đến sát thời điểm tổ chức chấm thi.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tám, Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất và thiết bị - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc được tổ chức với mục tiêu phát huy tiềm năng trí tuệ của đội ngũ nhà giáo, học sinh, sinh viên và cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc tự làm thiết bị đào tạo nhằm phục vụ cho công tác đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo; trao đổi, học hỏi lẫn nhau giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về kinh nghiệm sáng chế, cải tiến và sử dụng thiết bị đào tạo; lựa chọn các thiết bị đào tạo tự làm có chất lượng, hiệu quả trong đào tạo để áp dụng rộng rãi trong ngành; góp phần truyền thông về giáo dục nghề nghiệp; kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Hội thi thiết bị tự làm được tổ chức định kỳ ba năm một lần, thể hiện sự sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, học sinh, sinh viên và cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các sản phẩm đặc trưng mang tính ứng dụng thực tiễn cao vào công tác giảng dạy.
Cùng ngày, Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế cũng tổ chức họp báo giới thiệu về Lễ kỷ niệm 120 năm ngày thành lập trường (12-9-1899 - 12-9-2019). Chuỗi hoạt động kỷ niệm sẽ được Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế tổ chức từ ngày 9 đến 12-9. Ngoài hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VI do nhà trường đăng cai, dịp này sẽ diễn ra các hoạt động, như: lễ kỷ niệm, trưng bày sản phẩm giáo dục đào tạo và khoa học, giao lưu, gặp mặt tri ân các thế hệ giáo viên và học sinh, sinh viên, Gala dinner tri ân các doanh nghiệp và nhà tài trợ...
Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế tiền thân là Trường Bá Công, thành lập ngày 12-9-1899 theo Chỉ dụ của vua Thành Thái. Qua 120 năm phát triển, nhà trường phấn đấu trở thành cơ sở đào tạo tiên tiến, xây dựng môi trường học tập và làm việc thân thiện, nhân văn trong nền kinh tế tri thức, áp dụng công nghệ tiên tiến trong dạy học, tạo cơ hội để người học tự học suốt đời.
CÔNG HẬU
Theo nhandan
Thắp sáng đam mê Qua qua trinh hoc tâp va công tac tai Học viện Chính trị, mọi người không chỉ ấn tượng về thành tích của Trung tá Lê Huy Tuynh, hoc viên Lớp nghiên cứu sinh Triết học, mà còn cảm nhận được ở anh sự chân thành, nhiệt huyết, đam mê nghiên cứu khoa học (NCKH). Từ khi còn là học viên cầu vai...