Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã: Đổi mới để phát triển
Thời gian qua, các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã, đang phát huy hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản xuất, đóng góp đáng kể trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, hoạt động của các hợp tác xã vẫn còn những khó khăn, hạn chế, bất cập. Cùng với sự nỗ lực của các hợp tác xã, thành phố Hà Nội đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đổi mới, tạo động lực phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình kinh tế này.
Thành phố Hà Nội tiếp tục tạo điều kiện để các hợp tác xã mở rộng phạm vi và quy mô sản xuất. Trong ảnh: Chăm sóc dưa lưới tại Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Quyết Tiến (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Nguyễn Quang
Nhiều khó khăn, hạn chế
Video đang HOT
Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) là xã có rất nhiều nghề thủ công truyền thống nên nhiều nông dân không mặn mà với sản xuất nông nghiệp. Trước thực tế này, Hợp tác xã Nông nghiệp, dịch vụ Quảng Phú Cầu (xã Quảng Phú Cầu) đã liên kết với Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa) tổ chức sản xuất lúa theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, thu hút người nông dân quay trở lại với đồng ruộng.
Ngoài mô hình hiệu quả trên, theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, thành phố Hà Nội có 1.284 hợp tác xã nông nghiệp. Các hợp tác xã này đã tạo việc làm, đưa nông dân trở thành công nhân lao động trên chính thửa ruộng của mình, góp phần đáng kể vào việc thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Điển hình như Hợp tác xã Công nghệ cao Đức Phát (huyện Thanh Trì) sản xuất và tiêu thụ rau thủy canh có 100 thành viên liên kết sản xuất trên diện tích khoảng 120ha, sản lượng tiêu thụ theo hợp đồng là 450 tấn/tháng. Nhờ đó, đời sống của thành viên hợp tác xã ngày càng nâng cao…
Mặc dù các hợp tác xã nông nghiệp đã phát huy hiệu quả rõ nét trong thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tuy nhiên, các mô hình này vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, hạn chế. Một số hợp tác xã thiếu về cơ sở vật chất, quy mô sản xuất, kinh doanh còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được nhu cầu và kỳ vọng của thành viên… Theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh, khó khăn hiện nay với đơn vị là công tác quản lý thị trường còn hạn chế, trong khi không phải người tiêu dùng nào cũng phân biệt được rau an toàn và không an toàn. Còn theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì (huyện Ba Vì) Tạ Viết Hùng, các hợp tác xã đều cần vốn để phát triển sản xuất nhưng việc tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi còn khó khăn. Thêm nữa, cán bộ và người lao động tại các hợp tác xã còn nhiều hạn chế trong tổ chức sản xuất cũng như quảng cáo và bán hàng…
Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT và thành phố Hà Nội thăm mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo của Hợp tác xã Nông nghiệp, dịch vụ Quảng Phú Cầu với Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (huyện Ứng Hòa), tháng 6-2021.
Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động
Trước đòi hỏi từ thực tế, bản thân các hợp tác xã phải nỗ lực nhiều hơn để phát triển. Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì (huyện Ba Vì) Tạ Viết Hùng cho biết: “Khắc phục những khó khăn về thị trường đầu ra, cũng như nguồn vốn sản xuất, chúng tôi đã xây dựng mục tiêu chiến lược cụ thể theo giai đoạn. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục đổi mới môi trường hoạt động, bảo đảm hấp dẫn, thu hút nguồn nhân lực chất lượng, có năng lực mở rộng thị trường về làm việc…”. Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh, đơn vị sẽ tập trung nâng cao năng lực quản trị, điều hành của đội ngũ cán bộ quản lý, đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.
Về phía chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Phạm Anh Tuấn thông tin: Nhằm phát huy thế mạnh, Ứng Hòa sẽ hình thành các hợp tác xã sản xuất kinh doanh gắn với du lịch trải nghiệm nông thôn. Huyện sẽ hỗ trợ các hợp tác xã tổ chức lại sản xuất, xây dựng phương án kinh doanh hiệu quả theo phương châm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa; lựa chọn cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất; phát triển nông nghiệp theo tiêu chuẩn an toàn, ứng dụng công nghệ cao và hữu cơ…
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Hoàng Thị Huyền cho biết: Năm 2020, Hà Nội đã hỗ trợ 5 mô hình hợp tác xã nông nghiệp liên kết sản xuất và liên kết chuỗi; đồng thời tổ chức 25 lớp tập huấn cho cán bộ quản lý hợp tác xã nông nghiệp… Năm 2021 này, cùng với việc tăng cường tổ chức tập huấn, đẩy mạnh hỗ trợ các mô hình, Hà Nội sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy các hợp tác xã nông nghiệp phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, kết hợp với du lịch nông thôn. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hợp tác xã; xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã nông nghiệp điển hình, tiên tiến, nhất là các lĩnh vực ngành nghề mới, tạo điều kiện để các hợp tác xã mở rộng quy mô, phạm vi, địa bàn hoạt động…
Một hình thức vay vốn phù hợp với phụ nữ nghèo
Vay món lớn, trả dần bằng những món nhỏ; không cần tài sản thế chấp; khi trả hết vốn, còn được rút một khoản tiết kiệm.
Đó là những ưu việt mà Tổ chức Tài chính vi mô TNHH MTV Tình thương Thanh Hóa (TYM) đem lại cho những phụ nữ nghèo và phụ nữ có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh khi tiếp cận nguồn vốn vay của TYM.
Thành viên vay vốn cụm 108, thôn Liên Hà, xã Hoằng Thanh (Hoằng Hóa) đến nộp tiền gốc, lãi cho cán bộ TYM.
Theo chân cán bộ TYM Phòng Giao dịch số 03, chúng tôi về xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa để tìm hiểu, lắng nghe những nhận xét, đánh giá về hiệu quả của nguồn vốn mà những người phụ nữ nghèo trên địa bàn xã vay vốn của TYM để phát triển kinh tế. Bà Lê Thị Dung, chủ tịch hội LHPN xã cho biết: Hoằng Thanh là xã ven biển, có nhiều hội viên phụ nữ mưu sinh cùng gia đình đánh bắt thủy sản và buôn bán hải sản nhỏ. Theo đó, cách thức mà TYM tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ vay vốn rất phù hợp với các tiểu thương buôn bán nhỏ. Từ khi TYM triển khai cho vay vốn trên địa bàn xã, đến nay đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của cấp ủy, chính quyền, hội LHPN xã. Tại địa phương, TYM đang hoạt động ở 6 cụm/7 thôn, với 242 thành viên. Theo đó, TYM vẫn luôn duy trì và giữ vững các đặc tính sản phẩm tín dụng đã được chứng minh tính ưu việt, hiệu quả, như: cho vay trực tiếp, không cần tài sản thế chấp, thủ tục vay, trả vốn đơn giản, thuận tiện, chia nhỏ trả dần, giảm bớt gánh nặng cho người vay. Ngoài ra, các cán bộ của TYM là những người nhiệt tình, tâm huyết, họ đến địa phương không chỉ để triển khai chương trình cho vay vốn mà còn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em, từ đó có sự trao đổi, thông tin hai chiều với tổ chức hội. Qua đó, giúp chúng tôi kịp thời giải quyết những mâu thuẫn, khó khăn ngay tại cơ sở. Hơn thế, khi có nguồn vốn của TYM, giúp chị em tránh được việc phải vay vốn từ nguồn tín dụng đen, rủi ro cao. Chúng tôi mong muốn TYM tiếp tục đồng hành cùng chị em trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng và có nhiều hoạt động từ thiện nhân đạo hơn nữa.
Cầm trên tay cuốn sổ và số tiền trả vốn, trả lãi vay của TYM, chị Trương Thị Thùy, chủ cửa hàng tạp hóa tại thôn Liên Hà, xã Hoằng Thanh, hồ hởi cho chúng tôi biết: Khoảng 5 năm gần đây, em đã nhiều lần vay vốn của TYM, mỗi lần vay từ 10 - 30 triệu đồng để đầu tư mua hàng tạp hóa về bán, đầu tư có lãi, lại trả được đúng hạn, năm 2020, em đã mạnh dạn vay 2 vòng vốn với 50 triệu đồng để mở rộng mặt hàng kinh doanh, đến nay em đã trả gần hết cả 2 vòng vốn. Được tiếp cận với nguồn vốn vay của TYM, em thấy rất may mắn vì không cần phải có tài sản thế chấp, cán bộ TYM nhiệt tình, chu đáo; hơn nữa lại trả vốn lãi theo tuần giúp em cảm thấy nhẹ nhàng vì gia đình chỉ buôn bán nhỏ, đồng vốn còn eo hẹp. Trước đó, mỗi lần cần vốn em phải vay mượn anh em, bạn bè, nhiều lần vay cũng ngại, nhờ có TYM nỗi lo về vốn không còn nữa, khi trả hết vốn em còn rút ra được một khoản tiết kiệm.
Bà Vũ Thị Dung, Trưởng Phòng giao dịch TYM số 03, cho biết: Tháng 10-2016, TYM - Chi nhánh Thanh Hóa khai trương Phòng Giao dịch số 03, đến nay qua gần 5 năm Phòng Giao dịch số 03 hoạt động bao phủ trên địa bàn TP Thanh Hóa và huyện Hoằng Hóa với 3.552 thành viên, 111 cụm, ở 17 xã/phường, trong đó có 3 xã ven biển. TYM đã hỗ trợ hàng trăm hội viên phụ nữ thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng. TYM là một trong những tổ chức thân thiện, gần gũi với phụ nữ nghèo, phụ nữ yếu thế, có thu nhập thấp, TYM không chỉ giúp chị em có đồng vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, mà còn có sự quan tâm, phối hợp sát sao với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ, giúp đỡ những trường hợp thành viên không may ốm đau, tai nạn, qua đời; trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập tốt...
Năm 2020 và 4 tháng đầu năm 2021, TYM đã giải ngân tổng số vốn 42,3 tỷ đồng, cho 1.050 thành viên phụ nữ trên địa bàn Hoằng Hóa vay để phát triển kinh tế hộ gia đình, như: chăn nuôi, buôn bán nhỏ, bán hàng tạp hóa và mua ngư lưới cụ đánh bắt, buôn bán hải sản. Qua đánh giá sử dụng vốn vay, hầu hết các thành viên đều sử dụng vốn có hiệu quả, đúng mục đích, từ đó đã khẳng định hiệu quả và tính thiết thực từ nguồn vốn mà TYM mang lại cho phụ nữ. Quan tâm đến đối tượng phụ nữ nghèo, phụ nữ yếu thế, TYM còn phối hợp với các cấp hội phụ nữ trong huyện tuyên truyền, vận động chị em nghèo, hộ cận nghèo, người tàn tật tham gia TYM. Song song với hoạt động vay vốn, TYM còn triển khai hoạt động gửi tiết kiệm với mục đích tạo thói quen tiết kiệm cho các thành viên, đồng thời xây dựng nguồn vốn tự có sau này cho gia đình họ, với chính sách gửi tiết kiệm linh hoạt, mức gửi tối thiểu từ 5.000 đồng, rút tại cụm. Tiết kiệm tại TYM đã thu hút nhiều thành viên đang vay vốn hoặc chưa có nhu cầu vay đăng ký tham gia gửi tiết kiệm. Hiện, nguồn vốn tiết kiệm của TYM địa bàn huyện Hoằng Hóa đạt 5,5 tỷ; Phòng Giao dịch số 03 đạt 22,75 tỷ đồng.
Thời gian tới, TYM Phòng Giao dịch số 03 tiếp tục tích cực hỗ trợ đối tượng nghèo, cận nghèo và thành viên có hoàn cảnh khó khăn; mở rộng địa bàn, kết nạp thêm 160 hội viên; tiếp tục cải tiến và nâng cao chất lượng các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, phấn đấu năm 2021, số vốn dự kiến phát ra là 93 tỷ đồng, dư tiết kiệm 27 tỷ đồng, tỷ lệ hoàn trả 100%. Cùng với đó, TYM tiếp tục tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực và kiến thức cho thành viên, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; duy trì các sản phẩm vay vốn; tổ chức cho các thành viên tham quan mô hình thành viên làm kinh tế giỏi; trao học bổng cho con thành viên nghèo, trao quà tết cho gia đình thành viên khó khăn, gia đình chính sách... để TYM Phòng Giao dịch số 03 thực sự trở thành người bạn đồng hành của mọi phụ nữ nghèo.
HAGL Agrico đặt kế hoạch lãi giảm 24%, không chia cổ tức Bên cạnh đặt kế hoạch kinh doanh đi lùi, HAGL Agrico cũng dự kiến không chia cổ tức cho năm 2021. CTCP Nông nghiệp Quốc tế Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HNG) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021. Năm nay, doanh nghiệp dự kiến trình cổ đông kế hoạch doanh thu...