Nâng cao e-Learning góp phần đẩy mạnh CNTT-TT VN
Ông Quách Tuấn Ngọc cho rằng để thực hiện kế hoạch triển khai Đề án sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giáo dục và đào tạo, đặc biệt chú ý tới dạy và học điện tử e-Learning.
70% lao động trong doanh nghiệp được đào tạo về CNTT
Tại hội nghị quốc gia về CNTT – TT vừa diễn ra cuối năm 2010, ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (CNTT), Bộ Giáo dục – Đào tạo đưa ra những kế hoạch để triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực CNTT trong 10 năm tới. Từ đó, những giải pháp này sẽ góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT.
Để có được con số 70% lao động trong doanh nghiệp được đào tạo về CNTT thì việc đưa CNTT vào giảng dạy cũng như ứng dụng CNTT trong học tập là quan trọng. (Ảnh: Nguyễn Tâm)
Video đang HOT
Ông Ngọc nhấn mạnh: “Phát triển nguồn nhân lực CNTT là yếu tố then chốt, có ý nghĩa quyết định đối với việc phát triển và ứng dụng CNTT. Phát triển nguồn nhân lực CNTT phải đảm bảo chất lượng, đồng bộ, chú trọng tăng nhanh tỷ lệ nguồn nhân lực có trình độ cao”.
Về định hướng phát triển đến năm 2020, Cục trưởng cục CNTT, Bộ Giáo dục – Đào tạo cho rằng ngành CNTT cần xây dựng nguồn nhân lực CNTT đủ phẩm chất, năng lực làm chủ công nghệ, kỹ thuật hiện đại, với cơ cấu hợp lý, đáp ứng kịp thời và thường xuyên nhu cầu xây dựng và phát triển xã hội thông tin và kinh tế tri thức. Ngành cũng cần đảm bảo đủ nhân lực CNTT phục vụ nhu cầu của thị trường trong nước và một phần thị trường nước ngoài. Chúng ta cần không ngừng nâng cao nhận thức, phổ cập kiến thức và kỹ năng sử dụng các ứng dụng và dịch vụ CNTT cho toàn xã hội. Đến năm 2020, 70% lao động trong các doanh nghiệp được đào tạo về CNTT.
Ngoài ra, Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc còn khẳng định mục tiêu nâng cao chất lượng và tăng số lượng giảng viên, giáo viên CNTT, điện tử, viễn thông ở các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề là một trong những mục tiêu quan trọng. Và đến năm 2020, trên 90% giảng viên đại học và trên 70% giảng viên cao đẳng về CNTT có trình độ thạc sĩ trở lên, trên 30% giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ”.
Áp dụng công nghệ e-LearningĐể phát triển CNTT nước nhà, một trong những giải pháp mà ông Cục trưởng cục CNTT, Bộ Giáo dục – Đào tạo đưa ra là ứng dụng CNTT vào trong giáo dục và đào tạo. Ông Quách Tuấn Ngọc cho rằng cần phát triển mạng giáo dục (EduNet) bằng việc triển khai kết nối Internet băng thông rộng và kênh thuê riêng qua cáp quang đến tất cả các đơn vị quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục.
Theo đó, VN cần phát triển mạng giáo dục qua xây dựng trung tâm dữ liệu của mạng giáo dục với cổng thông tin giáo dục chứa nội dung số, các kho tài nguyên giáo dục trên mạng Internet. Các đơn vị giáo dục nên xây dựng, tuyển chọn và mua thư viện số về sách, giáo trình, tài liệu, học liệu, bài giảng phục vụ cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học.
Việc áp dụng công nghệ giáo dục, dạy và học điện tử e-Learning là một trong những mấu chốt quan trọng để phát triển giáo dục và đẩy mạnh sự phát triển CNTT. “Chúng ta cần xây dựng nội dung, chương trình, bài giảng và tổ chức triển khai các khóa học theo mô hình e-Learning”, ông Ngọc nhấn mạnh.
Còn Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khi nói về vai trò của học trực tuyến đã chia sẻ kinh nghiệm: “Chúng ta cần thống nhất giáo trình chung và giảng qua mạng. Ví dụ khi thuê 1 giáo sư nước ngoài giảng thì không chỉ có sinh viên của 1 trường nghe mà sinh viên ở hàng chục trường khác cùng theo dõi”.
Một giải pháp nữa để phát triển giáo dục trong lĩnh vực CNTT mà ông Quách Tuấn Ngọc đưa ra là tăng cường dạy tiếng Anh và dạy CNTT bằng tiếng Anh và các ngoại ngữ khác. “Thông qua triển khai chương trình dạy ngoại ngữ 2009 – 2020 khuyến khích các trường đại học giảng dạy CNTT, điện tử, viễn thông bằng tiếng Anh; mời giảng viên người nước ngoài, chuyên gia Việt kiều tham gia giảng dạy bằng tiếng Anh trực tiếp hoặc qua mạng cho các môn CNTT; tuyển chọn và sử dụng trực tiếp các tài liệu, giáo trình về CNTT bằng tiếng Anh”.
Cùng với xu hướng dạy học trực tuyến, Tổng công ty Truyền thông Đa phương tiện (VTC) và Bộ Giáo dục – Đào tạo đã phối hợp tổ chức cuộc thi Olympic tiếng Anh trên Internet (IOE) dành cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 12 trên toàn quốc.
Cuộc thi IOE là một trong 12 hoạt động phối hợp giữa Bộ GD-ĐT và Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC nhằm 4 mục đích: Đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin trong dạy và học tại các trường phổ thông; Tạo ra sân chơi trực tuyến môn tiếng Anh cho học sinh cấp Tiểu học và cấp Trung học từ lớp 6 tới lớp 12; Tạo điều kiện cho học sinh làm quen với Internet và sử dụng Internet là một phương thức học tập; Tạo môi trường thân thiện, lành mạnh để học sinh tích cực giao lưu, học tập.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói: “Chúng tôi hi vọng thông qua cuộc thi, các em học sinh sẽ say mê với bộ môn tiếng Anh, điều kiện cần trong hành trang của các em trên con đường trở thành công dân toàn cầu”.
Cuộc thi IOE góp phần tích cực vào việc thực hiện đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020″ đã được Chính phủ phê duyệt tháng 9/2008 và tạo ra một môi trường học tập tốt môn tiếng Anh ở các trường phổ thông. Kể từ ngày phát động cuộc thi (2/11/2010) đến nay, số thành viên của IOE đã vượt con số 1,5 triệu lượt người.
Theo VTC