Nâng cao chất lượng lực lượng dân quân tự vệ
Thanh Hóa là tỉnh có địa bàn rộng, dân số đông, nhiều huyện miền núi phân bổ dân cư không đều; công dân trong độ tuổi tham gia dân quân tự vệ (DQTV) đi làm ăn xa nhiều, vì vậy, xác định lực lượng DQTV có vai trò hết sức quan trọng trong việc tham gia giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn và các hoạt động ở cơ sở, chính vì vậy UBND tỉnh đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu xây dựng, triển khai tổ chức thực hiện đề án “Củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng của lực lượng DQTV tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020″, đạt hiệu quả thiết thực góp phần không nhỏ trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.
Huấn luyện bắn súng AK bài 1, bắn khi tàu đang neo đậu, bắn mục tiêu cố định trên biển của Trung đội dân quân biển TP Sầm Sơn.
Bên cạnh việc tổ chức xây dựng lực lượng bộ đội thường trực, Đảng ủy Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho tỉnh xây dựng lực lượng DQTV vững mạnh, rộng khắp, có đủ các thành phần binh chủng, quy mô tổ chức biên chế phù hợp với từng địa phương, các cơ quan, doanh nghiệp. Trong 5 năm qua, lực lượng DQTV toàn tỉnh được xây dựng với số lượng hợp lý, quy mô tổ chức tinh gọn, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, công tác quân sự địa phương và khả năng đảm bảo chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật. Hàng năm, công tác tuyển chọn công dân vào lực lượng DQTV được thực hiện theo đúng quy trình, thực hiện dân chủ, công khai, tuyển chọn những người có đủ sức khỏe, năng lực, phẩm chất chính trị, đây là nguồn lực kế cận bổ sung cho lực lượng DQTV địa phương. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.118 cơ sở DQTV, với quân số 47.548 đồng chí, chiếm tỷ lệ 1,32% so với dân số, tỷ lệ đảng viên đạt 30,6%, được tổ chức và quản lý chặt chẽ từ tỉnh đến cơ sở, được trang bị cơ bản đầy đủ vũ khí, cơ sở vật chất, đảm bảo cho thực hiện nhiệm vụ.
Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ ban CHQS xã, phường, thị trấn được quan tâm, chú trọng. Từ năm 2016 đến năm 2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo đào tạo và hoàn thành 3 khóa (từ khóa 7 đến khóa 9) trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở và trung cấp lý luận chính trị – hành chính cho đội ngũ cán bộ quân sự cấp xã tại trường quân sự tỉnh với quân số đã tốt nghiệp 400 đồng chí. Hiện nay, trong số các đồng chí chỉ huy trưởng, phó chỉ huy trưởng đang công tác có 325 đồng chí đã có trình độ đại học các chuyên ngành khác như: quản lý nhà nước, luật, kinh tế… để đào tạo nguồn phát triển lên các chức vụ cao hơn.
Công tác huấn luyện cũng được cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm, chỉ đạo, nên chất lượng không ngừng nâng lên. Trong chương trình huấn luyện hàng năm, các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế đưa các nội dung huấn luyện bổ trợ vào sát với đặc thù địa bàn. Trong tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã, lực lượng DQTV luôn thống nhất chủ động thực hiện tốt nội dung diễn tập các phương án ở cấp xã, cụm xã, trên địa bàn. Trong quá trình huấn luyện, các đơn vị đã kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện cơ bản với chuyên sâu, kỹ thuật với chiến thuật, bám sát phương châm “Cơ bản, thiết thực, chất lượng”. Nội dung, chương trình huấn luyện sát với điều kiện, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị. Hàng năm, 100% cơ sở DQTV trên địa bàn tỉnh được tổ chức huấn luyện, quân số đạt 97,3% trở lên, kết quả huấn luyện khá, giỏi thường xuyên đạt 70 – 80%.
Là địa phương có 203 km đường biên giới và 102 km bờ biển nên tỉnh Thanh Hóa rất coi trọng việc xây dựng lực lượng dân quân tuyến biên giới và tuyến biển. Để đảm bảo vừa vươn khơi bám biển, vừa đánh bắt thủy, hải sản, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của lực lượng dân quân biển, UBND tỉnh đã đầu tư kinh phí mua sắm, trang bị phương tiện thông tin liên lạc, dụng cụ cứu hộ, cứu nạn cho các trung đội dân quân biển. Đặc biệt năm 2020 đã mua sắm 25 máy liên lạc tầm xa lắp đặt tại ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố ven biển và trên các tàu của 5 trung đội dân quân biển, 115 bộ đàm cầm tay phục vụ DQTV thực hiện nhiệm vụ. Ở các địa bàn trọng điểm trên tuyến biến giới như xã Na Mèo (huyện Quan Sơn), Tén Tằn (huyện Mường Lát), Bát Mọt (huyện Thường Xuân), Yên Khương ( huyện Lang Chánh) mỗi xã có một tiểu đội dân quân thường trực và 5 huyện tuyến biển thành lập trung đội dân quân biển. Ngoài ra, lực lượng DQTV luôn tham gia bảo vệ các sự kiện chính trị quan trọng, phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn, xung kích đi đầu trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, vệ sinh môi trường, được cấp ủy, chính quyền địa phương tin cậy, Nhân dân quý mến.
Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những vướng mắc bất cập trong tổ chức thực hiện Đề án “Củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng của lực lượng DQTV giai đoạn 2016-2020″, UBND tỉnh xây dựng đề án giai đoạn 2021-2025, đồng thời triển khai đồng bộ, có hiệu quả Luật DQTV năm 2019 góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Huyện Lang Chánh tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Thời gian qua, công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân trên địa bàn huyện Lang Chánh thường xuyên được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm, đề cao trách nhiệm, chủ động phối hợp đồng bộ và tập trung giải quyết cơ bản các vụ việc.
Qua đó, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân.
Người dân đến tìm hiểu các thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả UBND huyện Lang Chánh.
Huyện ủy đã ban hành chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa, trong đó chú trọng kiểm tra, giám sát việc phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác cán bộ; xem xét, giải quyết KNTC phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Thường trực Huyện ủy thường xuyên nghe các cơ quan chức năng báo cáo về kết quả giải quyết đơn, thư KNTC, các kiến nghị, phản ánh của Nhân dân để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết. Bên cạnh đó, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về KNTC cho cán bộ, Nhân dân với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua hoạt động của các câu lạc bộ pháp luật, tủ sách pháp luật, in ấn và phát hành tài liệu, thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, trang thông tin điện tử... Để tạo thuận lợi cho công tác giải quyết KNTC, huyện đã thành lập và phân công nhiệm vụ cho ban tiếp công dân, xây dựng lịch tiếp dân, niêm yết công khai và thông báo đến các xã, thị trấn. Địa điểm tiếp công dân được bố trí thuận lợi, bảo đảm các điều kiện cần thiết. Các đồng chí lãnh đạo UBND huyện theo lịch định kỳ hàng tháng trực tiếp tiếp dân và giải quyết các vấn đề công dân KNTC, kiến nghị. Sau mỗi kỳ tiếp công dân, ban tiếp công dân huyện họp, bàn bạc phương án, phân loại đơn, thư chuyển tới cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền, không để đơn, thư tồn đọng kéo dài, gây bức xúc trong Nhân dân.
8 tháng năm 2020, huyện Lang Chánh đã tiếp 25 lượt công dân đến KNTC. Nội dung đề nghị tập trung chủ yếu về các lĩnh vực: tranh chấp, xâm lấn đất đai; hỗ trợ sản xuất và ổn định đời sống sau khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện Dự án chăn nuôi lợn hàng hóa tại xã Giao An; hỗ trợ làm nhà ở thuộc đối tượng theo Quyết định số 22/2003/QĐ-TTg (hỗ trợ làm nhà ở cho dân công hỏa tuyến) và lĩnh vực ảnh hưởng thu nhập do đại dịch COVID-19. Các đơn, thư được thụ lý đã giải quyết theo đúng trình tự và trả lời cho công dân theo đúng quy định của pháp luật, thấu tình đạt lý, không có tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho Nhân dân, do đó đã hạn chế tối đa đơn, thư khiếu kiện vượt cấp.
Đồng chí Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh cho biết: Việc thanh tra, kiểm tra thực hiện các quy định về KNTC, tình hình tiếp công dân, tiếp nhận, phân loại, xử lý và giải quyết KNTC trên địa bàn huyện thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Việc tiếp công dân của lãnh đạo từ huyện đến cơ sở đã đi vào nền nếp, tạo thuận lợi cho người dân, góp phần quan trọng trong việc củng cố niềm tin, tăng cường mối quan hệ giữa đại biểu dân cử với cử tri và giữa chính quyền với Nhân dân, không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước ở địa phương.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư KNTC của công dân, thời gian tới, huyện Lang Chánh tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ có hiệu quả của MTTQ và các đoàn thể đối với công tác tiếp dân và giải quyết KNTC. Tăng cường đối thoại với công dân, thực hiện hòa giải tại cơ sở có hiệu quả nhằm giải quyết dứt điểm các vụ việc KNTC mới phát sinh, hạn chế đơn, thư vượt cấp kéo dài. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về KNTC đến đông đảo cán bộ và Nhân dân; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư và giải quyết KNTC. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trách nhiệm đối với chủ tịch UBND xã, thị trấn và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong thực hiện tiếp công dân, giải quyết KNTC.
Thủ tướng dự Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Viện Kiểm sát nhân dân Sáng 24/7, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Viện Kiểm sát nhân dân và Đại hội thi đua yêu nước ngành kiểm sát nhân dân lần thứ VI. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: VGP Cùng dự có Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng,...