Năm yếu tố quyết định bạn có thể ở lại Mỹ làm việc hay không
Tiếng Anh tốt, tận dụng kỳ nghỉ hè để thực tập tại các công ty, tập đoàn sẽ giúp bạn tiến gần hơn đến cơ hội làm việc ở Mỹ.
Chiều 7/7, anh Trần Việt Hùng, cựu thành viên Ban điều hành quỹ học bổng Vietnam Education Foundation (VEF), đã chia sẻ với học viên du học Mỹ bậc thạc sĩ, tiến sĩ cách tận dụng các cơ hội để thu được kết quả tốt nhất. Thời gian học thạc sĩ, tiến sĩ tại Mỹ chỉ kéo dài từ 1,5 đến 2 năm, ngắn hơn một nửa so với bậc cử nhân nên người học phải rất nhanh nhạy trong việc này.
Điều đầu tiên theo anh Hùng là mỗi du học sinh cần cải thiện tiếng Anh. Có thể ở Việt Nam, kết quả thi IELTS, SAT… của bạn rất tốt, quá trình học cử nhân cũng đã cho bạn lượng kiến thức bổ ích, nhưng khi đặt chân tới Mỹ và ngồi học trên giảng đường thì đó sẽ là một câu chuyện hoàn toàn khác. Nếu không chuẩn bị kỹ về tiếng Anh, du học sinh kể cả bậc thạc sĩ và tiến sĩ đều sẽ sốc.
“Tuần học đầu tiên đến giảng đường, tôi cảm giác hoàn toàn bất lực, không thể nghe – hiểu được với tốc độ giảng bài của thầy. Ngay cả khi cần hỏi tôi cũng không biết làm thế nào để người ta có thể hiểu được”, anh Hùng kể và cho hay phải mất gần một năm để theo kịp bài giảng trên lớp. Việc có nền tảng tiếng Anh giao tiếp chắc chắn sẽ quyết định bạn có bị sốc và chật vật học tại Mỹ hay không.
Yếu tố thứ hai anh Hùng nhấn mạnh là chuẩn bị kỹ năng mềm. Khi ở Việt Nam, bên cạnh bạn có gia đình, bạn bè, những người luôn sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ bạn. Nhưng khi ở Mỹ, bạn phải tự hoàn thành mọi việc, những kỹ năng mềm như nấu ăn là rất cần thiết.
Anh Trần Việt Hùng chia sẻ với các học viên du học Mỹ. Ảnh: Thanh Hằng
Video đang HOT
Điều thứ ba rất quan trọng là bên cạnh việc học tập tại trường lớp, du học sinh cần chủ động học tất cả những gì có thể. Sau đại học, du học sinh có thể đăng ký học rất nhiều môn từ trường bên ngoài với mức học phí đa dạng, thậm chí miễn phí, chứ không gói gọn trong ngôi trường mình trúng tuyển. Ngay khi nhập học, du học sinh nên tìm hiểu quy định này của trường để có thể tận dụng cơ hội.
Việc biết tận dụng tài nguyên trong trường cũng giúp ích rất nhiều cho du học sinh trong việc cải thiện kết quả học tập. Các trường đại học có thể giúp sinh viên đăng ký những khóa học miễn phí tại trường hoặc các cơ sở giáo dục khác. Nhà trường có cơ sở vật chất như văn phòng, laptop cùng đội ngũ giáo sư, cố vấn để giúp đỡ sinh viên trong các bài tập nhóm. Thậm chí với du học sinh đã lập gia đình, một số trường sẽ có quỹ tài chính để hỗ trợ khi người học gặp khó khăn.
“Nhờ sự hỗ trợ của nhà trường về mặt thiết bị và cố vấn, tôi thành lập được một công ty ngay khi đang theo học sau đại học tại Mỹ. Năm 2012, chúng tôi giành quán quân một cuộc thi về kế hoạch kinh doanh tại Mỹ. Nhà trường đã cho chúng tôi 60.000 USD (khoảng 1,2 tỷ đồng) để làm vốn. Nhờ số tiền đó, tôi đã thuê được ekip kỹ sư ở Việt Nam để xây dựng công ty”, anh Hùng chia sẻ.
Yếu tố thứ tư là xây dựng các mối quan hệ, tìm kiếm những người giỏi đi trước để làm cố vấn cho mình. Việc xây dựng mạng lưới quan hệ cần thực hiện ngay từ những ngày đầu khi có ý định du học Mỹ, bởi không phải bao giờ khi tiếp cận cố vấn và ngỏ lời muốn xin giúp đỡ thì họ cũng đồng ý. Anh Hùng cho rằng cần kiên trì, lịch sự và thể hiện rõ ràng mục tiêu của bạn để nhận được cái gật đầu của các chuyên gia, giáo sư.
Yếu tố cuối cùng anh Hùng nhấn mạnh là quá trình thực tập. Mỗi dịp hè, du học sinh thường muốn đi du lịch hoặc trở về Việt Nam. Tuy nhiên, nếu muốn có cơ hội ở lại Mỹ làm việc thì du học sinh Việt Nam nên dành thời gian nghỉ hè để nghiên cứu xem thị trường cần gì, khả năng của bản thân ra sao để có thể bổ sung và cố gắng trong kỳ học sắp tới. Ngoài ra, mùa hè cũng là khoảng thời gian lý tưởng để đăng ký trở thành thực tập sinh tại các công ty, tập đoàn của Mỹ để tích lũy kiến thức và kỹ năng mềm.
Mỗi năm có khoảng 2.000 du học sinh Việt Nam tốt nghiệp các đại học ở Mỹ, tuy nhiên chỉ khoảng 500 người (25%) có thể ở lại sinh sống và làm việc. Nếu không có sự đầu tư nghiêm túc và lâu dài, việc du học sinh tìm được một công việc tốt ở Mỹ gần như là không thể.
Thanh Hằng
Theo VNE
Nghỉ hè và nỗi lo con trẻ
Nghỉ hè là khoảng thời gian mong đợi của nhiều trẻ em sau một năm học kết thúc, nhưng cùng với đó là nỗi lo của các bậc làm cha, làm mẹ.
Với mong muốn đem đến một mùa hè vui vẻ, an toàn và bổ ích cho con mình, nhiều người đã phải loay hoay tìm mọi cách nhưng dường như những giải pháp đưa ra vẫn còn nhiều bất cập.
Theo học các lớp năng khiếu được nhiều phụ huynh ưu tiên lựa chọn cho con trong kỳ nghỉ hè.
Ngay khi kết thúc năm học, câu hỏi gửi con ở đâu, mượn ai trông trẻ, sắp xếp công việc thế nào để quản lý con cái?, khiến nhiều người thực sự bối rối. Thông thường, các trường công lập mầm non, tiểu học đều nghỉ hè gần 3 tháng. Con nghỉ trong khi bố mẹ vẫn phải bận rộn với công việc khiến áp lực tìm chỗ giữ trẻ trở thành nỗi trăn trở của nhiều bậc phụ huynh không chỉ ở thành thị mà cả ở nông thôn.
Chị Hà Thị Mai Trang, phường Quảng Hưng (TP Thanh Hóa) chia sẻ: Hai bé nhà chị còn nhỏ, một cháu học mầm non, một cháu đang ở bậc tiểu học nên hè đến, vợ chồng chị thực sự lo lắng. Anh chị bận đi làm, ông bà già cả, lại ở xa, thuê người giúp việc trong thời gian ngắn thì không ai nhận làm, anh chị đành gửi cháu nhỏ ở nhóm trẻ tư thục, còn cháu lớn phải theo học các lớp học thêm tiếng Anh và học vẽ. Tuy nhiên, do các lớp năng khiếu chỉ dạy theo giờ, trong khi anh chị làm giờ hành chính, không thể đưa đón đúng giờ, đành phải nhờ hết hàng xóm đến bà con tranh thủ đón giúp.
Thực tế, hiện nay tại TP Thanh Hóa có rất nhiều lớp dạy các bộ môn năng khiếu và các trung tâm đào tạo bóng đá, câu lạc bộ võ thuật... Nhưng với mức học phí khá cao, thời gian học mỗi buổi ngắn nên không phù hợp với khả năng tài chính cũng như quỹ thời gian đối với nhiều gia đình có mức thu nhập thấp hoặc trung bình. Nhiều nhà không có lựa chọn nào khác ngoài việc khóa cửa, nhốt con trong nhà. Tuy nhiên, để con ở nhà tưởng là an toàn nhưng với những đứa trẻ ở độ tuổi hiếu động tự quản nhau thì sẽ phải đối diện với nhiều nguy cơ điện giật, bỏng, trượt ngã hoặc tai nạn bất ngờ... Mặt khác, không có người quản lý, nhắc nhở, nhiều trẻ thoải mái xem tivi liên tục nhiều giờ đồng hồ, chơi game hoặc vào các trang mạng không lành mạnh, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần và sức khỏe của trẻ.
Tại các xã, phường, phong trào sinh hoạt hè dành cho thiếu nhi cũng được chính quyền địa phương tổ chức đều đặn hàng năm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, những hoạt động này chưa thực sự hấp dẫn các bạn nhỏ nên nhiều em không nhiệt tình tham gia. Sau những loay hoay, tính toán thì giải pháp cho trẻ đi học lại được phụ huynh ưu tiên lựa chọn với đủ các môn: Tiếng Anh, múa, hát, vẽ, bơi và học trước các môn văn hóa dành cho năm học sắp tới... Có nhiều gia đình, vì muốn có chỗ gửi con đủ 5 ngày/tuần nên đã đăng ký 2-3 môn học dù không phải năng khiếu hay sở thích của con mình, miễn sao trẻ được quản lý trong thời gian bố mẹ đi làm. Vậy là vô tình các bậc cha mẹ lại khiến trẻ mất đi những ngày hè thư giãn thực sự, các con chưa kịp nghỉ ngơi đã phải cuốn vào vòng quay học hành.
Không giống như trẻ em ở thành phố, trẻ sống ở vùng nông thôn được đi vui chơi thoải mái hơn, nhưng lại đối mặt với những nguy cơ mất an toàn khác như: Đuối nước, bị ngã gây thương tích khi trèo cây, chạy nhảy... Với đặc thù vùng nông thôn, đa số là làm nông nghiệp quanh năm vất vả, những người bố, người mẹ thường ra đồng từ rất sớm để lo việc đồng áng, có người lại đi buôn bán xa hoặc đi làm tăng ca tại các khu công nghiệp từ sáng tới tối muộn nên vấn đề quan tâm, dạy dỗ con cái cũng có phần chưa thật sự chu đáo. Mặt khác, trẻ em ở các vùng quê khi đến kỳ nghỉ hè thường rất hiếu động, tò mò, trong khi đó lại ít được trau dồi kỹ năng sống nên thường chưa biết cách tự bảo vệ mình trước những nguy cơ rình rập bên ngoài.
Để đảm bảo cho thanh, thiếu nhi có kỳ nghỉ hè an toàn, bổ ích, Tỉnh đoàn đã có công văn đề nghị ban thường vụ đoàn - hội đồng đội các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí nhằm nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho thiếu nhi thông qua các hoạt động hội trại, hội diễn văn hóa văn nghệ, trò chơi văn hóa dân gian, các hoạt động thiện nguyện, vì cộng đồng... Đồng thời, mở lớp hướng dẫn kỹ năng sống và các lớp tập huấn kỹ năng an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích và đuối nước ở trẻ em, nhất là kỹ năng sơ cấp cứu, phát động phong trào dạy bơi, học bơi...
Để kỳ nghỉ hè là quãng thời gian ý nghĩa và bổ ích như mong đợi của mỗi đứa trẻ, các bậc cha mẹ cần thực sự quan tâm và hiểu con mình, từ đó tùy theo từng điều kiện và khả năng của gia đình để tạo cho con một môi trường vui chơi phù hợp, giúp các con có một tuổi thơ "thần tiên" yên bình, đáng nhớ.
Bài và ảnh: Thu Hà
Theo baothanhhoa
Thời đại số có "cướp" mất mùa hè trẻ thơ Mùa hè là thời điểm học sinh không phải đến trường, phụ huynh lại phải "giải quyết" vấn đề cho con đi chơi ở đâu, làm gì để thư giãn sau một năm học mà vẫn đảm bảo thời gian đi làm. Chính vì vậy, trong thời đại số hiện nay, không ít phụ huynh chọn giải pháp "giao con" cho các thiết...