Nằm viện điều trị Covid-19, giảng viên ĐH Bách khoa sáng chế máy rửa tay, giá chỉ bằng 1/3 sản phẩm nhập ngoại
Ts. Hàn Huy Dũng cùng với những người bạn của mình sẽ sản xuất máy rửa tay tự động với quy mô lớn, giúp Việt Nam phòng dịch hiệu quả trong bối cảnh lệnh cách ly đã được gỡ bỏ.
Những chiếc máy rửa tay này được thiết kế khá nhỏ gọn, sử dụng công nghệ cảm ứng tự động. Người dùng chỉ cần đưa tay vào, vòi phun sẽ lập tức nhả dung dịch sát khuẩn. Nhờ vậy, họ có thể tiết kiệm được thời gian, sử dụng lượng dung dịch sát khuẩn vừa đủ, không gây lãng phí và tránh tiếp xúc với bề mặt, hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Sáng kiến này do bộ 3 tiến sĩ: Hàn Huy Dũng (Phó Bộ môn Điện tử và Kỹ thuật máy tính, Viện Điện tử Viễn thông, ĐH Bách khoa Hà Nội); Dương Tuấn Hưng (Trưởng phòng Hoá môi trường, Viện Hoá học, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) và Nguyễn Hữu Phước Nguyên (Co-founder & CEO Selex Motors) cùng thực hiện.
Đi từ Anh về Việt Nam, không thấy nơi công cộng nào trang bị máy rửa tay
Tới nước Anh hồi đầu tháng 3, đúng vào lúc Chính phủ nơi đây vẫn còn đang theo đuổi chính sách miễn dịch cộng đồng, Ts. Dũng không khỏi choáng váng khi thấy cảnh người dân vô tư ra đường, tiếp xúc gần gũi với nhau mà không hề mang theo khẩu trang.
Quan sát ở những quán ăn, tiệm café, công sở… đông đúc, anh nhận ra, mọi người vẫn duy trì lối sinh hoạt giống như khi chưa từng có dịch Covid-19 bùng phát. Chẳng điểm đến nào trang bị sẵn bình xịt sát khuẩn, nước rửa tay chỉ được đặt ở trong nhà vệ sinh.
Dù cố gắng phòng vệ, nhưng sau chuyến đi tới Anh khoảng một tuần, trên chuyến bay về nước, anh Dũng đã có những biểu hiện đầu tiên của bệnh Covid-19.
“ Mình bị đau lưng nhẹ nhưng chỉ nghĩ là bay đường dài nên mới vậy. Về tới Việt Nam thì được xét nghiệm, nhưng lúc này kết quả vẫn âm tính. Theo quy định của Chính phủ, mình phải cách ly tập trung 14 ngày. Mấy hôm sau thì phát bệnh nặng hơn và được các anh bộ đội chuyển thẳng tới bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh“.
Anh Dũng làm việc khi đang trong bệnh viện điều trị bệnh Covid-19.
Từ nước Anh trở về, đi qua sân bay, khu cách ly tập trung và ngay cả ở bệnh viện tuyến đầu chống Covid-19, anh Dũng nhận ra, không có một điểm đến nào được trang bị máy rửa tay tự động.
Khác với ở Anh, địa điểm công cộng ở Việt Nam hầu hết đều được trang bị nhiều bình xịt sát khuẩn. Nhưng theo anh, cách rửa tay này chưa đủ an toàn do người dùng vẫn phải chạm tay vào bình để lấy được dung dịch. Quá trình thao tác nếu không chuẩn, có thể còn tăng thêm nguy cơ nhiễm bệnh. Đặc biệt, những người lao công sẽ rủi ro hơn khi phải thay thế những chiếc bình hết dung dịch, đã từng được hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người chạm tay vào.
Ở trong bệnh viện cách ly điều trị Covid-19, anh Dũng hiểu rất rõ những tổn thất mà căn bệnh này gây ra, đó là sự suy sụp sức khỏe, tinh thần và mất đi rất nhiều thời gian quý giá.
Video đang HOT
“ Nhìn sang phòng bên cạnh, cách phòng mình một lớp cửa kính, một vài bệnh nhân nặng phải thở máy. Đối với họ, chỉ việc thở thôi đã rất khó khăn rồi. Nói vậy thì ai cũng hình dung bệnh này thật kinh khủng, vì ngày thường, chúng ta còn có lúc quên là mình vẫn đang thở để sống“.
Nhưng dù nặng, hay không nặng, hầu hết bệnh nhân Covid-19 đều được đưa tới phòng cấp cứu để cách ly điều trị. Tính từ tháng 3 tới giờ, đã hơn một tháng, anh Dũng chưa được gặp mặt người thân. Mọi công việc, kế hoạch đều bị gián đoạn. Rất nhiều người khác cũng như anh. Họ cảm giác bức bối, khó chịu giống như đang bị Covid-19 bỏ tủ.
“ Lúc đó mình nghĩ, nếu có thể làm điều gì đó cho cộng đồng, giúp mọi người phòng dịch tốt hơn, để không có bệnh nhân nặng, cũng không có cảnh người thì vẫn khỏe nhưng vẫn phải vào phòng cấp cứu điều trị thì tốt biết mấy”.
Và rồi, sáng kiến về một chiếc máy rửa tay tự động đã ra đời.
Chiếc máy rửa tay do nhóm anh Hưng, Dũng, Nguyên cùng sáng chế.
“Đôi lúc tôi tự hỏi, vì sao không một tập đoàn lớn nào đứng ra sản xuất máy rửa tay?”
Kỹ thuật để làm ra một chiếc máy rửa tay không quá khó. Nhiều học sinh, sinh viên các trường ĐH cũng đã tự chế tạo thành công thiết bị này. Tuy nhiên, anh Dũng chưa thấy nơi nào sản xuất quy mô lớn, có giá thành phải chăng. Đa số các loại máy được bán trên thị trường hiện nay, đều có giá từ 1,2-1,6 triệu đồng.
Khi lệnh cách ly được gỡ bỏ, máy rửa tay sẽ rất có ý nghĩa, giúp phòng dịch hiệu quả hơn. Nhưng với mức giá trên, khá khó để trang bị đại trà thiết bị này cho các địa điểm công cộng như bệnh viện, trường học, cơ quan…
“ Và mình vẫn tự hỏi, tại sao một thiết bị hữu dụng như vậy nhưng không có tập đoàn lớn nào đứng ra sản xuất đại trà để phục vụ cộng đồng?“.
Anh Dũng đem chuyện này nói với anh Nguyên, người đang vận hành một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực xe điện và anh Hưng, một chuyên gia hóa học, cả hai đều thấy ý tưởng này rất hay. Quan trọng hơn, khi có bạn bè bị bệnh, họ mới thực sự cảm thấy bệnh Covid-19 đang ở rất gần mình và gia đình, thấy có trách nhiệm phải làm một điều gì đó có ích cho cộng đồng.
Anh Nguyên là một trong 100 chuyên gia thành viên Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Trong 3 tuần, anh Nguyên đã tập trung nguồn lực ở công ty để thiết kế và tìm phương án sản xuất sản phẩm. Đây là một thử thách khá khó vì sản phẩm có nhiều thành phần không sẵn có ở trong nước và trong tình cảnh biên giới đóng cửa, việc tìm được đối tác cung cấp với giá hợp lý không hề dễ dàng.
“ Nhiều đối tác ở Trung Quốc, Ấn Độ đều lắc đầu với thời gian và mức giá mà mình đề nghị. Lúc đó mình mới thấy, để làm ra chiếc máy rửa tay có giá rẻ không hề dễ“. Nhóm dự án đã phải áp dụng công nghệ thiết kế và sản xuất ô tô, xe máy một cách sáng tạo với nhiều lần thay đổi thiết kế để có phương án sản xuất tối ưu nhất.
Hiện tại, anh Nguyên tạm gác lại việc sản xuất xe máy điện để tập trung làm máy rửa tay. Cuối tháng 4, những chiếc máy đầu tiên sẽ được cung ứng ra thị trường với giá thành chỉ bằng 1/3-1/2 so với giá sản phẩm ngoại nhập cùng chất lượng.
“ Mặc dù biết là nhu cầu máy rửa tay có thể sẽ lớn nhưng mình chỉ hy vọng dự án này hòa vốn. Điều vui nhất với mình là trong thời gian cách ly xã hội, mình và anh em vẫn có thể làm được việc ý nghĩa, góp một phần nhỏ vào công cuộc chống dịch“, anh Nguyên chia sẻ.
Phối cảnh khi đặt máy rửa tay trong phòng bệnh. Công ty anh Nguyên sẽ tặng 20 máy đầu tiên cho các bệnh viện và trường học, sau đó, cứ bán được 10 chiếc sẽ tặng một chiếc cho các nơi thực sự cần.
Ngoài chế tạo máy rửa tay, công ty của anh Nguyên còn liên kết với một đối tác khác để sản xuất nước sát khuẩn theo tiêu chuẩn WHO. Anh Hưng (Viện Hóa học) cho biết, công thức nước sát khuẩn đạt chuẩn đã được WHO công bố rộng rãi. Nhưng các loại nước sát khuẩn hiện có trên thị trường rất đa dạng và khó để phân biệt đâu mới là loại đúng theo tiêu chuẩn của WHO.
“ Vì thế, khi anh Nguyên, anh Dũng rủ tham gia dự án này thì mình rất muốn đóng góp những kiến thức hóa học mình có được, giúp mọi người có được loại nước sát khuẩn đúng theo tiêu chuẩn WHO, thực sự đảm bảo cho mọi người có được đôi tay sạch sẽ“.
Thu Hường – Ảnh: NVCC
Những 'đêm trắng' với robot NaRoVid
Trước nguy cơ lây nhiễm ở các bệnh viện trong mùa dịch Covid-19, một nhóm nhà nghiên cứu trẻ đã làm việc suốt 15 ngày đêm để sáng chế ra robot NaRoVid có thể khử khuẩn, đưa cơm, phát thuốc... ở những khu cách ly tập trung.
Các thành viên nhóm nghiên cứu phấn khởi khi đã sáng chế ra robot - VŨ THƠ
Robot NaRoVid của nhóm nhà nghiên cứu trẻ thuộc Viện Ứng dụng công nghệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) đã được mang đến thử nghiệm thành công tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư, nơi có số bệnh nhân đang điều trị bệnh Covid-19 đông nhất nước.
Robot tự thực hiện chức năng lau sát khuẩn buồng khám bệnh một cách thuần thục. Đây chỉ là một công việc đầu tiên của robot NaRoVid. Trong thời gian tới, nó sẽ có nhiệm vụ mang đồ ăn, cấp thuốc, vận chuyển rác... cho bệnh nhân với tải trọng có thể lên đến 60 kg.
15 ngày đêm "trực chiến"
Đại diện nhóm nghiên cứu, anh Đỗ Trọng Tấn, Phó giám đốc Trung tâm vi điện tử và tin học, Viện Ứng dụng công nghệ, cho biết trong 15 ngày qua, nhóm nghiên cứu đã ăn ngủ tại phòng làm việc để triển khai nhiệm vụ.
"Trong tình cảnh dịch bệnh, muốn đặt đồ ăn hay nhà nghỉ rất khó khăn, thậm chí không thể làm được. Chúng tôi đã cố gắng ăn ngủ tại chỗ. Ăn những đồ ăn sẵn, ngủ bằng giường gấp... để cố gắng hoàn thành sản phẩm sớm nhất", anh Tấn cho hay.
Dù nhà ở cách cơ quan chỉ chừng 3 km và có con nhỏ mới 8 tháng tuổi nhưng 15 ngày nay anh Nguyễn Văn Đưa (29 tuổi), thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết mỗi ngày anh chỉ tranh thủ về nhà 1 - 2 tiếng rồi lại đến cơ quan làm việc.
"Đây là đợt làm việc căng thẳng nhất của tôi khi công tác ở Viện", anh Đưa kể. Đặc biệt, do công việc cần phải di chuyển đến những khu vực có nguy cơ lây nhiễm bệnh để thu thập dữ liệu nên anh còn phải tự cách ly, không dám ôm con dù rất nhớ. Vợ anh thấy chồng liên tục không về cũng thắc mắc, anh lại phải động viên, thậm chí có lúc phải "kệ" để tập trung cho công việc. Anh Đưa tâm sự: "Khi được giao nhiệm vụ làm sản phẩm hỗ trợ chống dịch, tôi rất hào hứng tham gia với tâm niệm sẽ đóng góp một phần công sức của mình trong công tác chống dịch, dù phải chấp nhận hy sinh quyền lợi của bản thân và gia đình"...
Thay thế sức người
Chia sẻ về việc nghiên cứu robot này trong giai đoạn tiếp theo, nhà nghiên cứu trẻ Nguyễn Ngọc Tú cho biết: "Chúng tôi chế tạo robot với mục tiêu mang thuốc men, đồ ăn, bình phun khử khuẩn cho phòng có bệnh nhân nhiễm Covid-19. Nó có thể tự định hướng từ phòng điều hành trung tâm và chọn đường đi ngắn nhất đến các cửa phòng bệnh, có loa gọi bệnh nhân. Khi nào bệnh nhân ra lấy đồ ăn, lấy thuốc có thể bấm vào nút xác nhận "đã xong". Trên robot cũng được lắp camera ghi hình, camera 2D, 3D và đầu đo thân nhiệt tự động để đánh giá xem bệnh nhân có sốt không; bác sĩ sẽ biết là bệnh nhân đã ra lấy thuốc hay thức ăn chưa".
Anh Tú cho biết để vận hành robot này, nhóm nghiên cứu đã xây dựng hệ thống phần mềm đơn giản giúp các y bác sĩ có thể sử dụng dễ dàng.
"Các lệnh đã được nạp sẵn, y bác sĩ chỉ việc chọn thôi. Đặc biệt, khi robot thay đổi lộ trình thì không cần chuyên gia can thiệp, các y bác sĩ có thể thực hiện và quan sát robot từ xa dựa trên bản đồ mà nó lấy về và bản đồ chúng tôi đã xây dựng. Đây là tính năng nổi trội so với các robot hiện nay có trên thị trường, rất khó ứng dụng trong bài toán hỗ trợ các y bác sĩ phòng chống, chữa trị bệnh nhân nhiễm Covid-19", anh Tú tự hào nói.
"Hiện robot NaRoVid được thiết kế nhỏ gọn, đảm bảo tối đa diện tích sàn có thể lau. Yêu cầu trong phòng cách ly, cứ 30 phút lại lau và khử khuẩn sàn nhà 1 lần, rất tốn thời gian và công sức của nhân viên y tế. Robot NaRoVid có thể phun dung dịch khử khuẩn và lau sàn trong vòng 2 giờ liên tục, đảm bảo thay thế công việc thường xuyên của nhân viên y tế. Ngoài việc giảm rủi ro lây nhiễm, việc sử dụng robot còn tạo điều kiện để nhân viên y tế tập trung thời gian, công sức phục vụ, chăm sóc và điều trị bệnh nhân nặng được tốt hơn", ông Giang Mạnh Khôi, Phó viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ (Bộ khoa học - Công nghệ) chia sẻ.
Nói về khả năng sản xuất ứng dụng hàng loạt với robot NaRoVid, ông Khôi cho hay: "Viện Ứng dụng công nghệ đang phối hợp rất tốt với các đơn vị sản xuất, gia công cơ khí và đã lên phương án chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ các điều kiện cho việc sản xuất các robot với số lượng lớn, đáp ứng kịp thời cho các bệnh viện, khu vực cách ly khi có yêu cầu".
Vũ Thơ
Bác sĩ hướng dẫn làm kính bảo hộ phòng ngừa virus COVID-19 với chi phí chỉ 5.000 đồng Chỉ với những vật dụng đơn giản như kéo, thước, đồ bấm, cây viết, miếng kính, các y bác sĩ khoa Nhiễm- Bệnh viện Nhi đồng TPHCM đã làm ra được chiếc kính phòng ngừa virus COVID-19 với giá thành chỉ khoảng 5.000 đồng. Đây là sản phẩm được các y bác sĩ tại đây dành thời gian để hoàn thành tâm huyết...