Nắm tay vượt khủng hoảng
Diễn đàn châu Á Bác Ngao được xem như diễn đàn “Davos của châu Á” đã bắt đầu ngày 7-4 tại thị trấn Bác Ngao thuộc đảo Hải Nam của Trung Quốc với kỳ vọng thắt chặt hợp tác giữa các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương để cùng nhau vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay.
Phiên họp toàn thể của Diễn đàn Bác Ngao
Phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm 2013 sáng 7-4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu rõ, châu Á là một khu vực có sức sống và tiềm năng phát triển nhất hiện nay, đồng thời sự phát triển của châu Á gắn bó chặt chẽ với sự phát triển của các châu lục khác. Trong bài phát biểu với chủ đề “Cùng tạo ra tương lai tốt đẹp cho châu Á và thế giới”, tân Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh, châu Á đã trở thành một đầu máy tăng trưởng quan trọng đối với nền kinh tế thế giới, song cần phải chuyển đổi mô hình phát triển để phù hợp với xu hướng thời đại.
Sau khai mạc của người đứng đầu nước chủ nhà, Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm nay bước vào 51 cuộc hội thảo trong 3 ngày với rất nhiều chủ đề và lĩnh vực khác nhau, tập trung vào kinh tế, tài chính. Trong đó đáng chú ý là các nội dung về cải cách, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đổi mới đường lối phát triển cho các khu vực, xóa đói giảm nghèo, cải cách cơ chế xử lý tài chính toàn cầu, chính sách tiền tệ và hợp tác khu vực…
9 vị nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước thuộc châu Á và trên thế giới như Thủ tướng Australia, Tổng thống Kazakhstan, Tổng thống Mexico… sẽ là diễn giả tại các cuộc thảo luận chính tại Diễn đàn Bác Ngao. Người đứng đầu các tổ chức quốc tế cùng hơn 2.000 đại biểu đại diện cho giới công thương, doanh nghiệp, tài chính tiền tệ, học giả… trong đó nổi bật là tỷ phú Bill Gates cũng có bài thuyết trình tại diễn đàn với chủ đề “Đổi mới, trách nhiệm, hợp tác: Châu Á mưu cầu cùng phát triển”.
Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm nay diễn ra trong lúc mà điểm nóng trên bán đảo Triều Tiên đang gay gắt, tác động tới toàn bộ các lĩnh vực chính trị, an ninh và kinh tế khu vực. Chính vì thế, dù trao đổi về các vấn đề kinh tế là chính nhưng nhận diện và ứng phó với những thách thức ổn định và an ninh trên bán đảo Triều Tiên sẽ tác động, chi phối tới diễn đàn.
Không nêu rõ thách thức mới từ điểm nóng trên bán đảo Triều Tiên song Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, sự ổn định ở châu Á hiện nay đang gặp phải những thách thức mới trong bối cảnh các vấn đề nóng tiếp tục xuất hiện, và tồn tại cả những mối đe dọa an ninh truyền thống lẫn phi truyền thống. Từ đó ông kêu gọi các quốc gia châu Á tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau nhằm đảm bảo sự ổn định ở khu vực cũng như xúc tiến hợp tác.
Video đang HOT
Mối quan tâm lớn nhất, theo Tổng thư ký Diễn đàn châu Á Bác Ngao Chu Văn Trọng, đó là do chịu tác động của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, các quốc gia châu Á đã bắt đầu xuất hiện những tiếng nói không đồng nhất. Vì thế, các nước và khu vực ở châu Á cần tập trung sức lực cùng nhau phát triển, cùng nhau hành động, hợp tác cùng có lợi.
Ông Tổng thư ký cho rằng, Diễn đàn năm nay là cơ hội để các đại biểu đi sâu phân tích những khó khăn mà châu Á gặp phải trong quá trình phát triển, từ đó tìm kiếm con đường, tiếng nói chung để vượt qua thách thức cũng như khủng hoảng.
Theo ANTD
Thái Lan giảm giờ học cho học sinh phổ thông
Báo The Nation cho biết Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan vừa đồng ý giảm 200 giờ học một năm cho các lớp học. Như vậy mỗi năm học sinh nước này sẽ học khoảng 800 giờ đồng hồ trên lớp. Động thái này nằm trong kế hoạch cải cách giáo dục của đất nước chùa Vàng.
Hôm 10/3, Tiến sĩ Pavich Thongroj - chủ tịch Ủy ban Cải cách chương trình giảng dạy và sách giáo khoa cho Giáo dục Cơ bản đồng thời là cố vấn của Bộ Giáo dục Thái Lan phát biểu: "Chúng tôi chỉ cần thêm hai cuộc họp nữa để kết luận về những yếu tố chính phải của kế hoạch này."
Ông cho biết kế hoạch cải cách lớn trong hệ thống giáo dục sẽ được sẵn sàng để thực hiện trong một giai đoạn quan trọng trước cuối tháng này. Trong giai đoạn đó, mô hình mới sẽ đưa vào thí điểm ở các trường Suankularb Wittayalai, Bodin Decha, Satriwitthaya, Mahidol Witthayanusorn và Chulabhorn.
Tiến sĩ Pavich nói: "Sau đó, chúng tôi sẽ đưa ra kết luận trong vòng sáu tháng tới."
Hôm thứ bảy vừa rồi, Bộ Giáo dục Thái Lan đã triệu tập cuộc họp đầu tiên về chương trình cải cách với sự tham gia 30 quan chức giáo dục nhằm vạch ra những thay đổi. Ông Pavich cũng có mặt trong cuộc họp.
Sau cuộc họp, Bộ trưởng Giáo dục Pongthep Thepkanchana đã công bố rằng ý kiến chung từ cuộc họp cho rằng cả học sinh tiểu học và trung học cần giảm giờ học xuống dưới 800 giờ mỗi năm để học sinh có thời gian học thêm các kĩ năng khác từ các hoạt động ngoại khóa. Ông nói: "Chúng tôi mong rằng giờ học ít đi sẽ giúp nâng hiệu quả học tập cho học sinh."
Sắp tới, Thái Lan sẽ giảm giờ học trên lớp cho học sinh để học sinh có thời gian học thêm các kĩ năng khác từ các hoạt động ngoại khóa.
Bộ trưởng Pongthep lưu ý rằng học sinh ở một số quốc gia trên thế giới có kết quả học tập tốt hơn mặc dù có thời gian học tập ít hơn học sinh Thái Lan.
Hiện nay, một học sinh trung học ở Thái Lan trung bình học 1.200 giờ và một học sinh tiểu học trung bình học 1.000 giờ mỗi năm. Số giờ học như vậy là ở mức cao trên thế giới. Ở các nước châu Phi, các học sinh được yêu cầu học 1.400 giờ mỗi năm và thành tích học tập đã giảm.
Trong khi đó, học sinh Nhật Bản và Hàn Quốc đều có số giờ học ít hơn 1.000 giờ/năm và họ có thành tích học tập rất tốt. Học sinh Hong Kong chỉ học 790 giờ mỗi năm và nước này có thành tích học tập đứng thứ ba trên thế giới.
Tổ chức UNESCO khuyến nghị khoảng 800 giờ học/năm là phù hợp.
Bộ trưởng Pongthep nói: "Thực tế học sinh của chúng tôi có số giờ học quá nhiều và đây là kết quả từ một thái độ, nhận thức và niềm tin sai rằng giờ học nhiều sẽ giúp học sinh học tập được nhiều. Nhưng sự thực là học sinh đã dành quá nhiều thời gian trên lớp và có ít thời gian để phân tích mọi thứ và học các kĩ năng cần thiết khác cho cuộc sống."
Theo Tiến sĩ Pavich, với mục tiêu giảm giờ học xuống ít hơn 800 giờ mỗi năm, học sinh tiểu học Thái Lan sẽ được giảm 3 giờ học mỗi tuần và học sinh trung học được giảm 4 giờ học mỗi tuần. Ủy ban Cải cách chương trình giảng dạy và sách giáo khoa cho Giáo dục Cơ bản cũng cho rằng chương trình giảng dạy hiện nay có hạn chế và nó dẫn đến việc học tập không mấy hiệu quả của học sinh. TS Pavich nói: "Vì vậy chúng tôi cần phải điều chỉnh lại chương trình giảng dạy."
Ông cho rằng giảm giờ học sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục bởi học sinh có thể tìm hiểu thông qua phương pháp học qua dự án. Ông nói: "Học sinh sẽ có cơ hội để tiếp xúc với lượng kiến thức đa dạng và hài lòng với việc học tập, đồng thời không cảm thấy như bị giam chân trong các lớp học."
Giáo sư Tiến sĩ Sompong Jitradab - giảng viên Đại học Chulalongkorn đã đồng ý với việc giảm giờ học trên lớp, ông cho rằng học sinh cần thêm thời gian để học các kĩ năng sống khác là những kĩ năng giúp các em tồn tại trong xã hội hiện đại. Ông kêu gọi Bộ Giáo dục Thái Lan thay đổi chương trình giảng dạy hiện tại bằng một chương trình mới bởi chương trình hiện tại đã được sử dụng trong 12 năm qua, nó đã lỗi thời và có nhiều hạn chế.
TS Pavich cho biết sau khi chương trình giảng dạy mới được đưa ra, ông sẽ thúc đẩy việc thành lập một Ủy ban Giảng dạy Quốc gia. Ông nói: "Ủy ban sẽ liên tục cải thiện chương trình giảng dạy khi cần thiết."
Bộ Giáo dục Thái Lan đã có kế hoạch thúc đẩy cải cách trình độ giáo viên để cải thiện chất lượng giảng dạy khoa học, công nghệ, toán học và ngôn ngữ, cùng với công nghệ thông tin cho giáo dục.
Phương Hoài
Theo The Nation
Triều Tiên định mở cửa theo kiểu Việt Nam Bình Nhưỡng có thể mở cửa nền kinh tế trong năm nay. Bài đăng trên một tờ báo uy tín của Đức nói rằng Triều Tiên đang lựa chọn các chuyên gia kinh tế và pháp luật của Đức để thiết lập nền tảng cho đầu tư nước ngoài theo mô hình của Việt Nam. Trong ngày đầu tiên của năm mới, nhà...