Nam sinh Mỹ dành dụm tiền hai năm mua xe lăn tặng bạn
Tanner chăm chỉ làm thêm và âm thầm tiết kiệm vì không muốn bạn phải vất vả dùng xe lăn đẩy bằng tay như trước.
Hai nam sinh trường trung học Caddo Hills High School ở Norman, bang Arkansas, Mỹ đang trở thành nguồn cảm hứng cho cả thế giới về sức mạnh của tình bạn, theo CNN. Hành động ấm áp và ý nghĩa của Tanner Wilson đối với người bạn thân khuyết tật Brandon Qualls đã sưởi ấm trái tim hàng nghìn người qua các phương tiện truyền thông xã hội.
Trong nhiều năm, Brandon phải sử dụng chiếc xe lăn đẩy bằng tay để đi lại. Mỗi khi di chuyển từ lớp này qua lớp khác dọc hành lang, cánh tay của em rất mỏi.
Mong muốn giúp bạn, Tanner âm thầm tiết kiệm trong suốt hai năm nhờ công việc làm thêm tại một cửa hàng cơ khí ôtô. Tháng trước, em đã mua cho Brandon một chiếc xe lăn chạy bằng điện.
Brandon hạnh phúc khi nhận món quà từ bạn thân là chiếc xe lăn chạy bằng điện. Ảnh: Caddo Hills School District
Khoảnh khắc được Tanner trao tặng chiếc xe lăn mới trước mặt các bạn cùng lớp, Brandon vô cùng bất ngờ. “Em bật khóc nức nở, không thể tin được là cậu ấy đã làm điều này vì mình”, Brandon kể lại, cho biết chiếc xe lăn là giấc mơ đã trở thành hiện thực theo cách thật ngọt ngào.
Video đang HOT
Giáo viên của Brandon giúp trang trí chiếc xe lăn, dán họ của em là “Qualls” lên phần lưng. Nam sinh vẫn đang làm quen với việc điều khiển phương tiện mới.
Khi nhìn thấy Brandon và Tanner đấm tay nhau khi đi dọc hành lang của trường, bạn sẽ cảm nhận được sự gắn bó mật thiết trong mối quan hệ giữa hai nam sinh. Tuy nhiên, món quà của Tanner vẫn là thứ gì đó vượt ngoài mong đợi của Brandon.
“Brandon là người bạn thực sự tốt và em muốn làm điều gì đó để giúp đỡ cậu ấy. Brandon luôn luôn ở đó mỗi khi em cần”, Tanner nói.
Mẹ Tanner, Colleen Carmack cho biết con trai cô nhận được sự chú ý rất lớn từ giới truyền thông. Em mỉm cười mỗi khi đọc tin nhắn của người lạ trên mạng.
Carmack không ngạc nhiên nhiều lắm trước hành động vì tình bạn của con. Cô nhận xét Tanner vốn luôn quan tâm đến người khác và không bao giờ ích kỷ.
“Tanner đã trải qua một số chuyện tồi tệ trong năm qua. Vì vậy, việc biết rằng bản thân có khả năng giúp đỡ người khác có ý nghĩa vô cùng lớn đối với thằng bé. Nó hiểu rằng bản thân đã tạo ra sự khác biệt. Tôi nhận thấy sự thay đổi tích cực ở nó, chẳng hạn muốn ra ngoài và tham gia nhiều hoạt động hơn”, Carmack nói.
Thùy Linh
Theo VNE
Lịch học 17 tiếng mỗi ngày của nam sinh Trung Quốc
Mong muốn giúp gia đình thoát khỏi nghèo đói, Zhu Zheng xếp lịch học hàng ngày trong kỳ nghỉ đông kín mít, chỉ dành 30 phút để ngủ trưa.
Zhu Zheng, học sinh trường trung học số 11 Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc đã trở thành nguồn cảm hứng của cả nước sau khi lịch học khắc nghiệt trong kỳ nghỉ đông của em lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, theo Next Shark ngày 7/3.
Zhu Zheng là học sinh giỏi môn Toán. Ảnh: NetEase News
Tháng 9 năm ngoái, Zhu giành giải nhất cuộc thi Toán quốc gia, được đề nghị tham gia khóa đào tạo chuyên sâu tại Đại học Thanh Hoa danh giá ở Bắc Kinh. Nam sinh 17 tuổi là người duy nhất trong chương trình mặc đồng phục trường trung học, bởi em đã hứa với bố mẹ sẽ không mua quần áo trong 12 tháng để tiết kiệm tiền.
Sau kỳ nghỉ đông, khi học sinh quay trở lại trường để bắt đầu học kỳ mới, giáo viên cũ của Zhu là Tang Yanping đã nhìn thấy lịch học của nam sinh chăm chỉ và quyết định chia sẻ lên WeChat.
Thực tế, Zhu dành 17 tiếng mỗi ngày để học, không hề có kỳ nghỉ thực sự. NetEase News thông tin, Zhu bắt đầu một ngày từ 6h40, kết thúc vào 23h50. Trong ngày, em tham gia các lớp Toán ngoại khóa và dành thời gian ôn tập những môn học khác.
Thời gian nghỉ duy nhất của Zhu là 30 phút sau bữa trưa và thêm vài phút cho những bữa phụ.
"Cuộc sống không có kỳ nghỉ đông hay nghỉ hè. Không có thành công đến muộn mà là bạn không đủ cứng rắn với bản thân", nam sinh viết ở đầu lịch học. Một số lời nhắc nhở tương tự xuất hiện trong tờ giấy, chẳng hạn "tự giác, tự tiến bộ", "hiểu các ghi chú, không sao chép" và "không bao giờ chạm vào điện thoại di động".
Lịch học nghiêm ngặt của Zhu. Ảnh: NetEaseNews
Zhu nỗ lực hết mình trong học tập vì năm tới em sẽ tham dự gaokao, kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia Trung Quốc, vốn được đánh giá khó nhất thế giới. Gaokao không chỉ giúp xác định ngôi trường mỗi sĩ tử theo học mà còn được cho là xác định cả nghề nghiệp và mức lương trong tương lai.
Bố mẹ Zhu là những người lao động nhập cư nghèo đến từ Hàm Ninh, gần thủ phủ Vũ Hán. "Em sống rất đạm bạc, chỉ ăn một bát cháo và một chiếc bánh bao cho bữa sáng, bữa trưa giá không quá 4 nhân dân tệ (khoảng 14.000 đồng)", giáo viên chia sẻ với báo chí.
Thùy Linh
Theo VNE
HIU-thêm lựa chọn cho các bạn sinh viên yêu ngành thời trang Thiết kế thời trang đang là ngành mà rất nhiều bạn trẻ muốn theo học. Muốn học ngành này bạn không chỉ cần có năng khiếu vẽ mà còn phải gặp được "thầy giỏi, trường hay" mới có thể trở thành một nhà thiết kế có phong cách riêng. Khu vườn Romeo & Julliet nơi diễn ra các show thời trang của sinh...