Nam sinh Lào Cai chinh phục Olympic quốc tế với điểm cao tuyệt đối
Nguyễn Việt Hoàng, học sinh trường THCS Lê Quý Đôn thành phố Lào Cai được vinh danh tại vòng chung khảo Kỳ thi Olympic Quốc tế Khoa học, Toán và Tiếng Anh ASMO vừa diễn ra tại Hồ Nam (Trung Quốc). Với điểm số tối đa, Hoàng đã giành huy chương vàng cho đoàn Việt Nam.
Tham dự kỳ thi ở bộ môn Toán học, Nguyễn Việt Hoàng đạt 100/100 điểm, xếp hạng nhất toàn đoàn, đồng thời đứng top đầu trong tổng số thí sinh đến từ nhiều nước, khu vực trên thế giới.
L ễ trao giải chung cuộc
Kỳ thi Olympic Quốc tế Khoa học, Toán và Tiếng Anh ASMO là kỳ thi đánh giá năng lực Khoa học, Toán và Tiếng Anh toàn cầu dành cho học sinh từ cấp Tiểu học đến Trung học phổ thông do Ban Tổ chức ASMO Quốc tế điều hành.
Kỳ thi được tổ chức thường niên tại nhiều nước trên thế giới như Indonesia, Malaysia, Brunei, Singapore, Thailand… Gần đây nhất, kỳ thi ASMO 2018 đã được tổ chức tại Thái Lan với tổng cộng 40.000 thí sinh, Malaysia với tổng cộng 19.000 thí sinh, Singapore với 9.000 thí sinh tham gia.
Nguyễn Việt Hoàng (bên trái) và các thí sinh tham dự olympic quốc tế ASMO
Tại kỳ ASMO 2019, các thí sinh tranh tài ở 2 môn thi Toán và Khoa học phải trải qua hai bài thi gồm một bài thi cá nhân và một bài thi đồng đội. Các câu hỏi trong đề thi mang tính hàn lâm và thực tế cao, mang tầm cỡ của cuộc thi Olympic quốc tế.Ban giám khảo của cuộc thi này là các nhà khoa học và chuyên gia nổi tiếng trên thế giới.
Đoàn Việt Nam có 16 thí sinh tham dự vòng chung khảo ASMO 2019 mang về 9 huy chương,em Nguyễn Việt Hoàng của Lào Cai dẫn đầu đoàn về thành tích, em Đỗ Trí Đức (trường THCS Trưng Vương – Hà Nội) giành huy chương vàng môn Toán, còn lại 4 huy chương bạc và 3 huy chương đồng được 7 thí sinh khác trong đoàn mang về cho đội tuyển.
Video đang HOT
Việt Nam là đoàn có đội thi Toán lứa tuổi Upper Primary giành giải nhất đồng đội.Kết quả rực rỡ tại kỳ thi lần nàycủa đoàn Việt Nam một lần nữa khẳng định vị thế cao của mình trên bản đồ các kỳ thi Olympic Toán và khoa học trên thế giới.
Lê Dung – Nguyễn Hải
Theo baophapluat
Trường Tiểu học Lê Văn Tám, Lào Cai: Chuyển mình đổi mới, tiên phong hội nhập
Với bề dày thành tích hơn 25 năm thành lập và phát triển, Trường Tiểu học Lê Văn Tám (thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai) đã chủ động, sáng tạo mở ra cho cán bộ giáo viên, học sinh nhà trường những cơ hội thử sức và hội nhập trong xu thế phát triển của xã hội.
Toàn cảnh trường TH học Lê Văn Tám trong Lễ kỉ niệm 25 năm thành lập trường, đón nhận Bằng công nhận trường Chuẩn Quốc gia mức độ 2 và Cờ thi đua của Thủ Tướng
Nằm trên phố Bà Triệu (phường Kim Tân, thành phố Lào Cai), với diện tích 8.289,2 m2, hiện có 33 lớp, 55 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 1.236 học sinh, ngôi trường Lê Văn Tám là điểm đến tin cậy của các em học sinh và là nơi cha mẹ các em đặt trọn niềm tin về chất lượng giáo dục toàn diện bởi mục tiêu giáo dục hàng đầu của trường là phát triển toàn diện và hội nhập quốc tế.
Ngày đầu thành lập (tháng 9 năm 1993), khi các dãy phòng học còn tạm bợ, thiết bị phục vụ cho việc dạy - học chưa đáp ứng, Ban giám hiệu nhà trường luôn quan tâm tới việc phát triển toàn diện học sinh cả về trí - đức - thể - mỹ. Việc đảm bảo biên chế giáo viên giảng dạy môn Tiếng Anh, Tin học được ưu tiên hàng đầu.
Từ năm học 2002 - 2003, học sinh lớp 3,4,5 của nhà trường đã được học hai môn này để các em có cơ hội tiếp cận với tiếng Anh và máy tính tiếp cận internet. Song song với hoạt động này, phong trào đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận năng lực người học, lấy học sinh làm trung tâm luôn được nhà trường chú trọng.
Cùng với đó là dự án Việt - Bỉ đầu tư cho giáo dục cả về phương tiện dạy học, phương pháp và kỹ năng sư phạm. Các phương pháp dạy học hiện đại (Phương pháp dạy theo góc, dạy theo hợp đồng, dạy theo dự án) đã được nhà trường lựa chọn để vận dụng. Học sinh của trường đã được tiếp cận với máy chiếu projector, đầu đĩa, tivi, máy quay, được xem các video bổ trợ cho nội dung bài học thêm phong phú.
Từ dự án này, những chuyến tham quan trải nghiệm tại các tỉnh bạn và cả nước ngoài (Singapore) để học tập mô hình dạy học mới, phương pháp dạy học tiến bộ đã được thực hiện. Nhiều cán bộ, giáo viên tiêu biểu tham gia đoàn đã đem về nhiều kinh nghiệm quý báu phục vụ việc giảng dạy.
Đoàn cán bộ giáo viên và học sinh nhà trường tham quan trải nghiệm tại châu Hồng Hà - Trung Quốc.
Từ năm học 2012 - 2013 tới nay, do sự phát triển của công nghệ thông tin nên việc hội nhập càng được nhà trường xúc tiến nhanh hơn, táo bạo và sáng tạo hơn. Ban giám hiệu nhà trường luôn chủ động xây dựng kế hoạch hội nhập để bắt kịp xu thế đó. Các cụm từ "Tăng cường tiếng Anh", "Tin học", "Trải nghiệm sáng tạo" luôn xuất hiện trong kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học hàng năm và được nhà trường hiện thực hóa bằng những việc làm cụ thể. Những hoạt động này được triển khai, tuyên truyền đồng bộ từ Chi bộ đảng tới Ban giám hiệu, tổ chuyên môn, giáo viên, cha mẹ học sinh và học sinh các lớp.
Chiến lược hợp tác với giáo viên người nước ngoài trong dạy tiếng Anh song ngữ, ban đầu nhà trường cũng đã gặp không ít những khó khăn trong triển khai thực hiện nhưng với lòng kiên trì, quyết tâm, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, đối thoại trực tiếp, tuyên truyền sâu rộng tới cha mẹ học sinh nên tới nay đã có 18/33 lớp theo học tiếng Anh song ngữ.
Nhà giáo Trần Thị Thùy Dung - Phó trưởng phòng GD&ĐT thành phố phát biểu tại buổi Khai mạc câu lạc bộ Robotics của trường.
Phong trào học tiếng Anh không chỉ lan tỏa trong học sinh mà các thầy cô cũng miệt mài tự học, tự bồi dưỡng để hội nhập hiệu quả. 100% cán bộ, giáo viên tham gia học trực tuyến tiếng Anh 4U, 90% cán bộ, giáo viên tham gia học nâng cao trình độ tiếng Anh và có chứng chỉ. Sáng kiến "10 phút giao tiếp bằng tiếng Anh mỗi ngày với đồng nghiệp, học sinh" đã giúp khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của cả cô và trò được nâng lên rõ rệt. Các em học sinh tự tin, mạnh dạn hơn và mang về nhiều giải cao trong các cuộc thi tiếng Anh, tin học cấp thành phố, tỉnh, quốc gia.
Xác định thế mạnh của một tỉnh biên giới, việc giao tiếp, có hiểu biết về văn hóa, con người Trung Quốc vừa có ý nghĩa về mặt chính trị (gắn kết tình anh em) vừa định hướng nghề nghiệp cho các em mai sau (phiên dịch viên, giao thương qua cửa khẩu, hướng dẫn viên du lịch...), năm học 2018- 2019, nhà trường đưa tiếng Trung Quốc là môn tự chọn thứ hai vào chương trình học của học sinh đối với những lớp không tăng cường tiếng Anh.
Đây là việc làm nhận được sự đồng thuận cao và nhiều phản hồi tích cực từ phía cha mẹ học sinh và cộng đồng. Chỉ sau một năm thực hiện, nhà trường đã có nhiều học sinh tự tin trong giao tiếp bằng tiếng Trung Quốc. Nhiều sân chơi bổ ích, nhiều hoạt động trải nghiệm và những cuộc giao lưu lý thú về lĩnh vực này đã được tổ chức.
Cô giáo Phạm Ngọc Thúy Liễu và các em học sinh nhận giải Nhất toàn đoàn cuộc thi Giao lưu Tin học trẻ cấp thành phố
Đặc biệt hơn, tháng 2 năm 2019, nhà trường đã cùng Trường Tiểu học Duyên Hải (thành phố Lào Cai) tổ chức thành công chuyến tham quan trải nghiệm tại Trường Tiểu học Bắc Sơn, huyện Hà Khẩu, châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc với tổng số 40 cán bộ, giáo viên và học sinh tham gia. Chuyến đi đã mang lại những trải nghiệm quý giá đối với cả cô và trò nhà trường.
Hoạt động giáo dục "Khơi nguồn yêu thương" và giáo dục stem luôn là điểm nhấn mà nhà trường tạo dựng được trong những năm qua. Đây là hoạt động mang tính giáo dục và nhân văn sâu sắc.
Năm học 2017 - 2018, mô hình đã đi vào hoạt động với sự chung tay góp sức của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh và hơn 1.000 em học sinh của trường. Tổng kết mô hình qua hai năm học, cô và trò nhà trường đã trao tặng trên 100 triệu đồng cho nhiều em học sinh, trong đó 13 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Em Hà Hùng Cường 20 triệu đồng, em Trần Quang Minh 20 triệu đồng. Em Chảo Duy Tuấn bị mắc bệnh máu trắng, được tặng 10 triệu đồng. Em Phạm Như Quỳnh bị mắc bệnh bóng bì, toàn thân phồng rộp, được tặng 7 triệu đồng. Em Giàng Ly, dân tộc Mông, bị bố mẹ bỏ rơi, em lớn lên trong sự đùm bọc, yêu thương của bà con trong bản và thầy cô giáo, được hỗ trợ một sổ tiết kiệm 12 triệu đồng...
Từ những định hướng, tầm nhìn của Ban giám hiệu nhà trường qua các thời kỳ, đặc biệt là 5 năm gần đây, diện mạo giáo dục của nhà trường đã được khẳng định. Các hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, giáo viên "Sáng tạo - Hội nhập" các cấp, trường đều có giáo viên tham gia và đạt thành tích cao. Chất lượng đại trà được quan tâm, chất lượng mũi nhọn được chú trọng, nâng cao. Tỉ lệ học sinh lên lớp hàng năm đạt 99,8%; chuyển cấp đạt 100%.
Nhiều em đoạt giải cao trong các kỳ thi cấp thành phố, cấp tỉnh, cấp quốc gia về Toán Tuổi thơ, Toán tiếng Anh, giải toán qua mạng, tiếng Anh qua mạng internet (Cấp thành phố 555 giải, cấp tỉnh 533 giải, quốc gia 118 giải).
Chỉ trong ba năm học, số học sinh tham gia kỳ thi Toán học Úc đoạt giải liên tục tăng: Năm học 2016-2017 có 20 em; năm học 2017-2018 có 34 em và năm học 2018-2019 đã có 48 em đoạt giải. Liên tục nhiều năm trường đạt đơn vị xuất sắc. Năm 2018 trường vinh dự được đón Bằng công nhận đạt Chuẩn quốc gia mức độ hai và nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ.
Với sự hăng say, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm cao, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, Trường Tiểu học Lê Văn Tám luôn là một trong những trường trong tốp đầu của giáo dục tỉnh Lào Cai về chất lượng giáo dục toàn diện học sinh, luôn là ngọn cờ tiên phong vươn mình hội nhập.
Ngô Thị Thanh Nga
Theo GDTĐ
Triển khai thực đơn cân bằng dinh dưỡng tại tỉnh Lào Cai 80 trường tiểu học có tổ chức bữa ăn bán trú tại Lào Cai sẽ chính thức áp dụng phần mềm Xây dựng Thực đơn Cân bằng Dinh dưỡng trong công tác bán trú. Ngày 28/8, Hội nghị Triển khai phần mềm Xây dựng Thực đơn Cân bằng Dinh dưỡng do Sở Giáo dục & Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Lào Cai phối hợp...