Nam sinh làm bao bì, chén muỗng dùng một lần từ bột khoai tây: ‘Em muốn làm gì đó giảm rác thải nhựa ảnh hưởng đến môi trường’
Từ những vỏ bột khoai tây bỏ đi ít ai nghĩ rằng chúng lại là một nguyên liệu đặc biệt để hai sinh viên Nông Văn Phước và Đặng Nguyễn Xuân Trọng tạo ra bao bì, muỗng, chén dùng một lần rất thân thiện với môi trường.
Chế biến bao nilon, chén, muỗng… từ tinh bột khoai tây
Chúng tôi tình cờ gặp Nông Văn Phước và Đặng Nguyễn Xuân Trọng, sinh viên năm 4 Trường ĐH Kinh tế – tài chính TP.HCM khi cả hai đang dự thi vòng chung kết Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên (SV – Startup) do Bộ GD-ĐT tổ chức.
Từ đầu năm 2019 đến nay cả Phước và Trọng đã dành tâm huyết để chế tạo bao bì, chén muỗng tự phân huỷ từ tinh bột khoai tây. Dự án này bước đầu đã nhận được hưởng ứng tích cực từ dư luận trong chiến dịch hạn chế chất thải nhựa ảnh hưởng tới môi trường.
Hai nam sinh giới thiệu sản phẩm thân thiện với môi trường.
Trong câu chuyện với chúng tôi, Nông Văn Phước cho biết, vốn dĩ học chuyên ngành quản trị kinh doanh nhưng lại có đam mê nghiên cứu áp dụng vào việc kinh doanh của mình. Trong một lần Phước tình cơ thấy bạn bè ăn bánh tráng trộn giống nilon nên đã nghiên cứu từ tinh bột để tạo ra màng bao bì. Đây cũng là sản phẩm Phước và Trọng cùng bắt tay vào nghiên cứu làm.
Nông Văn Phước chia sẻ về quá trình thực hiện dự án làm bao bì, muỗng… từ khoai tây.
“Hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường đang rất báo động. Đây cũng là vấn đề thúc đẩy để em làm sản phẩm này. Em muốn làm gì đó giảm được rác thải nhựa ảnh hưởng đến môi trường. Em được học chuyên ngành về kinh tế nên hiểu xu hướng kinh tế xanh đang là vấn đề trong tương lai, nhận thấy đây là cơ hội nên phát triển sản phẩm đón đầu cơ hội. Từ lúc lên ý tưởng rồi thực hiện dự án chúng em mất 9 tháng.
Từ những củ khoai tây.
Các nam sinh có thể chế tạo ra muỗng, chén…
Ngoài thời gian đi học thì em sẽ ở nhà cùng với các bạn trong đội nghiên cứu sản phẩm này. Do không có kiến thức chuyên môn nên sản phẩm thế này phải tự tìm hiểu đọc trong sách báo. Lúc làm gặp không ít thất bại, từ thất bại đó làm sản phẩm tiếp theo đã làm những sản phẩm như thế này. Nhiều khi khó khăn cũng có động lực khi sản phẩm do mình sáng tạo ra vào được vòng chung kết”, Phước chia sẻ.
Bao bì làm từ tinh bột khoai tây từ đó được ra đời. Phước cho hay, người dùng sản phẩm này hoàn toàn đảm bảo sức khoẻ, đều là nguyên liệu thiên nhiên không chứa kim loại nặng, có thể ăn được.
Phước cho biết sản phẩm này hoàn toàn sạch.
Bao bì từ khoai tây có thể ăn được.
“Sản phẩm thìa từ tinh bột khoai tây ở trong môi trường nước nóng từ 40-45 phút có thể ăn cốc mì hoặc cốc cafe, cốc trà thoải mái. Một số bạn bè sau khi ăn mì có thể ăn luôn muỗng. Nếu chúng ta không ăn có thể bỏ đi ra môi trường, quá trnh phân huỷ không gây hại đến môi trường”, Phước cười nói.
Theo nam sinh này, khoai tây có thể tận dụng phần vỏ hay những củ khoai tây bề ngoài xấu, sau đó chế biến để tạo những sản phẩm bao bì, muỗng, chén… Hiện tại các bước làm ra những sản phẩm này vẫn là thủ công nên tính thẩm mỹ chưa cao. Nếu sau này làm công nghiệp được rập khuôn thì những sản phẩm này sẽ thẩm mỹ hơn.
Thìa, chén đựng mì tôm.
Hai nam sinh hy vọng sản phẩm này sẽ được áp dụng rộng rãi trong tương lai.
“Chén này đựng muối, tương ớt. Hiện nay các cửa hàng phục vụ đồ ăn nhanh đang cấm sử dụng đồ nhựa 1 lần. Ngành phục vụ lượng khách hàng lớn như vậy đang cần sản phẩm như thế này”, Phước bày tỏ.
Nam sinh này cũng cho biết thêm: “Giá thành sản phẩm những thìa làm thủ công ước tính 600 đồng/chiếc. Ở thị trường Việt Nam có vẻ hơi đắt, riêng giá vốn đã đắt 3 lần giá bán của thìa nhựa. Tuy nhiên nếu chúng ta xuất khẩu ra thị trường đang phát triển cấm đồ nhựa và nilon thì cư dân ở đó họ rất chào đón sản phẩm như thế này. Ở các nước phát triển như Châu Âu, Bắc Mỹ… rất ưa chuộng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Giấc mơ dự án quảng cáo trên xe máy
Ngoài bắt tay vào dự án làm sản phẩm thân thiện với môi trường trên, nam sinh Đặng Nguyễn Xuân Trọng cũng đang ấp ủ thực hiện “Dự án dịch vụ quảng cáo trên xe máy”. Chia sẻ với chúng tôi, Trọng cho biết, hiện tại ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng như nhiều thành phố lớn có rất nhiều phương tiện xe máy lưu thông trên đường. Chính vì thế chúng ta có thể tận dụng việc đó để làm đối tượng quảng cáo thì sẽ đem lại hiệu quả rất lớn.
Trọng bên dự án quảng cáo trên xe máy của mình.
“Trong một lần di chuyển từ trường về nhà em thấy hàng nghìn sinh viên mặc đồng phục. Em liền nghĩ tại sao ứng dụng những người mặc đồng phục thực hiện quảng cáo với nhãn khách hàng nào đó. Việc làm này kết hợp với phương tiện xe máy thực hiện hợp đồng quảng cáo thì sẽ gây hiệu ứng lớn. Chỉ cần 200-300 người có thể phủ khắp thành phố. Nếu ngày trời nắng nếu quảng cáo nhãn hàng nước giải khát sẽ rất hiệu quả, những người đối tác có thể phát nước để khách uống trải nghiệm luôn”, Trọng nói.
Nam sinh này vinh dự khi có 2 dự án được lọt vào vòng chung kết ngày hội khởi nghiệp.
Theo Trọng, với dự án như thế này thì chi phí rẻ hơn 40% so với hình thức quảng cáo khác. Hình thức gắn quảng cáo trên áo, xe máy chủ yếu nhắm vào các mặt hàng thiết yếu như bột giặt, giải khát,… kết hợp với grab, xe ôm, taxi.. Trọng cho rằng sẽ hiệu quả cao. Nam sinh giải thích vì những đối tượng này có sẵn lượng đối tác rất lớn chỉ việc gắn quảng cáo lên xe hay đồng phục như vậy họ cũng được cải thiện thêm thu nhập.
Trọng muốn nhắm tới quảng cáo trên các phương tiện xe máy, đồng phục khi tham gia giao thông.
“Việc di chuyển chúng ta diễn ra thường ngày tại sao không kết hợp thêm hình thức quảng cáo này để chi trả một phần cho khoản xăng xe đó. Hiện tại ở Bình Dương em đã liên hệ được với một đơn vị trà sữa. Họ muốn quảng cáo mở rộng cửa hàng. Tới tháng 11 này em sẽ thành lập công ty riêng để có tư cách pháp nhân thực hiện dự án này.
Công việc khởi nghiệp tuy vất vả nhưng ngày có 24 giờ em có thể dành 8 tiếng để bắt tay vào cả hai dự án. Hiện tại tuy bận nhưng học lực của em và Phước vẫn loại giỏi không ảnh hưởng học tập. Phía gia đình hiểu chuyện cũng rất ủng hộ chúng em theo đuổi đam mê khởi nghiệp”, Trọng chia sẻ thêm.
Định Nguyễn
Theo saostar
Dự án sáng tạo của học sinh THCS lọt chung kết SV-Startup 2019
Trong 68 dự án xuất sắc lọt vào vòng chung kết SV-Startup 2019 có một dự án của học sinh trường THCS.
Sáng 1-10, Bộ GD&ĐT tổ chức gặp gỡ báo chí thông tin về Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên 2019 (SV-Startup 2019).
Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác HSSV - Bộ GD&ĐT, Phó Trưởng ban chỉ đạo cuộc thi, cho biết cuộc thi này dành cho học sinh, sinh viên (HS-SV) 16-24 tuổi, được tổ chức trên toàn quốc với sự tham gia của hơn 200 trường đại học, cao đẳng, trung cấp, THPT.
Năm nay, dù chỉ mới phát động từ tháng 6 nhưng ban tổ chức đã nhận được gần 300 bài dự thi khá chất lượng, đa dạng, tập trung vào nhiều lĩnh vực: công nghệ, giáo dục, y tế, xã hội...
Toàn cảnh buổi gặp gỡ báo chí. Ảnh: AH
Đáng lưu ý là trong 68 dự án xuất sắc nhất lọt vào vòng chung kết có một dự án đến của các em học sinh THCS với đề tài "Máy làm sạch lọc đáy ao nuôi tôm".
Theo ông Linh, SV-Startup 2019 giúp thúc đẩy tinh thần sáng tạo khởi nghiệp của 20 triệu HS-SV, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, thiết thực cho HS-SV. Nhiều dự án đã được triển khai và bước đầu thành công, một số dự án đã chuyển sang giai đoạn có lãi.
GS-TS Đinh Văn Phong, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Phó ban chỉ đạo cuộc thi, cho biết chung kết SV-Startup 2019 sẽ được chia thành hai vòng là đối đầu và phản biện để tạo thêm kịch tính cho các đội tham dự.
Vòng đối đầu sẽ diễn ra vào chiều 4-10, vòng phản biện diễn ra vào sáng 5-10 tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội với hình thức thi thuyết trình và bảo vệ trực tiếp trước hội đồng giám khảo.
Về cơ cấu giải thưởng với sinh viên, giải nhất sẽ được trao bằng khen của bộ trưởng Bộ GD&ĐT và 100 triệu đồng tiền thưởng, giải nhì được tặng bằng khen của bộ trưởng Bộ GD&ĐT và 60 triệu đồng tiền thưởng, giải ba có giấy chứng nhận đạt giải và 40 triệu đồng tiền thưởng.
Với các dự án đoạt giải của học sinh THPT, giải nhất được trao bằng khen của bộ trưởng Bộ GD&ĐT và 50 triệu đồng tiền thưởng, giải nhì được trao bằng khen của bộ trưởng Bộ GD&ĐT và 30 triệu đồng tiền thưởng, giải ba có giấy chứng nhận đoạt giải và 15 triệu đồng.
Năm nay, cuộc thi có điểm mới là tất cả các dự án sẽ được trưng bày sản phẩm và được chấm thi gian hàng. Gian hàng xuất sắc nhất sẽ được trao 15 triệu đồng.
Ngoài ra, trong khuôn khổ ngày hội cũng diễn ra diễn đàn truyền cảm hứng khởi nghiệp cho HS-SV với các kinh nghiệm từ doanh nhân khởi nghiệp; hội thảo Định hướng trường ĐH Khởi nghiệp: Mô hình nào cho các trường ĐH tại Việt Nam; hội thảo Công tác hỗ trợ học sinh khởi nghiệp trong các trường phổ thông, kinh nghiệm và giải pháp...
Theo PLO
PGS.TS Vũ Thị Tú Anh "truyền lửa" cho tân SV khoa Kinh tế UEF Sáng 29/9, trong khuôn khổ chương trình lễ đón tân SV của khoa Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF), PGS.TS Vũ Thị Tú Anh - Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ GD&ĐT) đã xuất hiện với vai trò là người "truyền lửa" cho các tân SV về phương pháp học tập hiệu quả...