Nam sinh ‘khu ổ chuột’ giành giải Sinh viên Toàn cầu
Vượt hơn 3.500 sinh viên từ 94 quốc gia, Jeremiah Thoronka giành giải Sinh viên Toàn cầu trị giá 100.000 USD nhờ những đóng góp cho quê nhà Sierra Leone.
Jeremiah Thoronka, 21 tuổi, sinh ra trong cuộc nội chiến Sierra Leone (quốc gia Tây Phi) và lớn lên cùng người mẹ đơn thân trong khu ổ chuột dành cho những người di tản ở ngoại ô thủ đô Freetown, nơi than và củi là nguồn năng lượng để thắp sáng và nấu nướng. Ở đó, anh tận mắt chứng kiến hiện tượng sương mù quang hóa – một trong những hậu quả của việc đốt than, gây ra ô nhiễm không khí và các vấn đề hô hấp cho người dân. Anh cũng chứng kiến sự tụt hậu về học tập của bạn bè đồng trang lứa vì thiếu ánh sáng.
Không chỉ ở khu ổ chuột nơi anh sống, tình trạng thiếu năng lượng là vấn đề lớn ở toàn Sierra Leone. Tại đây, chỉ 26% dân số được sử dụng điện. Riêng ở các vùng nông thôn, con số này chỉ ở mức 6%. Kết quả là rừng bị tàn phá do người dân chặt cây làm củi, khiến Sierra Leone dễ bị tổn thương trước những hiện tượng thiên tai như lũ lụt hay sạt lở đất. Việc các gia đình phụ thuộc vào củi và máy phát điện giá rẻ chạy bằng dầu cũng dẫn đến tình trạng cháy nhà thường xuyên.
Jeremiah quyết định đi sâu vào tìm hiểu năng lượng tái tạo và các hoạt động chống biến đổi khí hậu. Năm 17 tuổi, khi theo học tại African Leadership University (Rwanda), anh đã lập công ty khởi nghiệp mang tên Optim Energy, tạo ra một loại thiết bị biến các chuyển động của phương tiện giao thông và bước chân của người đi bộ trên đường thành dòng điện. Khác với các nguồn năng lượng tái tạo từ gió hay mặt trời, nó tạo ra năng lượng mà không phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, cũng không cần pin và kết nối với nguồn điện bên ngoài.
Optim Energy đã thực hiện một chương trình thử nghiệm thành công ở các vùng lân cận nơi Jeremiah sinh sống như Makawo ở phía bắc của Sierra Leone và Kuntoluh ở phía đông Freetown. Chỉ với hai thiết bị, công ty của Jeremiah đã cung cấp điện miễn phí cho 150 hộ gia đình với khoảng 1.500 công dân, cũng như 15 trường học với hơn 9.000 học sinh.
Vào năm 2019, lưới điện cộng đồng địa phương ở khu vực nông thôn nơi Jeremiah điều hành đã cải thiện 5% khả năng tiếp cận năng lượng (hơn 3% so với mức trung bình của cả nước.
Công ty của Jeremiah cũng có những sáng kiến nhằm giảm phát thải khí nhà kính, giáo dục người dân về hiệu quả năng lượng và xây dựng ngành năng lượng bền vững ở Sierra Leone. Ngoài ra, Jeremiah cũng đang phát triển kế hoạch mở rộng sang chăm sóc sức khỏe – lĩnh vực cần năng lượng để làm lạnh thuốc, vaccine và tạo ra đủ ánh sáng để điều trị cho bệnh nhân sau khi trời tối.
Năm 2020, Optim Energy của Jeremiah được Tổ chức Nhóm lớn Trẻ em và Thanh thiếu niên Liên hiệp quốc (United Nations Major Group on Children and Youth) bình chọn là start-up về năng lượng sáng tạo nhất.
Video đang HOT
Jeremiah Thoronka sinh ra và lớn lên ở Sierra Leone, quốc gia nằm ở khu vực Tây Phi. Ảnh: Sierra Express Media
Với tư cách là một tác giả, Jeremiah đã xuất bản các bài báo về biến đổi khí hậu, sự nóng lên toàn cầu, phát triển chính sách, sự tham gia của thanh niên, tinh thần kinh doanh và năng lượng tái tạo. Anh từng trình bày các bài nghiên cứu tại các diễn đàn thanh niên lớn nhất thế giới. Anh cũng đã giúp đỡ cộng đồng mình bằng cách tình nguyện dạy trẻ em đường phố.
Trong thời gian học tập ở Rwanda, anh làm việc với Làng thanh niên Agahozo, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào việc cung cấp cho thanh thiếu niên mồ côi và dễ bị tổn thương những kỹ năng chữa bệnh, giáo dục, lãnh đạo để biến chuyển cộng đồng của họ. Những đóng góp của Jeremiah cũng đã được ghi nhận với nhiều giải thưởng danh giá.
Tại buổi lễ trao giải thưởng Sinh viên toàn cầu (Global Student Prize) trực tuyến cách đây hai hôm, Jeremiah tỏ ra bất ngờ khi được xướng tên ở vị trí đầu. “Mọi từ ngữ không thể diễn tả cảm giác của tôi lúc này”, anh nói.
Nam sinh, hiện học thạc sĩ tại Đại học Durham (Anh) cho biết sẽ sử dụng số tiền thưởng 100.000 USD (gần 2,3 tỷ đồng) để mở rộng quy mô dự án năng lượng tối ưu của mình ở quê nhà Sierra Leone, giúp nhiều người dân vùng nông thôn thoát khỏi cảnh thiếu năng lượng, đồng thời phát triển việc sản xuất năng lượng thân thiện với môi trường và giúp mở ra kỷ nguyên tiêu dùng có trách nhiệm.
Ngôi sao Hollywood Hugh Jackman, người trao giải thưởng cho Jeremiah nhấn mạnh Jeremiah đã tạo ra sự khác biệt to lớn cho cộng đồng của anh và tin tưởng anh có thể tạo ra những tác động lớn hơn trong tương lai.
2021 là năm đầu tiên giải thưởng Sinh viên toàn cầu – Global Student Prize – được tổ chức với sự hợp tác giữa Chegg.org – công ty cung cấp giải pháp công nghệ giáo dục có trụ sở tại Mỹ và Varkey Foundation – quỹ từ thiện toàn cầu tập trung vào việc cải thiện tiêu chuẩn giáo dục cho trẻ em kém may mắn, đơn vị tổ chức giải thưởng Giáo viên toàn cầu.
Lila Thomas, Giám đốc Chegg.org, cho biết giải thưởng được phát động để vinh danh những học sinh, sinh viên không bỏ cuộc trước đại dịch Covid-19, luôn thể hiện sức mạnh, sự tập trung và quyết tâm cao trong học tập, giúp đỡ cộng đồng.
Học sinh, sinh viên được trao giải phải từ 16 tuổi trở lên. Các em được đánh giá trên nhiều tiêu chí, gồm thành tựu học thuật, sự ảnh hưởng tới các bạn đồng trang lứa, cách tạo ra khác biệt trong cộng đồng, cách vượt qua nghịch cảnh, cách thể hiện tính sáng tạo và đổi mới, cách trở thành những công dân toàn cầu.
Đồng Ngọc Hà, cựu sinh viên trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội) vào tới top 50 sinh viên toàn cầu năm nay nhờ những nỗ lực trong hoạt động dạy học, nghiên cứu môn Sinh học cũng các dự án hỗ trợ học sinh giỏi Sinh khắp cả nước, sau khi nhận huy chương bạc Olympic Sinh học quốc tế năm 2020.
Đẩy nhanh phát triển năng lượng tái tạo trong Quy hoạch Điện VIII
Chính phủ mới đây đã yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, hoàn thiện Quy hoạch điện VIII theo hướng đảm bảo cao nhất cân bằng cung cầu nội vùng, cân đối dự phòng công suất nguồn điện và tiếp thu thông điệp của Việt Nam tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc (COP26) vừa qua...
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, dự thảo này cần đưa năng lượng tái tạo phát triển nhanh hơn, bên cạnh việc loại bỏ bớt các dự án điện than.
* Đẩy nhanh điện sạch
Đây là lần thứ 3 trong năm nay 2021, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương hoàn thiện lại quy hoạch này. Trao đổi với TTXVN về dự thảo Quy hoạch Điện VIII, ông Sean Huang - Quản lý Phát triển của Copenhagen Offshore Partners (COP) - đơn vị đang tham gia phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn cho hay, ông đánh giá cao về tầm nhìn của Chính phủ tới năm 2045 cho việc mở đường về sự phát triển bền vững lâu dài, với năng lượng sạch là trụ cột chính của cấu trúc năng lượng quốc gia.
Tuy nhiên, do những thách thức sắp xảy ra trong việc cung cấp nguồn tài chính cho nhiệt điện, tăng cường tập trung vào Net Zero, vấn đề an ninh năng lượng và các mối đe dọa ngày càng tăng về địa chính trị, chúng tôi cho rằng so với dự thảo Quy hoạch Điện VIII hiện tại, Chính phủ có thể xem xét một cách tiếp cận chủ động hơn để phát triển năng lượng tái tạo với tốc độ nhanh hơn.
Về tiềm năng điện gió ngoài khơi, ông Sean Huang cho rằng: "Với bờ biển dài và tốc độ gió lý tưởng, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển điện gió ngoài khơi, tiềm năng kỹ thuật lên tới 175 GW. Để tận dụng tối đa tiềm năng này, chúng tôi đặc biệt khuyến nghị Chính phủ Việt Nam đặt ra những mục tiêu tham vọng hơn cho ngành điện gió ngoài khơi đến năm 2030. Theo đó, Chính phủ áp dụng giá ưu đãi FIT đối với các dự án điện gió ngoài khơi thí điểm cho một số công suất nhất định, chẳng hạn như 5 GW, trước khi chuyển sang đấu thầu, thay vì cơ chế chuyển đổi theo khung thời gian định sẵn để đảm bảo đúng việc cân đối giữa sự khởi động ngành điện gió ngoài khơi và việc đảm bảo khả năng tài chính cho dự án".
Vị đại diện COP cho rằng, cơ chế như vậy tạo nên một giai đoạn cần thiết để chuỗi cung ứng trong nước được thiết lập, phát triển và khung pháp lý cũng có thể hoàn thiện trước khi đi vào giai đoạn triển khai quy mô lớn.
Các chính phủ ở những thị trường thành công trong lĩnh vực này đã thực hiện cách tiếp cận theo hướng hợp tác thông qua việc chia sẻ những rủi ro và làm việc với các nhà phát triển có kinh nghiệm để hoàn thiện khung pháp lý và định hướng thị trường. Ngoài ra, trong một số trường hợp, các nhà đầu tư/nhà phát triển sẽ hỗ trợ đầu tư vào cơ sở hạ tầng cần thiết như lưới điện hoặc cảng hậu cần giúp Việt Nam chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo của ngành điện gió ngoài khơi.
Quan trọng hơn, việc có khung pháp lý và các cơ chế để đảm bảo các dự án thí điểm được phát triển và xây dựng bởi các tập đoàn lớn có kinh nghiệm về cả năng lực kỹ thuật và tiềm lực tài chính vững chắc sẽ là yếu tố trọng yếu để dẫn dắt ngành điện gió ngoài khơi tới thành công trong giai đoạn ban đầu...
Sớm đóng cửa điện than
Theo nhận định của ông Chu Bá Thi - chuyên gia năng lượng của World Bank, để sớm thực hiện chuyển dịch năng lượng, hướng tới phát thải bằng 0 vào năm 2050 thì cần nhanh chóng tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo.
Cùng với đó, Việt Nam cần có lộ trình giảm thải nhà kính bằng các biện pháp loại bỏ dần nhiệt điện than. Nếu Việt Nam dừng phát triển điện than vào năm 2025, thay thế bằng các dạng năng lượng tái tạo và tăng công suất lên lưới bằng các nguồn lưu trữ thì có thể giảm phát thải tới 80%. Với kịch bản thực hiện theo Quy hoạch điện VIII đang được dự thảo, Việt Nam có thể giảm phát thải 40% vào năm 2040. Ngoài ra Việt Nam cần xây dựng phát triển chuỗi điện khí, gồm khung pháp lý và cơ chế giá, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn để thay dần cho điện than...
Cũng theo chia sẻ của ông Sean Huang, phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch sẽ khiến Việt Nam rơi vào nguy cơ thiếu điện, khủng hoảng năng lượng như các nước Trung Quốc, Ấn Độ... đang gặp phải. Chính sự biến động của giá than, khí là một thách thức đối với Việt Nam trong việc quản lý hoạt động và cân bằng giữa chi phí nhiên liệu và hiệu quả.
Theo ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương, bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng năng lượng là chúng ta cần tiếp tục thực hiện chuyển dịch năng lượng thông qua việc thực hiện triệt để các định hướng lớn của Đảng và Nhà nước đối với việc phát triển hài hòa giữa năng lượng mới và năng lượng truyền thống.
Đầu tiên, cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng để giảm nhu cầu năng lượng. Việc phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo cần tiếp tục thực hiện với một lộ trình khả thi phù hợp với chi phí đầu tư công nghệ năng lượng tái tạo và giá bán điện.
Ngoài ra, nhiệm vụ phát triển cơ sở hạ tầng nhập khẩu điện và các dạng năng lượng sơ cấp cũng cần được thúc đẩy. Các yếu tố này cần thực hiện đồng bộ để đảm bảo quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam diễn ra hiệu quả và ngăn ngừa được các tác động tiêu cực.
"Phát triển triệt để các nguồn điện năng lượng tái tạo là một xu thế tất yếu nhưng cũng cần cân nhắc đến các vấn đề về đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện, đa dạng hóa các loại hình nguồn điện và đảm bảo giá điện ở mức chấp nhận được, có khả năng chi trả. Điều này đảm bảo lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước trong hoạt động sản xuất và kinh doanh", ông Dũng cho hay.
Ấn Độ sắp tổ chức điều trần điều tra chống bán phá giá pin năng lượng mặt trời Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) đã gửi thông báo sẽ tổ chức phiên điều trần công khai vụ việc Ấn Độ điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm pin năng lượng mặt trời có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan...