Nam sinh Khánh Hoà là thủ khoa “kép” đầu vào và đầu ra đại học: IELTS 8.0, học 4 5 tiếng/ngày và có quan điểm sống cực hay
“Để duy trì sự thoải mái khi học tập thì các bạn cần chú ý, học không nhất thiết là việc tiếp nạp kiến thức chuyên ngành mà bản thân nên tìm hiểu những môn học, những vấn đề mình yêu thích trước để tạo niềm say mê, hứng thú”, Đình Doãn chia sẻ.
Võ Đình Doãn, 23 tuổi, quê gốc tại tỉnh Khánh Hoà. Vừa qua, Đình Doãn trở thành thủ khoa tốt nghiệp khối ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng của trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. HCM với GPA 92/100 điểm. Cách đây 4 năm, nam sinh cũng là thủ khoa đầu vào của trường với điểm số bài đánh giá năng lực là 195/200 điểm.
Không dành nhiều thời gian học tập nhưng Đình Doãn vẫn có thành tích nổi bật. Hãy cùng tìm hiểu bí quyết “dùi mài kinh sử” của nam sinh này nhé!
Chân dung nam sinh Võ Đình Doãn.
Thành tích học tập nổi bật của nam sinh Võ Đình Doãn:
Học bổng Thủ khoa của Quỹ Phát triển Đại học Quốc gia
Học bổng toàn phần của trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. HCM
IELTS 8.0
Top 60 gương mặt tiêu biểu tham dự Hội thảo Quốc tế YSEAL (Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ) về tư duy tranh biện tại khu vực Đông Nam Á năm 2018
Giải Khuyến khích Cuộc thi Giải quyết vấn đề Kinh doanh (do GAP kết hợp với UNESCO tổ chức) năm 2018
Học bổng Hiệp hội Thương mại Mỹ năm 2019.
HỌC THÔI LÀ CHƯA ĐỦ, HÃY THAM GIA HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHOÁ VÀ SỚM ĐI LÀM THÊM
Ngay từ khi còn là sinh viên năm nhất, “chân ướt chân ráo” đặt chân lên Sài Gòn, Đình Doãn bắt đầu đi làm thêm với nhiều công việc khác nhau. Nhưng công việc nổi bật nhất là dạy Tiếng Anh online cho mọi người. Ngoài ra, nam sinh còn làm trợ giảng Vật lý tại trường đại học. Sau này, khi bước sang năm thứ ba, Đình Doãn nghỉ việc để tập trung đi làm sớm tại một công ty Logistics theo đúng chuyên ngành mình học. Nhờ tinh thần ham học nên Đình Doãn đã lấy chứng chỉ IELTS 8.0 khi mới bước sang tuổi 21.
Không chỉ tích cực nâng cao vốn sống qua những việc làm thêm, Đình Doãn còn tham gia CLB Văn nghệ cùng nhiều phong trào tại trường như: Cuộc thi tìm hiểu văn hoá, thuyết trình trước công chúng, tin học văn phòng,…
Đình Doãn luôn tích cực tham gia các phong trào hoạt động của nhà trường.
Nam sinh Khánh Hoà chia sẻ: “Đối với sinh viên đại học, hoạt động ngoại khoá rất quan trọng, cung cấp những kỹ năng mềm như: Giao tiếp, quản lý đội nhóm, sắp xếp thời gian,… Ngoài ra, điều này tạo ra những thử thách, là sự mô phỏng xã hội giúp trang bị kỹ năng cho công việc trong tương lai. Nếu không tham gia các hoạt động sẽ khá thiệt thòi, thiếu hụt đi nhiều kiến thức và trải nghiệm quý giá”.
Video đang HOT
“Ngoài tham gia hoạt động ngoại khoá thì việc đi làm thêm từ sớm cũng đem lại nhiều lợi ích không hề nhỏ. Đi làm không phải để kiếm thêm thu nhập mà điều quan trọng là tạo bước chuẩn bị tư duy để trở nên cứng cáp hơn khi đi làm. Môi trường công sở sẽ giúp chúng ta trưởng thành, có trách nhiệm hơn. Những đồng tiền kiếm được dù ít hay nhiều cũng đem lại giá trị nhất định, giúp bản thân hiểu giá trị sức lao động”, Đình Doãn cho biết.
Nam sinh cho biết các hoạt động ngoại khoá giúp bản thân trang bị thêm nhiều kỹ năng mềm.
Cậu bạn Khánh Hoà cũng tâm sự khó khăn lớn nhất khi đi làm là tuổi đời còn quá trẻ, không có kinh nghiệm. Vì vậy, nếu không chủ động, không biết cách giao tiếp thì khó có thể hoà đồng và được nhận khối lượng công việc. May mắn là ở những nơi nam sinh làm thêm, mọi người đều nhiệt tình, sẵn sàng hỗ trợ.
COI VIỆC HỌC NHẸ TỰA LÔNG HỒNG – HỌC HIỆU QUẢ LÀ… HỌC MÀ NHƯ KHÔNG HỌC
Dù việc vừa học vừa làm khá bận rộn nhưng nam sinh không cảm thấy mệt mỏi hay gặp bất cứ áp lực nào. Lúc cao điểm, Đình Doãn làm khoảng 8 – 10 tiếng/ngày; còn những ngày bình thường thì thời gian học tập ít hơn, khoảng 4 – 5 tiếng/ngày. Nghe đến đây, chắc nhiều người không khỏi giật mình. Với thời gian học tập và lao động ít như vậy, làm sao nam sinh lại có thể sắp xếp mọi thứ ổn thoả?
Cách học hiệu quả của Đình Doãn là luôn thoải mái, không gò ép bản thân.
Đình Doãn đã bật mí về phương pháp học tập của bản thân như sau: “Quan trọng là sử dụng thời gian hiệu quả chứ không phải ở thời lượng dài hay ngắn. Em đưa ra lời khuyên cho các bạn sinh viên rằng khi đi học nên tập trung lắng nghe, hiểu bài ngay trên lớp. Bởi một tiết học bằng ba tiếng thư giãn ở nhà. Vì vậy, hãy tập trung để não bộ hoạt động hết công suất giúp tiếp thu bài nhanh chóng.
“Đối với em, việc học mang lại sự thư giãn và thú vị. Ngoài thời gian học, em đọc sách báo, tìm hiểu khoa học đại chúng. Để duy trì sự thoải mái khi học tập thì các bạn cần chú ý, học không nhất thiết là việc tiếp nạp kiến thức chuyên ngành mà nên tìm hiểu những môn học, những vấn đề mình yêu thích trước để tạo niềm say mê, hứng thú. Ngoài ra, hãy sắp xếp thời gian chơi thể thao, tham gia văn nghệ, giúp đầu óc trở đỡ căng thẳng”.
Cậu bạn dành được nhiều giải thưởng quốc tế.
Để đạt được IELTS 8.0 khi còn là sinh viên năm hai đại học, Đình Doãn cũng không quá vất vả chinh phục. Cậu bạn cho rằng mỗi người sẽ có phương pháp học khác nhau. Quan trọng là kiếm được phương pháp phù hợp cho bản thân.
Bí quyết học của nam sinh Khánh Hoà là để mình “tắm” trong ngôn ngữ Tiếng Anh. Đình Doãn dành nhiều thời gian xem phim, nghe nhạc, đọc các tác phẩm văn học bằng Tiếng Anh. Nam sinh coi đó là đam mê, sở thích, là một phần của cuộc sống chứ không phải là điều gì bắt buộc, miễn cưỡng. Nhờ vậy mà quá trình tiếp thu kiến thức trở nên đơn giản, dễ dàng.
Ngoài việc tự học thì môi trường học tập cũng rất quan trọng. 100% chương trình học của trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. HCM bằng Tiếng Anh. Đây là môi trường lý tưởng để học Ngoại ngữ. Nam sinh khuyên các bạn trẻ nếu không có môi trường tốt thì phải tham gia vào các hội nhóm, câu lạc bộ để trau dồi khả năng của mình.
KHÔNG PHẢI LÚC NÀO SỐ ĐÔNG CŨNG ĐÚNG – SỐNG LÀ PHẢI BIẾT BẢO VỆ CHÍNH KIẾN
Đình Doãn tự nhận mình là người mạnh mẽ, có lập trường và có chính kiến. Nam sinh từng nhiều lần tranh cãi đến cùng với các bạn, thầy cô để hiểu ra ngọn ngành vấn đề. Đình Doãn đặc biệt tâm đắc trước câu nói: “Chỉ có cá chết mới trôi theo dòng”.
Cậu bạn chia sẻ câu nói đã phản ánh đúng tính cách của bản thân. Đó là việc con người sống phải có lý tưởng, hoài bão, thậm chí là chấp nhận đơn độc đi một lối riêng với mọi người xung quanh. Không phải lúc nào số đông cũng đúng. Điều quan trọng là phải nhận thức được đúng – sai, bảo vệ lý tưởng của mình. Nam sinh phê phán những người hay bàn lùi, sống hời hợt, buông xuôi. Cậu bạn gọi đó là “tồn tại chứ không phải đang sống”.
Đình Doãn là người dám đứng lên bảo vệ chính kiến của mình.
“Trong suốt 4 năm, em từng bị mọi người phản đối gay gắt nhiều lần. Trước một số vấn đề, em không có cùng quan điểm với phần đông các bạn, thậm chí là với cả với giảng viên. Nếu thấy điều gì đó chưa đúng, còn thiếu, cần bổ sung thì em sẽ chọn cách nói thẳng. Còn đa số các bạn khác thường im lặng và mặc kệ. Em thấy nếu không giải quyết được chuyện trước mắt thì khó có thể giải quyết được chuyện lớn trong tương lai”, nam sinh Khánh Hoà thẳng thắn chia sẻ.
Trong công việc cũng như trong cuộc sống, Đình Doãn không thần tượng hay yêu thích người nổi tiếng nào cả. Nam sinh không hâm mộ những người mình chưa từng gặp ngoài đời. Với cậu bạn, những người xung quanh chính là thần tượng, đó đơn giản là bố mẹ, thầy cô,.. Ở mỗi người, nam sinh lại học được những đức tính cao quý.
Võ Đình Doãn cũng chia sẻ, trong thời gian tới sẽ tiếp tục học lên thạc sĩ ở nước ngoài để tạo tiền đề cho công việc mai sau, mở ra nhiều mối quan hệ và cơ hội tốt. Đất nước mà Đình Doãn muốn học chương trình cao học là Australia.
Ảnh: NVCC
Nữ thủ khoa 9 lần phát hiện lỗ hổng của tập đoàn công nghệ Mỹ
Trước khi trở thành thủ khoa đầu ra của Học viện Kỹ thuật Mật mã, Lê Mỹ Quỳnh từng nhiều lần được tập đoàn công nghệ Mỹ vinh danh vì tìm ra các lỗ hổng bảo mật quan trọng.
Gần đây nhất, trong năm 2021, Quỳnh đã tìm ra thêm 5 lỗ hổng mới, đều được đánh giá ở mức nghiêm trọng hoặc cực kỳ nghiêm trọng. Những kết quả nghiên cứu này cũng đã được cô nữ sinh sinh năm 1998 đưa vào đồ án tốt nghiệp mang tên "Nghiên cứu lỗ hổng Deserialization trong ngôn ngữ Java" và giành được điểm A .
Hoàn thành chương trình 5 năm học với điểm GPA 3.5/4.0, Quỳnh chính thức được vinh danh là thủ khoa Học viện Kỹ thuật Mật mã vào giữa tháng 11 vừa qua.
Từ bỏ suất học bổng toàn phần để được "dấn thân" sớm hơn
Có bố là cựu sinh viên Học viện Kỹ thuật Mật mã, Mỹ Quỳnh cho biết, bản thân quyết định lựa chọn ngôi trường này một phần vì được gia đình định hướng, một phần cũng vì thấy ngành An toàn thông tin khá hợp với cá tính của bản thân.
"Ngày nhỏ, em được tiếp xúc với máy tính từ khá sớm. Em thường hay mày mò "phẫu thuật" phần cứng, để xem bên trong có những thứ gì. Lớn hơn một chút, bố bắt đầu chỉ cho em cách viết code. Vì thế, em cảm thấy rằng mình hợp với ngành kỹ thuật hơn là xã hội".
Mặt khác, Quỳnh cũng được biết, sinh viên năm nhất khi theo học ngành này ở Học viện Kỹ thuật Mật mã có thể giành học bổng du học toàn phần tại Nga. Vì thế, khi vừa vào trường, Quỳnh đã cố gắng hoàn thành thật tốt chương trình học và là một trong số ít sinh viên năm nhất giành được học bổng này.
Lê Mỹ Quỳnh, thủ khoa Học viện Kỹ thuật Mật mã năm 2021.
Nhưng khi đạt được mục tiêu ban đầu, Quỳnh lại bắt đầu do dự.
"Nếu lựa chọn sang Nga, em sẽ mất thêm thời gian 1 - 2 năm để học tiếng và hoàn thành các kỳ thi đầu vào. Vì thế, em đã quyết định ở lại để được dấn thân vào công việc sớm hơn", Quỳnh nói.
Mặc dù quyết định từ bỏ cơ hội tốt, nhưng khi nhìn lại, Quỳnh lại thấy bản thân không hề hối hận.
Từ năm thứ 2, khi vừa bắt đầu vào học các môn chuyên ngành, cô gái Hà Nội đã tìm kiếm thông tin về các cuộc thi liên quan đến an toàn thông tin để thử sức.
CTF là một cuộc thi về bảo mật được tổ chức thường xuyên, yêu cầu người tham gia phải tìm ra các lỗ hổng bảo mật. Cô nữ sinh năm 2 nhiều lần thử sức cùng với các "đàn anh" và cũng không ít lần tìm ra được các lỗ hổng 0-day (lỗ hổng nghiêm trọng nhưng chưa ai tìm ra và biết cách vá).
Ngoài ra, Quỳnh cũng từng tham gia cuộc thi VNPT Security Marathon, sau đó trúng tuyển thực tập tại VNPT ngay khi vừa kết thúc năm thứ 2 đại học.
Ban đầu được phân công vào vị trí kiểm thử xâm nhập, một năm sau đó, Quỳnh được chuyển sang công việc nghiên cứu tại Phòng Đánh giá và kiểm thử xâm nhập. Theo Quỳnh, đây là một cơ hội tốt để cô có thể học hỏi kinh nghiệm làm việc thực tế từ các anh chị đi trước, đồng thời cũng có điều kiện để thực hành nhiều hơn.
Quỳnh trúng tuyển thực tập tại VNPT ngay khi vừa kết thúc năm thứ 2 đại học
"Em nhận thấy, việc tìm kiếm lỗ hổng bảo mật là cách thức tiếp cận kiến thức nhanh nhất trong lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin. Điều này cũng giúp em học các môn chuyên ngành ở trường dễ dàng hơn".
Mặc dù phải đi làm từ 8h - 17h, sau đó lại quay về trường học từ 18 - 21h30 tối, nhưng trong suốt 5 năm ở Học viện, Quỳnh luôn giành học bổng và có điểm GPA xếp top đầu của lớp.
Tìm ra lỗ hổng của tập đoàn công nghệ Mỹ
Bắt đầu mày mò tìm các lỗ hổng bảo mật từ năm thứ 2, đến cuối năm 2019, Quỳnh đã tìm ra lỗ hổng cực kỳ nghiêm trọng đầu tiên. Năm tiếp theo là 4 lỗ hổng, đều xuất hiện trên trên máy chủ WebLogic của Oracle - tập đoàn công nghệ Mỹ có các sản phẩm đang được sử dụng bởi hàng chục nghìn công ty trên khắp thế giới.
"Nếu không nhanh chóng phát hiện sớm và đưa ra bản vá, rất có thể các hacker mũ đen sẽ tìm ra các lỗ hổng này để xâm nhập vào, từ đó gây nên những hiệu quả khó lường", Quỳnh nói.
Đến năm nay, tổng số lỗ hổng được Quỳnh phát hiện đã tăng lên là 9 "bug", trong đó có 6 lỗ hổng được đánh giá ở mức cực kỳ nguy hiểm. Vì thế, Quỳnh nhiều lần đã được Oracle vinh danh khi còn chưa tốt nghiệp đại học.
Với những phát hiện và nghiên cứu của mình, Lê Mỹ Quỳnh đã mạnh dạn tham dự các hội thảo về bảo mật để học hỏi và chia sẻ kỹ năng nghiên cứu, cũng như trình bày các tham luận và kết quả nghiên cứu của mình tại các hội thảo chuyên môn về an toàn thông tin.
Quỳnh cũng cho biết, muốn tìm ra một lỗ hổng, đôi khi phải mất nhiều tháng trời để nghiên cứu sản phẩm cũng như các lỗ hổng đã được tìm ra trước đó. Vì vậy, việc phải ôm máy tính trên 10 tiếng mỗi ngày là điều không còn quá xa lạ.
Để có thể cân bằng cuộc sống, ngoài thời gian đi làm, Quỳnh vẫn dành thời gian cho các sở thích riêng, hay đi chơi cùng bạn bè vào buổi tối hoặc những ngày cuối tuần.
Quỳnh cho rằng, vấn đề giới tính không phải là điều quá quan trọng trong lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin.
"Em nghĩ rằng, chỉ cần kiên trì, đam mê thì bất kể là nam hay nữ cũng đều có thể theo đuổi lĩnh vực này", Quỳnh nói.
Nữ thủ khoa Học viện Kỹ thuật Mật mã cũng cho biết, mong muốn của cô là trở thành một "Security Research" có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực bảo mật toàn cầu, đồng thời tiếp tục tìm được những lỗ hổng đột phá hơn. Xa hơn nữa, Quỳnh cũng mong muốn được tham dự và trở thành diễn giả tại các hội nghị về bảo mật tầm cỡ quốc tế.
Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng thành lập thêm 2 khoa mới Ngày 15-10, Trường ĐH Ngoại ngữ thuộc ĐH Đà Nẵng tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2021-2022 trực tuyến và đón 1.892 tân sinh viên (SV) hệ chính quy của 26 chuyên ngành đào tạo của 8 khoa nhập học. Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng công bố quyết định thành lập 2 Khoa mới và Tổ Tiếng Thái Lan. Tại...