Nam sinh học bằng kính lúp… trở thành thủ khoa
Nguyễn Văn Trung đã vượt lên số phận để trở thành thủ khoa khối C của Học viện Quản lý giáo dục năm 2019.
Tôi biết đến Trung tại sự kiện Chào Tân sinh viên 2019 với chủ đề Thế hệ Z làm chủ công nghệ do Hệ thống Giáo dục Học mãi tổ chức mới đây. Trung là một trong số những tân sinh viên được tuyên dương và giành được một suất học bổng với những nỗ lực của mình. Khả năng nhìn rất kém nhưng Trung vẫn tìm tòi xem và nghe clip về bài giảng trực tuyến môn Văn.
Câu chuyện về nghị lực của Trung khiến nhiều bạn trẻ cảm động và khâm phục.
Khi tôi hỏi em có nhìn thấy tôi không, ở khoảng cách chưa đầy 3 gang tay, Trung đáp em chỉ nhìn thấy mờ mờ, dáng người chung chứ không rõ nét.
Trung sinh năm 1997, là cựu học sinh lớp 12A1 Trường THPT Nguyễn Thái Học, tỉnh Vĩnh Phúc. Tại kỳ thi THPT quốc gia 2019, em đạt tổng điểm 3 môn khối C là 25 (Văn 6,5; Sử 9,5; Địa 9) và trở thành thủ khoa đầu vào của Học viện Quản lý giáo dục.
Nguyễn Văn Trung, thủ khoa Học viện Quản lý giáo dục năm 2019.
Trung sinh ra và lớn lên từ một vùng quê nghèo của xã An Hòa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Nhà có 3 anh chị em, Trung là út, kinh tế chính của gia đình nhìn vào mấy sào ruộng. Từ lúc chào đời, em đã mắc căn bệnh khiếm thị đục thủy tinh thể bẩm sinh trong bào thai. Thế nhưng gia đình không hề hay biết và chỉ đến khi em được vài tháng tuổi, sau nhiều lần thấy ai đưa gì cũng không biết cầm lấy, mới đưa em đi khám.
Bác sĩ kết luận em bị dị tật ở mắt, tạo thành mù bẩm sinh. Tuy nhiên nếu phẫu thuật vẫn có cơ hội nhìn thấy chút ánh sáng. Vì nghèo nên khi Trung hơn 2 tuổi bố mẹ mới gom góp và vay mượn tiền chữa trị cho em. Kết quả là đôi mắt của em có thể nhìn thấy chút ánh sáng lờ mờ.
Dùng kính lúp soi chữ học bài
Ở vùng quê, gia cảnh khó khăn, em lại khiếm thị nên ban đầu bố mẹ cũng chỉ xác định nuôi em sao cho khỏe, còn việc học hành là điều gì đó rất xa vời. Thế nên gần 10 tuổi, Trung mới vào lớp 1. Giai đoạn đầu, những chữ o, chữ a… em viết to đùng vì đôi mắt chỉ nhìn được mờ mờ không rõ. Sau đó, Trung buộc phải chuyển sang học chữ nổi ở trung tâm người mù. Hết cấp 2, vì Vĩnh Phúc không có trường cấp 3 chuyên biệt cho học sinh khiếm thị nên trung tâm đã gửi các em sang Trường THPT Nguyễn Thái Học với mục đích học hòa nhập.
Đến đây, một cậu học trò khiếm thị như Trung phải học cách chuyển từ dùng chữ nổi sang chữ sáng. Dù khó khăn, nhưng biết chưa có kỳ thi đại học riêng cho những học sinh như em, nên Trung dặn mình phải cố gắng.
Nguyễn Văn Trung phải dùng kính lúp để phóng to chữ mới có thể đọc sách.
Ngày thường, Trung ngồi học trong lớp nhưng đôi mắt em không nhìn thấy chữ gì trên bảng và cũng chẳng rõ gương mặt thầy cô. Cái duy nhất tiếp thu kiến thức của em là lắng nghe. Vì thế Trung chọn theo học 3 môn khối C (Văn- Sử – Địa).
“Em biết điểm yếu và điểm mạnh của mình ở đâu để dồn sự đầu tư vào những môn học mình có khả năng phát triển. Do không nhìn được trên bảng nên những môn như Toán, Vật lý hay Hóa học khi các thầy cô giảng đều phải đưa ví dụ minh họa và giải ở trên bảng nên em khó có thể theo dõi được. Còn các môn Văn, Sử, Địa thì các thầy cô chủ yếu giảng thông qua lời nói, nên em dễ dàng tiếp thu hơn”, Trung nói về sở trường 3 môn khối C của mình.
Mắt kém, để đọc được sách, Trung hoặc phải cúi thật sát hoặc dùng đến kính lúp.
“Để học được tốt trên lớp, bắt buộc em phải dùng đến kính lúp để soi cho chữ to lên mới có thể nhìn rõ được. Cũng vì thế trên lớp em chủ yếu nghe giảng. Sau đó hiểu như thế nào thì tự ghi vào vở chứ không phải nhìn từ trên bảng. Về nhà em cũng sử dụng kính lúp để đọc sách. Mà buổi tối cũng chỉ đọc được sách. Vở em ghi thì thường ban ngày em mới có thể nhìn được còn buổi tối do viết tay nên khó đọc”, Trung kể.
Cô Nguyễn Thị Thanh Hương, giáo viên dạy Ngữ văn của Trung 3 năm THPT không khỏi rưng rưng mỗi lần nghĩ đến hoàn cảnh của cậu học trò dáng người nhỏ bé.
Chị Hương kể, Trung là đối tượng được miễn thi tốt nghiệp THPT. Nhưng muốn vào ĐH thì phải có thành tích tuyển thẳng hoặc kết quả thi THPT quốc gia. Do vậy, Trung đã tập luyện viết chữ sáng. Những nét chữ to của em luôn trong tình trạng thiếu dấu, thiếu nét, đánh dấu không đúng chữ… Hai môn Sử, Địa thi trắc nghiệm, chỉ cần tô, thì em có thể làm tốt nhưng với môn Văn tự luận thì cần cả một quá trình. Khó vậy, thế mà Trung làm được. Những bài văn của em qua mỗi lần thi ban đầu chỉ đạt điểm yếu bởi lí do viết rất chậm, chữ sai nhiều thì ngày một tiến bộ.
Để viết được, Trung phải cúi rạt người xuống thấp.
“Đôi mắt chỉ nhìn thấy mờ mờ đã khiến bao lần em tập viêt chữ “đ” rất vất vả. Vì dấu “-” em đánh luôn không trúng. Văn 12 thì dài mà em thì viết chậm. Có lần Trung nói với tôi: “Kiến thức trong đầu em có thể tuôn ra cả 3 tờ giấy thi cô ạ, nhưng em không viết nổi…”. Tôi bảo, vậy chỉ còn cách là em tập viết, viết ngắn thôi nhưng đủ ý, chứ không viết dài như cô giảng được”, cô Hương nghẹn ngào.
Thế là suốt học kì 2 của lớp 12, Trung tập viết những bài văn ngắn và đưa cô Hương sửa. “Nhìn nghị lực của cậu học trò mà tôi ngỡ tưởng không phải tôi đang dạy cho em mà là em đang truyền cảm hứng cho tôi”, cô Hương nói.
Kết quả thi THPT quốc gia, Trung đạt tổng 25 điểm – một kết quả ấn tượng đối với cả một học sinh bình thường chứ chưa nói đến khiếm thị như em, và trở thành thủ khoa của ngành Tâm lý học giáo dục của Học viện Quản lý giáo dục.
Trung cho hay em chọn ngành học này không phải vì hạn chế của bản thân mà là sở thích đúng nghĩa. “Ban đầu em định theo khoa Lịch sử nhưng sau khi tìm hiểu thấy sự hữu ích của ngành học này đối với bản thân và có thể với cả những người xung quanh em nữa nên quyết định chọn đăng ký”.
Trung xúc động chia sẻ em rất vui với kết quả ngày hôm nay vì cảm thấy đền đáp được phần nào công lao của bố mẹ. Bởi hạn chế về thị lực khiến em không giúp được nhiều việc nhà.
“Bố mẹ bởi đã vượt qua nhiều vất vả để nuôi em ăn học. Em sẽ quyết tâm tiếp tục nỗ lực cố gắng để có được những kết quả tốt hơn để không phụ lòng và có thể đền đáp bố mẹ”, Trung nói.
Mắt kém vẫn là “cây” văn nghệ
Dù khiếm thị nhưng chàng trai trẻ chưa bao giờ chán nản với cuộc sống. Mọi người chỉ nhìn thấy một cậu học trò luôn nghị lực, thích ca hát và nhiều tài lẻ.
Trung thích hát trong những giờ ra chơi và cuối buổi học.
Hát hay, thuyết trình giỏi với chất giọng trầm ấm, Trung rất tích cực tham gia các hoạt động, chương trình văn nghệ của trường, lớp.
Xông xáo trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, Trung hay được tập thể lớp, trường đề cử tham gia các cuộc thi và lần nào em cũng đạt giải.
“Tôi vẫn nhớ như in dáng người nhỏ, xương xương của em ngồi bên chiếc giường ký túc, nghêu ngao tập hát. Em luôn nói về ước mơ được đi hát, trở thành diễn giả để truyền cảm hứng, nghị lực vượt lên số phận cho những người như em. Chính vì ước mơ đó nên Trung quyết tâm thi đỗ đại học”, cô Hương tâm sự.
Nói về chặng đường tiếp theo, Trung chia sẻ em sẽ cố gắng học tập để tương lai có thể trở thành một chuyên gia tâm lý, chuyên gia về kỹ năng sống để truyền động lực cho mọi người và xã hội. “Dù bản thân có khiếm khuyết nhưng có ý chí và nỗ lực thì em tin rằng sẽ vượt qua được. Em cũng tin mình cố gắng vượt qua được thì các bạn hoàn cảnh tương tự cũng có thể”, Trung nói.
Vừa đi học, em cũng xin tham gia trung tâm mát xa, bấm huyệt của những người khiếm thị để kiếm tiền thêm trang trải kinh phí sinh hoạt và học hành.
Box: Trung cũng được tuyên dương và nhận được một suất học bổng tại sự kiện Chào Tân sinh viên 2019 với chủ đề Thế hệ Z làm chủ công nghệ do Hệ thống Giáo dục Học mãi tổ chức mới đây. Suất học bổng dành cho Trung ngoài tiền mặt là một gói rèn luyện khả năng nghe nói tiếng Anh.
Thanh Hùng
Theo vietnamnet
Chàng trai thủ khoa khiếm thị với 9,5 điểm Lịch sử THPT quốc gia và giấc mơ trở thành nhà tâm lý học
Dù bị khiếm thị bẩm sinh nhưng chàng trai Nguyễn Văn Chung (SN 1997, quê Vĩnh Phúc) đã vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách để đỗ thủ khoa đầu vào Học viện Quản lý giáo dục trong kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Nguyễn Văn Chung (thứ 2 từ trái sang), thủ khoa Học viện Quản lý giáo dục được trao học bổng từ Hệ thống giáo dục Học mãi. Ảnh: Minh Dân.
Hôm nay (22-9), tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã diễn ra chương trình "Chào tân sinh viên 2019: Z - Thế hệ làm chủ công nghệ" do Hệ thống giáo dục Học mãi tổ chức. Trong đó có phần vinh danh và trao học bổng cho 20 tân sinh viên xuất sắc trong kỳ thi THPT quốc gia 2019. Một trong số các tân sinh viên đáng chú ý là Nguyễn Văn Chung, thủ khoa đầu vào ngành Tâm lý học giáo dục của Học viện Quản lý giáo dục.
Sinh ra ở huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) với dáng người nhỏ bé, Nguyễn Văn Chung đã mắc căn bệnh khiếm thị bẩm sinh, mắt của em bị viễn rất nặng nên phải đến năm nay em mới có thể hiện thực hóa giấc mơ đại học của mình. Vượt qua nhiều rào cản cũng như áp lực từ hoàn cảnh gia đình, bố mẹ chỉ làm nông nghiệp, không có gì khá giả nhưng Chung đã duy trì sự nỗ lực của mình trong nhiều năm qua.
Vì sinh ra đã không được may mắn hơn mọi người nên Chung phải cố gắng hơn rất nhiều so với bạn bè đồng trang lứa. Một ngày của Chung bắt đầu bằng việc dậy học bài, đọc lại bài từ 4g sáng, đi học trên trường, phụ giúp bố mẹ khi có thời gian rảnh. Buổi tối, Chung ngồi đọc lại bài trên lớp đã học, làm bài tập từ 7 - 11g đêm mới đi ngủ.
"Vì không được may mắn hơn mọi người nên em càng phải cố gắng hơn, ban đầu em buồn ngủ lắm nhưng dần sau một tháng cũng quen với cách sinh hoạt đó. Cứ như vậy, em duy trì thói quen học tập tới hết những năm cấp 3 và đến khi thi đại học, là tân sinh viên em vẫn tiếp tục giữ thói quen như vậy", Chung tâm sự.
Ngoài thời gian lên lớp, cậu sinh viên 9X còn làm thêm tại cơ sở Massage dành cho người khiếm thị để phụ giúp bố mẹ trong chi phí học tập, sinh hoạt ở Hà Nội. Bản thân Chung khi thi vào khoa Tâm lý học giáo dục em cũng luôn mơ ước sau này trở thành một nhà tâm lý, giúp đỡ các bạn có cùng hoàn cảnh không may mắn như mình.
Chung chia sẻ, ở Việt Nam, tâm lý học là một ngành mới và cơ hội việc làm không có nhiều nhưng em luôn mơ ước trở thành một nhà tâm lý để giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, em cũng muốn nghiên cứu sâu hơn ngành này để trở thành một chuyên gia chuyên sâu về tâm lý học.
Dù bị khiếm thị nhưng Chung lại có đam mê đặc biệt với môn Lịch sử. Ảnh: Minh Dân.
Bên cạnh giấc mơ trở thành một nhà tâm lý học, chàng sinh viên Nguyễn Văn Chung còn có niềm đam mê đặc biệt với môn học lịch sử.
"Em thường xuyên lên các diễn đàn, mạng xã hội và kênh video để nghe, tham khảo, tìm tòi về lịch sử. Khi về nhà thì em tự tìm hiểu, đọc lại, viết lại ra giấy, ra vở để nhớ được dễ hơn, sâu hơn. Nó là môn học mà em đặc biệt yêu thích, ở trên lớp em lắng nghe thầy cô giảng bài. Vì không thể nhìn rõ bảng nên em càng phải lắng nghe nhiều hơn. Chỗ nào không hiểu em nhờ bạn bè, thầy cô giảng lại", Chung cho biết thêm.
Nhờ sự nỗ lực, cố gắng không biết mệt mà Chung đạt được tới 9,5 điểm môn Lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 vừa qua. Trở thành thủ khoa của Học viện Quản lý giáo dục vừa là vinh dự nhưng đó cũng là nỗi lo về kinh tế trang trải cho việc học tập.
"Khi nào rảnh rỗi em thường nghe nhạc. Em còn thích nghe tường thuật các trận đấu bóng đá qua làn sóng phát thanh, thích được nghe Quang Hải và các đồng đội của tuyển Việt Nam thi đấu. Tâm lý là ngành không hot lắm nhưng với quyết tâm của mình, trong tương lai tới em nghĩ nó sẽ là một ngành nghề cần thiết cho xã hội. Em sẽ nỗ lực hết mình để thành công trong tương lai", thủ khoa Nguyễn Văn Chung tâm sự.
Đình Tuệ - Minh Dân
Theo PLXH
Hiệu trưởng trong công cuộc đổi mới: "3 trong 1" Trao đổi với Báo GD&TĐ, PGS.TS Đặng Quốc Bảo - nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục cho rằng, trong công cuộc đổi mới, hiệu trưởng phải làm được 3 việc: Là người nhạc trưởng, chỉ huy quân đội, và là một huấn luyện viên bóng đá. Cùng với đó, phải đảm nhiệm ba vai trò: Lãnh đạo, quản lý và...