Nam sinh Hà Nội viết bức thư đoạt giải nhất UPU quốc gia
Chủ nhân giải thưởng của cuộc thi lần 41 – 2012 là Nguyễn Đăng Quý Minh, học sinh lớp 10A9 Trường THPT Nhân Chính, Hà Nội. Sau 10 năm, Hà Nội mới lại có giải nhất quốc gia cuộc thi viết thư quốc tế UPU.
Với đề tài “Hãy viết thư cho một vận động viên hoặc một nhân vật thể thao mà em ngưỡng mộ để nói thế vận hội ( Olympic Games) có ý nghĩa gì đối với mình”, Quý Minh đã gửi thư đến anh Ngô Hữu Kỳ Phong, nhà vô địch môn chạy 50m tại Thế vận hội Olympic đặc biệt dành cho người thiểu năng trí tuệ Athens 2011.
Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trò chuyện với cậu bạn này.
Nguyễn Đăng Quý Minh, học sinh lớp 10A9 Trường THPT Nhân Chính, Hà Nội. (Ảnh: Võ Hoàng Tuấn)
* Vì sao bạn quyết định viết thư gửi cho anh Ngô Hữu Kỳ Phong?
- Mình rất thích bóng đá nên ban đầu mình nghĩ sẽ viết thư cho cầu thủ bóng đá nổi tiếng thế giới như Lionel Messi, Cristiano Ronaldo… Nhưng một hôm, tình cờ lên mạng mình đọc được thông tin về anh Ngô Hữu Kỳ Phong, vận động viên Việt Nam giành huy chương vàng nội dung chạy 50m tại Thế vận hội Olympic đặc biệt dành cho người thiểu năng trí tuệ Athens 2011.
Mình thật sự xúc động và khâm phục khi biết anh ấy tuy không may mắc bệnh Down nhưng vẫn luôn giữ niềm tin lạc quan, khát vọng sống mãnh liệt và can đảm vượt qua bệnh tật để tích cực luyện tập thể thao. Ngoài ra, mình nghĩ người Việt Nam viết thư cho nhau sẽ dễ đồng cảm hơn.
“Quý Minh là học sinh ngoan, lễ phép với thầy cô, chan hòa với bạn bè.
Câu văn của em luôn có cảm xúc riêng, cách hành văn sáng tạo, thể hiện sự tìm tòi cái mới. Ngoài việc nghe giảng trên lớp, Quý Minh luôn chịu khó đọc thêm sách báo để có thêm thông tin đưa vào bài viết. Sau mỗi buổi học, em cũng thường ở lại trao đổi với cô về văn chương.
Lá thư của Quý Minh dự thi UPU khiến người đọc cảm động bởi những cảm xúc hồn nhiên, trong sáng, văn phong sáng tạo. Chi tiết con người phải nỗ lực vượt lên giới hạn của chính mình để giành chiến thắng mà em đưa vào lá thư rất “đắt” và giúp nhóm lên ngọn lửa quyết tâm trong mỗi người” -cô Bùi Mai Trinh, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A9, giảng dạy môn văn Trường THPT Nhân Chính, Hà Nội.
* Chủ đề cuộc thi năm nay là nói về ý nghĩa của thế vận hội (Olympic Games). Bạn cảm thấy chủ đề này thế nào?
- Mình nghĩ Olympic không chỉ là một sân chơi thể thao đề cao vấn đề thành tích, mà còn là nơi tôn vinh những vận động viên dám chiến thắng bản thân và nỗ lực hết mình để bước lên đỉnh vinh quang.
Mọi người thường cho rằng những cầu thủ như Messi hay Ronaldo bẩm sinh đã đá bóng giỏi nhưng ít ai biết để được thế giới công nhận, tự bản thân họ phải cố gắng và tự học không ngừng. Chẳng hạn như Ronaldo thường ở lại sau mỗi buổi tập 30 phút để tập sút phạt, hay Messi đã có thời điểm đeo chì vào chân để luyện tập đá bóng.
* Bạn mất bao lâu để hoàn thành bức thư?
- Mình hoàn tất trong vòng một tuần, phải viết đến lần thứ ba mới thấy hài lòng.
* Bạn có nhờ ai góp ý cho bức thư?
Video đang HOT
- Mình đã đưa bức thư cho thầy giáo dạy võ đọc và thầy khen tư tưởng cũng như cách khai thác vấn đề của bức thư khá tốt. Song, thầy góp ý là không nên viết những câu văn nặng tính triết lý, hô hào sáo rỗng mà cần gần gũi với thực tế cuộc sống, đúng với lứa tuổi của mình. Lúc về nhà mình đã đọc lại bức thư, suy ngẫm và sửa theo lời khuyên đó.
Đợt tổng kết học kỳ I vừa qua, Quý Minh là một trong những học sinh có điểm 9, điểm 10 nhiều nhất trường và có điểm tổng kết môn văn cao nhất lớp với 8,5.
* Phần nào của bức thư khiến bạn đau đầu nhất?
- Đó chính là phần kết. Mình đã suy nghĩ rất nhiều để có thể viết được một cái kết mở và trọn vẹn.
* Bạn muốn truyền tải thông điệp gì qua phần kết của bức thư?
- Mình hi vọng sẽ góp phần thay đổi quan niệm của mọi người. Đừng bao giờ bằng lòng với những gì đang có, đừng bao giờ cho rằng mình kém cỏi bởi bên trong mỗi người đều có một khả năng rất lớn. Vấn đề là mọi người có biết cách đánh thức “gã khổng lồ đang ngủ quên” này hay không.
Quý Minh và cô Phạm Thanh Thủy, giáo viên môn lịch sử Trường THPT Nhân Chính, Hà Nội. (Ảnh: Võ Hoàng Tuấn)
* Bạn có thể chia sẻ bí quyết học tốt môn văn?
- Mình không bao giờ cầm bút viết liền một mạch mà sẽ gạch ra giấy sườn bài, các ý định triển khai và luôn chịu khó làm đi làm lại nhiều lần để trau chuốt câu văn, cách diễn đạt. Mình cũng chủ động lên thư viện của trường và mạng Internet để làm phong phú thông tin cho bài văn.
* Ước mơ của bạn là gì?
- Mình muốn trở thành một luật sư giỏi để có thể bảo vệ lẽ phải, sự công bằng cho tất cả mọi người.
Bức thư đoạt giải nhất quốc gia cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần 41
Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2011
Thân gửi anh Ngô Hữu Kỳ Phong, nhà vô địch Olympic Athens 2011!
Trước hết, em – một cậu học trò bình thường – xin gửi đến anh, tấm gương về nghị lực sống phi thường, niềm mến thương và kính phục. Thưa anh, hôm nay em viết thư này trước là để bày tỏ lòng ngưỡng mộ, sau là để cảm ơn anh đã giúp em hiểu rõ hơn về ý nghĩa của Thế vận hội Olympic.
Olympic – ba tiếng ấy hẳn đã gợi cho anh nhiều kỷ niệm khó quên gắn với chiếc huy chương vàng trên đường chạy 50m. Có lẽ trong tâm trí anh, dấu ấn về Olympic vẫn còn sáng lấp lánh. Em chưa bao giờ được trải qua cảm giác của anh, vì thế, những gì em hiểu và suy nghĩ về Olympic cũng thật mơ hồ anh ạ!
Nói anh đừng cười em, vì trước đây đối với em, Olympic chỉ là dịp để bố em ngồi dán mắt vào tivi, thỉnh thoảng xuýt xoa vài tiếng để chị em say sưa ngắm mấy anh vận động viên với cơ bắp cuồn cuộn. Còn em thì cứ thắc mắc: “Vì sao các vận động viên không trần như nhộng mà thi đấu như những lực sĩ Hi Lạp xưa?”. Thật đúng là ngây ngô phải không anh?
Vậy nên bữa nọ, khi cô giáo giao cho em viết bài tiểu luận về Olympic, em chẳng biết phải làm sao đành lên mạng hỏi ông bạn thân “Gú Gồ”.
Thế rồi, giữa muôn trùng thông tin của từ khóa “Olympic”, em bắt gặp một cái tít báo lạ: “Đường đến huy chương vàng Olympic của một cậu bé bị Down”. Em không tin vào mắt mình. Huy chương vàng? Cậu bé bị Down?
Cậu bé ấy chính là anh, anh Kỳ Phong ạ!
Chao ôi! Có phải cuộc sống đã quá đỗi bất công với anh? Phải chăng “muôn sự là tại trời” và con người ta sinh ra đã phải chấp nhận hai chữ “thiên mệnh?”. Em hình dung nước mắt lã chã trên gò má của anh khi anh chứng kiến những người bạn cùng lứa được cắp sách tới trường.
Và em cũng nghe thấy nhịp đập thổn thức của trái tim anh mỗi khi nghĩ đến tương lai mờ mịt… Giận thay cái căn bệnh Down ấy! Tựa như những con mọt, nó gặm nhấm từng chút, từng chút, nó làm lụi tắt ngọn lửa niềm tin, nó đánh cắp đi trí tuệ – món quà vô giá mà thượng đế ban cho loài người.
Thế mà ngay bên bờ vực của sự tuyệt vọng, anh – cậu bé mang căn bệnh ác nghiệt ấy – vẫn đứng vững! Hình như cha mẹ anh đã không vô tình khi đặt cho anh cái tên Kỳ Phong – cơn gió lạ. Phong ba cuộc đời không vùi lấp được cơn gió ấy. Cơn gió ấy vẫn kiên cường thổi như muốn thách thức sự ngược đãi của thượng đế. Và trên đường chạy Athens, nó lại thổi bùng lên một luồng sinh khí mới, luồng sinh khí mang tên Việt Nam.
Nhắm mắt lại, em mường tượng trước mắt mình một hình bóng bé nhỏ với bước chân không vững nhưng vẫn gắng sức lao đi trên đường chạy. Đã có lúc hình bóng ấy như chao đi trước một cơn gió mạnh. Đã có lúc đôi chân bật máu, tê buốt. Đã có lúc ý chí của hình bóng ấy chợt lung lay. Đích đến xa quá, mà thân xác lại không tuân theo lý trí nữa rồi. Chẳng lẽ sẽ gục xuống, sẽ chấp nhận rời bỏ cuộc chơi, sẽ mãi mãi không thể vượt lên số phận?
Nhưng không, bóng hình nhỏ bé ấy lại vùng dậy gió mạnh hơn, chân buốt hơn, chỉ duy con tim vẫn bùng cháy như một ngọn đuốc. Và khi ấy con người nhỏ bé đã đốt cháy chính mình, đốt cháy đường chạy, để thắp lên ngọn lửa mà ta vẫn gọi là ngọn lửa Olympic!
Cả anh và em, mỗi chúng ta chỉ là hạt cát trong đại vũ trụ vô tận, nhưng cũng là một đại vũ trụ hàm chứa nhiều bí ẩn đang chờ khám phá. Và càng khám phá, ta càng thấu hiểu và vượt lên những cực hạn của bản thân. Không biết khi đặt ra khẩu hiệu “Nhanh hơn – Cao hơn – Xa hơn”, người ta có nghĩ tới điều này không?
Chỉ biết rằng vô vàn những kỷ lục Olympic đã bị phá khiến chúng ta phải tự hỏi: “Rốt cuộc, giới hạn của con người là ở đâu?”. Không ai có thể trả lời được câu hỏi ấy, và Olympic tiếp tục trở thành nơi khám phá tiềm năng con người.
Anh Kỳ Phong thân mến!
Em tin rằng chiếc huy chương vàng Olympic không đơn thuần là cái đích mà anh hướng đến. Đối với anh, Olympic còn là nơi nuôi dưỡng niềm tin để vượt qua chính mình. Có hề chi nếu anh không lập nên những kỷ lục làm rúng động cả thế giới như Usain Bolt? Quan trọng là anh đã xô đổ giới hạn của chính mình!
Anh hãy tưởng tượng mà xem, nếu như anh bỏ cuộc giữa chừng, nếu như anh không nỗ lực tiến về đích thì liệu thủ đô của Hi Lạp có nổi “cơn gió lạ”? Liệu cái tên Kỳ Phong có xuất hiện trên bảng huy chương để anh nghẹn ngào nước mắt hát Quốc ca Việt Nam trên bục nhận giải?
Và sẽ còn đâu nguồn cảm hứng cho bao đứa trẻ khác, như em, nuôi ước mơ trở thành nhà vô địch Olympic? Chính nhờ câu chuyện về anh mà giờ đây em đã hiểu rõ hơn về thông điệp của Olympic: Điều quan trọng nhất không phải là giành chiến thắng mà là chiến đấu hết mình.
Anh Kỳ Phong thân mến!
Từ nay tới Olympic London 2012 không còn xa nữa! Hơi ấm của ngọn đuốc thần đã lan tỏa như tiếp thêm sức mạnh cho các vận động viên. Và họ còn được tiếp thêm niềm tin bởi những người như anh – những vận động viên khuyết tật nhưng luôn nỗ lực chiến đấu cả trên đường đua và đường đời.
Và biết đâu đấy, ở một góc phố nhỏ lầy lội, một chú bé đánh giày nghèo khổ sau khi nghe câu chuyện về anh Kỳ Phong sẽ ngước nhìn lên trời xanh mà nuôi hoài bão về một ngọn đuốc rực sáng!
Em chúc anh và cậu bé ấy sẽ luôn giữ được trong tim những hoài bão đẹp!
Một fan hâm mộ của anh.
Nguyễn Đăng Quý Minh (lớp 10A9 Trường THPT Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội)
Theo Võ Hoàng Tuấn
Tuổi Trẻ Online
Kiếm thủ 9x và chiếc vé Olympic lịch sử
Nguyễn Tiến Nhật đã đi vào lịch sử làng đấu kiếm nước nhà khi là người đầu tiên giành vé chính thức dự Thế vận hội.
Nguyễn Tiến Nhật là một trong những kiếm thủ hàng đầu Việt Nam khi từng xếp hạng 75/223 ở nội dung kiếm ba cạnh nam tại giải vô địch thế giới diễn ra tại Italy vào năm 2011. Ngoài ra, Tiến Nhật từng giành HC vàng tại giải vô địch trẻ Đông Nam Á năm 2008-2009 HC vàng giải vô địch Đông Nam Á năm 2010-2011, HC bạc SEA Games 26 ở Indonesia. Với việc giành vé tham dự Olympic, đây là thành tích cao nhất của Tiến Nhật và cũng là cột mốc mới cho đấu kiếm Việt Nam.
Tại Olympic London, đấu kiếm chỉ có 10 nội dung (không có kiếm chém đồng đội nữ và kiếm ba cạnh đồng đội nam).
Tiến Nhật trở thành kiếm thủ đầu tiên của Việt Nam giành vé chính thức dự Thế vận hội. Ảnh: Mai Hương.
Tin vui liên tiếp đến với thể thao nước nhà khi chỉ sau một ngày VĐV Đỗ Ngân Thương có vé tới London, đến lượt kiếm thủ Nguyễn Tiến Nhật tiếp tục ghi tên mình vào danh sách tham dự Olympic của đoàn thể thao Việt Nam.
Đội tuyển đấu kiếm Việt Nam lên đường tới Wakayama, Nhật Bản từ ngày 19/4 để tham dự giải vô địch châu Á, đồng thời cũng vòng loại Olympic khu vực châu Á - châu Đại dương.
Tại giải này, Tiến Nhật đã xuất sắc vượt qua các đối thủ ở vòng 1/16 (trước New Zealand), vòng 1/8 (trước Nhật Bản) và bán kết trước tuyển Hong Kong (Trung Quốc) ở nội dung kiếm 3 cạnh. Dừng bước ở trận chung kết trước một đối thủ người Uzbekistan nhưng tại giải này, 3 VĐV đứng đầu ở mỗi nội dung thi đấu sẽ đoạt vé chính thức đi Olympic, chính vì thế, tấm HC bạc giúp kiếm thủ người TP HCM có vé tới London vào tháng 7 tới.
Từ Nhật Bản gọi điện về, trưởng bộ môn đấu kiếm Tổng cục TDTT Phùng Lê Quang vui mừng cho biết: "Đây là giải có tính cạnh tranh rất khốc liệt nhưng Tiến Nhật đã thể hiện được bản lĩnh của Mình. Như vậy là mục tiêu giành ít nhất một vé tham dự Olympic của đội tuyển đấu kiếm đã hoàn thành".
Như vậy đến lúc này, Việt Nam có 11 tấm vé vượt qua vòng loại Olympic gồm Phan Thị Hà Thanh, Phạm Phước Hưng, Đỗ Thị Ngân Thương (TDDC) Lê Huỳnh Châu, Chu Hoàng Diệu Linh (taekwondo) Văn Ngọc Tú (judo) Hoàng Xuân Vinh, Phạm Hoàng Ngọc (bắn súng) Nguyễn Thị Thanh Phúc (điền kinh), Nguyễn Thị Lụa (vật) và Tiến Nhật (đấu kiếm).
Theo Bưu Điện Việt Nam
'Búp bê' Ngân Thương có vé Olympic Tối 19/4, nữ VĐV viên thể dục dụng cụ Đỗ Thị Ngân Thương nhận được tin cô có tấm vé dự Olympic London. Ngân Thương là VĐV thứ 10 của Việt Nam có vé tới Olympic London. Ảnh: Quang Thái. Như vậy thể dục dụng cụ đã có 3 VĐV, và thể thao Việt Nam có 10 người tham gia Thế vận hội...