Nam sinh đốt sách sau môn thi Địa lý: Tôi rất hối hận
Clip hơn 4 phút quay cảnh nam sinh đốt sách giáo khoa lớp 12 sau khi kết thúc môn thi Địa lý ngày 3/7, khiến cư dân mạng bất bình. Thí sinh này đã xin lỗi về hành động phản cảm.
Trong clip, bạn nam mặc áo trắng vứt rất nhiều sách giáo khoa lớp 12 còn mới xuống đất, sau đó tưới cồn lên và châm lửa.
Xem những hình ảnh này, nhiều người tỏ thái độ bất bình với hành động của nam sinh. Nickname Nguyễn Kim Võ bức xúc viết: “Người không biết tôn trọng những gì đã giúp mình thì không đáng tin cậy”.
Bạn Hoàng Phương đặt câu hỏi: Không còn cách nào để thể hiện sao? Sách vở là kiến thức, học xong nhớ được bao nhiêu mà đem đốt?
Lý giải hành động của mình, nhân vật trong clip tên Quang cho biết: “Kết thúc giờ thi môn Địa lý, vì quá phấn khích khi làm được bài và kết thúc kỳ thi, tôi đã có những hành động bộc phát, thiếu suy nghĩ”.
Sau khi thi xong, nam sinh mang sách giáo khoa và tài liệu ra đốt. Cư dân mạng cho rằng, đây là hành động phản cảm.
Quang tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa qua tại một điểm thi ở Hà Nội. Nam sinh nói rất hối hận về hành động thiếu chín chắn của mình, đồng thời mong được cộng đồng mạng cảm thông, chia sẻ.
“Tôi đã không suy nghĩ khi làm điều đó và rất hối hận. Đây là bài học đắt giá đối với tôi”, nam sinh nói.
Trước đó, đầu tháng 5/2016, mạng Facebook xôn xao việc cô gái trẻ đốt từ học bạ đến sách vở. Thông tin không rõ vì sao cô gái này đốt học bạ, nhưng đã gây ra luồng tranh luận về sự quan trọng của bằng cấp.
Video đang HOT
Một tài khoản Facebook khác là X.H đăng thông tin cử nhân của trường đại học có tiếng ở Hà Nội đốt bằng đại học với mong muốn… thức tỉnh cộng đồng. Nam sinh này cho biết, anh muốn đốt bằng đại học để chứng minh đây chỉ là tờ giấy. Học đại học không phải mục đích kiếm bằng mà là kiếm nghề.
Tương tự, một cử nhân tiếng Anh bức xúc do sau 5 năm tốt nghiệp không có việc làm, nên cũng đốt toàn bộ bằng và các giấy tờ liên quan.
Những câu chuyện trên xuất hiện trên mạng xã hội và đều bị phản ứng gay gắt.
Sau khi xem clip, cô Phan Ngọc Ánh, giáo viên Ngữ văn, trường THPT Lý Thái Tổ chia sẻ, cô cảm thấy rất buồn vì hành động tiêu cực, nhưng cũng không nên chỉ trách móc nam sinh.
“Lỗi một phần thuộc về phía gia đình và nhà trường đã tạo quá nhiều áp lực lên thí sinh, khiến tinh thần một số bạn nặng nề, từ đó tìm tới cách giải phóng tâm lý cho mình một cách tiêu cực”.
Chia sẻ về những vụ đốt bằng hồi tháng 5, cô Nguyễn Bích Ngọc – giáo viên THCS Mạc Đĩnh Chi, Ba Đình, Hà Nội nêu quan điểm, bằng đại học không có giá trị với nhiều người. Tuy nhiên, những bạn trẻ trước khi đốt bằng đại học nên nghĩ lại xem mình đã làm được gì. Đừng đổ lỗi cho cha mẹ, xã hội. Đốt bằng chỉ là phản ứng tiêu cực, không giải quyết được điều gì cả.
* Tên nam sinh đã thay đổi.
Theo Zing
'Đốt bằng đại học là tiêu cực, phản cảm'
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, bằng đại học không chỉ mang giá trị chứng nhận, mà là kết quả nhiều năm gây dựng của sinh viên, thầy cô và cả những giọt nước mắt, mồ hôi của bố mẹ.
Mới đây, mạng Facebook xôn xao việc cô gái trẻ đốt từ học bạ đến sách vở. Thông tin không rõ vì sao cô gái này đốt học bạ, nhưng đã gây ra luồng tranh luận về sự quan trọng của bằng cấp.
Trước đó, tài khoản Facebook X.H đăng thông tin một cử nhân của trường đại học có tiếng ở Hà Nội đốt bằng đại học với mong muốn... thức tỉnh cộng đồng.
Nam sinh này cho biết, anh muốn đốt bằng đại học để chứng minh đây chỉ là tờ giấy. Học đại học không phải mục đích kiếm bằng mà là kiếm nghề.
Cử nhân một trường đại học ở Hà Nội chia sẻ ảnh đốt học bạ, bằng đại học gây ra tranh cãi trên mạng.
Đốt bằng và tranh luận có nên học đại học?
"Nếu học Y mà chỉ lấy cái bằng thì bạn sẽ để dao mổ ở bụng bệnh nhân rồi khâu vào nhiệt tình. Học Lâm nghiệp, Nông nghiệp mà chỉ lấy bằng, bạn sẽ cho phát triển cây thuốc phiện", nam sinh này nêu quan điểm.
Chàng cử nhân trên lập luận không nhà tuyển dụng chuyên nghiệp nào lại chọn nhân viên chỉ dựa vào bằng cấp. Điều đầu tiên họ cần biết là con người, sau đó đến kiến thức và kinh nghiệm. Vì thế, tấm bằng không cần thiết nữa.
Trước đó, một cử nhân tiếng Anh bức xúc do sau 5 năm tốt nghiệp không có việc làm, nên cũng đốt toàn bộ bằng và các giấy tờ liên quan.
Những câu chuyện trên xuất hiện trên mạng xã hội, là tiền đề cho tranh luận: Có nên học đại học?
Hải Sơn - một người trẻ đang làm thiết kế và marketing chia sẻ trên Facebook: "Suy cho cùng, tấm bằng đại học chẳng có trách nhiệm gì với bạn cả. Nó không phải là tấm vé lên "chuyến bay vinh quang". Nó chỉ chứng minh bạn là con người bình thường như bao người khác. Nếu không có đam mê hoặc cơ sở để sử dụng, bạn hãy cất nó đi hoặc treo lên như một bức tranh kỷ niệm".
Nhà báo Ngô Bá Lục cũng nêu quan điểm: "Đại học rất tốt và thực sự cần thiết, nhưng không phải con đường duy nhất để dẫn đến thành công! Hãy tỉnh táo trước khi quá muộn".
Nhà báo Bá Lục khuyên học sinh: Học đại học hay không, bạn biết xác định khả năng bản thân và sống hết mình với đam mê, mới có thể thành công. Còn nếu cứ quy định học thật giỏi, rồi sẽ xin được việc làm, đó là quan niệm cần thay đổi. Biết được khả năng của mình là lĩnh vực gì và theo đuổi nó tới cùng, đó mới là yếu tố để bạn thành công trong cuộc sống.
Trên thực tế có nhiều sinh viên không lựa chọn ngành học mình yêu thích, dẫn đến tấm bằng đại học không có tác dụng. Thế nhưng, đốt bằng đại học có phải là công việc nên ủng hộ?
Hành động tiêu cực
Nhiều người cho rằng, quan điểm của cử nhân trong trường hợp trên có phần đúng nhưng hành động đốt bằng là không phù hợp.
Cô Nguyễn Bích Ngọc - giáo viên THCS Mạc Đĩnh Chi, Ba Đình, Hà Nội nêu quan điểm, bằng đại học không có giá trị với nhiều người. Tuy nhiên, những bạn trẻ trước khi đốt bằng đại học nên nghĩ lại xem mình đã làm được gì. Đừng đổ lỗi cho cha mẹ, xã hội. Đốt bằng chỉ là phản ứng tiêu cực, không giải quyết được điều gì cả.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Trưởng khoa Tâm lý học, Đại học Sư phạm TP HCM nhận định: Bằng đại học không chỉ mang giá trị chứng nhận mà là kết quả nhiều năm gây dựng của bản thân, thầy cô, bạn bè, và cả những giọt nước mắt, mồ hôi của bố mẹ. Đừng nghĩ bằng đại học là của riêng bạn, ngay cả khi bạn có thể tự lập từ sớm.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn nêu, không nên quan niệm bằng cấp không có giá trị. Người ta có thể đi khắp thế gian nhưng cũng đừng quên có những cung đường cần đến tấm vé.
Trước hành động đốt bằng của một số bạn trẻ, chuyên gia tâm lý mong muốn sự cuồng nộ hay thất vọng của các bạn trẻ dẫn đến tiêu cực chỉ là số ít. Có thể, việc đốt bằng khiến bạn thoải mái tạm thời nhưng khi hối tiếc không thể lấy lại những gì đã mất.
"Các bạn trẻ hãy nhìn nhận đa chiều, thay vì luôn hậm hực mà quên đi hành động của mình sẽ ảnh hưởng người khác, thậm chí là tương lai của chính bạn", ông Sơn khuyên.
Theo Zing