Nam sinh bại liệt ở Sài Gòn được tuyển thẳng vào đại học
Nặng 30 kg bởi chứng teo cơ, Thanh Hải liên tục đạt giải thưởng khoa học kỹ thuật, được tuyển thẳng vào Đại học Khoa học tự nhiên.
Hoàn thành chương trình THPT, Trần Phan Thanh Hải (cựu học sinh trường THPT Marie Curie, TP HCM) được miễn thi THPT quốc gia, tốt nghiệp theo quy định ưu tiên của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Là học sinh giỏi đạt giải Khoa học kỹ thuật quốc gia, Hải được tuyển thẳng vào ngành Công nghệ thông tin (chương trình chất lượng cao) của trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM).
Không gian học tập, nghiên cứu của Hải. Ảnh: Như Quỳnh.
Bị bệnh teo cơ và vẹo cột sống từ nhỏ, Hải 18 tuổi nhưng chỉ cao một mét, nặng 30 kg, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào mẹ. Suốt 12 năm liền, cậu đến trường trên đôi vai của mẹ, luôn đứng nhất nhì khối về học tập.
Lên cấp ba, cậu là niềm tự hào của trường THPT Marie Curie khi liên tục mang về giải thưởng cấp quốc gia, thành phố. Hình ảnh nam sinh nhỏ thó trên chiếc xe lăn say sưa thuyết minh về sáng chế trở nên quen thuộc với nhiều người. Mới đây, Hải đạt giải ba cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2019 với sản phẩm Robot hỗ trợ người khuyết tật.
Hải cho biết, đi dự thi không quan trọng việc giành giải thưởng bởi mục đích lớn hơn là giới thiệu sản phẩm đến mọi người. Ở nhà, không gian sinh hoạt, học tập của Hải gói gọn trên chiếc giường nhỏ. Thời gian nghiên cứu, sáng chế robot là những đêm dài cậu thức đến 2-3h.
Video đang HOT
5 năm tự học về điện tử và lập trình, nam sinh tích luỹ nhiều kiến thức và kinh nghiệm nhưng cũng không ít lần gặp thất bại. Mỗi lần như vậy, cậu càng quyết tâm mày mò đến khi thành công. “Em chưa làm được nhiều, tất cả mới chỉ là sự khởi đầu. Em đang cải tiến robot hỗ trợ người khuyết tật để có thể đăng ký bản quyền sáng chế, tìm nhà đầu tư sản xuất”, Hải nói.
Được mẹ đưa đến Đại học Khoa học Tự nhiên làm thủ tục nhập học từ tuần trước, Hải tự tin sẽ theo kịp chương trình và háo hức chờ đón những kiến thức mới về lập trình một cách chuyên sâu. “Điều em lo lắng nhất là sức khoẻ của mẹ không tốt. Còn với em, trường hợp xấu nhất, bị liệt hoàn toàn không thể đến trường, em sẽ sử dụng robot mình tự chế để hỗ trợ việc học ở nhà”, Hải nói.
Bà Phan Thị Quỳnh Mai (mẹ của Hải) cho biết đã vỡ oà cảm xúc khi hay tin con được tuyển thẳng vào đại học. Mỗi lần Hải lên một bậc học mới, bà thấy con thêm trưởng thành, công sức học tập của con được đền đáp xứng đáng.
Bên cạnh niềm vui, người mẹ ngoài 60 tuổi không giấu sự lo lắng bởi mỗi lần chuyển cấp là một quá trình khó khăn với cả hai mẹ con. Sức khỏe ngày càng kém, người mẹ lo không biết có thể chăm sóc con đến bao giờ. “Dù thế nào, tôi cũng tiếp tục là người bạn đồng hành với con, để nó theo đuổi đến cùng ước mơ của mình”, bà nói.
Như Quỳnh
Theo VNE
Vì sao ĐH Bách khoa HN không còn tuyển sinh mã ngành Công nghệ thông tin IT3?
Từ tháng 2 đến nay, phòng Tuyển sinh của trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhận được khoảng 16.000 lượt hỏi liên quan về ngành Công nghệ thông tin.
Trong đó, gần 5.000 lượt hỏi về việc tại sao trường không tiếp tục đào tạo ngành Công nghệ thông tin ( IT3), khoảng 4500 lượt hỏi về việc so sánh các ngành Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính với Công nghệ thông tin.
Trả lời phỏng vấn của báo điện tử Người Đưa Tin, PGS TS Tạ Hải Tùng - Viện trưởng viện Công nghệ thông tin và Truyền thông ( Đại học Bách khoa Hà Nội) lý giải: "Hiện tại ở Việt Nam, cụm từ "Công nghệ thông tin" quá nổi bật, làm "che mờ" đi các khái niệm về Khoa học máy tính - Computer science và Kỹ thuật máy tính - Computer Engineering.
Ở nước ngoài, đặc biệt là các trường ở Mỹ, Canada hay Anh, Úc rất khó tìm được một khoa (viện) mang tên "công nghệ thông tin" - School of Information Technology hay Department of Information mà chỉ có khoa (viện) khoa học máy tính hoặc là khoa (viện) tính toán - School of Computing.
Như vậy, rất nhiều sinh viên Việt Nam khi đi du học lại khá lạ lẫm vì không phải là "công nghệ thông tin", mà là "khoa học máy tính" hay "kỹ thuật máy tính"".
Viện Công nghệ thông tin & Truyền thông - (Đại học Bách khoa Hà Nội)
Xuất phát từ việc cố gắng chuẩn hoá theo tiêu chuẩn của quốc tế, để làm sao khi các em sinh viên tốt nghiệp Bách khoa Hà Nội trở thành kỹ sư có chuyên môn cao - PGS TS Tạ Hải Tùng nhấn mạnh "có thể gọi là tầng lớp tinh hoa trong giới về công nghệ" - trường đại học Bách khoa mong muốn các kỹ sư, cử nhân tương lai không chỉ bó hẹp ở thị trường lao động trong nước, mà còn là thị trường lao động rộng mở, toàn cầu.
"Thậm chí, chúng tôi có những chương trình mà gần 70% các em sau khi tốt nghiệp đi ra nước ngoài làm việc và rất nhiều em đi du học", ông Tùng thông tin.
Theo đó, viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông - đại học Bách khoa Hà Nội năm nay chỉ đào tạo 3 ngành gồm: CNTT-Khoa học máy tính (IT1), CNTT-Kỹ thuật máy tính (IT2), CNTT-Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (IT-E10).
"Chúng tôi sẽ không đào tạo ngành mang tên "công nghệ thông tin" nữa. Năm nay, khi thí sinh nhìn vào mã ngành tuyển sinh của Bách khoa Hà Nội sẽ không còn thấy mã ngành IT3 - "Công nghệ thông tin" như năm 2018 nữa mà là 3 ngành kể trên", PGS.TS Tùng cho biết.
Để rõ hơn, ông Tạ Hải Tùng chia sẻ: "Không phải chúng tôi không đào tạo "công nghệ thông tin" nữa, mà chỉ là không dùng cái tên đó nữa. Chúng tôi muốn cập nhật đúng với bản chất phổ quát trên thế giới, nghĩa là ngành Khoa học máy tính, ngành Kỹ thuật máy tính và ngành Khoa học dữ liệu".
Bên cạnh đó, vị Viện trưởng viện Công nghệ thông tin và Truyền thông ( Đại học Bách khoa Hà Nội) cũng cho biết: "Các nội dung đào tạo sẽ không thay đổi quá nhiều so với trước, nhưng đặt tên ngành chuẩn để sau này các em dễ dàng liên thông ra nước ngoài, dễ dàng làm việc với thị trường lao động nước ngoài.
Ở nước ngoài, nói về "công nghệ thông tin", đôi khi người ta lại nghĩ là đấy là những kỹ thuật viên và chỉ mang tính chất vận hành, bảo trì, bảo dưỡng. Như vậy, tự nhiên mình lại giảm giá trị của mình xuống chỉ vì cái tên, nên chúng tôi muốn chuẩn hóa lại."
Theo nguoiduatin
Tuyển sinh đại học 2019: Điểm chuẩn trúng tuyển các ngành CNTT có thể tăng 1-2 điểm Với các trường khối công nghệ, thậm chí là một số trường không chuyên về ICT, điểm chuẩn ngành CNTT vẫn ở nhóm cao nhất. Năm nay, do phổ điểm thi tốt nghiệp THPT tăng so với năm ngoái nên nhiều khả năng điểm chuẩn trúng tuyển các ngành CNTT sẽ tăng 1-2 điểm. Dự báo nêu trên được Phó Giáo sư, Tiến...