Nam sinh 16 tuổi sở hữu loạt giải thưởng nghiên cứu khoa học ấn tượng
Tự tin, hoạt bát và đam mê nghiên cứu, Hà Hải Dương (sinh năm 2003, học sinh trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên – Hà Nội) không ngừng đặt ra câu hỏi để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống qua các đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Em đã giành nhiều huy chương, giải thưởng khoa học ấn tượng.
Hà Hải Dương cho hay, em rất thích môn Hóa học bởi nó chính là những biến đổi hàng ngày chúng ta bắt gặp trong cuộc sống. Không theo đuổi môn Hoá như một người đi sâu về lý thuyết chuyên sâu để thi cử, đam mê của Dương chính là được ứng dụng những gì được học trong sách vở, các trang báo khoa học để từ đó ứng dụng tiến hành các sáng chế trong cuộc sống.
Với Hải Dương, mỗi kỳ thi khoa học là cả một cuộc chiến trí tuệ, các kỹ năng, là cả một cuộc hành trình. Khi mới bắt đầu tham gia kỳ thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) năm lớp 9, tất cả các ý tưởng của Dương còn mang tính “trẻ con” khó có thể thành hiện thực nên em gặp nhiều khó khăn trong việc hiện thực hoá ý tưởng.
Hà Hải Dương và PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Dương – giảng viên hướng dẫn của em trong phòng thí nghiệm.
Ban đầu bố mẹ em rất ngăn cản vì lớp 9 phải tập trung học để thi vào cấp 3. Nhưng vì niềm đam mê mãnh liệt và đã tìm hiểu về cuộc thi được một thời gian nên Dương đã quyết tâm tham gia dù bố mẹ luôn cho rằng, em phải đợi lớn hơn, chững chạc hơn nữa mới có thể làm được. Chuẩn bị hành trang vững chắc để tham gia cuộc thi lần đầu tiên, Hải Dương đã đạt giải Dự án Triển vọng với đề tài “Sản xuất phân bón hữu cơ từ bã cà phê kết hợp với rác thải sinh hoạt hướng đến ứng dụng trong trồng rau sạch tại hộ gia đình”.
Dương chia sẻ: “Đề tài đầu tiên của em là sản xuất một loại phân bón hữu cơ từ bã cà phê và rác thải sinh hoạt. Em mơ đến một loại bã cà phê không có kim loại nặng, chất độc tuy nhiên điều đó cần kiến thức rất cao siêu. Sau đó, nhờ sự giúp đỡ của giáo viên hướng dẫn em đã tìm được hướng đi cho mình”.
Hà Hải Dương chia sẻ về nghiên cứu khoa học ấn tượng nhất.
Qua hàng trăm lần làm thí nghiệm với nhiều chất, Dương đã tìm ra một loại bã cà phê sạch, nhiều dinh dưỡng. Đó là cả quá trình dài và khó. Sau này khi phát triển đề tài này lên, Hải Dương đã xuất sắc giành Huy chương Đồng cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật mở rộng Elementz Science Project Competition and Exhibition tại Singapore.
Trước đó, nam sinh Hà Nội từng đạt huy chương Đồng trong phần thi “Kỹ năng phòng thí nghiệm” tại ASEAN 3 Junior Science Oddysey. Em được chọn tham gia vào hội thảo Khoa học Workshop on Future Creators in Science tổ chức bởi trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học Kyushu (Nhật Bản).
Nghiên cứu hiện tượng “nhờn” thuốc kháng sinh của mẹ
Ý tưởng nghiên cứu khoa học của chàng trai 10X bắt đầu từ những vấn đề nổi cộm của cuộc sống, em chú ý đặt ra câu hỏi cho mình sau đó tìm ra mục tiêu cho đề tài. Dương kể, có những hôm đi ở ngoài đường em vẫn nghĩ về điều gây tranh cãi và đặt câu hỏi liệu mình có thể giải quyết nó…
Cậu học trò đam mê nghiên cứu khoa học để giải quyết các bài toán gần gũi trong cuộc sống.
Trong các dự án của mình, Hải dương tâm đắc nhất với đề tài “Nghiên cứu xác định đồng thời hai kháng sinh Imipenem và Meropenem bằng phương pháp điện di mao quản sử dụng detector độ dẫn không tiếp xúc (CE-C4D). Bởi lẽ, đề tài này xuất phát từ tình yêu thương người mẹ của em.
“Em sinh thiếu tháng và mẹ em rất ốm yếu, suốt những năm em sống trên đời mẹ em chưa bao giờ khoẻ cả. Mẹ bị nhiều bệnh và bệnh này lại ảnh hưởng đến các bệnh khác nên mẹ em luôn mang bệnh trong người. Trong đó, mẹ bị hiện tượng nhờn thuốc kháng sinh nên gặp nhiều khó khăn cho các bác sĩ trong quá trình điều trị”.
Hải Dương dần hình thành trong đầu ý nghĩ trẻ con rằng, làm sao chữa được bệnh này cho mẹ? Sau khi tìm hiểu, Dương nhận được câu trả lời rằng bệnh kháng thuốc và nhờn thuốc không thể chữa được. Không từ bỏ, Dương tiếp tục suy nghĩ, liệu có cách nào làm giảm hiện tượng kháng thuốc, nhờn thuốc hay không? Qua một số bài báo khoa học, em hiểu rằng có phương pháp giám sát chất lượng, hiệu quả điều trị của bệnh nhân. Dương tổng quan một số tài liệu và nhờ sự hướng dẫn của một giảng viên trường ĐH Khoa học Tự nhiên mà em đã viết nên những đề hướng tiếp theo cho câu hỏi của mình. Sau một năm, em đã cho ra đời ý tưởng trọn vẹn sau đó bắt đầu vào nghiên cứu và nhận giải Nhì cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp quốc gia ViSEF. Cũng với đề tài ý nghĩa này, Dương đoạt Huy chương Bạc cuộc thi ASEAN 3 Junior Science Oddysey tổ chức bởi ASEAN và ASEAN 3 Center for the Gifted in Science.
Rất muốn phát triển đề tài này thêm nhưng Dương cho hay bản thân em chưa đủ kiến thức, em sẽ thực hiện ước mơ khi trở thành một sinh viên đại học hoặc nghiên cứu sinh.
Hà Hải Dương nhận giải thưởng tại cuộc thi APTJSO.
Học, nghiên cứu, hoạt động ngoại khóa như một phần cuộc sống
Ở lớp, cậu học trò thông minh ham học đạt điểm trung bình các môn 9.5. Em luôn đạt top 15 trong các kỳ thi giữa kỳ và học kỳ của trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên.
Ngoài học tập, Dương tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá. Có những hôm em phải thức đến 1h sáng để giải quyết hết công việc nhưng càng ngày em càng quen với công việc của mình bởi vì nó xuất phát từ đam mê. Dương học, nghiên cứu hay tham gia hoạt động ngoại khoá với tâm trạng thoải mái, vì nó là một phần cuộc sống em. Mỗi hoạt động trau dồi cho em một phần nào đó.
“Em không thích cách học 1-2h sáng mà chỉ học những lúc mình thoải mái, hào hứng nhất. Một ngày em dành 1-2 tiếng buổi tối để học. Khi học em tập trung tối đa không dùng điện thoại. Đó cũng là lý do em có thể cân bằng các hoạt động”, Hải Dương tâm sự.
Bộc lộ khả năng lãnh đạo, Hải Dương là Chủ tịch Câu lạc bộ Hoá học trường THPT chuyên Khoa Học Tự nhiên (HSGS Chemistry Organization), Trưởng ban truyền thông dự án du học Vé Thông Hành, thu hút hơn 24.000 người theo dõi fanpage. Em là người sáng lập và Trưởng ban tổ chức dự án môi trường LiberVita 2019, người sáng lập và trưởng ban tổ chức hội chợ Khoa học ChemStorm 2019, thành viên Ban tổ chức English Celebration 2019. Dương cũng từng là trưởng ban nội dung Thời Báo Tổng Hợp – kênh thông tin chính thức của trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, tham gia đóng góp Booth Gali trong ngày hội STEM 2019 tổ chức bởi Bộ Khoa học – Công nghệ.
Ngoài học tập, nghiên cứu, nam sinh Hà thành tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa khác.
Chia sẻ bí quyết gặt hái hàng loạt giải thưởng nghiên cứu khoa học kỹ thuật ở tuổi sinh viên, Hải Dương chia sẻ: “Trước khi bắt tay vào đề tài nghiên cứu em luôn đặt câu hỏi cho riêng mình: tại sao mình phải làm vấn đề đó. Mọi người cứ nghĩ đề tài nghiên cứu khoa học là phải cao siêu, hàn lâm; là của các giáo sư, tiến sĩ… Song thực tế, với một đề tài nghiên cứu khoa học sẽ giải quyết được vấn đề thường ngày; ví dụ tại sao nhà hay bị tắc cống, làm sao giải quyết? Quạt bị hỏng hay không đủ mát thì làm sao?
Phải đặt câu hỏi, khát khao giải được nó, bắt đầu viết nó ra, xác định mục đích, phương pháp, hướng làm là gì? Vấn đề có phù hợp với trình độ của mình không, có cần sự trợ giúp của chuyên gia nào khác không để tìm hướng đi. Khi đó các nghiên cứu, thí nghiệm sẽ bắt đầu”.
Hà Hải Dương cho hay, em dự định cuối năm lớp 11 sẽ nộp hồ sơ du học Mỹ. Hai ngôi trường mơ ước của em là Đại học Harvard và Học viện Công nghệ Massachusetts.
Lệ Thu
Theo Dân trí
Nhóm sinh viên đầu tiên nghiên cứu về người song tính
"Rào cản trong công khai xu hướng tính dục của người song tính" là một trong những đề tài nghiên cứu khoa học đã xuất sắc giành giải Nhất sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2018.
Tác giả của đề tài là một nhóm sinh viên đang theo học ngành Công tác xã hội và ngành Thái Lan học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.
Đại diện nhóm nghiên cứu, Phạm Kim Anh - sinh viên K60 ngành Công tác xã hội, cho biết, LGBT là cộng đồng những người thuộc các thiên hướng tính dục và bản dạng giới thiểu số trong xã hội. LGBTQ là viết tắt của Lesbian - đồng tính luyến ái nữ , Gay - đồng tính luyến ái nam, Bisexual - song tính luyến ái, Transgender - người chuyển giới và Queer - là từ lóng chỉ các thiểu số tính dục khác (hoặc chỉ những hành vi, bản dạng ko theo quy chuẩn xã hội).
Thiên hướng tính dục của con người được chia thành ba loại chủ yếu: dị tính luyến ái, đồng tính luyến ái và song tính luyến ái, còn theo bản dạng giới thì phân thành: người chuyển giới và người không chuyển giới. Người song tính phải chịu nhiều những định kiến hơn không chỉ từ những người dị tính mà còn từ những người trong cộng đồng LGBTQ .
Kim Anh cho biết, sau khi triển khai đề tài, nhóm càng muốn đi sâu vào nghiên cứu về những rào cản trong việc công khai giới tính của người song tính (viết tắt là NST). Những rào cản chính ấy bao gồm: rào cản từ phía gia đình; rào cản từ phía bạn bè; trong các mối quan hệ về tình yêu; môi trường học đường và một số yếu tố khác.
Từ trước đến nay tại Việt Nam, chưa có nghiên cứu chuyên sâu nào về rào cản trong công khai xu hướng tính dục của NST.
Nhóm sinh viên đầu tiên nghiên cứu về người song tính
Nhắc đến tính mới trong quá trình nghiên cứu đó chính là sự riêng biệt và chuyên sâu về NST dựa trên quyền và nhu cầu của họ. Cụ thể trong việc nghiên cứu về những rào cản trong quá trình công khai xu hướng tính dục - đây là vấn đề mà không chỉ NST nói riêng mà cộng đồng LGBTQ nói chung luôn quan tâm và mong muốn nhận được sự thấu hiểu từ xã hội.
Trong bài nghiên cứu, nhóm tác giả đã dựa trên những tài liệu thứ cấp về những tổ chức xã hội nghiên cứu về cộng đồng LGBTQ , kết hợp với những kết quả thu thập được từ phỏng vấn sâu, điều tra bằng bảng hỏi, trưng cầu ý kiến qua mạng Internet, qua đó nhận diện được những rào cản cản trong quá trình công khai xu hướng tính dục của người song tính trên các phương diện: gia đình, bạn bè, mối quan hệ tình yêu, môi trường học đường, tôn giáo, truyền thông, môi trường làm việc.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra các rào cản trong quá trình công khai xu hướng tính dục thì gia đình chính là rào cản lớn nhất mà họ gặp phải. Các rào cản đều có sự tác động qua lại lẫn nhau và đều có mức độ ảnh hưởng nhất định đến bản thân NST. Các yếu tố nêu trên chỉ thực sự trở thành rào cản khi trong nội tại NST coi đó là rào cản, bản thân NST là người quyết định cuối cùng có hay không công khai xu hướng tính dục của mình.
Qua nghiên cứu cho thấy đề tài có giá trị thực tiễn cao trong việc tạo một nguồn thông tin khoa học và đáng tin cậy, làm cơ sở cho việc xây dựng những mô hình trợ giúp NST nói riêng và cộng đồng LGBTQ nói chung. Để đảm bảo quyền cho cộng đồng LGBTQ thì khi xây dựng những mô hình trợ giúp cần chú ý thay đổi môi trường xung quanh thân thiện hơn, đó là thay đổi quan điểm của gia đình, bạn bè, tình yêu,... thay đổi quan niệm của xã hội đối với cộng đồng người NST và cộng đồng LGBTQ .
"Trong quá trình thực hiện đề tài này chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Rất nhiều lần khi mà tưởng chừng như mọi thứ đã dần hoàn thiện, thì một vấn đề mới lại nảy sinh buộc chúng tôi phải xem xét lại toàn bộ. Khó khăn lớn nhất đối với chúng tôi có lẽ là tiếp cận khách thể nghiên cứu và làm thế nào để mọi người có thể mở lòng, chia sẻ câu chuyện của bản thân mình với chúng tôi. Thậm chí có những bạn chúng tôi phải làm quen, dần dần tiếp xúc và mất hàng tháng trời để có thể thu thập được thông tin. Càng đi sâu vào nghiên cứu, những khó khăn lại càng nhiều cùng với những áp lực từ trường lớp bài vở thực sự khiến chúng tôi nhiều lần nản chí nhưng vẫn cố gắng động viên nhau từng chút một để có thể đạt được thành quả như bây giờ" - đại diện nhóm tác giả chia sẻ.
Để bài nghiên cứu này được hoàn thiện và được ghi nhận bởi giải thưởng NCKH của ĐHQGHN, Kim Anh cũng không quên nhắc đến và gửi lời cảm ơn ThS. Bùi Thanh Minh - giáo viên hướng dẫn thực hiện đề tài. Trong quá trình hoàn thiện bài nghiên cứu, cả thầy và trò đã cùng nhau cố gắng, tạo nên sự hoàn thiện trong bài nghiên cứu này.
Hiện nay, các công bố, quyết định khẳng định quyền của cộng đồng LGBTQ đã dần được công nhận. Các tổ chức vận động và ủng hộ quyền của người LGBTQ được thành lập cũng như ngày càng có nhiều hoạt động xã hội nâng cao nhận thức cho nhiều đối tượng cũng thể hiện việc vận động quyền cho người LGBTQ đang được phát triển mạnh mẽ.
3 khó khăn khi hướng dẫn thực hiện đề tài
Trao đổi với ThS. Bùi Thanh Minh - giảng viên hướng dẫn cho nhóm sinh viên thực hiện đề tài cho biết, đề tài này được sinh viên Phạm Kim Anh, lớp K60 CTXH đề xuất từ năm học 2016-2017 nhưng không thể hoàn thành. Nhìn chung, đây là một vấn đề tương đối đa chiều, phức tạp với nhiều góc nhìn và quan điểm khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Nhưng có một sự thật không thể phủ nhận rằng, cộng đồng LGBT là một cộng đồng thiểu số, gặp phải nhiều rào cản xã hội trong việc thực hiện các quyền của mình.
Những rào cản lớn nhất đến từ sự kì thị của gia đình, bạn bè và các hệ thống xung quanh. Đặc biệt, người song tính cũng chịu sự kì thị từ trong chính cộng đồng LGBT, khi được coi là "đua đòi", "không chung thủy"... Do đó, nghiên cứu nhận diện các rào cản của người song tính để từ đó xây dựng các hoạt động hỗ trợ, biện hộ chính sách là một việc làm cần thiết.
Thầy giáo hướng dẫn và nhóm nghiên cứu
- Thưa anh, khó khăn của giảng viên khi hướng dẫn nhóm sinh viên thực hiện đề tài này là gì?
Có rất nhiều khó khăn khi thực hiện đề tài này và đó cũng là lý do mà nghiên cứu này không thể hoàn thành trong năm 2016-2017. Thứ nhất là khó khăn trong việc tiếp cận và thu thập thông tin từ các bạn sinh viên song tính. Có thể nói, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là một môi trường "nhân văn", cởi mở và tôn trọng sự khác biệt nên cũng có nhiều sinh viên thuộc cộng đồng LGBT công khai xu hướng tính dục của mình. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần rất nhỏ. Nhóm sinh viên phải sử dụng nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau dẫn đến khó khăn trong việc giúp các bạn xử lý thông tin, sắp xếp các nội dung theo logic vấn đề...
Khó khăn thứ hai là giúp sinh viên tạo ra sự khách quan trong nghiên cứu. Trong nhóm sinh viên có bạn Tuấn, là một người hoạt động rất tích cực trong phong trào bảo vệ quyền của người song tính nói riêng và cộng đồng LGBT nói chung nên ảnh hưởng đến sự khách quan của nghiên cứu. Trong khi đó, nghiên cứu khoa học là phải dựa trên bằng chứng nên không thể cảm tính.
Khó khăn thứ ba là thuyết phục hội đồng khi có các giảng viên, nhà nghiên cứu ở các lĩnh vực khác nhau như Triết học, Nhân học, Tôn giáo học...trước một vấn đề vẫn còn nhiều tranh cãi như chủ đề nghiên cứu này. Có đôi lúc cả thầy và trò phải đứng ra giải thích về phương pháp, về cách tiếp cận vấn đề để Hội đồng xem xét.
- Anh có nhận xét gì về nhóm sinh viên thực hiện đề tài?
Đây là nhóm sinh viên có sự bổ sung cho nhau rất tốt. Kim Anh là bạn chịu trách nhiệm chính có thành tích học tập và hoạt động rất tốt tại Khoa và trường. Tuấn và Linh là những bạn hoạt động tích cực trong các phong trào bảo vệ quyền của các nhóm thiểu số, trong đó có cộng đồng LGBT, phong trào bình đẳng giới...không chỉ trong phạm vi trường mà cả ngoài xã hội. Tất nhiên, còn có những hạn chế về việc quản lý thời gian, khả năng áp dụng lý thuyết, kỹ năng xử lý thông tin...nhưng với sự cố gắng không ngừng thì các bạn đều có thể có những thành tích tốt hơn trong nghiên cứu và hoạt động xã hội trong tương lai.
- Đôi điều suy nghĩ của Anh về việc hướng dẫn SVNCKH hàng năm?
Ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nói chung và Khoa Xã hội học nói riêng, nghiên cứu khoa học sinh viên luôn được chú trọng. Đây là một hoạt động giúp sinh viên có cơ hội rèn luyện, phát triển kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiên cứu, góp phần đạt được các chuẩn đầu ra, nhất là đối với các ngành khoa học cơ bản tại một trường đại học định hướng nghiên cứu. Do đó, sinh viên khi nghiên cứu khoa học luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các giảng viên, lãnh đạo Khoa cũng như lãnh đạo Nhà trường.
Thêm vào đó, việc hướng dẫn các nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học cũng giúp các giảng viên, nhất là giảng viên trẻ có thêm cơ hội để gần sinh viên, hiểu các khó khăn, rào cản của sinh viên, từ đó điều chỉnh việc giảng dạy, hỗ trợ nghiên cứu cho phù hợp.
Lê Minh Thúy - VNU Media
Theo Dân trí
Điểm sáng trong chương trình phổ thông mới khiến học sinh, phụ huynh hào hứng Dù chưa hình thành cụ thể môn học trong chương trình tổng thể, nhưng giáo dục STEM bắt đầu được định hướng dần trong chương trình phổ thông mới - điều chương trình hiện hành ở các trường công lập chưa thật sự chú trọng. Đây được xem là điểm sáng của chương trình mới đang được nhiều học sinh, phụ huynh đón...