Năm quốc tế Hóa học 2011: Hướng tới hóa học Xanh
Chiều nay 22/7, tại trường Quốc học Huế, Thừa Thiên Huế, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Lễ phát động “Hưởng ứng Năm Quốc tế Hóa học 2011 và hướng tới Olympic Hóa học Quốc tế lần thứ 46 năm 2014 tổ chức tại Việt Nam”. Tổng công ty Truyền thông Đa phương tiện VTC là Đơn vị Bảo trợ Thông tin cho các hoạt động này.
Dự Lễ phát động có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, đại diện tổ chức IUPAC, đại diện VTC – đơn vị Bảo trợ Truyền thông, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, lãnh đạo các Sở GD&ĐT, Hiệu trưởng nhiều trường THPT chuyên trong cả nước.
Tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã nhấn mạnh: “Để thực hiện tâm điểm của Đợt hưởng ứng IYC 2011, đông đảo giáo viên và học sinh hãy quan tâm đến môi trường sống. Cụ thể là:
Thực hành trong đời sống, học tập và nghiên cứu khoa học với ý thức giữ sạch môi trường; Trồng nhiều cây xanh giữ sự trong sạch cho môi trường; Tuyên truyền vận động gia đình và mọi thành viên xã hội thực hiện “hóa học xanh”, nhấn mạnh tầm quan trọng của hóa học trong đời sống thường ngày để mọi người thấy “hóa học xanh” cần thiết cho tương lai của chúng ta; Tiến hành nhiều các nghiên cứu khoa học về “hóa học xanh” nhằm giảm thiểu sự ô nhiễm, tăng cường sức khỏe cộng đồng và góp phần tạo môi trường sinh hoạt, học tập xanh, sạch, đẹp…”
Video đang HOT
IYC 2011 (International Year of Chemistry 2011) là một sáng kiến của IUPAC (Liên hiệp Hóa học Thuần túy và Ứng dụng Quốc tế). Nó liên quan đến cộng đồng hóa học, các học viện, và các tổ chức trên toàn thế giới, và dựa vào các sáng kiến cá nhân để tổ chức các hoạt động ở địa phương và khu vực.
Năm Quốc tế về Hóa học 2011 (IYC 2011) là một lễ kỷ niệm trên toàn thế giới về những thành tựu của hóa học và những đóng góp của Hóa học cho hạnh phúc của nhân loại. Với chủ đề thống nhất “Hóa học cuộc sống của chúng ta, tương lai của chúng ta” IYC 2011 sẽ cung cấp một loạt các hoạt động tương tác, giải trí, và giáo dục cho mọi lứa tuổi.
Những mục tiêu của IYC 2011 là để tăng sự đánh giá cao của cộng đồng hóa học trong việc đáp ứng nhu cầu của thế giới, khuyến khích sự quan tâm đến hóa học trong giới trẻ, và để tạo ra sự sức mạnh cho tương lai sáng tạo của hóa học.
Năm 2011 sẽ trùng với kỷ niệm 100 năm giải Nobel được trao cho bà Marie Curie – một cơ hội để chào mừng sự đóng góp của phụ nữ đối với khoa học. Năm nay cũng sẽ là năm kỷ niệm 100 năm thành lập của Hiệp hội quốc tế về Hóa học, cung cấp một cơ hội để làm nổi bật những lợi ích của sự hợp tác khoa học quốc tế.
IYC 2011 sẽ là sự kiện nhấn mạnh rằng hóa học là một khoa học sáng tạo cần thiết cho sự phát triển bền vững cuộc sống của chúng ta. Các hoạt động, chẳng hạn như giảng dạy, triển lãm, và thực hành thí nghiệm, tìm hiểu về phương pháp nghiên cứu hóa học rất quan trọng để giải quyết những vấn đề bức xúc nhất của chúng ta, vấn đề toàn cầu liên quan đến thực phẩm, nước, y tế, năng lượng, giao thông vận tải, và nhiều hơn nữa.
Ngành GD&ĐT hưởng ứng IYC 2011 thông qua việc giáo dục cho học sinh mối liên quan giữa hóa học với đời sống hàng ngày, với sức khỏe con người, với môi trường sống, môi trường hoạt động thường gọi là Hóa học bền vững (hay còn gọi là Hóa học xanh): một khái niệm chỉ ngành hóa học, sinh hóa học và kỹ thuật khuyến khích việc thiết kế các sản phẩm và quá trình giảm thiểu việc sử dụng và tạo ra các chất độc hại, tìm cách giảm thiểu và ngăn ngừa ô nhiễm tại nguồn của nó.
Như một triết lý hóa học, hóa học xanh áp dụng cho hóa hữu cơ, hóa học vô cơ, hóa sinh, hóa phân tích, và thậm chí hóa học vật lý. Trọng tâm là giảm thiểu các nguy hiểm và tối đa hóa hiệu quả sự lựa chọn bất kỳ hóa chất sử dụng.
Theo VTC
Chỉ có thi mới có học?
Khi được hỏi có bỏ thi tốt nghiệp THPT vào các năm tới hay không, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã nói dứt khoát: "Đổi mới thi còn trong quá trình xem xét đề xuất, nhưng chắc không bỏ thi. Vì thế giới không bỏ thi tốt nghiệp". Thế là đã rõ quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước: Có học, có thi. Càng học càng phải thi. Và chỉ có thi mới... có học. Nhưng lẽ nào triết lý giáo dục chỉ gói gọn trong nghĩa thi cử?
Cũng về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, tuy đến ngày mai (18-6) mới có kết quả chính thức, song bức tranh sơ bộ cho thấy một màu hồng tuyệt đối của niềm vui và hạnh phúc khi ngót nghét... 100% số học sinh cầm trên tay mảnh bằng tú tài! Và như vậy, người ta càng thấy ngẩn ngơ tự vấn đã học giỏi vậy rồi cần gì thi cho tốn công, tốn của, tốn sức của toàn xã hội?
Thật sự mà nói, Bộ GD-ĐT cũng trăn trở tìm kiếm một giải pháp tuyển sinh tối ưu "2 trong 1" hoặc bỏ thi tốt nghiệp THPT hoặc bỏ thi đại học. Song càng nghĩ càng thấy ách tắc khi cả núi vấn đề chắn ngang đường: Phải tổ chức thi ra sao để phân luồng cả triệu thí sinh tham gia và công tác ra đề thế nào mới đảm bảo đánh giá chính xác lực học của từng đối tượng học sinh?...
Rốt cục, nghĩ mãi mới thấy tốt nhất là khỏi nghĩ cứ tuần tự mà thi, hết tốt nghiệp THPT rồi đến đại học. Để đảm bảo tính trung thực, nghiêm túc của kỳ thi quốc gia, Bộ GD-ĐT đã huy động hết công suất bộ máy cán bộ, CNV, giáo viên cho công tác ra đề, bảo đảm an toàn thi và kể cả chấm chéo giữa các tỉnh. Song thi thì cũng phải cho ra thi, phải có kết quả hoành tráng, có kết thúc "đẹp" và từ đó mới có chuyện ra đề cho nó "vừa phải" để học sinh trung bình cũng cán được mức 5, 6, 7 điểm.
Điều này cho thấy, Bộ GD-ĐT dường như còn "lăn tăn" với chính sản phẩm do mình nhào nặn: Liệu học sinh có ngồi "nhầm" lớp không? Thực tế cho thấy đã học đến lớp 12 rồi thì chắc chắn là kiến thức, năng lực cũng phải tương đương lớp 12. Và lẽ nào 12 năm đèn sách rồi lại chỉ phụ thuộc vào mỗi kỳ thi với 6 môn thi diễn ra trong 3 ngày?
Khi mà triết lý giáo dục ở chúng ta còn chưa rõ, vẫn ở mức "thuộc lòng", "từ chương, trích cú", còn nặng về bằng cấp thì tất yếu phải thi những kỳ thi - nói thẳng ra - là vô bổ và hết sức lãng phí. Ở một khía cạnh khác, không thể không nói đến chuyện... dịch vụ phục dịch cho các kỳ thi. Vì có thi nên chương trình học thêm, dạy thêm nở nồi thành cả một thị trường thi quá sức chịu đựng của toàn xã hội, như có những trường ngoài công lập vì "màu cờ, sắc áo" đã buộc phải nhốt học trò cả tháng trời tại trường để ôn luyện... Khổ đến mức nhiều phụ huynh tơi tả vì con thi đã quyết bằng mọi giá vay mượn cho con đi du học nước ngoài từ lớp 11... để tránh thi!
Mà đâu chỉ có đến lớp 12 mới thi. Ngay từ mẫu giáo, người ta đã tổ chức... luyện thi cho trẻ vào lớp 1. Ở các lớp "đại học chữ to" này, trẻ cũng phải quay quắt với đủ loại "trắc nghiệm" trí thông minh, phải làm quen với... "tỷ lệ chọi" và năng lực thích nghi với môi trường thi. Tiếp đến lại một cuộc rượt đuổi thi vào lớp 6 ở các lớp tăng cường tiếng Anh và lớp "chất lượng cao" với sĩ số hạn chế. Chưa hết, lên lớp 10 là thi... ra thi với đủ cả 3 nguyện vọng và tỷ lệ chọi còn ngất ngưởng hơn trường "top" của khối đại học (đơn cử như Trường Trần Đại Nghĩa ở TPHCM có sự "chọi" ở mức 1:10,3). Nhưng rốt cuộc thi nhiều vậy mà nguồn nhân lực vẫn ở mức "không đáp ứng nhu cầu xã hội", "thiếu và yếu".
Trước mắt lại còn kỳ thi cuối cùng của đời học trò là thi đại học - cao đẳng với chỉ có khoảng 30% số thí sinh đoạt "vé" vào thiên đường tri thức. Và câu hỏi đặt ra là số 70% "kém may" trong thi cử sẽ làm gì? Đó chính là sự lãng phí tiền của và nhất là lãng phí tiềm năng con người.
Thiết nghĩ, Bộ GD-ĐT cần suy nghĩ thấu đáo vấn đề tuyển sinh sao cho thực tế, đáp ứng được đòi hỏi về nguồn nhân lực có khả năng tư duy độc lập, sáng tạo... Và có nhất thiết cái gì cũng phải thi?
Theo SGGP
Thứ trưởng Bộ GD cảm ơn báo chí về dự thảo đề án 70.000 tỉ đồng Ngày 12/6, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã có công văn gửi các cơ quan thông tấn các tổ chức và cá nhân đã có ý kiến đóng góp cho bản dự thảo Đề án "Đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015". Theo đó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết,...