Năm nay trường chọn sách này, sang năm tỉnh chọn sách khác?
Việc nhà trường được chọn sách giáo khoa để sử dụng cho năm đầu tiên ‘thay sách’ lớp 1, sang năm trách nhiệm này là của UBND cấp tỉnh đặt ra câu hỏi: Nếu 2 cách lựa chọn này ‘vênh’ nhau thì học sinh và giáo viên xoay xở như thế nào?
Nhà trường và giáo viên sẽ là người lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 mới trong năm đầu tiên “thay sách” – NGỌC DƯƠNG
“Cấp nào chọn cũng xin đừng gây sốc”
Có con năm tới vào lớp 1, chị Bùi Thị Phượng ở Hà Nội chia sẻ: “Ngành giáo dục có những thông tin khiến phụ huynh hoang mang. Đó là việc Bộ GD-ĐT vừa nói UBND tỉnh sẽ là đầu mối chọn sách giáo khoa (SGK), thì nay lại giao việc này cho các nhà trường”.
Tuy nhiên, theo chị Phượng, việc cho nhà trường chọn SGK, trong đó chủ yếu là giáo viên (GV) và có thêm thành phần cả đại diện cha mẹ học sinh (HS) là rất cần thiết. Đây là điều lý tưởng nhất vì GV chính là người hiểu HS của mình phù hợp với SGK nào hơn cả. Vấn đề đặt ra là năm sau, SGK lại do UBND chọn thì có thay đổi gì không hay con lớp 1 học sách này, lớp 2 lại học sách khác…
Một hiệu trưởng trường tiểu học ở Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho hay, việc giao cho nhà trường, trong đó có GV chọn sách là mong muốn của hầu hết GV nhưng vì trọng trách nên cũng sẽ nhiều áp lực. Điều mà nhà trường và GV cần là sớm được tiếp cận với văn bản quy định, hướng dẫn chọn SGK của Bộ để biết việc chọn sẽ được tiến hành ra sao. Văn bản hướng dẫn đó sẽ là cách tập huấn chọn SGK tốt nhất.
Một GV Trường tiểu học Quang Trung (Q.Đống Đa, Hà Nội) cho hay bà đã tiếp cận với một số SGK lớp 1 mới của các môn học như toán, tiếng Việt, đạo đức, tự nhiên và xã hội… thì thấy SGK xây dựng các tuyến nhân vật xuyên suốt từ lớp 1 và lên các lớp trên để tạo sự hứng thú cho HS. Thế nhưng, nếu sang năm cấp tỉnh lại chọn cho trường SGK lớp 2 khác thì HS và GV có thể hụt hẫng. “Điều chúng tôi mong là cấp nào chọn thì cũng không có những thay đổi gây sốc”, GV này nói.
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho rằng Bộ đã có quy định cấu trúc bài học trong SGK mới, bao gồm 4 thành phần cơ bản: mở đầu, kiến thức mới, luyện tập, vận dụng. Các SGK đều phải đảm bảo yêu cầu này. Bởi vậy, HS khi học sách này, sau đó có chuyển sang học sách khác cũng không gặp phải khó khăn. Tuy nhiên, ông Thành cho biết, trong thông tư hướng dẫn của Bộ sẽ có những quy định mang tính chuyển tiếp và kế thừa để việc chọn SGK dù của UBND cấp tỉnh cũng sẽ không phủ nhận việc chọn sách của cấp trường trước đó, chứ không có thay đổi đột ngột, trừ khi chính trường đó muốn thay đổi.
Luật có hiệu lực thì trường vẫn có thể chọn SGK ?
Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Đại học Potsdam ( nước Đức), cho rằng lo ngại lựa chọn SGK sẽ tiềm ẩn những nguy cơ tiêu cực thì ở cấp tỉnh hay cấp trường đều có thể xảy ra, điều quan trọng là phải có quy chế với các tiêu chí cụ thể và quản lý giám sát một cách minh bạch thì có thể tránh được những vấn đề này. Hai quy trình lựa chọn sách đều có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau. Tuy nhiên, dù tỉnh chọn thì GV (đại diện của nhiều trường) cũng cần có tiếng nói quan trọng trong hội đồng này. “Mong muốn không chỉ của nhà trường mà của cả xã hội là việc lựa chọn ngay từ đầu đã được tiến hành bài bản, cẩn trọng và SGK ấy được sử dụng ổn định, lâu dài”, ông Cường nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên sau khi thông tin cấp trường “tạm thời” vẫn được quyền lựa chọn SGK lớp 1 để sử dụng cho trường mình, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới, khẳng định: “Việc giao cho cơ sở giáo dục, trong đó có thành phần là cha mẹ HS, tham gia chọn là cách làm đảm bảo dân chủ nhất, bởi chính người dân mới là người bỏ tiền ra để mua sách cho con, các trường mới là nơi thực hiện các cuốn sách ấy”.
GS Thuyết chia sẻ: “Việc luật Giáo dục thông qua quy định chọn sách theo hướng khác với Nghị quyết 88, theo tôi là điều đáng tiếc. Tuy nhiên, tôi cho rằng năm tới khi việc chọn SGK giao cho các trường thì năm sau cũng không nên thay đổi nữa”. Theo ông Thuyết, điều này hoàn toàn thực hiện được vì luật Giáo dục chỉ giao UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK chứ luật không yêu cầu UBND tỉnh phải trực tiếp lựa chọn SGK. Do vậy, UBND các tỉnh có thể quyết định việc lựa chọn SGK theo hướng để cơ sở giáo dục lựa chọn thay vì trực tiếp lựa chọn SGK cho cơ sở thì cũng hoàn toàn không trái luật.
Cũng theo ông Thuyết, các tỉnh lo nhiều trường chọn nhiều sách khác nhau thì quản lý thế nào, nhưng thực ra với quy định một chương trình, nhiều SGK thì chương trình mới là quy định cứng, còn SGK chỉ là tài liệu, phương tiện dạy học. Về nguyên tắc, tất cả SGK đều đã được hội đồng thẩm định thông qua, tức là đều đã phù hợp với chương trình.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Xuân Thành khẳng định, dù thế nào Bộ vẫn có trách nhiệm xây dựng và ban hành 2 thông tư hướng dẫn chọn SGK, một là theo Nghị quyết 88 của Quốc hội (áp dụng đến hết tháng 6.2020) và hai là theo luật Giáo dục (có hiệu lực từ ngày 1.7.2020). Trong tháng 12 tới, Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thiện sớm thông tư lựa chọn sách theo Nghị quyết 88. Về kiểm tra, đánh giá, Bộ cũng sẽ sửa quy chế đánh giá HS để GV và các nhà trường phải thoát ly được ngữ liệu trong cuốn SGK cụ thể nào đó khi ra đề kiểm tra, đánh giá.
Từ tháng 5.2020, SGK lớp 1 mới sẽ đến tay học sinh
Sau khi Thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK được ban hành, nếu không có gì thay đổi thì chậm nhất là trước tháng 3.2020, các địa phương sẽ chọn và công bố SGK nào sẽ được sử dụng trong các trường học ở địa phương mình. Lúc đó, các nhà xuất bản sẽ tổng hợp số lượng sách theo đăng ký của địa phương và có kế hoạch tổ chức in ấn, xuất bản, phát hành. Dự kiến, trong tháng 5, 6, 7.2020, SGK lớp 1 sẽ về đến tay phụ huynh HS và nhà trường.
Ý kiến
Muốn sớm tiếp cận các bộ SGK
Để đưa ra lựa chọn phù hợp thì các trường cần được tiếp cận sớm với các bộ SGK và chỉ đạo chuyên môn thống nhất cho các bộ sách trong trường hợp mỗi trường đưa ra quyết định riêng của mình.
Khi có những quy định hướng dẫn về thành phần tham gia hội đồng tuyển chọn cấp trường thì mỗi trường sẽ đưa ra lựa chọn phù hợp điều kiện thực tế của cơ sở, thể hiện được đặc trưng văn hóa vùng miền và hơn hết là có cách tiếp cận tạo hứng thú học tập đối với HS.
Đinh Hữu Đắc (Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Q.3, TP.HCM)
Tập trung tìm hiểu nội dung chi tiết của chương trình
Việc lựa chọn SGK như Nghị quyết 88 quy định tạo thế chủ động, nâng cao trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, những người đứng đầu nhà trường và chính phụ huynh, HS. Ngay thời điểm này, trường đã chủ động từ bộ phận ban giám hiệu, GV các khối lớp phải tập trung tìm hiểu và nắm chi tiết về nội dung, mục tiêu của chương trình. Để khi được tiếp cận với các bộ sách thì áp ngay những mục tiêu của chương trình mình đã nắm bắt mà đưa ra các đề xuất cụ thể.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Q.1 (TP.HCM)
Mời cả phụ huynh tham gia
Khi có hướng dẫn của các cấp quản lý về cách thức lựa chọn SGK thì nhà trường sẽ tiến hành các công việc theo quy định. Không chỉ GV mà nhà trường sẽ mời phụ huynh có năng lực, trình độ phù hợp để tham khảo và hiểu về nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới. Bên cạnh đó, khi có các bộ SGK lớp 1 trong tay, trường sẽ cho HS lớp 1 của năm học này tham khảo, nắm bắt góc nhìn của các em để có thể thấy mức độ hứng thú với sách như thế nào. Đây là một dữ liệu để tham khảo cho HS lớp 1 năm tới.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM)
B.Thanh (ghi)
Theo Thanh niên
Các trường tự chọn sách giáo khoa có đảm bảo thống nhất về kiến thức, chất lượng học sinh?
Năm học 2020- 2021 tới đây, các trường được tự chọn SGK dạy học nhưng phải đảm bảo tính phù hợp, thống nhất và chất lượng đánh giá học sinh.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa thống nhất thông qua "các cơ sở giáo dục, trực tiếp là hiệu trưởng có thẩm quyền lựa chọn sách giáo khoa (SGK) để sử dụng, dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh". Ngày 22/11 Bộ GD&ĐT từng đưa thông tin trong buổi họp báo công bố SG, theo Luật giáo dục sửa đổi UBND cấp tỉnh được quyền lựa chọn SGK.
Dù ai chọn sách cũng không được xáo trộn chương trình học
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, ngày 26/11 Bộ GD&ĐT trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xin ý kiến đẩy sớm thời gian thực hiện theo Luật giáo dục sửa đổi từ ngày 1/1/2020, nhằm đảm bảo tính thống trong lựa chọn SGK cho chương trình phổ thông mới.
Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cho rằng việc ban hành thông tư theo điểm C khoản 1 Điều 32 (UBND tỉnh có quyền lựa chọn SGK) của Luật sửa đổi chưa phù hợp với hiệu lực thi hành của Luật Giáo dục (sửa đổi) vào thời điểm hiện hành.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT.
Do vậy, việc chọn SGK lớp 1 năm học tới vẫn sẽ thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội. Nhưng Bộ GD&ĐT không bị động vì vẫn đang trong quá trình xây dựng song song cả hai dự thảo, thông tư quy định chọn SGK. Một dự thảo thực hiện theo Nghị quyết 88, một dự thảo thực hiện theo Luật giáo dục (sửa đổi).
Ông Thành khẳng định, Bộ GD&ĐT có tính toán đến các phương án dự trù từ trước. Việc công bố dự thảo thông tư quy định chọn SGK lớp 1 (theo Nghị quyết 88) để xin ý kiến góp ý vẫn theo đúng tiến độ đề ra để kịp cho việc chuẩn bị "thay sách" từ năm học 2020 - 2021.
Chỉ có điều, thông tư này khi ban hành sẽ chỉ có hiệu lực từ 1/1/2020 đến hết tháng 30/6/2020. Vì từ 1/7/2020, Luật giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực thi hành thì việc chọn SGK khi ấy sẽ giao cho UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm; Bộ GD&ĐT sẽ ban hành một thông tư mới căn cứ theo quy định này trong Luật sửa đổi.
Cụ thể hơn, ông Thành cho biết, dự kiến trong thông tư hướng dẫn tới đây, Hội đồng chọn SGK cấp cơ sở giáo dục bao gồm: Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu của cơ sở giáo dục, các thành viên còn lại là hiệu phó, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên của các bộ môn...
Khi để các cơ sở giáo dục có quyền chọn SGK lớp 1 thì trong cùng một quận/huyện, mỗi trường tiểu học sẽ có hiện tượng chọn nhiều loại SGK khác nhau để dạy học. Tuy nhiên, theo ông Thành, dù giao cho các nhà trường chọn SGK, nhưng Phòng và Sở GD&ĐT các địa phương vẫn phải có trách nhiệm tiếp nhận báo cáo, tổng hợp số lượng, loại SGK được chọn.
Đặc biệt, trước băn khoăn của dư luận khi cùng trong một huyện/tỉnh lại có nhiều bộ SGK được đưa vào dạy, liệu sẽ có độ chênh lệch về mặt kiến thức giữa học sinh các trường với nhau?
Ông Thành chỉ ra rằng, Bộ GD&ĐT đã tính toán trước các phương án, khi có nhiều SGK thì việc đánh giá thi cử sẽ bám sát theo mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình, chứ không theo bất cứ một SGK nào.
Người học là chính, SGK là phụ
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT tổng thể cho biết, phương án để cơ sở các trường hay UBND tỉnh lựa chọn SGK đều hợp lý, cơ bản nhất là hướng tới đảm bảo đúng tiến độ in ấn, phát hành và bồi dưỡng giáo viên chuẩn bị cho chương trình giảng dạy từ năm học 2020- 2021.
Việc ban hành thông tư theo tinh thần Nghị quyết 88 giao quyền lựa chọn SGK cho các trường có hiệu lực trong 6 tháng đầu năm 2020 và từ năm sau sẽ quay lại đúng lộ trình của Luật Giáo dục sửa đổi. Dù là đơn vị nào được chọn sách trong những năm sau năm học 2020-2021 đều phải tuân thủ nguyên tắc kế thừa và chuyển tiếp, tuyệt đối không được thay đổi đột ngột, ảnh hưởng đến học sinh, trừ khi chính trường đó muốn thay đổi.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT tổng thể.
GS Thuyết nhấn mạnh, trong chương trình mới không tuyệt đối hóa bất kỳ phương pháp nào hay cấm giáo viên không được tham khảo và giảng dạy các phương pháp tiến bộ mới. Hướng tới nhiệm vụ chủ chốt là tổ chức hoạt động cho học sinh, đảm bảo đạt tiêu chí đánh giá sau khi kết thúc mỗi chương trình học. Bên cạnh đó, việc đổi mới phương pháp phải đi kèm với đổi mới kiểm tra, đánh giá.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, việc kiểm tra hiện mới chỉ đòi hỏi kỹ năng giải bài tập, chưa đòi hỏi học sinh phải vận dụng, thực hành kiến thức. Áp lực của thi cử khiến cho các giáo viên dạy học sinh theo hướng áp đặt thiếu sáng tạo.
Cụ thể, các đề bài kiểm tra sẽ không trích dẫn từ SGK, dù bất kỳ cách làm nào, dẫn đến kết quả đúng vẫn sẽ được tính điểm. Đây là tính mở trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhằm đảm bảo nếu học sinh chuyển trường hoặc vì một lý do nào đó không được học liên tục một bộ hoặc một cuốn SGK vẫn không ảnh hưởng đến kết quả học tập của các em.
Đây cũng là điểm mới được điều chỉnh tối ưu trong chương trình phổ thông mới tới đây theo hướng chủ động, sáng tạo, tư duy phản biện, SGK chỉ là phụ đạo cho người học.
Vị GS này cho rằng, dù đổi mới thế nào thì tiêu đánh giá vẫn phải bám sát tinh thần khung chương trình đã ban hành của phổ thông mới. Chúng ta không chỉ phân loại học sinh, mà còn phải xác định mức độ đáp ứng được các yếu tố cần đạt trong chương trình. Từ đó, điều chỉnh cách dạy và chương trình để cho học sinh học tốt hơn. Nói theo toán học thì là xác định tọa độ của học sinh trên sơ đồ phát triển.
Theo VTC
Các trường được chọn SGK lớp 1, giáo viên 'xoay xở' thế nào? Chiều 26/11, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&T), cho biết, trước 1/7/2020, UBND các tỉnh chưa có quyền lựa chọn SGK, thay vào đó cơ sở giáo dục sẽ lựa chọn. Theo quy định, UBND các tỉnh vẫn chưa được chọn SGK cho học sinh. Ảnh: P.V Theo ông Thành, thực hiện Luật Giáo dục...