Năm nào cũng đỗ tốt nghiệp 98-99%: Có nên tiếp tục tổ chức thi?
Theo nhiều chuyên gia, tại Việt Nam, trình độ học sinh ở các vùng miền khác nhau nên phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp để có chuẩn chung của cả nước.
Cứ khi kết thúc mùa thi tốt nghiệp trung học phổ thông là việc có nên tiếp tục kỳ thi này hay không khi 98-99% học sinh đậu tốt nghiệp lại được đưa ra bàn luận.
Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì thi tốt nghiệp với tỷ lệ đỗ cao như vậy thì nên chuyển từ hình thức thi sang hình thức xét tốt nghiệp căn cứ vào kết quả đánh giá quá trình học tập của học sinh. Còn việc thi tuyển đại học nên để các trường tự tổ chức.
Đặc biệt, năm nay, kỳ thi được tổ chức vào thời điểm đặc biệt đó là dịch COVID-19 và kết quả đạt 98,34%, tăng gần 4% so với năm ngoái.
Câu chuyện này tiếp tục được thảo luận khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra nội dung định hướng thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng giai đoạn 2021-2025.
Có nên thi tốt nghiệp trung học phổ thông nữa hay không?
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nhấn mạnh: “Lâu nay văn hóa của ta, đối với học sinh nếu không thi là không học, nếu không thi thì giáo viên dạy không đúng định hướng đổi mới.
Do đó, nếu không tổ chức kỳ thi chúng ta không kiểm soát được việc dạy và học, đặc biệt là những định hướng đổi mới trong giáo dục”.
Đồng tình với quan điểm này, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng: “Không chỉ Việt Nam mà quốc tế họ cũng thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng điều quan trọng là nếu không thi thì học sinh không học, giáo viên không dạy, cần gì dạy chỉ cần phê vào học bạ là xong.
Hơn nữa, tại Việt Nam, trình độ học sinh ở các vùng miền khác nhau nên phải đưa ra kỳ thi này để có chuẩn chung của cả nước.”
ảnh minh họa: Thùy Linh
Còn theo thầy Lâm, thi là kết quả đánh giá quá trình học tập trong khi quá trình học tập nào cũng phải kiểm tra, Luật Giáo dục 2019 đã khẳng định điều đó.
“Chính vì vậy, thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa đúng thực tế, vừa đúng khoa học giáo dục. Không có quá trình học nào mà không kiểm tra đánh giá, nếu không kiểm tra, đánh giá thì coi như không học”, thầy Lâm khẳng định.
Video đang HOT
Lâu nay chúng ta thiên về dạy chữ, nay muốn phát triển tư duy, năng lực học trò thì hình thức thi phải thay đổi. Tuy nhiên, hình thức thi như thế nào thì cần phải nghiên cứu kỹ và đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng lộ trình.
Cả hai vị chuyên gia đều cho rằng, thời điểm hiện tại chưa thể giao cho địa phương xây dựng đề thi, “chỉ khi nào Bộ có lượng đề thi đủ lớn và khả năng tổ chức thi địa phương thật sự tốt thì khi đó phân cấp mạnh hơn nữa”.
Ngoài ra nhìn nhận về việc dù đã cố gắng nhưng điểm thi Ngoại ngữ sau nhiều năm vẫn chưa cải thiện được nhiều, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng:
“Hiện nay, học trò học chỉ để đối phó với hình thức thi trắc nghiệm nên giáo viên dạy “mẹo” trả lời đúng chứ không rèn được kỹ năng do đó học trò không phát huy được thế mạnh của mình.
Muốn nâng cao năng lực ngoại ngữ thì cần phải đặt ra điều kiện, ví như đạt chuẩn IELTS hoặc TOEFL ở một mức nào đó thì được tuyển thẳng vào đại học, đặc biệt cần yêu cầu viên chức từ cấp tỉnh phải thông thạo ngoại ngữ. Chỉ cần như vậy tự khắc học sinh phải chủ động học”.
Nhìn nhận qua 6 năm khi thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thì đổi mới thi, đánh giá, kỳ thi được hoàn thiện theo hướng năm sau tốt hơn năm trước.
Đặc biệt, năm 2020, mặc dù khó khăn do dịch bệnh COVID-19 nhưng tiến trình đổi mới kỳ thi vẫn theo xu hướng tốt, kiên định, kỳ thi đã được tổ chức thành công thì Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng:
“Đến nay số bài thi, môn thi, thời gian thi tương đối ổn định, phương thức thi phân cấp cho địa phương là hoàn toàn đúng đắn do đó năm 2021 đến năm 2025 nên giữ kỳ thi cơ bản giống như năm nay, chỉ cần tăng cường ngân hàng câu hỏi và ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của kỳ thi”.
Qua trao đổi với các chuyên gia cho thấy, cần phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và chúng ta cũng cần giữ ổn định kỳ thi, tránh việc tạo áp lực thay đổi đối với xã hội.
Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trên 90%, các chuyên gia vẫn nhất trí: Phải tiếp tục thi
"Có nhất thiết phải duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT khi mà 98 - 99% là đỗ?", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi.
"Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm nào cũng cao ngất ngưởng, lên đến 90 - 95%. Vậy thì cần gì phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nữa? Nên bỏ kỳ thi và thay vì cấp bằng tốt nghiệp THPT thì cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông". Đó là ý kiến tập trung nhất bày tỏ băn khoăn về kết quả và hiệu quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT trong thời gian qua.
Tuy nhiên, ngoài tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT "lên đến hơn 90%", chưa có nghiên cứu nào thấu đáo cho thấy việc bỏ kỳ thi là cần thiết.
"Tại sao mỗi năm chúng ta phải tiêu tốn rất nhiều tiền cho kỳ thi THPT trong khi biết chắc tỷ lệ đỗ tới hơn 90%, trong khi đó bằng tốt nghiệp THPT hiện nay không còn giá trị lớn, chỉ như một tờ giấy khai sinh của đứa trẻ. Vì thế không nên quá khắt khe về kỳ thi THPT, Giáo sư Phạm Tất Dong nêu vấn đề tại cuộc họp của Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực diễn ra chiều qua.
Theo Giáo sư Phạm Tất Dong, nhiều giáo viên còn ngạc nhiên về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao như hiện nay. "Thậm chí họ nói rằng nếu họ được tự đánh giá thì chỉ đạt 60% nhưng lúc đi thi họ rất mừng vì học sinh của mình đỗ tới 89 - 90%. Tại sao chúng ta cứ phải bỏ tiền ra để biết rằng hơn 90% học sinh thi đỗ?", Giáo sư nói.
Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm nào cũng lên đến 90 - 95%.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sau đó kể câu chuyện ông vừa giải quyết liên quan đến Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD&ĐT.
Khi học hết bậc THCS, học sinh được chuyển sang học nghề. Trong khi học nghề, các em sẽ được học văn hóa, nhưng học văn hóa trong trường nghề thì không được tham gia thi THPT và không có bằng tốt nghiệp THPT. "Sau khi lấy ý kiến của nhân dân và phụ huynh, hầu hết rất bức xúc và đều muốn rằng, các học sinh dù học văn hóa ở trường nghề cũng phải được thi tốt nghiệp THPT và có bằng THPT vì đó là danh dự của con cái họ", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ.
Bỏ thi, học sinh sẽ không chịu học nữa
Với vai trò là giáo viên giảng dạy, cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hoà (Hà Nội), thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban Quốc gia đổi mới Giáo dục và Đào tạo, nêu quan điểm việc bỏ thi tốt nghiệp THPT sẽ khiến học sinh lười học, từ đó gặp khó khăn khi xét tuyển đại học, cao đẳng.
"Thi tốt nghiệp THPT không đơn thuần là con số như dư luận hay phụ huynh thường có ý kiến. Nếu không thi thì học sinh sẽ không học. Học sinh không học thì thầy cô cũng không nỗ lực dạy, đổi mới. Hệ lụy này không chỉ đơn thuần dừng lại ở cấp THPT mà nó sẽ đổ xuống cấp THCS, rồi tiểu học nữa", cô giáo Nhiếp nói.
Theo PGS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, trong giai đoạn 2021-2025 nên giữ ổn định kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng.
"Dù có tới 80- 90% thí sinh đỗ tốt nghiệp thì vẫn phải thi, nếu không thi thì học sinh không học. Ngoài ra, không thi thì chỉ còn cách xét học bạ, mà xét học bạ trong tình hình hiện nay trình độ từng vùng khác nhau, trình độ giáo viên khác nhau, thậm chí theo hình thức này dễ có tiêu cực xảy ra", PGS Trần Xuân Nhĩ nói.
Đại diện các trường đại học cũng cho rằng, từ khi tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và năm 2020 là thi tốt nghiệp THPT thì các trường đều tuyển sinh thuận lợi, đáp ứng 80% yêu cầu. Chương trình phổ thông trung học hiện nay vẫn là chương trình cũ nên không thể bỏ kỳ thi này.
Tuy nhiên, vấn đề cần bàn hiện nay đó là phương án tổ chức kỳ thi này như thế nào để vừa giữ được sự ổn định với thí sinh nhưng vẫn đảm bảo công bằng, đánh giá đúng năng lực học sinh, không gây áp lực, không gây tốn kém cho gia đình học sinh và xã hội.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, nếu chỉ nhìn vấn đề từ góc độ các thành phố lớn, vấn để sẽ trở nên phiến diện. Phải đánh giá cả ở những vùng nông thôn, đặc biệt là miền núi, vùng sâu vùng xa. "Nếu ra đề khó quá, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ giảm xuống. Tuy nhiên, ở miền núi, vùng sâu vùng xa, vận động được các em đến trường đã hết sức khó khăn. Phải có chính sách cụ thể động viên các em yên tâm học hành." - ông Đam nói.
Trong thời gian trước mắt cần giữ ổn định kỳ thi tốt nghiệp THPT như năm 2020.
Vẫn thi, nhưng sẽ có nhiều đổi mới
Nhiều ý kiến cũng đồng tình với lộ trình mà Bộ GD&ĐT đề xuất đó là trong năm 2021, 2022 tổ chức thi ổn định như năm 2020. Từ năm 2023 chuẩn bị ngân hàng câu hỏi, đề thi phục vụ cho việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm 2025 với các hình thức thi trên máy tính do địa phương chủ trì toàn diện.
" Tôi cho rằng từ năm 2016, đưa các em thi ngay tại điểm thi trường phổ thông là chính sách cực kỳ đúng bởi tạo cho các thí sinh và phụ huynh sự công bằng. Những em nghèo khó ở quê làm sao có tiền đi ra thành phố lớn để thi? Nhiều ý kiến cho rằng đỗ trên 90% không cần tổ chức kỳ thi nhưng không thi không được. Bởi nếu không thi, các em sẽ không học, không chuẩn bị được đầy đủ kiến thức để học ở bậc cao hơn. Tôi rất ủng hộ phương án thi hiện nay và chủ trương dần dần chuyển sang thi trên máy tính" , ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho hay.
GS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục cho biết: "Không có lí do gì để thay đổi kỳ thi. Kỳ thi là đợt tổng rà soát lại toàn bộ chương trình giáo dục nên không thể không thi. Còn trường đại học khi được tự chủ tuyển sinh, có thể dẫn tới trăm hoa đua nở và có thể lại quay về những vấn đề cũ".
GS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cũng nhấn mạnh, nếu không tổ chức kỳ thi, chúng ta không kiểm soát được việc dạy và học, đặc biệt là những định hướng đổi mới trong giáo dục.
Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, kỳ thi THPT đã được quy định trong Luật Giáo dục nhằm đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông trên cả nước, dù tỷ lệ đỗ trên 90% nhưng ở từng môn học cụ thể như Lịch sử hay Tiếng Anh cũng đặt ra những vấn đề cần tiếp tục xử lý.
" Kỳ thi phải đảm bảo chính xác, khách quan, công bằng; không gây áp lực cho thí sinh, tốn kém cho xã hội; đánh giá được chất lượng dạy và học ở các trường phổ thông. Chúng ta cũng cần giữ ổn định kỳ thi, tránh việc tạo áp lực thay đổi đối với xã hội", ông Thắng nói.
Phát biểu tại cuộc họp, GS Nguyễn Lân Dũng khẳng định: " Cần thi và tiếp tục những thành tựu Bộ GD&ĐT đã đạt thời gian qua", GS Nguyễn Lân Dũng lấy ví dụ, nếu hỏi các nước trên thế giới có thi không, "câu trả lời là có". "Việc thi là cần thiết, vì không thi học sinh sẽ không học, thi trên một diện rộng còn để đánh giá được môn nào đang dạy và học tốt, môn nào chưa tốt để rút kinh nghiệm", GS Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh.
PGS Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam lo ngại, nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT mà chỉ xét học bạ thì có thể xảy ra tiêu cực, dẫn đến tình trạng học sinh sẽ không học: "Nếu không thi mà xét học bạ, trong khi điểm học bạ mỗi vùng miền, trường học khác nhau sẽ dẫn tới tiêu cực. Cơ bản kỳ thi như năm vừa rồi, nên ổn định, không nên thay đổi nữa", PGS Trần Xuân Nhĩ phân tích.
Năm 2021 sẽ giữ ổn định như 2020
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, qua 6 năm thực hiện, lộ trình đổi mới kỳ thi THPT quốc gia đến lúc này đã hoàn thành, do đó việc tổ chức kỳ thi sau năm 2020 cơ bản ổn định: "Phương án tổ chức kỳ thi năm 2021 không có gì thay đổi cả về số môn thi, phạm vi kiến thức, cách thức tổ chức... giống như kỳ thi năm 2020, vì vậy, các em học sinh, giáo viên và phụ huynh có thể yên tâm chuẩn bị cho kỳ thi".
Về lộ trình tổ chức và phương án thi trong những năm sắp tới, người đứng đầu Bộ GD&ĐT khẳng định, tinh thần là ổn định, chỉ tập trung nghiên cứu áp dụng công nghệ vào kiểm tra, đánh giá cho phù hợp; thí điểm, tiến tới mở rộng hình thức thi trên máy tính, đồng thời, chú trọng phát triển ngân hàng câu hỏi phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, kỳ thi tốt nghiệp năm 2020 đã đạt được những kết quả tốt đẹp và các trường đại học đang thực hiện xét tuyển theo tiến độ. Đổi mới giáo dục đào tạo nói chung và thi cử nói riêng là một quá trình nên cần có sự ổn định để không gây xáo trộn đối với học sinh. Do đó, trong thời gian trước mắt cần giữ ổn định kỳ thi tốt nghiệp THPT như năm 2020.
"Những kỳ thi sau năm 2020 cơ bản giữ ổn định như hiện nay và chỉ tập trung vào 2 khâu. Khâu thứ nhất, tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác để có ngân hàng đề thi phong phú hơn, để tất cả thí sinh dựa vào đó mà học, ôn luyện. Thứ hai là ứng dụng công nghệ để tiến tới chúng ta có thể thi qua máy càng nhiều càng tốt và thi nhiều đợt một năm thông qua cac trung tâm khảo thí", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Thi tốt nghiệp THPT 2021 thay đổi gì so với năm 2020? Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vẫn giữ ổn định như năm 2020. Tại cuộc họp của Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực chiều 23-9, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 không có gì thay đổi so với năm 2020. Theo đó,...