Năm lớp 1 của con thành ác mộng: Bố mẹ ham thành tích, sao lại trách cô giáo?
Trẻ không được học trước nên khi vào lớp 1 bị cô phàn nàn vì kém bạn bè, nếu bố mẹ không chạy theo thành tích thì đâu đến nỗi năm học đầu tiên của con thành ác mộng.
Tôi có đọc được bài Không học trước, năm lớp 1 của con tôi thành cơn ác mộng trên báo điện tử VTC News. Theo đó, tác giả không cho con học chữ, học toán trước nên khi năm học bắt đầu, cháu luôn bị cô giáo phàn nàn là kém các bạn trong lớp. Tôi rất cảm thông với nỗi lo lắng, sự căng thẳng và nỗ lực của người mẹ trong bài. Tuy nhiên, vì cũng có con đang học lớp 2 trường công nên tôi muốn trao đổi về chuyện này dưới một góc nhìn khác.
Con tôi có xuất phát điểm chậm hơn so với các bạn cùng tuổi. Cháu chậm nói, 2,5 tuổi vẫn chỉ biết nói từ đơn, làm cái gì cũng mau chán, không tập trung. Vợ chồng tôi đưa con đi khám khắp nơi và thở phào nhẹ nhõm khi bác sĩ kết luận là chậm nói tự nhiên, không phải tự kỷ – điều mà rất nhiều phụ huynh lo lắng khi con ở tình trạng tương tự. Kể từ đó, cháu phải học can thiệp để luyện khả năng nói.
Tới khi vào lớp 1, con tôi vẫn nói ngọng, khả năng diễn đạt còn chậm so với các bạn cùng tuổi. Cháu cũng không được học trước nhiều. Hành trang vào lớp 1 của cháu chỉ vỏn vẹn các chữ cái và khả năng tô chữ. Tuy nhiên, năm lớp 1 của con tôi không phải là cơn ác mộng.
Các bé lớp 1 háo hức trong ngày khai giảng. (Ảnh minh họa)
Trước khi con nhập học, chúng tôi có buổi nói chuyện với giáo viên chủ nhiệm, nói rõ con hạn chế ở những điểm nào, điểm mạnh của con là gì và mong cô giúp đỡ. Cô giáo chủ nhiệm rất tâm lý và luôn sẵn sàng hỗ trợ trong khả năng tốt nhất, chẳng hạn như cho con ngồi bàn đâu, liên tục nhắc con tập trung, và kiên nhẫn hơn mỗi khi con không hiểu bài… Tôi cũng tin rằng, các cô giáo khác, dù trường công hay tư, cũng sẽ có cách hành xử như thế, nếu như cô được trao đổi về tình hình của học sinh.
Trong khoảng nửa học kỳ đầu, con tôi rõ ràng chậm hơn so với các bạn cùng lớp, kể cả về khả năng đọc, viết và làm toán. Tuy nhiên, tôi không gây áp lực cho con. Tôi luôn động viên, khuyến khích và khen ngợi con ở những điều nhỏ nhất. Tôi không so sánh con mình với những đứa trẻ khác. Những đứa trẻ khác có thể được 9, 10 điểm; con tôi chỉ cần 6, 7 điểm nhưng có tiến bộ hơn so với hôm trước là tôi đã khen. Tôi khen con dựa trên sự nỗ lực của nó chứ không so thành tích với các bạn khác.
Tôi cũng không bao giờ hỏi con hôm nay ở lớp có những bạn nào được phiếu khen, bạn nào học giỏi. Tôi hạn chế đặt con vào sự so sánh và đặc biệt là tránh tạo cho con cảm giác nó đang đuối hơn các bạn.
Cũng không ít lần con hỏi tôi, tại sao các bạn làm được bài mà con không làm được, tại sao các bạn viết nhanh hơn con, tại sao con không được phiếu khen như các bạn… Những lúc đó, tôi chỉ ôm con vào lòng và bảo, mỗi người có một thế mạnh riêng, các bạn ấy giỏi ở điểm này thì con giỏi ở điểm khác. Ví dụ ở lớp có ai chạy nhanh hơn con không? Có ai đá bóng giỏi như con không?
Tôi luôn tìm những mặt tích cực của con để khen. Dần dần, con tôi không còn so sánh mình với các bạn nữa mà chỉ cố gắng để học tập có kết quả tốt hơn chính nó ngày hôm qua. Con tôi có thể chưa học giỏi bằng các bạn nhưng rất tự tin và hào hứng mỗi lần đến lớp.
Có những hôm cô giao nhiều bài tập quá. Với khả năng của con, nếu làm hết sẽ mất rất nhiều thời gian, phải thức khuya, không được ngủ đủ giấc và hôm sau tới trường sẽ rất mệt, ảnh hưởng tới việc tiếp thu bài. Trong trường hợp đó, tôi thường vẫn cho con đi ngủ đúng giờ, buổi sáng gọi con dậy sớm hơn khoảng 30 phút để học. Nếu con đã cố gắng mà vẫn không làm xong, tôi sẽ trao đổi trực tiếp với cô giáo để buổi tối hôm sau con làm bù. Tôi không cố nhồi nhét kiến thức cho con bằng mọi cách. Quan trọng là hết năm học, con có thể nắm được các kiến thức cơ bản.
Khi con bị cô giáo nhắc nhở, tôi không vội quát mắng ngay mà chọn cách nói chuyện với con. Tôi nhớ có lần con vui chơi với bạn và khiến bạn bị ra máu mũi. Khi cô giáo nhắn tin, đề nghị gọi điện xin lỗi phụ huynh của bạn, tôi giận sôi người. Hôm đó, tôi không đi đón con mà phải nhờ người khác đi thay. Tôi sợ nếu tôi gặp con lúc đó, tôi không kiềm chế được cơn giận của mình. Tôi luôn dạy con nguyên tắc không được đánh bạn và từ trước tới giờ, bé tuân thủ rất tốt.
Tối hôm đó, tôi gọi con lại nói chuyện; khi đã biết rõ mọi việc mới gọi điện cho vị phụ huynh kia. Hóa ra, hai bạn chỉ nô đùa với nhau nhưng bạn của con tôi hay bị ra máu cam, nhất là khi bé chơi ngoài trời nắng lâu. Khi biết rõ sự việc, tôi nói với giáo viên chủ nhiệm và đề nghị con những lần sau phải chú ý hơn khi chơi với bạn.
Video đang HOT
Tôi nghĩ các bậc phụ huynh stress thường do không tin tưởng con mình. Chỉ cần người khác nói điều gì đó không hay về con, họ sẽ lo âu, bực tức và trút giận lên con, không cho trẻ cơ hội giải thích.
Cha mẹ đặt quá nhiều áp lực lên con rồi lại than gặp phải ác mộng khi con vào lớp 1.
Một điều nữa là nhiều người sợ con mình đuối hơn các bạn nên tìm cách dạy con trước, cho con làm bài trong sách bài tập trước, để con đạt điểm cao trên lớp. Cách này vô tình đã làm hại đứa trẻ. Đó là chưa kể các phụ huynh thường không có kỹ năng sư phạm, không biết cách truyền đạt kiến thức cho con, thậm chí dạy sai phương pháp, khiến cho đứa trẻ bị rối và càng khó khăn hơn trong việc tiếp thu kiến thức từ cô giáo.
Với vị phụ huynh trong bài viết kể trên, tôi nghĩ nếu bản thân chị không có tính hơn thua, không quá quan tâm đến thành tích của con thì sẽ không căng thẳng đến mức trút giận lên đứa trẻ như vậy. Năm học đầu tiên của bé lẽ ra đã không là cơn ác mộng với cả hai mẹ con nếu chị chấp nhận kết quả của con mình, đồng nghĩa với việc vui vẻ chấp nhận cả lời phê bình, đánh giá của cô giáo. Tôi cũng nghĩ cô giáo không đúng khi mới vào năm học đã đòi hỏi trẻ phải biết đọc, nhưng tình trạng stress, co rúm người sợ hãi của đứa trẻ một phần cũng do mẹ gây nên.
Mỗi đứa trẻ đều có tính cách riêng, điểm mạnh – yếu riêng và cha mẹ phải lựa cách để dạy dỗ chúng. Tôi không đưa lời khuyên nhưng tôi mong các bậc phụ huynh nên tôn trọng khả năng của con, đừng đặt lên con quá nhiều áp lực. Như vậy, mỗi ngày con đến trường là một ngày vui; mỗi năm học của con trôi qua đều không phải là cơn ác mộng đối với bất cứ gia đình nào.
Mẹ Xu Sim: Không phải học chữ hay biết làm toán, đây mới là 7 việc quan trọng cha mẹ phải chuẩn bị cho con vào lớp 1
Con vào lớp 1 là bước ngoặt vô cùng quan trọng, vì vậy mà trong giai đoạn này phụ huynh cần chuẩn bị hành trang cho con thật chu đáo để khi vào học trẻ sẽ không rơi vào tình trạng khủng hoảng hoặc không kết nối được với bạn bè.
Nhà báo Thu Hà từng là giáo viên tiểu học và là mẹ của 2 bé gái đáng yêu Xu và Sim. Với kinh nghiệm làm mẹ và từng là giáo viên, mẹ Xu Sim mách các phụ huynh 7 việc cần thiết và quan trọng cha mẹ cần chuẩn bị khi con vào lớp 1.
1. Dạy cho con kỹ năng giao tiếp
Giao tiếp với thầy cô giáo: Tập cho con quan sát và tập thưa gửi. Không thưa cô vào những lúc cô bận, hoặc đang có người dự giờ, không mách những chuyện lặt vặt.
Tập cho con cảm ơn, xin lỗi, biết nhận lỗi khi làm bài sai hoặc biết xin thêm thời gian khi làm chậm, biết nêu thắc mắc những phần chưa hiểu... Ở nhà mẹ có thể đóng vai cô giáo để con tập nói trước nhiều lần cho quen.
Giao tiếp với bạn bè: Con biết kết bạn, xin bạn chơi cùng, chia sẻ đồ dùng cho bạn, nhường nhịn bạn, nhờ bạn giúp đỡ, hoặc bênh vực bạn. Tập "cãi nhau" với bạn sao để không đánh nhau và không ai bị tổn thương,...
Luyện cho con vận động tinh và vận động thô để bàn tay quen với việc viết chữ. (Ảnh minh họa)
2. Luyện tập những kỹ năng để học viết chữ
Luyện tay: Luyện cả vận động tinh và vận động thô, cho các ngón tay khéo léo như: Vẽ, tô màu, lắp lego, làm việc nhà, lau bàn ghế, lau nhà, nấu ăn, làm bánh, làm đồ chơi... những việc này vừa vui vừa hấp dẫn, không khiến con bị chán học bài.
Ba mẹ hãy xem phim "Karate kid" sẽ thấy võ sư Han bắt cậu bé lau xe, treo quần áo.., nhưng đó cũng chính là những kỹ năng để giúp bé học võ giỏi.
3. Kỹ năng quan sát, kỹ năng lắng nghe, tính kỷ luật, cẩn thận, kiên trì,...
Các nhà giáo dục ở Canada, Úc, Israel đã có nhiều nghiên cứu cho thấy đức tính kiên trì là đức tính quan trọng nhất để cho một học sinh thành công trong trường và một người lớn thành công ngoài đời.
Kỹ năng quan sát, lắng nghe, tính cẩn thận, kiên trì, kỷ luật,... nên được luyện tập bằng những trò chơi khác; chứ đừng dùng việc luyện viết chữ và bắt ngồi học trên bàn nhiều để rèn tính cách cho ocn. Vì như thế con sẽ rất dễ chán, lâu dần nảy sinh tâm lý sợ học. Chưa kể ngồi lâu bên bàn sẽ hại cột sống và cơ xương của con lắm lắm.
4. Luyện chính tả trước khi con vào lớp 1
Nhiều giáo viên và ba mẹ tưởng rằng cứ viết 1 bài chính tả nhiều lần là sẽ viết đúng chính tả. Không đâu! Con sẽ viết đúng chính tả khi phát âm đúng và đọc sách nhiều. Ví dụ, do cách phát âm nên miền Bắc dễ sai chính tả những phụ âm đầu cong lưỡi, lẫn lộn l-n. Miền Nam dễ sai phụ âm cuối và các thanh hỏi - ngã.
Đọc sách cho con nhiều từ khi mới đẻ, vừa gắn kết mẹ con vừa giúp con yêu việc đọc sách. Khi con đã mê đọc sách thì cực kỳ có lợi về lâu dài. Và dù không phát âm được chuẩn thì khi viết sai là con sẽ thấy lạ mắt ngay.
5. Biến bài học thành trò chơi vì trẻ con học thông qua trò chơi
Ví dụ học ghép vần bằng cách mua bộ chữ cái chơi bán đồ hàng, dán lên đồ vật, ghép lego... Phần lớn những ba mẹ chỉ chăm chăm ép con học chữ là ba mẹ lười. Và hậu quả là con dễ chán học.
Trẻ con rất thích chơi. Ở nhiều nước, kiến thức của trẻ tiểu học đã được biến thành game online cho các con vừa chơi vừa học. Nhà trường mình chưa làm thì cha mẹ phải tự làm thôi chứ sao giờ!
Mọi hoạt động trong cuộc sống như đi chợ, ăn uống, làm việc nhà,... đều có thể lồng các bài toán, bài văn, suy luận nhân quả, tư duy logic cho con, mà không cần phải ngồi quá lâu bên bàn học.
6. Dạy con tự chăm sóc bản thân
Dạy con cách tự đi vệ sinh, tự ăn, tự uống, mặc quần áo, chải đầu tóc trước khi con vào lớp 1... Các bé lớp 1, 2 nếu bị điểm kém thì cũng không bị bạn bè chê cười bằng việc không biết đi vệ sinh đâu.
Biết kỹ năng tự chăm sóc bản thân sẽ làm các con tự tin hơn giữa bạn bè, và không làm phiền thầy cô và bảo mẫu.
Tưởng không liên quan, nhưng những bạn không biết tự chăm sóc bản thân cũng sẽ dễ trở thành nạn nhân bắt nạt. Có những bé học giỏi nhưng hơi vụng về và bị bạn bè bo xì, nói xấu, cô lập, riết rồi cảm thấy đi học không có gì vui, vẫn chán và sợ học.
Không phải biết chữ trước khi vào lớp 1 hay học giỏi toán, ngủ đủ mới là điều quan trọng nhất trong những năm đầu tiểu học. (Ảnh minh họa)
7. Con phải ngủ đủ
Điều này quan trọng nhất của những năm đầu của tiểu học. Bài có thể để dành được nhưng giấc ngủ thì không. Nếu bài chưa xong nhưng tới giờ ngủ thì Xu Sim phải gác lại bài để đi ngủ, vì sức khỏe quan trọng hơn.
Và đó cũng là cách để rèn con phải tập trung học, khẩn trương làm bài, mẹ Hà không chấp nhận việc ngồi bên bàn nhơi nhơi vừa chơi vừa học cả tiếng đồng hồ mới dc 1 bài đâu!
Education - Giáo dục được cho rằng phát triển từ từ gốc latin là Educare, nghĩa là lôi ra, khơi gợi lên. "Giáo dục không phải là đổ vào đầy thùng mà là khơi lên ngọn lửa".
Đừng nhồi nhét con ngay từ điểm xuất phát của hành trình suốt đời nhé cha mẹ. Sức bền và cảm xúc mới là quan trọng nhất!
Vài nét về tác giả:
Chị Thu Hà là một nhà báo hiện đang sống và làm việc ở TP HCM, đồng thời là tác giả cuốn sách: "Con nghĩ đi, mẹ không biết". Chị là mẹ của hai cô con gái vô cùng đáng yêu, cá tính là Xu và Sim. Tự nhận mình là một người mẹ không hoàn hảo và mắc nhiều sai lầm khi nuôi dạy con, nhưng chị coi đó là những bài học lớn của mình để thay đổi và trở thành một người bạn đồng hành thực sự cùng con lớn lên.
Thí sinh thi diễn viên trường Sân Khấu Điện Ảnh đeo khẩu trang vẫn xinh Khác với những kỳ thi tuyển sinh thông thường, các thí sinh thi vào Khoa Diễn viên Kịch - Điện ảnh (ĐH Sân Khấu Điện Ảnh Hà Nội) đều có gu thời trang cá tính, ngoại hình ưa nhìn để đáp ứng yêu cầu của chuyên ngành. Thí sinh thi vào chuyên ngành diễn viên được chọn lọc rất khắt khe, theo đó...