Năm học đi qua, nhiều điều còn “nợ”…
Năm học 2018-2019 đã chính thức khép lại sau những cuộc chia tay đầy xúc động giữa thầy và trò ở các trường khắp trên cả nước. Thế nhưng, nhiều điều còn đọng lại, nhất là những “món nợ” để lại từ những năm học trước, vẫn còn đó như những thách thức cam go.
Ngay từ đầu năm học, Chính phủ đã đặt mục tiêu năm học 2018-2019 tiếp tục là một năm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Năm học 2017-2018, “quả bom” gian lận thi cử đã bùng nổ, buộc vấn đề phải đánh giá lại chất lượng giáo dục của toàn hệ thống phải được xem xét một cách nghiêm túc. Bên cạnh đó, các vấn đề giảm tải cho cả thầy và trò, vấn đề đổi mới phương thức dạy – học để có thể hội nhập với nền giáo dục của khu vực và thế giới, vấn đề bạo lực học đường… cũng đều là những vấn đề “ nóng” cần phải sớm tìm ra giải pháp để giải quyết một cách căn cơ.
Năm học 2018-2019 đã khép lại với những cuộc chia tay đầy xúc động
Nhìn lại năm học vừa qua, không thể phủ nhận những cố gắng, nỗ lực của thầy và trò trong toàn hệ thống giáo dục, nhưng cũng phải thẳng thắn đánh giá rằng, môi trường học đường đã và đang phát sinh thêm không ít vấn nạn mới, trong khi những tồn tại vẫn chưa được khắc phục.
Vấn đề giảm tải chương trình đã được đặt ra từ khá lâu, không ít chuyên gia giáo dục đã nhìn nhận đây là một trong những vấn đề cấp bách cần sớm giải quyết. Thế nhưng thực tế là chương trình học của học sinh vẫn còn rất nặng, thậm chí còn năng hơn trước. Đáng lo ngại là tình trạng nhồi nhét kiến thức vẫn tiếp diễn, trong khi các phương pháp dạy học tiên tiến để phát huy khả năng tự học, tự nghiên cứu của học sinh, cung cấp các kỹ năng cho học sinh vẫn còn khá nghèo nàn và thô sơ. Rất nhiều trường phải huy động giáo viên “chạy marathon” để dạy cho hết chương trình, còn học sinh có tiếp thu được hay không, tiếp thu được đến đâu, không được coi trọng.
Chương trình quá nặng không chỉ khiến học sinh mệt mỏi, mà còn ảnh hưởng tới cả khả năng tư duy, sáng tạo
Trong khi căn bệnh thành tích trong giáo dục vẫn chưa có “thuốc”, scandal gian lận thi cử vẫn đang được tiếp tục xử lý bởi các cơ quan chức năng, “cơn sốt” bạo lực học đường chưa “hạ nhiệt”, thì trong năm học qua, tình trạng học sinh bị xâm hại ngay trong môi trường học đường tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động. Hàng loạt các vụ giáo viên quan hệ bất chính hoặc xâm hại tình dục học sinh – kể cả học sinh bậc tiểu học, đã xảy ra ở nhiều nơi, phần nào cho thấy chất lượng đạo đức của một bộ phận giáo viên đang “có vấn đề”. Với nhiều phụ huynh, môi trường học đường đã không còn thật sự an toàn đối với con em của họ!
Video đang HOT
Nhiều vụ xâm hại tình dục xảy ra trong môi trường học đường là điều vô cùng đáng quan ngại
Đó chính là những lý do khiến cho hiện tượng “ tị nạn giáo dục” – những gia đình có điều kiện tìm cách cho con đi du học nước ngoài từ lứa tuổi phổ thông, vẫn diễn ra với mức độ ngày càng phổ biến hơn. D(ó cũng chính là một trong những lý do khiến cho mặt bằng chất lượng nguồn nhân lực chậm được cải thiện, tiếp tục tụt hậu so với mặt bằng chung của khu vực và thế giới.
Năm học đã khép lại, nhưng nhiều vấn đề của ngành Giáo dục vẫn chưa được giải quyết. Những “món nợ” lớn vẫn đang tiếp tục đặt ra không ít thách thức cho ngành Giáo dục, đòi hỏi phải gấp rút giải quyết trong thời gian tới, vì tương lai của thế hệ trẻ, của cả đất nước.
NGUYỄN HÙNG
Theo baodansinh
42/43 học sinh giỏi: Đã đến lúc phụ huynh phải biết sợ... thành tích!
Thành tích của các con cuối mỗi năm học là niềm vui, sự tự hào của các bậc phụ huynh. Nhưng, nếu thành tích ấy là thành tích ảo, thì nó xứng đáng là... nỗi lo sợ của cả nhân loại.
Mùa bế giảng, mùa của rất nhiều cung bậc cảm xúc.
Trên mạng xã hội, các phụ huynh tự hào chụp ảnh giấy khen, bằng khen để khoe thành tích của con sau một năm học tập đầy nỗ lực. Niềm vui ấy còn được nhân rộng tới khắp các hang cùng ngõ hẻm, qua nhiều câu chuyện "khoe con, khoe cháu" một cách đầy thỏa mãn của những người làm cha làm mẹ, của ông bà, cô bác nội ngoại...
Ấy vậy mà, hòa trong niềm vui ấy là nỗi buồn, niềm trăn trở của một vị phụ huynh đến từ Bà Rịa - Vũng Tàu.
"Tôi mới đi họp phụ huynh cuối năm cho cháu trai lớp 6. Sĩ số lớp 43, thì 42 bạn đạt loại giỏi, duy nhất một em khá. Không biết nhà trường cho học và thi kiểu gì mà toàn nhân tài".
Các vị phụ huynh khác cũng buồn. Nỗi buồn của họ cũng đa dạng lắm. Nhưng chủ yếu, họ buồn vì con đi học được có 9 điểm, buồn vì con thi học sinh giỏi không có giải. Và đặc biệt, buồn vì cuối năm, con không được giấy khen, không được học sinh giỏi hay học sinh xuất sắc của lớp. Tuyệt nhiên, chưa từng thấy vị nào buồn vì con/cháu lọt vào top học sinh giỏi của lớp như người đàn ông đến từ Vũng Tàu.
Tôi nhớ, ngày xưa, hiếm lắm một lớp mới có đôi ba học sinh giỏi. Thế nhưng kể từ ngày giáo dục đổi mới, "dè dặt" trong đánh giá học sinh vì sợ các em bị tổn thương, thành tích ngành giáo dục cũng được "nâng lên" một "tầm cao mới". Ở nhiều ngôi trường, hiếm lắm mới thấy một vài học sinh khá... còn lại, toàn học sinh giỏi và xuất sắc.
Các con học giỏi, ai là người mừng nhất?
Tất nhiên là thầy cô!
Giáo dục ngoài đua với các ngành khác, còn là cuộc đua nội bộ giữa các tỉnh, địa phương, các trường, các lớp và từng cá nhân. Năm nào lớp thụt lùi là giáo viên chủ nhiệm lo ngay ngáy, đêm ngày "ủ mưu" nâng cao thành tích.
Người mừng tiếp theo, không ai khác là các vị phụ huynh. Dù sao, các phụ huynh luôn mang tâm lý "bằng mọi giá phải đầu tư cho con học". Để làm gì? Để con bằng bạn bằng bè, để con thoát ly sau này đỡ khổ... Và vì thế, chẳng có lý do gì để họ không có quyền được mừng vui, được tự hào khi con cái họ học hành giỏi giang, giấy khen "treo không hết".
Học sinh giỏi, tốt chứ sao không tốt! Chỉ có điều, sự vui mừng này có gì đó... sai sai.
Tôi biết, có rất nhiều giáo viên vui một niềm vui "không trọn vẹn". Bởi nỗi, để có được thành tích tạm gọi là "hài lòng" trong cuộc đua giáo dục tại nơi công tác, họ cũng phải "lách", phải "lắt léo" tìm đường đi cho "trái ngọt" ấy.
Trước đây, học sinh biết mình học kém, không dám thi vào trường này, lớp kia. Giáo viên thấy vậy lo lắng, tìm cách động viên, kèm cặp cho thi bằng được. Bây giờ, thấy học sinh học kém, thầy cô vẫn động viên, nhưng "động viên" không nên thi vào lớp nọ, trường kia kẻo ảnh hưởng thành tích chung của trường.
Không chỉ giáo viên, nhiều vị phụ huynh cũng vui một niềm vui "không trọn vẹn", khi mà, ngoài việc "đồng hành" cùng con trong những buổi học, cha mẹ cũng phải bỏ công bỏ sức, tìm cách móc nối, "cải thiện" điểm các môn học cho con mình để không có được khen thì cũng không... đúp. Đấy! thành tích của các con, đôi khi lại là cuộc "chạy tiếp sức" điểm số giữa phụ huynh và giáo viên.
Nghịch lý là, câu chuyện này, người trong cuộc ai cũng biết, ai cũng hiểu nhưng tất cả vẫn chọn cách... vui cười.
Người vui vì hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục trong năm. Kẻ vui vì "nở mày nở mặt" với làng xóm láng giềng, bà con, đồng nghiệp... Chẳng giáo viên hay phụ huynh nào dám mạnh dạn nói: Học sinh của tôi/con của tôi không xứng với thành tích đó.
Không ít người hẳn vẫn đang băn khoăn trước phản ứng "lạ" của vị phụ huynh ở Vũng Tàu. Riêng cá nhân tôi lại cho rằng, anh xứng đáng là "vị phụ huynh của năm".
Nhiều vị phụ huynh có lẽ chưa bao giờ lo sợ, xã hội này sẽ xuất hiện những thanh niên "ảo tưởng sức mạnh" dưới cái mác "trò giỏi"; xã hội này sẽ tồn tại những con người luôn coi mình là nhất nhưng không biết yêu thương, tôn trọng người khác; xã hội cũng sẽ sinh ra những đứa trẻ không có trách nhiệm với bản thân, cuộc sống... Nhưng vị phụ huynh ấy thì có!
Vậy, thành tích học tập của các con nếu phi thực tế thì có đáng vui?
* Bài viết thể hiện quan điểm của người viết.
Theo Người đưa tin
Bế giảng trường THPT hơn 100 tuổi, lâu đời bậc nhất Việt Nam: Cả một trời trai xinh gái đẹp Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Tp Hồ Chí Minh) đã tổ chức 1 Lễ bế giảng đầy ắp kỷ niệm rực rỡ sắc màu cho các bạn học sinh niên khoá 2016-2019. Được thành lập từ năm 1913, với số tuổi hơn 100 năm, ngôi trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (còn được gọi là trường nữ trung học Gia Long, trường...