Năm học 2018 – 2019, tiếp tục triển khai dạy tiếng Việt – công nghệ giáo dục ở các tỉnh, thành
Ông Nguyễn Đức Hữu – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết, năm học 2018 – 2019, tiếp tục triển khai tài liệu tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục ở những địa phương đang triển khai theo nguyên tắc tự nguyện nhưng không mở rộng để giữ ổn định cho đến khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trao đổi với báo chí về dư luận xã hội đang xôn xao cách dạy tiếng Việt 1- theo tài liệu Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Bộ GD&ĐT cho biết, để tăng cường chất lượng tiếng Việt cho học sinh, nhất là học sinh dân tộc ở các vùng khó khăn, Bộ GD&ĐT đã đồng ý cho thử nghiệm tài liệu tiếng Việt công nghệ giáo dục (gọi là tài liệu tiếng Việt chứ không phải sách giáo khoa)
Tài liệu tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục là thành quả của một tập thể các nhà khoa học, đứng đầu là Giáo sư Hồ Ngọc Đại.
Chương trình được thí điểm từ năm 1978 đến nay. Bộ tài liệu này được áp dụng tại một số địa phương, hiện có 49 tỉnh tham gia, tuy nhiên không phải tỉnh nào cũng tham gia 100%, như tỉnh Quảng Nam, Bình Phước chỉ có 45% trường tiểu học tham gia…
Qua những năm triển khai, chúng tôi khẳng định tiếng Việt – công nghệ giáo dục được các nhà trường, các thầy, cô giáo đón nhận và thực hiện có kết quả nhất định.
Vừa qua dư luận có nhiều ý kiến về cách đánh vần trong tài liệu này, nhưng theo chúng tôi đây là vấn đề hết sức bình thường. Những giải pháp sư phạm mà mỗi một tài liệu, một bộ sách giáo khoa đặt ra cách tiếp cận để cho học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 1 biết đọc, biết viết.
“Thế mạnh của tài liệu tiếng Việt công nghệ này là học sinh đọc thông, viết thạo, nắm chắc được quy tắc chính tả. Do đó, năm học 2018 – 2019, tiếp tục triển khai tài liệu tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục ở những địa phương đang triển khai theo nguyên tắc tự nguyện nhưng không mở rộng để giữ ổn định cho đến khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới” – ông Đức nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đức Hữu – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT
Mục tiêu cuối cùng là “đọc thông viết thạo”
Ông nghĩ như thế nào về những nhận xét tiêu cực của dư luận xã hội nói về tài liệu tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục?
Về những tranh luận trên mạng xã hội vừa qua, quan điểm của Bộ GD&ĐT cho rằng, những cái đổi mới khi vận dụng vào trong quá trình dạy học, nhưng cái nào không theo truyền thống cũ hoặc có tính chất lạ thì ắt sẽ được xã hội quan tâm nhiều.
Mặc dù tài liệu công nghệ giáo dục này đã có từ 40 năm nay, cách tiếp cận và truyền dạy khác nhau nhưng vẫn cùng mục đích đến với bộ sách giáo khoa chính thống lớp 1.
Hiện nay, chúng ta có 1 chương trình, 1 bộ sách giáo khoa. Trong khi, tài liệu tiếng Việt công nghệ giáo dục mới chỉ là thí điểm, nhằm tìm ra một giải pháp, một cách tiếp cận để nâng cao chất lượng giảng dạy đối với học sinh lớp 1.
Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội ban hành, một chương trình nhưng nhiều sách giáo khoa, chúng tôi cho rằng, từ việc triển khai tài liệu tiếng Việt 1 – công nghệ giáo dục nên làm tốt hơn nữa công tác truyền thông, đặc biệt là phụ huynh, học sinh, nhà trường và dư luận xã hội.
Video đang HOT
Dư luận cũng nên hiểu rằng, để đáp ứng được mục tiêu cuối cùng là “đọc thông viết thạo”, có thể đi bằng nhiều hướng, nhiều phương pháp triển khai. Chúng ta chấp nhận nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau, nhiều cách tiếp cận để giáo viên được quyền lựa chọn phù hợp nhất với từng đối tượng học sinh của mình trên từng môn học, từng cấp học.
Vậy đâu là ưu điểm, hạn chế của tài liệu tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục, thưa ông?
Ưu điểm của tài liệu tiếng Việt 1 này là thiên dạy về ngữ âm. Trong quá trình dạy học chú trọng dạy cả chữ và ngữ âm. Nhất là trong việc dạy học sinh đánh vần theo cách học vừa rồi có thể thấy, học sinh nắm rất chắc về ngữ âm và biết cách viết.
Đối học sinh lớp 1, chúng ta cũng đừng quan niệm dạy ngữ âm học là một điều gì đó lớn lao quá và quả thực khi lên đại học, nhiều sinh viên học những môn ngữ âm ấy cũng có thể gặp phải những khó khăn.
Nhưng với những học sinh lớp 1, học theo kiến thức trong bộ tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ là tách âm ra với tiếng và dạy trên phương diện ngữ âm học. Ví dụ trong chuỗi lời nói: “ T háp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”, trong tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ đã tách ra thành tiếng để học sinh nhận diện được trong chuỗi lời nói có bao nhiêu âm tiết, hay nói khác đi là nói có bao nhiêu tiếng.
Trên cơ sở đó, học sinh nắm chắc ngữ pháp và viết không bị sai. Sau giai đoạn đọc vần, học sinh sẽ đọc thành thạo, đáp ứng được yêu cầu mục tiêu chương trình tiếng Việt.
Tôi nghĩ, đây là cách dạy cho học sinh cách nhận diện trực quan nhất, đơn giản nhất chứ không như một số ý kiến nói rằng, nó quá khó cho học sinh, nhất là với học sinh lớp 1. Đây cũng là một trong các ưu điểm của tài liệu tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục.
Còn đối với điểm hạn chế, trước khi thẩm định, trong tài liệu tiếng Việt – công nghệ giáo dục có những từ ngữ khó hiểu cho học sinh hay những bài tập đọc khá dài, Hội đồng thẩm định đã yêu cầu khắc phục. Tôi cũng rất hy vọng, tài liệu này trong năm học 2018 – 2019 đến được với các trường tiểu học hết sức nhẹ nhàng và thoải mái.
Sách CNGD của GS Hồ Ngọc Đại. Ảnh: Đ.T
Tài liệu tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục giúp giáo viên đổi mới phương pháp dạy
Bộ GD&ĐT cùng các cơ quan nghiên cứu đã có những đánh giá thế nào về tính ứng dụng của tài liệu này?
Từ năm 2009, Bộ GD&ĐT đã có công văn hướng dẫn 7 tỉnh thí điểm tài liệu công nghệ giáo dục này. Từ kết quả của các đơn vị, các địa phương đã trao đổi kinh nghiệm, nhân rộng để nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt, nhất là đối với học sinh dân tộc.
Sau mỗi năm học, các Sở Giáo dục báo cáo về Bộ GD&ĐT trên cơ sở thu thập các nhu cầu của địa phương. Dựa vào đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các địa phương cung cấp cho các đơn vị có nhu cầu, đáp ứng và đảm bảo về giáo viên cũng như cơ sở vật chất.
Tính đến năm 2016, tiếp thu ý kiến góp ý của cử tri, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã giao cho Viện nghiên cứu Khoa học Giáo dục thực hiện nghiên cứu, khảo sát và có những đề xuất kiến nghị về việc có triển khai nữa hay không.
Qua khảo sát cho thấy, tài liệu triển khai ở các địa phương diễn ra kết quả khả quan đối với giáo dục học sinh và năng lực chuyên môn giáo viên. Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội đồng thẩm định, đề nghị các tác giả chỉnh sửa để hoàn thành trên bộ sách, đáp ứng đúng nhu cầu các địa phương.
Chúng tôi cho rằng, việc Bộ GD&ĐT giao cho Viện Khoa học Giáo dục đã có kết quả hết sức tốt. Cho đến nay, tôi khẳng định tài liệu tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục đáp ứng được theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định và giúp giáo viên đổi mới phương pháp dạy, học sinh đổi mới cách học tốt hơn.
Với đánh giá tích cực như thế, vậy sắp tới kế hoạch sử dụng tài liệu này sẽ như thế nào, có tiếp tục hay chỉ dừng lại ở mức thí điểm?
Hiện nay chúng ta đang thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông trên Quyết định số 16 ngày 5/5/2006 của Bộ GD&ĐT.
Tới đây, khi Bộ GD&ĐT ban hành chương trình tổng thể và chương trình các môn học, lúc đó Bộ GD&ĐT sẽ thẩm định các loại tài liệu và coi đó với tư cách là sách giáo khoa để áp dụng theo chương trình giáo dục mới. Khi đó tài liệu tiếng Việt 1 công nghệ cũng như các bộ sách giáo khoa khác sẽ bình đẳng như nhau.
Khi thẩm định, nếu đạt được các yêu cầu tiêu chuẩn đã đặt ra và đạt được mục tiêu cầu yêu cầu giáo dục mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ ban hành các danh mục để nhà trường ở các địa phương lựa chọn.
Tôi nghĩ còn vài năm nữa mới thực hiện chương trình sách giáo khoa mới nên chúng tôi muốn giữ ổn định. Bên cạnh đó, vẫn tiếp tục chỉ đạo triển khai tài liệu tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục và không mở rộng vì những lý do ấy.
Không có lợi ích nhóm?
Thưa ông, hiện có nhiều ý kiến dư luận cho rằng việc triển khai tài liệu công nghệ giáo dục này có lợi ích nhóm?
Tôi khẳng định ở đây không có lợi ích nhóm. Tất cả vì lợi ích của học sinh. Nếu chúng ta không đổi mới thì chấp nhận sự phẳng lặng, nhưng khi chúng ta đổi mới thì cũng có những cái gợn lên. Trong quá trình đổi mới tất nhiên sẽ có các ý kiến trái chiều, chúng ta phải chấp nhận dư luận xã hội.
Với góc độ quản lý chỉ đạo chuyên môn, tôi thấy rằng, cần phải thực hiện tốt công tác truyền thông và đặc biệt là với phụ huynh học sinh, các thầy giáo cô giáo, khi nào họ đã sẵn sàng thì đổi mới ấy mới thành công được.
Tài liệu tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục đã triển khai gần 40 năm nay và phải nói rằng có những ưu điểm nhất định mới có thể tồn tại và được giáo viên, học sinh đón nhận như thế.
Tuy nhiên trước thực trạng có dư luận trái chiều, vì có những cái không như truyền thống nên họ thấy lạ, nhưng chúng tôi thấy rằng đây là những bài học để có thể làm tốt công tác truyền thông tới đây, tránh những dư luận như vừa rồi.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Hồng Hạnh – Hà Cường (ghi)
Theo baonghean.vn
Bộ GD-ĐT chính thức lên tiếng về tài liệu tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục
Trước những thông tin trái chiều về tài liệu tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục, hôm nay 8.9, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã chính thức lên tiếng về việc này.
HOÀNG TRUNG
Thực hiện trên tinh thần tự nguyện
TS. Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: Tài liệu tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục (TV1- CNGD) là kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của một số nhà khoa học, đứng đầu là GS.TSKH Hồ Ngọc Đại thông qua các đề tài nghiên cứu và được áp dụng vào dạy học ở Trường Thực nghiệm Giảng Võ, Hà Nội.
Căn cứ kết quả nghiên cứu và áp dụng thí điểm trong dạy học môn tiếng Việt ở lớp 1 tại trường Thực nghiệm và một số cơ sở giáo dục, Bộ GD-ĐT đồng ý cho các địa phương có nhu cầu và đảm bảo các điều kiện được áp dụng vào việc dạy học tiếng Việt lớp 1, nhất là ở những vùng khó khăn từ năm học 2008 - 2009đến năm học 2016 - 2017 trên tinh thần tự nguyện của các địa phương.
Cuối năm 2016, tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội trong Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14, Bộ Trưởng Bộ GD-ĐT đã giao cho Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (KHGD) nghiên cứu, khảo sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả triển khai tài liệu TV1-CNGD và đề xuất các giải pháp chỉ đạo (GS.TS Trần Công Phong - Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam chủ trì).
Căn cứ vào kết quả nghiên cứu, khảo sát, Viện KHGD Việt Nam đã đánh giá việc triển khai tài liệu TV1-CNGD ở các địa phương đạt được hiệu quả khả quan thông qua kết quả giáo dục học sinh, năng lực chuyên môn của giáo viên và đề xuất các giải pháp để tiếp tục sử dụng hiệu quả tài liệu TV1- CNGD. Trong báo cáo, Viện KHGD Việt Nam đề nghị Bộ GD-ĐT tổ chức Hội đồng thẩm định tài liệu TV1-CNGD theo quy định và đề nghị các tác giả tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện tài liệu để đáp ứng nhu cầu của các địa phương.
Trong năm 2017 và 2018, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt lớp 1, cùng với việc rà soát, tinh giảm các nội dung chưa phù hợp với học sinh trong sách giáo khoa hiện hành, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội đồng thẩm định quốc gia tài liệu TV1-CNGD. Sau 2 vòng thẩm định, Hội đồng thẩm định đã đánh giá: Tài liệu TV1- CNGD về cơ bản đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kỹ năng của môn tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học (Theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5 tháng 5 năm 2006 của Bộ GD-ĐT). Tài liệu TV1- CNGD đã được các tác giả chỉnh sửa, hoàn thiện theo kết luận của Hội đồng thẩm định.
Không mở rộng đến khi thực hiện chương trình mới
Căn cứ kết quả khảo sát, đánh giá của Viện KHGD Việt Nam và ý kiến kết luận của Hội đồng thẩm định tài liệu TV1-CNGD, Bộ GD-ĐT hướng dẫn các sở GD-ĐT triển khai tài liệu TV1-CNGD phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương trên nguyên tắc tự nguyện của nhà trường trong năm học 2017 - 2018 và năm học 2018 - 2019 ở những nơi đang triển khai và không mở rộng để giữ ổn định cho đến khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tài liệu TV1-CNGD là một trong những phương án để các địa phương lựa chọn nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Việt lớp 1 trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nhất là với học sinh vùng khó, vùng dân tộc thiểu số.
Khi Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành, với chủ trương "một chương trình nhiều sách giáo khoa", tất cả các tài liệu dạy học được đưa vào nhà trường với tư cách là sách giáo khoa đều phải được Hội đồng quốc gia thẩm định. Căn cứ vào kết luận và đề xuất của Hội đồng thẩm định quốc gia, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ phê duyệt danh mục sách giáo khoa (theo Chương trình giáo dục phổ thông mới) được phép sử dụng trong các cơ sở giáo dục. Trên cơ sở đó, căn cứ vào các quy định, các cơ sở giáo dục được phép lựa chọn sách giáo khoa phù hợp.
Theo thanhnien.vn
Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục: Vì sao 3 chữ c/k/q đều đọc là "cờ"? Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Luỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Giáo dục (CNGD) NXB Giáo dục Việt Nam, đơn vị biên soạn sách Tiếng Việt lớp 1 của giải pháp Công nghệ Giáo dục (CNGD) cho hay, mục tiêu của bộ môn là học sinh phải đọc thông, viết thạo; nắm vững cấu trúc ngữ âm của tiếng, luật...