Năm học 2015-2016 tiếp tục có nhiều đổi mới
Chương trình giáo dục phổ thông sẽ được rà soát theo hướng tinh giản, loại bỏ phần xa rời thực tế; Kỳ thi THPT quốc gia tiếp tục được điều chỉnh…, Thứ trưởng Giáo dục Nguyễn Vinh Hiển cho biết.
- Năm nay cả nước tổ chức khai giảng vào cùng một ngày, quy định này nhận được phản ứng thế nào từ phía các Sở Giáo dục, thưa Thứ trưởng?
- Để đảm bảo tính thống nhất và ngày tựu trường thực sự có ý nghĩa với học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo được sự đồng thuận của các Sở Giáo dục, đã quyết định cả nước khai giảng vào sáng 5/9. Phần lễ – phát biểu chào mừng sẽ được rút gọn để dành thời gian cho phần hội tổ chức đa dạng hoạt động của học sinh.
Quyết định này được đưa ra sau khi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ý kiến cho rằng cần chọn một ngày khai giảng đồng loạt cả nước. Theo đó khai giảng làm đúng nghi lễ chào cờ, cả nước cùng một thời điểm, cùng hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước…
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển. Ảnh: HT
Video đang HOT
- Năm học 2015-2016 có những điểm mới gì?
- Trong năm học mới, toàn ngành giáo dục sẽ tập trung đổi mới quản lý, đổi mới từng phần chương trình giáo dục phổ thông, tiến tới triển khai đại trà từ năm 2018. Việc phân luồng được đẩy mạnh sau THCS, THPT cùng với yêu cầu xây dựng chương trình liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo; tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, trong đó chú trọng điều chỉnh nội dung, đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp giáo dục đạo đức, giáo dục công dân để tránh lý thuyết suông, tạo thuận lợi cho quá trình giáo dục. Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020″ tiếp tục được đẩy mạnh.
Phương pháp dạy học sẽ tiếp tục được đổi mới, đồng bộ với đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá trong quá trình và kết quả học tập, rèn luyện theo hướng phát triển năng lực học sinh. Các trường tiểu học tiếp tục kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu vì sự tiến bộ của từng học sinh, coi trọng việc nhận xét để hướng dẫn học tập, không chấm điểm thường xuyên. Việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia sẽ được rút kinh nghiệm để chuẩn bị tốt cho những năm tiếp theo.
Ngành cũng tập trung, ưu tiên nguồn lực để hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; thực hiện Đề án hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020; củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập THCS.
- Việc giảm tải cho học sinh phổ thông được thực hiện như thế nào trong năm học mới?
- Bộ Giáo dục đã rà soát, điều chỉnh nội dung chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tinh giản, loại bỏ những phần trùng lặp, xa rời thực tế và không phù hợp với trình độ, tâm sinh lý lứa tuổi học sinh.
Bộ cũng đã giao quyền chủ động, hướng dẫn nhà trường, giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học và thực hiện chương trình giáo dục một cách linh hoạt, phù hợp với học sinh, gắn với các di sản văn hóa, lịch sử và thực tiễn địa phương. Đồng thời, hướng dẫn trường chủ động xây dựng các chủ đề tích hợp, liên môn với nội dung kiến thức được đề cập đến ở hai hay nhiều môn học theo hướng: chỉ dạy kiến thức đó trong một môn học và bổ sung kiến thức liên quan đến các môn còn lại hoặc tách kiến thức có liên quan ra khỏi bài học hiện có, xây dựng thành các chủ đề tích hợp để tổ chức dạy học riêng.
Bộ chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ đổi mới phương pháp dạy học, truy cập diễn đàn trực tuyến “Trường học kết nối” để tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn trong nhà trường. Nhà trường áp dụng các hình thức tổ chức và phương pháp dạy học tiên tiến, yêu cầu học sinh vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề của cuộc sống, ví dụ: phương pháp “Bàn tay nặn bột”, mô hình trường học mới Việt nam, phương pháp dạy Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục…
Với các giải pháp này, chương trình giáo dục phổ thông đã được điều chỉnh theo hướng tinh giản, tránh được việc học sinh phải học lại cùng một nội dung kiến thức, gây quá tải.
- Hiện nay học sinh lớp 12 rất lo lắng về kỳ thi THPT quốc gia vì chưa biết sẽ có những thay đổi gì. Bộ nói rằng sẽ có điều chỉnh, vậy sẽ điều chỉnh những điểm nào thưa ông?
- Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sắp tới Bộ Giáo dục sẽ tổ chức rút kinh nghiệm, ghi nhận ưu điểm, hạn chế của kỳ thi THPT quốc gia cũng như xét tuyển đại học, cao đẳng, làm sao cho kỳ thi năm sau tiếp tục giảm bớt khó khăn cho học sinh mà vẫn đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Những hạn chế nảy sinh trong công tác chuẩn bị, tổ chức coi thi, chấm thi, công bố và sử dụng kết quả thi… sẽ được xem xét điều chỉnh để các khâu của quá trình tổ chức thi được hoàn thiện. Thời gian thi cũng sẽ được bàn bạc, lấy ý kiến để điều chỉnh cho phù hợp từ năm 2016 và những năm tiếp theo.
Bộ Giáo dục cũng sẽ tăng cường công tác truyền thông để xã hội hiểu rõ và ủng hộ chủ trương, cách thức tổ chức và hỗ trợ quá trình tổ chức kỳ thi.
Học sinh trong ngày đầu năm học ở Hà Nội. Ảnh: Thùy Nhi.
- Đầu năm học mới các trường sẽ thông báo những khoản thu đầu năm, Bộ có chỉ đạo gì về việc này?
- Khoản thu đầu năm luôn là mối quan tâm của các gia đình sau ngày khai giảng. Để tránh lạm thu, Bộ Giáo dục đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Giáo dục hướng dẫn và giám sát cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện các khoản thu, chi trong trường học đảm bảo đúng quy định hiện hành. Bộ Giáo dục đề nghị các tỉnh cần xử lý nghiêm, kịp thời đối với hiệu trưởng cơ sở để xảy ra tiêu cực trong việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu góp hoặc ép buộc học sinh phải đóng những khoản không bắt buộc.
Ngoài học phí, các trường được phép thu một số khoản như tiền bán trú trong các trường có tổ chức học bán trú gồm tiền ăn, chăm sóc và trang thiết bị phục vụ bán trú; thu, chi viện trợ quà biếu, tặng, cho; thu tiền học thêm trong các trường THCS, THPT; thu chi khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường… Đối với các khoản đóng góp, tài trợ theo hình thức xã hội hóa để góp phần tăng cường cơ sở vật chất, trường lớp, hỗ trợ hoạt động giáo dục phải thực hiện theo quy định. Tất cả khoản thu phải công khai dự toán, đảm bảo sự giám sát thu chi của người đóng góp, công khai quyết toán và chịu trách nhiệm giải trình, chịu sự thanh tra, kiểm tra để đảm bảo chi đúng mục đích và hiệu quả, tránh lãng phí.
Một số nội dung thu có quy định mức trần như: chăm sóc bán trú, trang thiết bị bán trú, học 2 buổi mỗi ngày, học thêm trong nhà trường và phải được thỏa thuận bằng văn bản tới từng cha mẹ học sinh.
Theo VNE