Năm gợi ý để có ngày khai trường đúng nghĩa
Học sinh là những em trong độ tuổi thích bay nhảy, không thích gò bó, các em khó có khả năng tập trung trong thời lượng dài.
Những năm gần đây, ngành giáo dục lấy học sinh làm trung tâm trong buổi lễ khai giảng nhưng không hẳn trường nào cũng làm được điều đó.
Ngày khai giảng sắp đến, các trường hãy mạnh dạn trả lại ngày khai giảng cho học sinh bằng những việc làm thiết thực. Đây là việc làm trong tầm tay của người đứng đầu các trường. Dưới đây là một số gợi ý cho ban giám hiệu các trường để có một ngày khai giảng thiết thực, đúng nghĩa.
Đừng bắt các em tập kịch bản… mướt mồ hôi
Thường thì những trường điểm có đại biểu về dự lễ, nhà trường phải có kịch bản khai giảng. Học sinh phải mướt mồ hôi tập kịch bản trong nhiều ngày. Những tràng vỗ tay… không cảm xúc được duyệt từ kịch bản vô tình dạy cho học sinh giá trị ảo. Trong buổi lễ, nếu đại biểu đến chưa đúng giờ, học sinh phải chờ, vì đại biểu là trung tâm. Tội nhất là những đứa trẻ lớp 1 chân ướt chân ráo bước vào trường đã phải học kịch bản khai giảng.
Tránh bệnh hoành tráng, hình thức
Học sinh là những em trong độ tuổi thích bay nhảy, không thích gò bó, các em khó có khả năng tập trung trong thời lượng dài. Vì thế, buổi lễ nên ngắn gọn, thiết thực, tránh hình thức trong lễ khai giảng. Trường nên tạo phần hội nhiều hơn phần lễ bằng những sân chơi bổ ích, thiết thực và hấp dẫn.
Học sinh tiểu học TP.HCM trong ngày khai giảng. Ảnh: HTD
Phát biểu ngắn gọn
Một số trường có số lượng người phát biểu trong lễ khai giảng khá nhiều khiến cho học sinh cảm thấy nhàm chán… Đôi khi có những lời phát biểu dài lê thê, sáo rỗng, hình thức. Để có một lễ khai giảng vui tươi, các trường hãy mạnh dạn cắt giảm bớt số người phát biểu. Lời nhắn nhủ cần ngắn gọn, thiết thực, ý nghĩa để đi vào lòng người nghe (học sinh), làm hành trang cho năm học mới.
Lấy học sinh làm trung tâm
Video đang HOT
Trong không khí buổi lễ khai giảng, hãy tạo cho các em niềm vui và niềm tin từ ngôi trường mà các em đang tiếp bước bằng một câu chuyện ngắn gọn, ấn tượng của một cá nhân nào đó ở lứa tuổi các em đã làm lay động lòng người. Làm được những điều này là trường đã lấy học sinh làm trung tâm của lễ khai giảng vì học sinh không phải tốn thời gian để tập dượt trước các nghi lễ, không phải ngồi nghe lời phát biểu của nhiều người, những lời phát biểu thiệt dài.
Ngày khai giảng hãy là ngày tựu trường
Những năm học vừa qua, học sinh tựu trường mấy tuần rồi mới khai giảng nên ý nghĩa và cảm xúc của buổi lễ tựu trường đã phai giảm đi rất nhiều. Ngày tựu trường khai giảng không còn là ngày đầu tiên đến trường với nhiều hồi hộp, háo hức mong chờ gặp thầy cô, bạn cũ, bạn mới, trường quét vôi mới… Mong ước trả lại cho học sinh thời nay về ngày khai giảng 5-9 cũng là ngày đầu tiên đến trường là niềm mong ước của hàng triệu người, nhất là đối với học sinh. Bộ GD&ĐT có thể định hướng cho các địa phương tổ chức lễ khai giảng vào ngày tựu trường (phù hợp với từng địa phương), lấy tâm điểm là ngày 5-9.
Hãy để học sinh thực sự là trung tâm, đầy cảm xúc trong giờ phút dự lễ khai giảng giữa sân trường, trong buổi học đầu tiên và mang cảm xúc trong trẻo ấy theo vào năm học mới.
Khuyến khích không thả bóng bay trong lễ khai giảng
Tháng 7 vừa qua, mạng xã hội xôn xao về bức thư của cô bé Nguyễn Nguyệt Linh, học sinh lớp 5M2 Trường Marie Curie, Hà Nội, viết gửi tới thầy hiệu trưởng 40 trường học trên địa bàn Hà Nội mong hạn chế thả bóng bay vào ngày khai giảng. Lý do là bóng bay có thể là nguyên nhân khiến các chú chim, rùa biển, các loài vật khác bị mắc kẹt và dẫn tới cái chết.
Trao đổi với PLO, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết bà rất ấn tượng và xúc động khi đọc bức thư của em Nguyệt Linh kêu gọi ngừng hoặc hạn chế thả bóng bay ngày khai giảng.
“Bộ GD&ĐT hoan nghênh và biểu dương, khen ngợi ý tưởng thiết thực của Nguyệt Linh. Đây là việc nên nhân rộng, Bộ đề nghị các trường có cách làm sáng tạo, phù hợp để vừa tạo không khí hứng khởi ngày khai giảng, vừa bảo vệ môi trường” – bà Nghĩa nói.
Sau bức thư của Nguyệt Linh, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM đã hưởng ứng một lễ khai giảng nói không với bóng bay.
THÁI HOÀNG
Theo PLO
Chỉ cần Bộ trưởng nói một tiếng, khai giảng hết diễn ngay
Để tạo ra không khí thực sự tươi mới của ngày tựu trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tính toán để hợp nhất ngày tựu trường với ngày khai giảng.
Trò chuyện với học sinh lớp 1 Trường tiểu học Sơn Hà (huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá) ngày 28/8/2019, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hỏi: "Các con muốn khai giảng xong rồi mới đi học hay đi học rồi mới khai giảng như thế này?".
Khi nghe các học sinh trả lời: "Con muốn khai giảng rồi mới đi học", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hứa, sẽ tính toán để thực hiện được mong muốn này trong thời gian tới.
Ngay sau đó, phát biểu với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa và thầy trò huyện Quan Sơn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ từng bước tiến tới khắc phục được việc tựu trường sớm.
Tựu trường cũng là ngày khai giảng là điều rất có ý nghĩa với cả học sinh và giáo viên. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)
Để tạo ra không khí thực sự tươi mới của ngày tựu trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tính toán để hợp nhất ngày tựu trường với ngày khai giảng.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết có địa phương như Đà Nẵng đã giữ được ý nghĩa của ngày khai giảng khi học sinh không tựu trường trước ngày 5/9.
Tuy nhiên, hiện nay đang trong giai đoạn "quá độ" giữa việc thực hiện chương trình cũ và chương trình mới nên cũng phải chấp nhận việc tựu trường trước ngày khai giảng.
Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ vẫn quy định về thời gian tựu trường sớm nhất để tránh việc yêu cầu học sinh đi học quá sớm.
Tựu trường cũng là ngày khai giảng là điều rất có ý nghĩa với cả học sinh và giáo viên. Nếu tựu trường sớm quá mà giáo viên phải đi bồi dưỡng nghiệp vụ thì có thầy cô không có ngày nghỉ hè để tái tạo sức lao động.
Có khó thực hiện việc khai giảng rồi mới học?
Năm học kết thúc vào tháng 5, nhưng thực tế hiện nay ở nhiều trường, nhiều địa phương, nửa cuối tháng năm học sinh chỉ có vài ngày đến trường tham gia ngoại khóa, phần còn lại chủ yếu để chơi. Các địa phương hiện nay được tự làm phân phối chương trình, trên cơ sở 35 tuần thực học.
Vậy nên, thay vì để học sinh tựu trường từ đầu tháng 8, học giữa tháng 8, khai giảng ngày 5 tháng 9; hãy tận dụng hết tháng 5, chính thức vào năm học mới đầu tháng 9.
Từ khi ngành giáo dục tựu trường sớm, học trước, khai giảng sau, ý nghĩa của khai giảng chỉ còn là hình thức; rất nhiều hệ lụy của tựu trường sớm đã được dư luận nêu lên.
Học trước, khai giảng sau, có phải là "hiện nay đang trong giai đoạn "quá độ" giữa việc thực hiện chương trình cũ và chương trình mới nên cũng phải chấp nhận việc tựu trường trước ngày khai giảng"?
Hoàn toàn không phải vậy, chương trình mới chưa được thực hiện!
Phải nói là không khó, từ trước đã như thế rồi; việc thực hiện chương trình cũ, chương trình mới hoàn toàn không ảnh hưởng.
Chỉ cần Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, nhắc các giám đốc sở làm kế hoạch năm học, khai giảng rồi mới học, là "trả lại tên cho em" ngay.
Khai giảng rồi mới đi học, thực hiện dễ như trở bàn tay.
Tài liệu tham khảo:
//thanhnien.vn/giao-duc/bo-truong-gd-dt-hua-tra-lai-y-nghia-ngay-khai-truong-1120545.html
Sơn Quang Huyến
Theo giaoduc.net
Mơ một ngày khai giảng! Mơ một ngày khai giảng, chứ không phải mơ một ngày tựu trường! Ảnh minh họa Và tại sao phải mơ? Vì tự khi nào ngành giáo dục có hai khái niệm khác nhau: "ngày tựu trường" và "ngày khai giảng", dù ngữ nghĩa trong từ điển hai khái niệm này như nhau! Và mơ là muốn cả nước có chung một ngày...