Năm 2035 Việt Nam sẽ có 150 tiến sĩ ngành thể thao
Vận động viên, huấn luyện viên tài năng sẽ được lựa chọn đào tạo ở nước ngoài để đưa thể thao Việt Nam đạt tầm châu lục.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt đề án tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035.
Đề án đặt mục tiêu phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng vận động viên tài năng, có năng khiếu đặc biệt ở một số môn thể thao thành tích cao, là thế mạnh của Việt Nam, đã đạt trình độ và giành thứ hạng cao ở khu vực, châu lục, thế giới và Olympic.
Các huấn luyện viên được lựa chọn bồi dưỡng là người có tài năng, giàu kinh nghiệm, có khả năng đặc biệt trong việc hoạch định chiến lược để đạt thành tích, huy chương tại đấu trường trong nước và quốc tế. Đội ngũ giảng viên, nghiên cứu, kỹ thuật, cán bộ quản lý sẽ được đào tạo để phấn đấu đưa Việt Nam thành quốc gia có nền thể thao chuyên nghiệp phát triển ở châu lục vào năm 2035.
Thủ tướng tặng quà HLV Park Hang-seo và các cá nhân tiêu biểu đạt thành tích cao tại Asiad 2018 tại Indonesia. Ảnh: Giang Huy.
Cụ thể, Nhà nước sẽ tuyển chọn và huấn luyện khoảng 3.700 vận động viên đội tuyển quốc gia, trong đó có 400 vận động viên đạt thành tích quốc tế; bồi dưỡng 600 huấn luyện viên tài năng, trong đó có 60 huấn luyện viên cao cấp.
Đến 2035, Việt Nam phấn đấu có 400 cử nhân, 300 thạc sĩ, 150 tiến sĩ chuyên ngành thể thao. Nhân lực được ưu tiên đào tạo thuộc các môn thể thao thường xuyên có thành tích tốt hoặc có huy chương ở các giải quốc tế; các môn trong chương trình thi đấu của đại hội thể thao khu vực, châu lục, thế giới và Olympic.
Ba chuyên ngành được tập trung đào tạo thành tích cao gồm: y sinh học thể thao, quản lý thể thao, huấn luyện viên thể thao. Đây là các ngành trong nước chưa có khả năng đào tạo hoặc chất lượng còn thấp so với nước ngoài nhưng có nhu cầu cấp thiết về nhân lực.
Video đang HOT
Các vận động viên có trình độ cấp kiện tướng hoặc dự bị kiện tướng, đạt huy chương vàng tại hai kỳ SEA Games, châu lục, Olympic sẽ được cử đi đào tạo dài hạn ở nước ngoài. Huấn luyện viên có vận động viên trực tiếp huấn luyện đạt huy chương tại các giải vô địch quốc gia, SEA Games, Asiad, Olympic, thế giới, tuổi 35-45 sẽ được cử đi bồi dưỡng dài hạn ở nước ngoài.
Những người được đào tạo thạc sĩ ở nước ngoài gồm: giảng viên, huấn luyện viên giỏi, đã có vận động viên đạt huy chương SEA Games, Asiad, châu lục, Olympic, thế giới.
Đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài với giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đơn vị nghiên cứu, trung tâm huấn luyện, đơn vị lĩnh vực thể thao thành tích cao; hoặc những người có nguyện vọng học tập các chuyên ngành khó, Việt Nam chưa có khả năng đào tạo như phân tích hình ảnh 3D, 4D; công nghệ đào tạo vận động viên trình độ cao; ứng dụng kỹ thuật khoa học công nghệ trong tuyển chọn, huấn luyện…
Một số nước được ưu tiên lựa chọn để đào tạo như: Nga, Pháp, Đức, Ba Lan, Hungary, Australia, Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia…
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch được giao là đầu mối xây dựng, thực hiện và triển khai đề án, chịu trách nhiệm trực tiếp trước Thủ tướng. Kinh phí thực hiện đề án được trích từ ngân sách, tài trợ của cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.
Viết Tuân
Theo VNE
Thu hút khoảng 1.500 nhà khoa học, tiến sĩ vào giảng dạy tại các trường đại học
Giai đoạn 2019 - 2030, thu hút khoảng 1.500 nhà khoa học, người có trình độ tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài hoặc đang làm việc trong nước, ngoài các cơ sở giáo dục đại học đến làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030
Đề án đặt mục tiêu đào tạo trình độ tiến sĩ cho khoảng 10% giảng viên đại học, bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, trong đó 7% giảng viên được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài; 3% giảng viên được đào tạo trong nước và phối hợp giữa các trường đại học Việt Nam với các trường đại học nước ngoài có uy tín, đạt chuẩn chất lượng khu vực và thế giới; thu hút khoảng 1.500 nhà khoa học, người có trình độ tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài hoặc đang làm việc trong nước, ngoài các cơ sở giáo dục đại học đến làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.
Phấn đấu 80% giảng viên các trường thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao đạt trình độ thạc sĩ trở lên, được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài và trong nước đạt chuẩn chất lượng khu vực và thế giới, cơ cấu hợp lý.
Đến 2030, phấn đấu 100% cán bộ quản lý và giảng viên được bồi dưỡng nâng cao năng lực, trong đó chú trọng các năng lực của giảng viên về: Phát triển chương trình đào tạo, giảng dạy theo phương pháp hiện đại, nghiên cứu khoa học, ngoại ngữ và công nghệ thông tin.
Tăng mức đầu tư cho đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ
Nhiệm vụ, giải pháp của Đề án là đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên các cơ sở giáo dục đại học, trong đó đào tạo trình độ thạc sĩ chỉ áp dụng cho giảng viên thuộc khối ngành văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao.
Cụ thể, khảo sát, đánh giá khả năng đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ của các cơ sở giáo dục đại học ở trong nước và nước ngoài; xác định các lĩnh vực, ngành, chuyên ngành trọng tâm cần ưu tiên đào tạo; công bố danh sách và thông tin về các trường đại học có chất lượng tốt, tạo điều kiện cho người học chọn lựa, chủ động trong học tập và nghiên cứu; tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học trong nước liên kết, hợp tác đào tạo.
Bên cạnh đó, bảo đảm tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học trong công tác tuyển chọn, xét duyệt, lập danh sách giảng viên đủ điều kiện cử đi đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ với các phương thức: đào tạo toàn thời gian tại các trường đại học có uy tín trên thế giới; đào tạo tại các trường đại học trong nước và phối hợp giữa các trường đại học Việt Nam với các trường đại học có uy tín trên thế giới; tổ chức bồi dưỡng ngoại ngữ và các kỹ năng cần thiết cho các giảng viên được tuyển chọn đi đào tạo tại nước ngoài.
Tăng mức đầu tư cho đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ đáp ứng đủ chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, thực hành, thí nghiệm, thực tập và công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí có uy tín trong khu vực và trên thế giới; thường xuyên kiểm tra, giám sát, thanh tra quá trình đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ của các cơ sở giáo dục đại học; kiểm soát chặt chẽ các khâu nghiệm thu, đánh giá luận án, luận văn, công nhận, cấp phát bằng, bảo đảm chất lượng đầu ra.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định, kế hoạch nhằm phát huy sức mạnh của toàn xã hội quan tâm, chăm lo cho công tác đào tạo giảng viên trình độ cao phục vụ đất nước; tổ chức tổng kết, đánh giá thường xuyên kết quả đào tạo hàng năm và từng giai đoạn để kịp thời rút kinh nghiệm, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch và động viên, khen thưởng kịp thời.
Bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị cho cán bộ quản lý
Nhiệm vụ, giải pháp tiếp theo là bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị cho cán bộ quản lý. Cụ thể, tổ chức biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị đại học đối với cán bộ quản lý chủ chốt gồm chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng (và tương đương) và đội ngũ cán bộ quản lý cấp đơn vị trực thuộc của các cơ sở giáo dục đại học.
Tổ chức các khóa bồi dưỡng (trong nước và nước ngoài) nâng cao năng lực quản trị đối với cán bộ quản lý chủ chốt và đội ngũ cán bộ quản lý cấp đơn vị trực thuộc của các cơ sở giáo dục đại học.
Ngoài ra, nhiệm vụ, giải pháp khác là thu hút các nhà khoa học, người có trình độ tiến sĩ, đủ tiêu chuẩn để làm giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.
Cụ thể, thường xuyên tuyên truyền, vận động các nhà khoa học, người có trình độ tiến sĩ, đủ tiêu chuẩn để làm giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam; tạo mọi điều kiện thuận lợi về vật chất, tinh thần đối với các nhà khoa học, người có trình độ tiến sĩ, đủ tiêu chuẩn để làm giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam; khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học trong nước chủ động thu hút các nhà khoa học, người có trình độ tiến sĩ, đủ tiêu chuẩn đến làm việc.
Nhật Hồng
Theo Dân trí
Khởi động dự án phòng chống đuối nước cho trẻ em tỉnh Quảng Ngãi Ngày 23-1, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ngãi phối hợp Tổ chức Cứu trợ Việt Nam tổ chức hội thảo "Khởi động dự án phòng chống đuối nước cho trẻ em tại tỉnh Quảng Ngãi". Theo đó, dự án phòng chống đuối nước cho trẻ em tỉnh Quảng Ngãi sẽ thực hiện tại 3 xã: Bình Hòa, Bình Chương và Bình Mỹ,...