Năm 2020: Ngân hàng bị cấm chia cổ tức tiền mặt nếu còn nợ xấu tại VAMC
Từ ngày 14/2/2020, tổ chức tín dụng bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt không chia cổ tức bằng tiền mặt cho đến khi trái phiếu đặc biệt được thanh toán.
Ngân hàng phải nhanh chóng dọn nợ tại VAMC nếu muốn chia cổ tức tiền mặt.
Cấm chia cổ tức tiền mặt khi còn nợ tại VAMC
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông 32/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2013/TT-NHNN về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Theo đó, Thông tư 32 quy định, tổ chức tín dụng bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt không chia cổ tức bằng tiền mặt cho đến khi trái phiếu đặc biệt được thanh toán. Trừ trường hợp tổ chức tín dụng bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt có thời hạn trên 5 năm hoặc tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt không được chia cổ tức để tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt có thời hạn trên 5 năm hoặc trái phiếu đặc biệt đã gia hạn được thanh toán.
Trước khi NHNN ban hành chính thức Thông tư này, tại ĐHĐCĐ năm 2019, một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng chỉ đưa ra phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu. Giải trình với cổ đông, lãnh đạo các ngân hàng cho hay, do chưa xử lý được nợ xấu tại VAMC nên ngân hàng không được Ngân hàng Nhà nước đồng ý chia cổ tức tiền mặt.
Tính đến thời điểm hiện tại, mới có 10 ngân hàng hoàn tất việc mua lại nợ xấu trước thời hạn tại VAMC. Kế hoạch dọn sạch nợ xấu tại VAMC được nhiều ngân hàng đưa ra vào năm 2020 này.
Video đang HOT
Bổ sung quy định mua, bán nợ bằng ngoại tệ
Ngoài ra, Thông tư 32 cũng bổ sung quy định về quản lý ngoại hối trong hoạt động mua, bán nợ của VAMC. Theo đó, VAMC, các tổ chức tín dụng bán nợ và các bên liên quan phải tuân thủ các quy định của pháp luật về hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam khi thực hiện mua, bán nợ và thu hồi khoản nợ được mua.
Cụ thể, khi thực hiện mua, bán nợ với Công ty Quản lý tài sản, bên mua nợ sử dụng tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam để thực hiện thanh toán cho VAMC trong trường hợp sử dụng đồng tiền mua nợ là đồng Việt Nam. Bên mua nợ là người không cư trú sử dụng tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam hoặc tài khoản ngoại tệ của bên mua nợ tại nước ngoài để thực hiện thanh toán cho Công ty Quản lý tài sản tiền mua nợ và các chi phí liên quan theo hợp đồng mua, bán nợ đối với trường hợp sử dụng đồng tiền mua nợ là ngoại tệ.
Khi thu hồi nợ từ các khoản nợ được mua từ Công ty Quản lý tài sản, số tiền thu hồi nợ phải được chuyển vào 01 (một) tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam hoặc 01 (một) tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ (đối với trường hợp khoản nợ được thu hồi bằng ngoại tệ) của bên mua nợ mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.
Trường hợp mua, bán khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay ra nước ngoài hoặc nợ phát sinh do trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh cho bên được bảo lãnh là người không cư trú thì bên bán nợ (VAMC hoặc tổ chức tín dụng bán nợ cho VAMC) phải thực hiện đăng ký thay đổi khoản cho vay ra nước ngoài, khoản thu hồi nợ bảo lãnh theo quy định hiện hành về quản lý ngoại hối đối với việc cho vay ra nước ngoài và thu hồi nợ bảo lãnh cho người không cư trú. Bên mua nợ phải thực hiện đăng ký kế hoạch thu hồi nợ theo quy định hiện hành về quản lý ngoại hối đối với việc thu hồi nợ nước ngoài phát sinh từ nghiệp vụ mua, bán nợ.
Điều kiện nợ xấu được VAMC mua lại
Thông tư 32 cũng quy định cụ thể hơn về điều kiện các khoản nợ xấu được VAMC mua lại. Theo đó, VAMC chỉ mua khoản nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt nếu đáp ứng đủ khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện như: có tài sản bảo đảm; khách vay còn tồn tại; giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ xấu hoặc các khoản nợ xấu của một khách hàng vay hoặc các khoản nợ xấu của một nhóm khách hàng vay theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư này vào thời điểm bán nợ không thấp hơn 3 tỷ đồng đối với nhóm khách hàng vay và khách hàng vay là tổ chức; không thấp hơn 1 tỷ đồng đối với khách hàng vay là cá nhân hoặc mức khác do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.
Ngoài ra, khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu phải hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ, trong đó phải đảm bảo tối thiểu 3 yêu cầu.
Thứ nhất, hợp đồng tín dụng hoặc thỏa thuận cho vay, hợp đồng ủy thác cấp tín dụng, hợp đồng mua bán nợ, hợp đồng mua, ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp, hợp đồng bảo đảm phải thể hiện rõ các quyền chủ nợ của tổ chức tín dụng, trách nhiệm và nghĩa vụ trả nợ của khách hàng vay, bên bảo đảm, bên có nghĩa vụ trả nợ đối với tổ chức tín dụng.
Thứ hai, khoản nợ xấu chưa dùng để bảo đảm nghĩa vụ của tổ chức tín dụng.
Thứ ba, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền; không đang bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật tại thời điểm mua, bán nợ.
Công ty Quản lý tài sản căn cứ quy định của pháp luật liên quan để xác định khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ.
Hà Tâm
Theo Baodautu.vn
Thống đốc: Năm 2020 phấn đấu đưa nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%
Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và tập trung xử lý nợ xấu.
Ảnh minh họa. (Ảnh: T.H/Vietnam )
Ngày 3/1/2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2020. Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Theo Chỉ thị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát bình quân dưới 4%, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Năm 2020, Ngân hàng Nhà nước định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%; tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng theo phương châm mở rộng tín dụng đi đối với an toàn, hiệu quả, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế.
[Thủ tướng: Cần tiếp tục xu hướng giảm hơn nữa lãi suất cho vay]
Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện quyết liệt và hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 (theo Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), tập trung xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu) nhằm bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng; phấn đấu năm 2020, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm nợ xấu của các ngân hàng thương mại yếu kém).
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế; đảm bảo hệ thống văn bản pháp quy đồng bộ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động tiền tệ và ngân hàng trong giai đoạn sắp tới. Triển khai quyết liệt chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Thống đốc cũng yêu cầu các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; đảm bảo các hệ thống thanh toán, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ổn định, an toàn và hiệu quả. Đổi mới và hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm phát triển dịch vụ ngân hàng số. tăng cường an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng.
Đẩy mạnh cải cách hành chính đảm bảo hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước và kế hoạch cải cách hành chính của Ngân hàng Nhà nước giai đoạn 2016-2020 góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Phấn đấu năm 2020 tiếp tục duy trì trong nhóm các Bộ, ngành dẫn đầu về xếp hạng chỉ số cải cách hành chính; duy trì thứ hạng chỉ số tiếp cận tín dụng thuộc nhóm 25 nước đứng đầu./.
Theo Thúy Hà (Vietnam )
Sạch nợ tại VAMC, lợi nhuận sẽ bứt phá? Các ngân hàng đã xử lý xong nợ xấu đã bán cho VAMC sẽ có sự bứt phá trong năm 2020 về lợi nhuận. Ngược lại, nhóm ngân hàng vẫn còn vướng nợ xấu tại VAMC sẽ gặp những áp lực nhất định như: giảm lợi nhuận, không được chia cổ tức. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet Tính đến đầu tháng 1/2020 có...