Năm 2019 tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT sẽ thấp hơn?
Việc thay đổi tỷ lệ cách thức xét tốt nghiệp trong năm tới có thể dẫn đến tình trạng rớt tốt nghiệp với những học sinh có điểm thi THPT quốc gia bằng mức của các học sinh đỗ tốt nghiệp năm nay. Cảnh báo này được nhiều thầy cô đặt ra với thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
Thí sinh làm thủ tục dự thi THPT quốc gia năm 2018 – ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Không còn thi 1,5 điểm mà vẫn đậu tốt nghiệp !
“Chúng tôi đã cảnh báo với học sinh trường mình về thay đổi này, cần phải nỗ lực và không được học quá lệch để đảm bảo đỗ tốt nghiệp”
Ông NGUYỄN THANH HẢI (Phó hiệu trưởng Trường THPT Trương Định, Tiền Giang)
Theo phương án thi THPT quốc gia Bộ GD-ĐT vừa công bố, cách thức tính điểm xét tốt nghiệp THPT năm 2019 sẽ có điều chỉnh quan trọng. Cụ thể, điểm xét tốt nghiệp sẽ gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có). Trong khi đó, năm 2018, tỷ lệ giữa điểm thi và điểm trung bình học bạ trong điểm xét tốt nghiệp là 50 – 50%. Ngay khi có thay đổi này, nhiều cảnh báo về những khả năng rớt tốt nghiệp đã được đưa ra.
Thạc sĩ Nguyễn Kim Tường Vy, Tổ trưởng Tổ lịch sử Trường THPT Nguyễn Hiền (TP.HCM), nêu ý kiến: “Nhiều học sinh (HS) cho rằng đề thi năm nay dễ hơn năm ngoái nên sẽ đậu tốt nghiệp dễ dàng. Nhưng HS đừng chủ quan vì điểm học bạ không giúp ích cho HS trung bình và yếu nữa”.
Minh họa cho nhận định này, thạc sĩ Nguyễn Kim Tường Vy chỉ ra một bảng tham khảo cùng một mức điểm nhưng sẽ có 2 kết quả tốt nghiệp khác nhau theo cách tính cũ và mới. Chẳng hạn, HS đạt 6,0 điểm trung bình lớp 12 và có điểm trung bình thi THPT quốc gia 4,5 thì với cách tính năm 2018 sẽ đậu tốt nghiệp (5,25 điểm) nhưng năm sau sẽ rớt vì chỉ đạt 4,95 điểm.
Tương tự, theo cách tính cũ, một HS có điểm trung bình lớp 12 đạt 9,0 thì dù chỉ đạt 1,5 điểm trung bình thi vẫn đỗ do có điểm xét tốt nghiệp là 5,25, nhưng theo cách tính mới sẽ rớt vì chỉ đạt 3,75 điểm. Một trường hợp khác, theo cách tính năm 2018, chỉ cần 2 điểm thi nhưng có 8 điểm trung bình lớp 12 vẫn đậu tốt nghiệp thì năm 2019 sẽ rớt vì chỉ có 3,8 điểm (cách tính mới 7×2 3×8)/10=3,8).
Khó với học sinh học lệch
Ảnh hưởng nhiều đến học sinh vùng sâu, vùng xa
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), có ý kiến từ góc nhìn khác. Ông Hải nói: “Nhìn chung điều kiện học tập của HS các trường phổ thông ở các vùng rất khác nhau. Kinh nghiệm làm tuyển sinh 12 năm cho thấy, điểm thi của HS khu vực 1 và khu vực 2 – nông thôn thường thấp hơn nhiều. Việc điều chỉnh tỷ lệ điểm trong xét tốt nghiệp sẽ ảnh hưởng đến thí sinh các khu vực này”. Cũng theo ông Hải, quy chế hiện nay chỉ cho phép xét tuyển ĐH mới cộng điểm ưu tiên khu vực, còn xét tốt nghiệp hoàn toàn không có trong khi đề thi chuẩn hóa cho cả nước. Đây là điểm Bộ GD-ĐT nên cân nhắc để sau này có phương án tốt hơn.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cũng khẳng định việc thay đổi tỷ lệ 50 – 50% thành 70 – 30% sẽ tác động lớn đến tỷ lệ tốt nghiệp. Chẳng hạn, HS năm 2018 có điểm học bạ lớp 12 đạt 7,0 và điểm thi đạt 3,0 (không bị điểm liệt) sẽ được công nhận đỗ tốt nghiệp. Nhưng vào năm tới, HS có điểm thi như trên sẽ rớt tốt nghiệp vì chỉ đạt 4,2 điểm xét tốt nghiệp.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (Tiền Giang), phân tích với tỷ lệ điểm năm nay việc một HS có học lực trung bình đỗ tốt nghiệp không hề đơn giản. Giả sử một HS có điểm trung bình lớp 12 đạt 7,0 điểm thì cần có 4,2 điểm trung bình các môn/bài thi tốt nghiệp thì mới đạt 5,0 điểm. Giả sử không tính điểm ưu tiên, nếu HS này có điểm thi 4,1 vẫn sẽ bị rớt tốt nghiệp.
Video đang HOT
Trong khi đó, để đạt được 4,2 điểm các môn trong kỳ thi THPT quốc gia mà không có môn/bài nào bị điểm liệt cũng không hề đơn giản, nhất là tình trạng HS học lệch nhiều như hiện nay. “Chúng tôi đã cảnh báo với HS trường mình về thay đổi này, cần phải nỗ lực và không được học quá lệch để đảm bảo đỗ tốt nghiệp”, ông Hải cho biết.
Điểm học bạ sẽ còn ảo ?
Ngược lại, phát biểu trong chương trình tọa đàm “Đổi mới tuyển sinh ĐH” do Báo Thanh Niên tổ chức vừa qua, thạc sĩ Dương Duy Khải, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, tỏ ra rất trăn trở sau khi Bộ công bố phương án tổ chức kỳ thi năm 2019, đặc biệt là cách tính điểm xét tốt nghiệp với tỷ lệ 70 – 30%.
Thạc sĩ Khải nói: “Năm trước, nhiều trường phổ thông đã “cấy” điểm ảo vào học bạ lớp 12 của HS để khi chưa đi thi HS đã có 3 – 4 điểm “bỏ túi” khi xét tốt nghiệp. Thực tế có những HS điểm lớp 10, 11 và cả điểm thi đều thấp nhưng điểm lớp 12 lại rất cao. Năm 2019, tỷ lệ điểm lớp 12 bị “giật” xuống chỉ còn 30% nên điểm học bạ lớp 12 có khả năng còn ảo khủng khiếp để HS chưa đi thi đã có 2,5 – 3 điểm”.
Ông Khải mong muốn, Bộ GD-ĐT nghiên cứu kỹ kỳ thi này làm sao lồng ghép để thí sinh vừa thi tốt nghiệp vừa giúp các trường chọn đúng được thí sinh vào trường mình. Còn với các trường phổ thông cũng cho điểm ảo sẽ khiến HS khi vào ĐH lại ngỡ ngàng vì chọn nhầm nghề, nhầm năng lực.
Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, việc thay đổi tỷ lệ này cần thiết nhằm giảm thiểu sự bất cập về điểm số không thực chất trong học bạ lớp 12. Hơn nữa, việc cho điểm ảo còn dẫn đến hệ quả HS ỷ lại vào kết quả học bạ và thiếu nỗ lực học tập thật sự. “Nếu không học tốt, không chỉ rớt tốt nghiệp mà khi vào ĐH còn bị hụt hơi, bị đuổi học hoặc không theo kịp chương trình học ĐH”, thạc sĩ Sơn lưu ý.
Do vậy, thạc sĩ Sơn đưa ra lời khuyên, với HS khá giỏi thì cần ôn tập toàn diện để có điểm số tốt tăng cơ hội trúng tuyển vào trường ngành mình yêu thích. Còn HS có học lực trung bình càng cần nỗ lực vì tâm lý ỷ lại sẽ khó đạt được điểm thi tốt và nguy cơ rớt tốt nghiệp rất cao.
Ông Nguyễn Thanh Hải cũng ủng hộ thay đổi này nhằm tránh tình trạng một số trường phổ thông đẩy điểm quá mức. Điều này rất nguy hiểm vì sẽ tạo nên sự mất công bằng giữa các trường, đặc biệt làm mất ý thức tự học ở HS và thay vào đó là tâm lý dựa dẫm thầy cô.
Điểm học và thi có trường lệch gần 4 điểm
Theo một thống kê, điểm thi THPT quốc gia so với điểm trung bình lớp 12 tại nhiều trường THPT ở TP.HCM năm 2017 cho thấy độ lệch khá lớn.
Danh sách này gồm hơn 240 đơn vị có đào tạo bậc học THPT (tính cả trung tâm giáo dục thường xuyên và trường ĐH, CĐ). Tính trung bình, độ lệch điểm của các trường phổ thông là 1,99 và trung tâm giáo dục thường xuyên là 1,9. Trong số này có tới 97 trường độ lệch điểm từ 2 trở lên, đặc biệt là 8 trường độ lệch từ 3 điểm trở lên. Dẫn đầu danh sách này là trường THPT A với mức lệch lên tới 3,83 điểm. Điểm trung bình HS lớp 12 trường này đạt được là 8,14, trong khi điểm bình quân các môn thi THPT chỉ 4,3 điểm. Trong đó, điểm bình quân trong kỳ thi này một số môn ở mức khá thấp: toán 3,89; lý 3,15; hóa 3,01; sinh 3,5… Xếp thứ 2 là trường C với điểm trung bình HS lớp 12 là 7,24 nhưng điểm bình quân trong kỳ thi chỉ 3,63. Trong đó, điểm bình quân một số môn thi rất thấp như: toán 2,97; hóa 2,88; sử 2,34…
Theo thanhnien
Đề xuất phương án thi THPT quốc gia
"Làm thế nào tổ chức một kỳ thi nghiêm túc và đảm bảo chất lượng? Theo tôi, kỳ thi THPT QG nên được duy trì với hai vòng độc lập, vòng 1 để xét tốt nghiệp và vòng 2 để xét tuyển vào đại học".
Tranh cãi về kì thi THPT quốc gia
Kỳ thi THPT QG 2018 dù đề thi khó hơn các năm trước rất nhiều thì tỷ lệ tốt nghiệp vẫn như mọi năm, chỉ có vài phần trăm học sinh dự thi bị trượt tốt nghiệp.
Sở dĩ có tỷ lệ đỗ cao như vậy do cách tính điểm học bạ vào điểm xét tốt nghiệp 2 năm gần đây. Nếu bỏ điểm học bạ đi thì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp còn dưới 50%.
Những năm trước, tuy không tính điểm học bạ nhưng tỷ lệ tốt nghiệp cũng gần 100% trên cả nước dù trình độ học sinh khác nhau rất xa giữa các vùng miền là do kỳ thi thiếu nghiêm túc. Tổ chức cả một kỳ thi mang tính quốc gia, tốn kém tiền bạc mà hầu hết biết rằng mình sẽ đỗ. Vì thế, có nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi này.
Một số khác giữ quan điểm ngược lại, phải thi thì học sinh mới học, không thi sẽ không biết dạy thế nào và không giữ được chất lượng.
Ông Đào Tuấn Đạt, Giảng viên ĐH Bách Khoa Hà Nội, Trưởng Ban điều hành Trường THPT Anhxtanh, Hà Nội.
Thực tế nhiều năm nay, chúng ta vẫn tổ chức thi nhưng chất lượng không được nâng lên. Chỉ cần một đề thi rất dễ, tức là ở mức cơ bản hoặc thấp hơn thì tỷ lệ đỗ cũng sẽ dưới 50%.
Chúng ta đều biết, đích đến của việc học không phải để thi. Nếu cứ phải giơ cái roi thi cử để doạ cho học sinh học thì giáo dục hiển nhiên đã là một thất bại và không còn ý nghĩa. Chỉ khi việc học đòi hỏi nội tâm, mới trả việc học về ý nghĩa tự nhiên vốn có của nó. Nhưng để có được điều này, tôi nghĩ sẽ cả một con đường dài ở phía trước.
Chỉ xét học bạ: Sẽ có "bơm thổi" điểm
Tôi đặt tình huống bỏ thi và xét theo học bạ, điều gì sẽ xảy ra? Trước hết, những giáo viên tâm huyết, có trình độ sẽ cảm thấy tuyệt vời: Họ có nhiều thời gian cho những điều mà mình tâm đắc và những nội dung có ích thực sự. Chỉ họ mới biết giảng dạy nội dung nào và bằng phương pháp nào là phù hợp nhất với học sinh của họ, chứ không buộc phải ép mình và học sinh vào việc chỉ lo giải các bài toán chỉ dùng cho thi cử một cách vô nghĩa.
Một số giáo viên thiếu trách nhiệm và yếu về chuyên môn sẽ tự buông bài giảng, việc lên lớp chỉ là cho có. Thực tế này diễn ra phổ biến mà bất cứ học sinh nào cũng có thể kể lại. Những học sinh yếu kém, thậm chí trung bình sẽ khó "chống đỡ" được với điểm số và một cuộc chạy đua về điểm sẽ diễn ra. Điểm ở trong tay thầy cô, bài kiểm tra cũng ở trong tay thầy cô.
Chúng ta hẳn còn nhớ câu chuyện "cô giáo im lặng" suốt mấy tháng trời trong thành phố Hồ Chí Minh, mãi tới khi học sinh lên tiếng mới lộ ra. Tình trạng thiếu dân chủ trong trường học ở mức độ khác nhau nhưng ở đâu cũng có.
Cứ dính tới việc xét học bạ, tôi lo lắng sẽ có chuyện "bơm thổi" điểm và sẽ có "chạy" điểm. Điểm học bạ chỉ là điểm "ảo". Như vậy, con nhà nghèo sẽ lấy gì để "chạy suốt ba năm"? Cơ hội và công bằng giáo dục sẽ được kiểm soát như thế nào?
Bỏ một kỳ thi tốn kém và không đáng tin cậy thì nên bỏ. Nhưng bỏ nó, hệ luỵ bỏ dạy, chạy điểm, làm học bạ đẹp còn nguy khốn hơn. Thi là việc bình thường và là một khâu trong quá trình giáo dục. Chẳng qua chúng ta đặt nó sai vị trí và dùng nó để đánh giá như thành quả của toàn bộ quá trình giáo dục nên kỳ thi mới trở nên méo mó, thậm chí "bê bối" như những việc tiêu cực vừa xảy ra ở Hà Giang, Sơn la, Hoà Bình...
Giải pháp đúng đắn nhất lúc này là làm thế nào tổ chức một kỳ thi nghiêm túc và đảm bảo chất lượng. Kỳ thi THPT QG nên được duy trì với hai vòng độc lập, vòng 1 để xét tốt nghiệp và vòng 2 để xét tuyển vào đại học.
Giải pháp đúng đắn là làm thế nào tổ chức một kỳ thi nghiêm túc và đảm bảo chất lượng (Ảnh: Mỹ Hà).
Gợi ý phương án thi THPT quốc gia
Ưu điểm:
Kỳ thi vẫn diễn ra trong 3 ngày. Học sinh không có nhu cầu vào đại học chỉ phải thi trong 1 ngày.
Đề thi tách riêng phần cơ bản để xét tốt nghiệp và phần nâng cao để xét tuyển đại học. Khi đó dễ dàng cho việc ôn tập của học sinh và việc ra đề thi phân hóa.
Kết hợp được cả thi trắc nghiệm và thi tự luận nên đảm bảo được tính chuyên môn.
Phân định rõ ràng trách nhiệm của địa phương và các đại học.
Các đại học không phải lo ra đề riêng, tránh được trăm hoa đua nở, gây nạn dạy thêm học thêm như thời kỳ 3 chung.
Tổ chức:
Kỳ thi sẽ diễn ra trong 3 ngày. Ngày thứ nhất, thi cơ bản để xét tốt nghiệp, ngày thứ 2 và thứ 3 thi chuyên sâu để xét tuyển vào đại học.
Học sinh chia làm hai nhóm:
Nhóm 1: chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp thi ở địa phương. Nhóm này chỉ thi ngày thứ nhất.
Nhóm 2: vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào đại học thi ở các trường đại học.
Học sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào trường nào thì tập trung thi ở trường đó. Như thế học sinh tự khắc không cho nhìn nhau. Trượt nguyện vọng 1 được xét không giới hạn các nguyện vọng khác.
Đào Tuấn Đạt
Giảng viên ĐH Bách Khoa Hà Nội, Trưởng Ban điều hành Trường THPT Anhxtanh
Theo Dân trí
Thi THPT quốc gia 2019: Tỷ lệ kiến thức trong đề thi sẽ thế nào? Sau khi Bộ GD-ĐT công bố phương án thi THPT quốc gia 2019, nhiều giáo viên đã đưa ra ý kiến về tỷ lệ kiến thức các khối lớp trong đề thi như thế nào là phù hợp? Thí sinh làm thủ tục dự thi THPT quốc gia năm 2018 - BẢO CHÂU 10 - 20 - 70 hay 10 - 10 -...