Năm 2019: Điểm chuẩn các trường ĐH khối xã hội biến động thế nào?
Điểm chuẩn các trường top trên khả năng sẽ ít có biến động, song điểm các trường top dưới có thể giảm mạnh do lượng thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH giảm.
Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2019, hiện nay các địa phương đang khẩn trương thực hiện công tác chấm thi để công bố điểm thi vào ngày 14/7 theo lịch của Bộ GD-ĐT.
Song với các môn thi trắc nghiệm, thí sinh có thể dễ dàng tự ước lượng mức điểm thi của mình sau khi đã có đáp án các môn của Bộ GD-ĐT. Tại thời điểm này, điều mà nhiều phụ huynh, học sinh quan tâm là điểm chuẩn của các trường đại học năm 2019 sẽ biến động thế nào.
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn cho biết, theo nhận định của các giáo viên, kỳ thi THPT quốc gia năm nay không quá khó như năm 2018, cũng không dễ như năm 2017. Do đó, phổ điểm có thể cao hơn năm 2018. Dự kiến điểm trúng tuyển vào các chuyên ngành của ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn cũng sẽ có thể “nhỉnh” hơn năm 2018.
“Giữa năm 2017 và 2018 dù độ khó dễ của đề thi khác nhau, nhưng mức điểm chuẩn vào trường cũng không tăng quá nhiều. Lượng thí sinh đăng ký vào trường tương đối ổn định. Các ngành như Quản trị du lịch lữ hành, Đông phương học, Quản lý khách sạn, Quốc tế vẫn dao động nhẹ, chênh nhau khoảng 1 điểm. Đây là những ngành đang thu hút rất nhiều thí sinh do chương trình học hấp dẫn và cơ hội việc làm rộng mở. Hầu hết thí sinh đều đã đi làm ngay khi học năm 3, năm 4. Thí sinh cũng yên tâm rằng với những ngành này, nếu mức điểm chuẩn có tăng cũng sẽ không thể tăng nhiều, dao động từ 0,25 đến 0,5 tùy từng ngành, vì các năm gần đây đã ở mức rất cao trong phổ điểm cao của cả nước. Đơn cử như ngành Đông phương học năm 2018 lấy đến 27,25 điểm khối C.
Các ngành khoa học cơ bản những năm trước có mức điểm tầm khoảng 18-22 điểm. Dự báo năm nay cũng sẽ không có quá nhiều đột biến, tùy thuộc từng ngành”, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn cho biết.
Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng lưu ý các thí sinh khi nghiên cứu về phổ điểm nên xem lại mức điểm trúng tuyển của các năm trước để có những tính toán phủ hợp khi thay đổi nguyện vọng.
“Các em cần có sự thận trọng và tính toán kỹ lưỡng về việc thay đổi nguyện vọng. Điều quan trọng là các em cần chọn ngành mình thích, có thế mạnh, khả năng, không nên chọn những ngành nghề bản thân không đam mê, trong quá trình học và sau này sẽ rất khó phát triển. Thí sinh cũng cần bình tĩnh sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ nguyện vọng 1 đến hết”, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn lưu ý.
Còn theo nhận định của PGS.TS Lưu Văn An, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, mức điểm trúng tuyển vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói riêng và các trường khối ngành xã hội nói chung năm nay sẽ không có nhiều biến động so với năm 2018.
Video đang HOT
Lý giải rõ hơn, PGS.TS Lưu Văn An cho rằng: “Đề thi THPT quốc gia năm 2019 có phổ kiến thức rộng hơn, một số môn thi được đánh giá là tương đối khó. Song thống kê cũng cho thấy lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường CĐ, ĐH năm nay có xu hướng giảm, trong khi đó các trường vẫn phải tuyển đủ chỉ tiêu. Riêng với Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nếu như năm 2018, có 1.800 thí sinh đăng ký dự thi năng khiếu báo chí, thì đến năm nay, số lượng này giảm xuống còn hơn 1.300 thí sinh. Chỉ tiêu các ngành báo chí của trường là 500. Do đó, khả năng mức điểm trúng tuyển vào các khối ngành xã hội năm nay không có nhiều thay đổi so với năm trước”.
Cũng theo Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, những năm gần đây, tâm lý mọi giá phải vào đại học của thí sinh đã bắt đầu thay đổi, những em có học lực kém hơn sẽ lựa chọn những con đường khác. Điều này sẽ dẫn đến tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển CĐ, ĐH giảm và tác động trực tiếp tới công tác tuyển sinh của các trường top dưới, nhưng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các trường top trên.
“Hầu hết các em học lực tốt thì đều sẽ xét tuyển ĐH vào các trường top trên, do đó, nhóm trường này ít bị ảnh hưởng và mức điểm cũng sẽ không thay đổi nhiều. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi lượng thí sinh giảm, các em lại có nhiều lựa chọn hơn, các trường top dưới sẽ rất khó khăn trong công tác tuyển sinh. Do đó mức điểm chuẩn vào các trường này năm nay cũng sẽ giảm hơn so với năm ngoái”, PGS.TS Lưu Văn An nhận định./.
Theo VOV
Điều thí sinh nên biết để tránh mất điểm khi tô đáp án thi trắc nghiệm
Để tránh mất điểm khi tô đáp án khi thi trắc nghiệm, thí sinh nên dùng thước kẻ đối chiếu dòng giữa câu hỏi và phần trả lời hoặc nên làm ra nháp trước.
Trong các môn thi của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, ngoài môn Ngữ văn thi theo hình thức Tự luận thì các môn khác thi theo hình thức Trắc nghiệm.
Thực tế trong quá trình chấm thi Trắc nghiệm, thí sinh bao giờ cũng sẽ chọn 1 phương án trả lời. Ngoài ra, khi gần hết giờ làm bài, thí sinh có thể tô bừa. Tuy nhiên, trong quá trình tô phương án, có khả năng thí sinh tô nhưng tô mờ làm phần mềm hiểu câu hỏi đó không có chọn câu trả lời.
Cán bộ coi thi đối chiếu ảnh thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019.
Những lỗi như vậy mắc nhiều, nhất là của các bài thi Tổ hợp, khi mà một thí sinh chỉ thi một môn. Vì thế, tất cả các câu trả lời của các môn thí sinh không dự thi sẽ bị bắt lỗi ở khâu tô mờ hoặc không tô.
Ngoài ra, các ô nếu thí sinh đã bỏ trống cả 4 phương án được phần mềm khoanh cả 4 phương án. Các ô mà phần mềm cho rằng thí sinh đã tô đúp sẽ được gạch chân cả 4 phương án. Ví dụ khi thí sinh chọn lại câu trả lời nhưng phương án trả lời trước lại tẩy chưa kỹ, phần mềm nhận dạng sẽ bắt lỗi tô đúp.
Mặc dù trước khi dự thi, các trường THPT đã phổ biến quy chế thi và hướng dẫn thí sinh cách thức tô đáp án rất kỹ lưỡng. Tuy nhiên, có thể do những lỗi sơ suất trong quá trình tô đáp án, thí sinh có thể bị mất điểm thi.
Ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, phần chấm thi Trắc nghiệm, có thí sinh làm câu trên nhưng tô đáp án đúp rất đậm. Trong khi câu dưới lại bị bỏ ngỏ nên sẽ bị phần mềm chấm thi nhận dạng là thí sinh tô đúp hoặc tô mờ. Mắc lỗi như thế này có thể do thí sinh tô đáp án lệch dòng.
Ví dụ như câu 21 thí sinh chọn đáp án A; sang câu 22 thí sinh chọn đáp D nhưng lại tô lên dòng của câu hỏi 21. Vì thế, đáp án câu 21 của thí sinh trở thành lỗi tô đúp. Trong khi câu 22, đáp án lại là không tô hoặc tô mờ. Như vậy là thí sinh bị mắc cả 2 lỗi và dễ bị mất điểm.
Thí sinh cần cẩn thận khi tô đáp án môn thi Trắc nghiệm như đối chiếu giữa câu hỏi và câu trả lời sao cho khớp nhau, không bị lệch dòng (ảnh minh họa)
Để tránh những thiếu sót hay mắc những lỗi như trên, theo ông Trần Văn Tớp, thí sinh nên dùng thước kẻ để đối chiếu giữa câu hỏi và câu trả lời sao cho khớp nhau, không bị lệch dòng.
Ngoài ra, thí sinh cần chọn lựa loại bút chì khi tô đáp án. Thực tế là khi tô đáp án, có thí sinh chọn bút chì quá đậm để tô đáp án, đến lúc muốn tẩy đi để chọn đáp án khác lại bị nhòe, không hết phần tẩy xóa. Bên cạnh đó, có thí sinh chọn bút chì mờ để tô đáp án nên phầm mềm chấm thi có thể bắt lỗi. Vì thế, để khắc phục những lỗi có thể xảy ra, thí sinh nên chọn bút chì có độ mềm vừa phải để khi tô đủ đậm nhưng khi tẩy đi thì dễ dàng, không bị nhòe.
Mặt khác, thí sinh cần lưu ý là không được tô sai mã đề, không tô sai số báo danh. Thực tế, việc hướng dẫn tô đáp án trong kỳ thi THPT Quốc gia đã được các trường học hướng dẫn thí sinh cụ thể, kỹ lưỡng.
Thế nhưng, trong khi làm bài, vẫn còn thí sinh mắc thiếu sót. Vì vậy, công tác tuyên truyền để thí sinh không bị mắc lỗi cần tăng cường hơn. Ngoài ra, trước khi làm bài, giám thị coi thi nên có sự kiểm tra xem thí sinh đã tô đúng mã đề, số báo danh chưa và phổ biến thông tin để thí sinh không mắc thiếu sót khi làm bài.
Thí sinh nên ghi đáp án ra nháp trước khi tô vào bài thi
Còn ông Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng ĐH Thương mại cho rằng, qua chấm thi ở tỉnh Thanh Hóa cho thấy, có khoảng 35.000 thí sinh; 102.925 bài thi Trắc nghiệm gồm: Toán, Ngoại ngữ, các môn thi của Tổ hợp Khoa học Tự nhiên và Khoa học xã hội.
Ông Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng ĐH Thương mại
Tuy nhiên trong quá trình chấm thi, để đảm bảo quyền lợi của thí sinh, phần mềm chấm thi khuyến cáo nên xem xét lại những bài thi như: tô mờ, tô đúp... Số lượng bài thi này là 11.696 bài (chiếm tỷ lệ 11,36%).
Ban chấm thi Trắc nghiệm của ĐH Bách khoa Hà Nội đã kiểm tất cả các bài thi này và sửa hơn 1.500 lỗi (tức là khoảng 11,4% lỗi khuyến cáo nên xem xét).
Như vậy, số lượng lỗi tô đáp án của thí sinh chiếm tỷ lệ nhỏ so với số bài thi và số thí sinh, chứ không phải là phổ biến. Để tránh những lỗi đó, thí sinh cần tô đúng như hướng dẫn và đúng quy định đã được phổ biến.
Theo ông Đinh Văn Sơn, thực tế trong khi làm bài, có thí sinh chọn đáp án A nhưng sau tính toán lại lại nghĩ là đáp án B là đúng nên phải tẩy xóa. Vì vậy, khi chưa chắc chắn chọn phương án nào là đúng thì thí sinh cần ghi đáp án ra bản nháp trước cho đến khi chắc chắn chốt phương án đúng để tô vào tờ giấy làm bài thi./.
Theo VOV
Dự đoán điểm chuẩn các trường ĐH top trên khối ngành kinh tế năm 2019 Đại diện các trường ĐH cho rằng, với đề thi THPT quốc gia 2019, khả năng điểm chuẩn các trường top trên không biến động nhiều bằng các trường top giữa. PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng Phòng Đào tạo trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, theo đánh giá của chuyên gia, thì đề thi THPT quốc gia 2019 dễ hơn...