Năm 2015, thí sinh tự do sẽ thi đại học như thế nào?
Thí sinh tự do sẽ tham dự kỳ thi chung như thế nào, đề thi cấu trúc ra sao là một trong số rất nhiều băn khoăn của các sĩ tử đã được Bộ GD-ĐT giải đáp.
Trong cuộc họp báo chiều 9/9, Bộ GD-ĐT đã giải đáp nhiều thắc mắc xung quanh kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và làm căn cứ thi đại học sẽ được tổ chức từ 2015.
Xem chi tiết 9 điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia 2015 tại đây.
Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT.
- Thí sinh tự do sẽ tham dự thi kỳ thi này như thế nào?
- Thí sinh tự do chưa tốt nghiệp THPT những năm trước có thể đăng ký dự thi hoặc là chỉ để được xét công nhận tốt nghiệp hoặc với cả hai mục đích vừa để xét công nhận tốt nghiệp vừa lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ sẽ đăng ký môn thi tùy theo mục đích dự thi của mình.
Thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT nếu có nguyện vọng thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ thì chỉ đăng ký thi những môn thi phù hợp với khối thi của trường mà mình lựa chọn để xét tuyển, chứ không phải thi các môn không phục vụ xét tuyển vào các ngành, trường ĐH, CĐ mà các em lựa chọn.
- Cấu trúc, nội dung đề thi của kỳ thi THPT quốc gia?
- Ban soạn thảo sẽ kế thừa những thành công của đề thi năm 2014. Nội dung đề thi nằm trong chương trình phổ thông và chủ yếu lớp 12.
Đề thi, vừa có phần nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao, đáp ứng yêu cầu cơ bản nâng cao. Đây là dữ liệu đủ tin cậy để xét tuyển ĐH, CĐ.
Đề thi không tách riêng phần dành cho xét tốt nghiệp THPT và xét vào ĐH, CĐ. Chỉ có một đề thi và có câu hỏi nâng cao để đủ phân loại thí sinh làm cơ sở căn cứ vừa công nhận tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Video đang HOT
Việc xét công nhận tốt nghiệp vẫn tương tự như năm 2014 gồm kết quả thi kết hợp với điểm đánh giá quá trình.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học từng năm theo hướng phát triển năng lực. Cùng với đó, tỷ lệ các câu hỏi khó, yêu cầu cao sẽ tăng lên. Học sinh sẽ phải làm quen với các câu hỏi yêu cầu phát huy năng lực tư duy, sáng tạo, năng lực vận dụng kiến thức liên môn và liên hệ với thực tế.
Việc đổi mới nội dung đề thi sẽ được tiến hành từng bước để không gây sốc cho thí sinh.
- Việc tổ chức thi theo cụm sẽ diễn ra như thế nào để tránh tình trạng quá tải?
– Việc thiết kế kỳ thi THPT quốc gia giữ lại những gì tốt nhất của ba chung. Việc giao tổ chức các cụm thi cho các trường, địa phương căn cứ vào các tiêu chí sau năng lực trường đại học về đội ngũ, cơ sở vật chất; lưu lượng học sinh lớp 12 ở địa phương; thuận tiện đi lại cho học sinh.
Dựa trên các tiêu chí này, Bộ sẽ mở rộng số lượng cụm thi phù hợp, vừa sức tải của trường, địa phương. Bộ GD-ĐT sẽ tính toán trên các cở sở 4 cụm trong kỳ thi đại học vừa qua. Dự kiến mỗi cụm có khoảng 30.000-40.000 thí sinh trở lại, không sợ quá tải.
- Các thí sinh sẽ được đăng ký bao nhiêu nguyện vọng vào các trường đại học, cao đẳng?
- Khác với những mùa thi trước, ở kỳ thi THPT quốc gia sau khi có kết quả, thí sinh sẽ đăng ký vào các trường trên cơ sở yêu cầu cụ thể. Một thí sinh có thể đăng ký bao nhiêu nguyện vọng phụ thuộc điều kiện do các trường quy định (công bố trước ngày 1/1/2015).
Trước đây khi chưa có kết quả thi các em đã đăng ký nguyện vọng nên dẫn đến tình trạng thí sinh ảo nhiều. Với thay đổi này, Bộ GD-ĐT hy vọng tình trạng thí sinh ảo sẽ giảm bớt.
Bộ cũng sẽ chỉnh sửa phần mềm tuyển sinh cho phù hợp, để thí sinh có thể đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ trên mạng.
- Lợi ích của các thí sinh khi tiến hành tổ chức kỳ thi THPT quốc gia?
- Việc tổ chức một kỳ thi quốc gia rất có lợi cho thí sinh. Trước hết, các em chỉ thi một kỳ thi nhưng sử dụng kết quả đó để xét vào rất nhiều trường ĐH, CĐ. Bên cạnh đó, các em thi xong, có kết quả rồi mới đăng ký xét tuyển. Vì vậy, tránh hoàn toàn rủi ro mà quy định của kỳ thi ba chung trước đây.
Đối với những học sinh đã có bằng tốt nghiệp THPT, nếu năm tới tổ chức kỳ thi quốc gia, các em chỉ thi những môn liên quan mà mình đăng ký xét tuyển, còn những môn không liên quan, các em có quyền không thi vì không sử dụng kết quả ấy để công nhận tốt nghiệp THPT.
Vì vậy, cả về nội dung thi và cách thức sử dụng kết quả kỳ thi này đều có lợi cho thí sinh.
Theo Zing
Chính thức công bố phương án thi tốt nghiệp, đại học 2015
Năm 2015, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức kỳ thi quốc gia chung thay vì tách thi tốt nghiệp và đại học như trước. Mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn.
Chiều 9/9, trong cuộc họp báo quý III, Bộ GD-ĐT đã công bố phương án tổ chức kỳ thi quốc gia chung.
Kết quả của kỳ thi này sẽ sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp, đồng thời cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học sử dụng làm căn cứ để tuyển sinh vào ĐH, CĐ thay vì tổ chức hai kỳ thi để thực hiện hai mục đích riêng rẽ như trước đây.
Môn thi
Mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn (gọi là các môn thi tối thiểu) gồm: 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí.
Kết quả của 4 môn thi tối thiểu được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và cũng được sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo.
Ngoài 4 môn thi nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn thi còn lại của kỳ thi để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh ĐH, CĐ theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường ĐH, CĐ quy định trong đề án tuyển sinh của trường.
Với những học sinh, học viên không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy và học thì không bắt buộc phải thi môn Ngoại ngữ, thí sinh tự chọn môn thay thế trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý.
Đề thi
Công tác đề thi tiếp tục được đổi mới theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở; nội dung câu hỏi của đề thi sẽ đảm bảo cả 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao, vừa có phần cơ bản đáp ứng cho hầu hết thí sinh, vừa có phần nâng cao nhằm phân hóa trình độ học sinh phục vụ công tác tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.
Cùng với quá trình chuyển mạnh việc dạy và học từ chủ yếu truyền thụ kiến thức sang chú trọng hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh, các môn thi sẽ được chuyển dần thành các bài thi với việc tăng dần yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn từ dễ đến khó để bắt đầu từ năm 2017 sẽ có một số bài thi tích hợp trong kỳ thi THPT quốc gia.
Kết quả thi
Điểm thi của thí sinh trong kỳ thi được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ; do vậy, thí sinh sẽ thi quốc gia trước, đăng ký tuyển sinh vào ngành và trường sau khi có kết quả thi quốc gia.
Như vậy, đối với tuyển sinh ĐH, CĐ đã tách khâu thi và khâu xét tuyển, tạo cơ hội cho thí sinh vào học các trường phù hợp với năng lực và nguyện vọng của mình, tránh sự rủi ro như những năm trước đây có những thí sinh điểm thi cao nhưng vẫn có thể trượt.
Tổ chức thi
Về tổ chức thi, để đảm bảo tính nghiêm túc, tính chính xác, khách quan và độ tin cậy của kết quả thi sẽ bố trí tổ chức coi, chấm theo các cụm tập trung. Công tác coi thi, chấm thi sẽ có sự tham gia của cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ cùng với giáo viên các trường THPT.
Các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, không tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh, sẽ dự thi tại các cụm thi tại địa phương do các Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các trường; còn với các thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp và sử dụng kết quả vào tuyển sinh thì sẽ dự thi tại các cụm (tương tự như các cụm thi ĐH năm 2014) do trường ĐH chủ trì, phối hợp với các Sở GD-ĐT.
Thí sinh tự do chưa tốt nghiệp THPT những năm trước có thể đăng ký dự thi hoặc là chỉ để được xét công nhận tốt nghiệp hoặc với cả hai mục đích vừa để xét công nhận tốt nghiệp vừa lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ sẽ đăng ký môn tùy theo mục đích dự thi của mình.
Thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT nếu có nguyện vọng thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ thì chỉ đăng ký thi những môn thi phù hợp với khối thi của trường mà mình lựa chọn để xét tuyển, chứ không phải thi các môn không phục vụ xét tuyển vào các ngành, trường ĐH, CĐ mà mình lựa chọn.
Thời gian
Kỳ thi quốc gia năm 2015 dự kiến tổ chức vào ngày 9-12/6/2015. Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý thi tự luận, thời gian 180 phút. Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ thi trắc nghiệm, thời gian 90 phút.
Theo Zing
Chiều nay công bố phương án thi tốt nghiệp, đại học 2015 Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết chiều nay Bộ GD-ĐT sẽ thông tin chi tiết về cách tổ chức thi tốt nghiệp, đại học 2015. Chiều 9/9, Bộ GD-ĐT sẽ họp báo thông báo những thông tin mới về năm học 2014-2015. Trong đó, vấn đề mà phụ huynh, học sinh cả nước quan tâm nhất đó là đổi mới thi tốt...