Mỹ và Saudi Arabia sắp đạt được thỏa thuận an ninh lịch sử
Phần đầu của dự thảo bao gồm một loạt thỏa thuận giữa Mỹ và Saudi Arabia, trong đó có các bảo đảm quốc phòng và hợp tác hạt nhân dân sự.
Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan (phải) trong cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Riyadh ngày 29/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo kênh CBS News ngày 20/5, Mỹ và Saudi Arabia chỉ còn “vài ngày nữa” để hoàn tất các tài liệu nhằm tạo nên một thỏa thuận song phương lịch sử, vốn từ lâu đã là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Joe Biden, vì nó sẽ bắt đầu một lộ trình song song nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel.
Nguồn tin trên dẫn lời một quan chức Mỹ xác nhận rằng nhiều tiến bộ đã đạt được vào cuối tuần trước trong cuộc gặp giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan và Thái tử Mohammad bin Salman ở Dhahran, nơi có tập đoàn dầu khí khổng lồ Saudi Aramco do nhà nước Saudi Arabia điều hành.
Trong một tuyên bố được đưa ra sau cuộc gặp, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia mô tả dự thảo thỏa thuận sắp hoàn thiện “gần như là phiên bản cuối cùng”.
Phần đầu của dự thảo bao gồm một loạt thỏa thuận giữa Mỹ và Saudi Arabia, với các bảo đảm quốc phòng và hợp tác hạt nhân dân sự. Chính quyền Biden đang củng cố mối quan hệ với Saudi Arabia vào thời điểm Trung Quốc đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông.
Video đang HOT
Phần thứ hai nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel, nhưng điều đó còn phụ thuộc vào nội dung phức tạp và đầy tham vọng thứ ba là tạo ra con đường dẫn đến một nhà nước Palestine.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gần đây đã mô tả điều đó đòi hỏi cả “sự lắng dịu tình hình ở Gaza” và “con đường đáng tin cậy dẫn đến một nhà nước Palestine”. Ông Sullivan cùng các quan chức khác trong chính quyền Biden cũng đã tới Israel ngày 19/5 và dự kiến sẽ gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để thảo luận về thỏa thuận được đề xuất.
Một nguồn tin từ Saudi Arabia nêu rõ rằng không thể thúc đẩy thoả thuận nếu không có giải pháp hai nhà nước bao gồm quyền tự trị của người Palestine ở cả Bờ Tây và Gaza. Gạt vấn đề Palestine sang một bên gần như là điều không thể hiện nay do sự phản đối rộng rãi trong thế giới Arab sau những thương vong dân sự cũng như tình hình nhân đạo thảm khốc với người Palestine ở Gaza kể từ khi Israel tiến hành chiến dịch tấn công Hamas vào tháng 10 năm ngoái.
Các quan chức trong chính quyền Biden hy vọng rằng ông Netanyahu đang gặp khó khăn về mặt chính trị sẽ coi chiến thắng quan trọng về an ninh và ngoại giao trong việc bình thường hóa quan hệ với Saudi Arabia là cơ hội và lý do để đạt được thỏa hiệp trong các vấn đề về Palestine.
Ở Mỹ, chính quyền Biden cũng đang chịu “áp lực ngày càng tăng” để hoàn tất thỏa thuận vì chỉ còn vài tuần nữa là đến kỳ nghỉ của quốc hội và một thỏa thuận an ninh sẽ phải được đệ trình trước để thông qua.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsay Graham – một người ủng hộ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump – cũng đã tới khu vực và thúc ép đạt được thỏa thuận ngoại giao trên, vốn được xây dựng dựa trên cấu trúc của Hiệp định Abraham thời Trump, giúp bình thường hóa quan hệ giữa Israel và nhiều nước láng giềng trong khu vực nhưng không có Saudi Arabia.
Mặc dù về mặt lý thuyết, ông Trump cũng có thể theo đuổi thỏa thuận Israel – Saudi Arabia nếu ông trở lại Nhà Trắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay, nhưng ông có thể khó thuyết phục đảng Dân chủ bỏ phiếu cho thỏa thuận đó hơn. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024, ông Trump thường xuyên ca ngợi di sản của mình ở Trung Đông.
Các quốc gia Arab kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận nhà nước Palestine
Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) lần thứ 33 diễn ra ngày 16/5 ở thủ đô Manama của Bahrain (giờ địa phương), với sự tham dự của Tổng thư ký AL Ahmed Aboul-Gheit và Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres, lãnh đạo các quốc gia Arab đã kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp để chấm dứt ngay lập tức cuộc xung đột tại Dải Gaza và hành động để thiết lập nền độc lập của người Palestine.
Cố vấn đối ngoại của Quốc vương Bahrain Sheikh Khalid bin Ahmed bin Mohammed al-Khalifa (phải, phía trước) đón Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres (trái, phía trước) tới dự Hội nghị thượng đỉnh AL tại Manama ngày 15/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu khai mạc hội nghị, Quốc vương Bahrain Hamad bin Isa Al Khalifa hối thúc tổ chức một hội nghị hòa bình Trung Đông nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Gaza và chấm dứt cuộc xung đột tại dải đất ven Địa Trung Hải của Palestine. Quốc vương Al Khalifa nhấn mạnh: "Chúng tôi kêu gọi tổ chức một hội nghị quốc tế vì hòa bình ở Trung Đông, bên cạnh việc công nhận Nhà nước Palestine và chấp nhận tư cách thành viên đầy đủ của Palestine tại LHQ". Ông Al Khalifa khẳng định việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập sẽ mang lại "sự ổn định cho toàn bộ khu vực Arab".
Tại Hội nghị thượng đỉnh AL, Tổng thư ký LHQ Guterres kêu gọi thành lập một nhà nước Palestine bên cạnh Israel, với Jerusalem là thủ đô chung. Ông Guterres nói rằng không có lý lẽ nào biện minh cho hình phạt tập thể chống lại người Palestine.
Trong khi đó, Tổng thư ký AL Aboul-Gheit hối thúc cộng đồng quốc tế gây áp lực buộc Israel chấm dứt chiến tranh ở Gaza, cho rằng không thể có hòa bình trong khu vực chừng nào Israel vẫn tiếp tục tấn công Dải Gaza.
Về phần mình, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi kêu gọi cộng đồng quốc tế và tất cả các bên hợp tác để chấm dứt ngay lập tức cuộc chiến tàn khốc ở Gaza và thiết lập nền độc lập của người Palestine. Tổng thống El-Sisi đã chỉ ra tình trạng thiếu ý chí chính trị quốc tế thực sự nhằm chấm dứt sự chiếm đóng của Israel đối với các vùng lãnh thổ của người Palestine và giải quyết nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột thông qua giải pháp hai nhà nước. Ông El-Sisi cho hay Ai Cập nhận thấy Israel không chỉ tiếp tục trốn tránh trách nhiệm của mình trong việc hướng tới ngừng bắn, mà còn đẩy mạnh các hoạt động quân sự ở thành phố Rafah, phía Nam Dải Gaza. Nhà lãnh đạo Ai Cập tái khẳng định lập trường kiên định của Cairo trong việc bác bỏ mọi kế hoạch hủy hoại sự nghiệp của người Palestine cũng như việc cưỡng ép di dời người Palestine ra khỏi vùng đất của họ. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ nền hòa bình và an ninh của Trung Đông.
Trong khi đó, Thủ tướng Saudi Arabia, Thái tử Mohammed bin Salman khẳng định sự ủng hộ của nước này đối với việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế ngăn chặn các hành động tàn bạo chống lại người Palestine. Ông Mohammed kêu gọi giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, khẳng định Riyadh luôn ủng hộ các nỗ lực giải quyết tình hình nhân đạo ở Gaza. Ông cũng nêu bật tầm quan trọng của việc duy trì an ninh ở khu vực Biển Đỏ.
Cũng tại hội nghị, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas kêu gọi cộng đồng quốc tế ngay lập tức bắt đầu thực thi giải pháp hai nhà nước, nhắc lại tuyên bố bác bỏ việc di dời người Palestine. Ông Abbas nhấn mạnh Mỹ phải ngừng sử dụng quyền phủ quyết chống lại "sự đồng thuận quốc tế ủng hộ Palestine trở thành thành viên đầy đủ của LHQ".
Hội nghị thượng đỉnh AL lần thứ 33 cũng có sự tham dự của Thủ tướng Kuwait Sheikh Ahmad Abdullah Al-Sabah, Thủ tướng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đồng thời là người cai trị Dubai Sheikh Mohammed bin Rashid, Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani, Thủ tướng Somalia Hamza Abdi Barre, Chủ tịch Hội đồng Tổng thống Yemen Rashad Mohammed Al-Alimi, Chủ tịch Hội đồng Tổng thống Libya Mohamed Al-Menfi, Tổng thống Syria Bashar Al-Assad, Thủ tướng Liban Najib Mikati, Tổng thống Djibouti Ismail Omar Guelleh, Thủ tướng Maroc Aziz Akhannouch, Tổng thống Iraq Abdel Latif Jamal Rachid, Quốc vương Jordan Abdulla II Ibn Al-Hussein...
Trong Tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị, các quốc gia Arab kêu gọi triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ cũng như các lực lượng bảo vệ quốc tế tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine cho đến khi giải pháp hai nhà nước được thực thi. Tuyên bố chung xác nhận một hội nghị hòa bình quốc tế sẽ được tổ chức tại Manama trong những tháng tới nhằm xây dựng lại động lực quốc tế để khôi phục giải pháp hai nhà nước. Các nhà lãnh đạo Arab cũng nhấn mạnh trách nhiệm của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) là "thực hiện các biện pháp rõ ràng để thực thi giải pháp hai nhà nước" cũng như đặt ra mốc thời gian cho tiến trình chính trị.
Ngoài cuộc chiến Gaza, các nhà lãnh đạo Arab cũng đã thảo luận một loạt vấn đề khu vực, nhất là các xung đột ở Sudan, Libya, Yemen và Syria cũng như những diễn biến ở Biển Đỏ.
Bạo loạn tiếp diễn tại New Caledonia Tính cả Mỹ và Israel, có tổng cộng 9 quốc gia phản đối nghị quyết mới nhất của Liên hợp quốc ủng hộ Palestine trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc. Toàn cảnh phiên bỏ phiếu của Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết ủng hộ tư cách thành viên đầy đủ của Palestine, tại New York (Mỹ) ngày...