Mỹ tụt lại trong cuộc đua tiêm chủng toàn cầu
Dù có nguồn vaccine dồi dào khiến nhiều nước ghen tị, chiến dịch tiêm chủng của Mỹ đã chững lại và có nguy cơ tụt hậu so với thế giới.
Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực kêu gọi người Mỹ tiêm vaccine Covid-19 khi chiến dịch tiêm chủng của nước này chững lại. Tại một số bang, chưa tới một nửa dân số tiêm mũi đầu tiên.
Nguồn cung vaccine hoàn toàn không phải vấn đề ở Mỹ, nơi mà tất cả người trên 12 tuổi đều đủ điều kiện tiêm chủng. Nhưng sau khi là một trong những quốc gia có tốc độ tiêm chủng hàng đầu thế giới vào giữa tháng 4, chiến dịch triển khai vaccine của Mỹ đang tụt lại so với nhiều nước khác.
Mỹ hiện đứng sau quốc gia láng giềng Canada về tỷ lệ dân số tiêm vaccine, cũng như Anh, Italy và Đức. Mỹ vẫn đi trước một số nền kinh tế lớn như Nhật Bản, nhưng tốc độ tiêm chủng ở các nước đang tăng nhanh.
Một điểm tiêm chủng vaccine ở Austin, bang Texas hồi tháng 3. Ảnh: Texas Tribune.
Mỹ cũng chưa đạt mục tiêu 70% dân số trên 18 tuổi tiêm ít nhất một liều mà Tổng thống Biden đặt ra vào ngày 4/7. Hiện tại, tỷ lệ này mới đạt 68,4%.
Số ca nCoV mới ở Mỹ tăng gấp đôi trong tháng qua, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC). Phần lớn ca nhiễm mới và tử vong là người chưa tiêm chủng.
Các bang ở phía nam nước Mỹ có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất, đặc biệt là Mississippi và Louisiana, với chưa tới 40% dân số tiêm ít nhất một mũi. Các bang phía đông bắc có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất, với khoảng 75% người dân ở Vermont và Massachusetts đã tiêm ít nhất một liều.
Video đang HOT
“Thực tế là chiến dịch vaccine đã ngừng lại ở các bang phía nam. Dù nguồn cung vaccine dồi dào, chúng tôi vẫn chứng kiến chênh lệch tiêm chủng lớn”, giáo sư Peter Hotez, hiệu trưởng Trường Y học Nhiệt đới Quốc gia, thuộc Đại học Y Baylor ở Houston, nói.
Dữ liệu cho thấy ở các bang như Mississippi, Alabama và Louisiana, khoảng 80% người trên 65 tuổi đã tiêm chủng, nhưng với nhóm dưới 65, tỷ lệ này chỉ là 40%. Trong khi đó, tại Vermont và Massachusetts, hầu như tất cả người trên 65 tuổi đã tiêm chủng và khoảng 80% người dưới 65 cũng tiêm ít nhất một liều.
Hồi giữa tháng 4, Mỹ tiêm hơn ba triệu liều vaccine mỗi ngày, nhưng hiện giảm xuống 500.000 mũi. Điều này một phần do nhiều người Mỹ không muốn tiêm vaccine. Anh cũng chứng kiến tỷ lệ tiêm chủng giảm, nhưng không nhanh như Mỹ. Anh và một số nước phát triển đã hoàn thành mục tiêu tiêm chủng cho phần lớn dân số trước khi tốc độ sụt giảm.
Chuyên gia cho rằng việc nhiều người trẻ và khỏe mạnh ở Mỹ không cảm thấy phải vội vàng tiêm chủng là một trong những nguyên nhân. Ngoài ra, lo ngại về an toàn vaccine và tâm lý bài vaccine cũng góp phần khiến người Mỹ chần chừ tiêm chủng.
“Một số nêu ra những lo ngại về an toàn, đồng thời nói rằng họ có thể sẽ tiêm vaccine khi chúng được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phê duyệt chính thức, thay vì cấp phép sử dụng khẩn cấp như hiện nay”, tiến sĩ Jennifer Kates, phó chủ tịch Kaiser Family Foundation, tổ chức theo dõi về tiêm chủng, cho biết.
Ba loại vaccine hiện tại ở Mỹ, gồm Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson, chưa được FDA cấp phép chính thức, mà chỉ phê duyệt sử dụng theo trường hợp khẩn cấp. FDA cũng không thể hiện dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ rút ngắn quá trình xem xét phê chuẩn vaccine Covid-19.
“Khoảng 20% dân số hoàn toàn chối từ vaccine. Họ nói sẽ không tiêm bất kỳ loại vaccine nào hoặc chỉ tiêm nếu đây là yêu cầu bắt buộc của nơi làm việc”, Kates nói.
Một nhóm bài vaccine biểu tình ở thành phố New York tháng trước. Ảnh: Reuters.
Chính quyền Biden cho rằng thông tin sai lệch tràn lan trên mạng gây ra tình trạng bài trừ tiêm chủng. “Đó là một trong nhiều lý do mọi người không tiêm vaccine, nhưng là lý do quan trọng. Chúng tôi đã nhận ra điều này thông qua các cuộc thăm dò”, Tổng Y sĩ Mỹ Vivek Murthy nói.
Nhiều thông tin sai lệch và thuyết âm mưu được lan truyền trên mạng trong thời gian qua, như chính quyền cấy chip siêu nhỏ vào vaccine để theo dõi người tiêm. Một khảo sát hồi đầu tháng này của Economist/YouGov chỉ ra 1/5 người Mỹ tin vào giả thuyết này.
Nhiều cuộc thăm dò cũng chỉ ra quan điểm về vaccine cũng bị ảnh hưởng bởi yếu tố đảng phái, với gần 30% người Cộng hòa từ chối vaccine, cao gấp gần 8 so với tỷ lệ 4% của người thuộc đảng Dân chủ. Điều này có thể giải thích một phần lý do tỷ lệ tiêm chủng thấp ở các bang miền nam, nơi phần lớn là cử tri Cộng hòa.
Giáo sư Hoetz cho rằng đây chính là lý do lớn nhất khiến nhiều người Mỹ từ chối vaccine. “Thông điệp từ các hãng tin bảo thủ và các thành viên bảo thủ của quốc hội là nếu còn trẻ, bạn không cần tiêm chủng vì nguy cơ tử vong thấp, đồng thời nói rằng vaccine được sử dụng như công cụ kiểm soát của phe tự do”, ông nói.
Ngoài những lý do trên, giới chuyên gia thêm rằng các vấn đề về khả năng tiếp cận vaccine cũng là rào cản của chiến dịch tiêm chủng ở Mỹ.
“Dù nguồn cung không phải vấn đề, vẫn có nhiều người phải đối mặt với các trở ngại như không thể nghỉ làm để đi tiêm, thiếu phương tiện đi lại hay lo lắng về chi phí tiêm chủng”, Kates nói.
Quy định của chính quyền liên bang cho hay người Mỹ không phải trả bất kỳ chi phí tiêm chủng nào, bất kể tình trạng nhập cư và bảo hiểm y tế của họ.
Trong số gần 333 triệu người Mỹ, hơn 186 triệu đã tiêm ít nhất một mũi, trong đó gần 162 triệu người hoàn thành chương trình tiêm chủng, theo CDC. Nhưng với hơn 140 triệu người chưa tiêm, Covid-19 vẫn là mối đe dọa lớn.
Trong hai tuần qua, số ca nhiễm mới, nhập viện và tử vong ở Mỹ tăng lần lượt 171%, 49% và 42%, khi biến chủng Delta lây lan mạnh. Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới, với hơn 35 triệu ca nhiễm và gần 626.000 người chết kể từ khi dịch bùng phát.
Mỹ kêu gọi 30 triệu người từng mắc Covid-19 tiêm phòng
Trước sự lây lan của biến thể Delta, các bác sĩ kêu gọi tất cả những người đủ điều kiện tiêm chủng - bao gồm hơn 30 triệu người từng mắc Covid-19 - đi tiêm phòng.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, tiêm ngừa sau khi mắc Covid-19 tạo miễn dịch mạnh hơn so với miễn dịch do lây nhiễm tự nhiên. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cho thấy các loại vaccine hiện hành có khả năng bảo vệ ít nhất 8 tháng hoặc lâu hơn. Trong khi đó, thời gian bạn được bảo vệ sau khi khỏi Covid-19 còn chưa rõ.
Bất chấp những khuyến cáo này, một số chính khách khẳng định người hồi phục sau Covid-19 đã được bảo vệ và không cần tiêm phòng. Kết quả là nhiều người Mỹ hoang mang trước những luồng ý kiến khác nhau.
Simone Wildes, bác sĩ về bệnh truyền nhiễm tại South Shore Health, cho biết: "Đối với những người từng mắc Covid-19 và đang phân vân về việc tiêm phòng, tôi mong họ sẽ đi tiêm ngay để bảo vệ bản thân và người khác".
Mặc dù lợi ích của việc tiêm phòng sau nhiễm virus được công nhận, vẫn có nhiều người Mỹ từng mắc Covid-19 chưa tiêm vaccine. Trên thực tế, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine, ngày 30/6, chỉ ra rằng kháng thể do vaccine tạo ra có thể chống lại các biến thể mới tốt hơn, so với kháng thể do nhiễm trùng tự nhiên. Điều này đặc biệt quan trọng khi biến chủng Delta đang lây lan mạnh tại Mỹ, theo ông Wildes.
Các chuyên gia đồng ý rằng tiêm phòng sau khi khỏi bệnh là biện pháp an toàn và tốt nhất để ngăn chặn Covid-19. Tuy nhiên, một số đối tượng cần lưu ý hướng dẫn của CDC. Theo đó, bệnh nhân từng dùng kháng thể đơn dòng hoặc huyết tương nên đợi 90 ngày trước khi tiêm chủng. Trẻ em nhiễm nCoV được chẩn đoán mắc hội chứng viêm đa hệ thống cũng nên đợi trong 90 ngày kể từ khi phát bệnh.
Một người đàn ông được tiêm vaccine Covid-19 tại thành phố Kansas, Mỹ, tháng 6/2021. Ảnh: NY Times
Kết thúc 'kỷ nguyên tiêm chủng hàng loạt' ở bang Maryland Điểm tiêm chủng đại trà hoạt động lâu nhất Maryland, nằm trong công viên Six Flags America, chuẩn bị đóng cửa, khi số người đến tiêm ngày càng thưa thớt. Ở các lều còn sót lại, y tá tiếp tục tiêm vài trăm liều vaccine cuối cùng, trong khi đồng nghiệp của họ tháo dỡ những lều khác. Nhân viên tại đây từng...