Mỹ truy tìm chủ mưu vụ bạo loạn Đồi Capitol
Giới chức liên bang Mỹ đang nỗ lực xác định danh tính, cũng như việc lên kế hoạch và phối hợp của đám đông bạo loạn ở Đồi Capitol.
Các công tố viên và điều tra viên liên bang đang cố gắng làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến vụ tấn công vào tòa nhà quốc hội Mỹ hôm 6/1, trong đó có việc xem xét liệu có một kế hoạch được tính toán từ trước nhằm bắt các thành viên quốc hội, bao gồm Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, làm con tin hay không.
Đám đông biểu tình đã giận dữ hô tên bà Pelosi khi tràn vào phiên họp chung của lưỡng viện nhằm ngăn cản việc xác nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Trong các video và hình ảnh trên mạng, những người mặc trang phục quân đội, một số mang theo dây trói tay, tham gia lùng sục khắp Đồi Capitol, làm dấy lên câu hỏi liệu mục tiêu của họ có phải là bắt cóc các nghị sĩ, hay thậm chí là Phó tổng thống Mike Pence hay không, theo một quan chức hành pháp.
Sĩ quan đặc nhiệm khám xét các phòng trong tòa nhà quốc hội hôm 6/1. Ảnh: AFP .
Quyền công tố viên Mỹ Michael Sherwin nói với NPR rằng “hàng trăm” người có thể đối mặt với các cáo buộc từ phá hoại tài sản đến giết người vì tham gia vào vụ bạo loạn. Tuy nhiên, ông Sherwin cho biết nỗ lực truy tìm thủ phạm của nhà chức trách sẽ gặp nhiều khó khăn vì hàng trăm nghi phạm đã rời hiện trường.
“Đây là một cuộc đảo chính”, ông nói.
Trước khi Tổng thống Donald Trump tổ chức cuộc mít tinh bên ngoài Nhà Trắng trước thềm phiên họp hôm 6/1 của quốc hội, các cơ quan hành pháp liên bang và địa phương đã chia sẻ những thông tin tình báo cho thấy một số người có liên hệ với các nhóm cực đoan, bao gồm những nhóm da trắng thượng đẳng, có kế hoạch kéo về Washington theo lời hiệu triệu của Trump.
Một quan chức cho hay các thông tin tình báo cấp khu vực đã được chia sẻ rộng rãi cho cả Cảnh sát Đồi Capitol, nhưng không có thông tin nào cho thấy sẽ có âm mưu tấn công tòa nhà quốc hội.
Phần lớn thông tin này được thu thập trên mạng xã hội và các trang web cực đoan, nơi những người lên kế hoạch biểu tình chia sẻ một số cáo buộc của Trump về gian lận bầu cử. “Có rất nhiều thông tin nhiễu loạn”, một quan chức hành pháp liên bang cho hay, đề cập đến các báo cáo tình báo về cuộc mít tinh của Trump.
Hơn 4 giờ bạo loạn ở Đồi Capitol. Video: CNN .
Giới chức liên bang đã bắt hơn 20 người sau vụ bạo loạn, chủ yếu là những nghi phạm tương đối dễ xác định nhờ hình ảnh lan truyền rộng rãi trên mạng. Nhiều người trong đó thậm chí còn khoe khoang chiến tích trên mạng xã hội hay livestream việc tham gia gây rối.
Công việc khó khăn hơn lúc này là cố gắng xác định động cơ khủng bố tiềm tàng của những kẻ đã góp phần tổ chức vụ tấn công, một quan chức hành pháp liên bang cho biết.
Trong một cuộc họp báo hôm 8/1, một công tố viên liên bang ở Washington nói đang tiếp tục điều tra về khả năng một số nghi phạm có mối liên hệ với nước ngoài. Một phụ nữ bị bắt đã đề nghị được cung cấp phiên dịch viên tiếng Nga khi ra tòa tuần trước.
“Mục tiêu ở đây là thực sự xác định những người đó và đưa ra cáo buộc ban đầu với họ, sau đó chúng tôi điều tra sâu hơn những người này đến đây như thế nào, mức độ tham gia lên kế hoạch và liệu có tác nhân nào trong nước hay nước ngoài hay không”, Ken Kohl, quyền trợ lý công tố viên Mỹ tại Washington, cho hay.
Cục Điều tra Liên bang (FBI), Bộ An ninh Nội địa và những cơ quan khác đang nỗ lực xác định danh tính những kẻ có thể đã lên kế hoạch bạo loạn.
Việc đám đông tràn vào xâm chiếm Đồi Capitol và áp đảo lực lượng cảnh sát có thể khuyến khích những người khác hành động tương tự ở Washington hoặc ở các bang trên khắp đất nước, các quan chức cảnh báo, trong đó không loại trừ các nhóm khủng bố nước ngoài luôn coi Đồi Capitol của Mỹ là mục tiêu hàng đầu.
Trump lệnh treo cờ rủ tưởng nhớ cảnh sát chết vì bạo loạn
Trump ra lệnh treo cờ rủ ở Nhà Trắng để tưởng nhớ hai sĩ quan cảnh sát Đồi Capitol thiệt mạng trong vụ bạo loạn ở tòa nhà quốc hội.
"Nhằm thể hiện trân trọng với cống hiến và hy sinh của hai cảnh sát Brian D. Sicknick và Howard Liebengood, cùng toàn thể đơn vị cảnh sát Đồi Capitol và lực lượng hành pháp khắp đất nước vĩ đại này, bằng thẩm quyền được trao với tư cách là Tổng thống Mỹ theo Hiến pháp và luật pháp Mỹ, tôi ra lệnh treo cờ rủ tại Nhà Trắng và trên tất cả các tòa nhà và khu vực công cộng, tại tất cả các đơn vị quân sự và căn cứ hải quân, trên tất cả các tàu hải quân của chính phủ liên bang ở Đặc khu Columbia và trên khắp nước Mỹ cũng như các vùng lãnh thổ cho đến khi mặt trời lặn ngày 13/1", tuyên bố từ Tổng thống Donald Trump có đoạn.
Động thái trên diễn ra vài ngày sau khi cảnh sát Đồi Capitol thông báo sĩ quan Sicknick thiệt mạng do chấn thương khi làm nhiệm vụ ứng phó với người biểu tình tại tòa nhà quốc hội Mỹ hôm 6/1. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã ra lệnh treo cờ rủ tại tòa nhà quốc hội Mỹ để tưởng nhớ Sicknick hôm 8/1.
Sĩ quan cảnh sát Đồi Capitol Mỹ Brian D. Sicknick. Ảnh: AP .
Cảnh sát quốc hội Mỹ ngày 10/1 thông báo sĩ quan Liebengood, 51 tuổi, cũng thiệt mạng vì vụ bạo loạn, dù hôm đó ông không được phân công làm nhiệm vụ. Nguyên nhân cái chết của ông chưa được công bố.
Hơn 50 cảnh sát Đồi Capitol và Washington bị thương, trong đó một số người nhập viện, sau khi hàng trăm người ủng hộ Trump tràn vào tòa nhà quốc hội Mỹ nhằm cản trở phiên họp xác nhận kết quả bầu cử tổng thống. Họ đối đầu với cảnh sát, đập phá một số trang thiết bị và lấy cắp nhiều tài sản trong tòa nhà.
Sự cố khiến cuộc họp của quốc hội phải tạm dừng, trong khi các nghị sĩ tìm nơi ẩn nấp hoặc được sơ tán.
Sau vụ bạo loạn, Sicknick đã quay lại văn phòng của đơn vị mình và bất tỉnh. Anh được đưa tới bệnh viện và qua đời. Văn phòng công tố viên Mỹ cho biết sẽ mở cuộc điều tra liên bang về cái chết Sicknick. Cảnh sát Đồi Capitol đã gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình và bạn bè cả anh.
Ngoài hai cảnh sát, 4 người biểu tình cũng thiệt mạng sau sự việc, trong đó có một phụ nữ bị bắn khi cố xâm nhập vào khu vực được bảo vệ trong tòa nhà quốc hội.
Đám đông bạo loạn 'ép bẹp' cảnh sát quốc hội Mỹ. Video: Status Coup/Jon Farina .
Cảnh sát trưởng Đồi Capitol Steven Sund đã lên án đám đông "hung hăng tấn công" cảnh sát bảo vệ tòa nhà quốc hội cùng các nhân viên hành pháp bằng ống tuýp, xịt hơi cay và các vũ khí thô sơ khác. Ông cho hay cảnh sát đã lên kế hoạch đối phó một cuộc biểu tình ôn hòa, nhưng không lường trước được đám đông ủng hộ Trump sẽ tấn công bạo lực vào tòa nhà quốc hội.
"Vụ bạo loạn này không giống bất kỳ sự việc nào mà tôi từng chứng kiến suốt 30 năm làm việc trong ngành hành pháp", ông nói.
Sund tuyên bố sẽ từ chức vào ngày 16/1 theo lời kêu gọi của bà Pelosi.
Hơn nửa dân Mỹ muốn Trump bị phế truất 57% người Mỹ muốn Trump bị tước quyền sau khi Tổng thống "kích động" cuộc biểu tình leo thang thành bạo loạn chết người tại tòa nhà quốc hội. Theo khảo sát dư luận toàn quốc được Reuters và Ipsos thực hiện hôm 7-8/1, 57% dân Mỹ muốn Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay lập tức bị phế truất. Cuộc khảo sát cho...