Mỹ Trung Quốc bắt đầu ‘chạy đua’ tới New Delhi
Một chính quyền mới thành lập ở Ấn Độ đang làm cả Trung Quốc và Mỹ sốt sắng trong việc tranh thủ xúc tiến làm thân với đất nước đông dân thứ 2 thế giới này.
Người Trung Quốc sốt sắng
Hôm qua, Timesofindia của Ấn Độ đưa tin Ngoại trưởng Trung Quốc sẽ thăm Mỹ vào cuối tuần này. Báo chí nước này cũng nhận định chuyến viếng thăm của ông Vương Nghị sẽ tập trung vào việc thảo luận cải thiện quan hệ hai nước và một sứ mệnh quan trọng khác của Ngoại trưởng Trung Quốc là thuyết phục ông Modi thăm Trung Quốc đầu tiên trong kế hoạch công du nước ngoài của mình.
Tờ báo này cũng nhận định chuyến viếng thăm của ông Vương Nghị cũng là để dọn đường cho chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Ấn Độ cũng vào tháng 9.
Video đang HOT
Trước đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường của Trung Quốc đã điện đàm chúc mừng ông Modi nhân dịp ông này đắc cử Thủ tướng Ấn Độ bất chấp việc ông Modi đã có những quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc. Trong đợt tranh cử hồi tháng 3, ông Modi đã yêu cầu Trung Quốc ngừng các hành động bành trướng lãnh thổ.
Tân Thủ tướng Ấn Độ Modi.
Mặc dù chính quyền Modi còn đang ở những ngày tháng đầu tiên nhưng đã xuất hiện nhiều dấu hiệu không tốt cho quan hệ với Trung Quốc. Theo báo chí Ấn Độ, ngay trong lễ nhậm chức của ông Modi, người ta thấy có mặt người đứng đầu Chính phủ lưu vong Tây Tạng. Điều này khiến Trung Quốc khó chịu và đã phản đối.
Ngoài ra trong buổi lễ nhậm chức của ông Modi cũng có mặt đại diện thương mại Đài Loan ngồi cùng các đại sứ các nước ở Ấn Độ. Mặc dù Đài Loan và Ấn Độ hiện tại không có quan hệ ngoại giao do phải tôn trọng chính sách “một nước Trung Quốc” của Bắc Kinh nhưng hai bên vẫn có những trao đổi thương mại.
Với những chệch choạc đã xuất hiện, có thể dự đoán chuyến đi của Ngoại trưởng Trung Quốc khó đạt được mục đích nước này mong muốn.
Mỹ cũng bắt đầu chạy đua
Theo từ Timesofindia, Tổng thống Mỹ cũng đã đưa ra lời mời Modi thăm Mỹ ngay trong cuộc gọi điện chúc mừng nhân dịp Modi đắc cử. Đáp lại lời mời ông Narendra Modi quyết định sẽ thăm Mỹ vào tuần cuối cùng của tháng 9 năm nay. Đây là quyết định lớn đầu tiên về mặt đối ngoại của ông Modi trên cương vị Thủ tướng Ấn Độ.
Timesofindia nhấn mạnh, cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo sẽ không diễn ra bên lề cuộc họp Đại hội đồng LHQ ở New York mà trong hình thức một cuộc gặp thượng đỉnh song phương chính thức tại Washington. Hai bên đang thu xếp thời gian chính xác cho chuyến công du của ông Modi.
Cuộc gặp của Modi-Obama hứa hẹn sẽ là một trong những quốc tế quan trọng nhất của năm. Trong quyết định của mình, Modi khẳng định rằng những vấn đề riêng của ông sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ Ấn Độ – Hoa Kỳ.
Trong một cuộc phỏng vấn với Timesofindia trước khi nhậm chức, ông Modi đã mô tả Hoa Kỳ như một đồng minh tự nhiên và nói rằng quan hệ giữa hai nước không được phép bị ảnh hưởng bởi những sự cố của cá nhân. Ông Modi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ với Mỹ trong chiến lược đối ngoại của Ấn Độ.
Vấn đề cá nhân và ông Modi nói tới ở đây là sự kiện bạo lực tôn giáo giữa người Hindu và người Hồi giáo xảy ra ở Gujarat tháng 2/2002. Lúc đó ông Modi đang là Thủ hiến bang Gujarat và bị cáo buộc đã dung túng cho bạo lực. Nhưng năm 2012, một cuộc điều tra do Tòa án Tối cao Ấn Độ tiến hành đã xóa bỏ cáo buộc này. Mặc dù vậy cho đến nay ông Modi vẫn bị cấm du lịch đến Mỹ theo Luật Tôn giáo Quốc tế gây tranh cãi của nước Mỹ.
Như vậy, rõ ràng ông Modi đã quyết tâm bỏ qua sự thù địch đối với cá nhân mình vì lợi ích của nước Ấn Độ. Chưa biết Mỹ có phải là nước ngoài đầu tiên mà ông Modi dự kiến công du trên cương vị Thủ tướng hay không? Vẫn còn quá sớm để khẳng định Ấn Độ dưới thời đại Modi sẽ ngả về Mỹ và như thế cuộc đua giữa Trung Quốc và Mỹ trong việc lôi kéo Ấn Độ trở thành đồng minh thân cận của mình vẫn sẽ còn nhiều màn hay ở phía trước.
Theo Tri Thức