Mỹ triển khai binh sỹ áp sát biên giới Nga
Bộ Quốc phòng Estonia ngày 16/12 cho biết, một đại đội bộ binh của Mỹ đã đến Estonia trong tuần này, trong khuôn khổ nỗ lực của NATO nhằm củng cố biên giới phía Đông của liên minh quân sự, nhằm đối phó với mối đe dọa từ Nga.
Tuyên bố đăng trên trang web của Bộ Quốc phòng Estonia nêu rõ, các binh sỹ Mỹ hiện đang đóng quân tại căn cứ Taara ở thị trấn Voru, cách biên giới Nga khoảng 20 km.
Binh sỹ Mỹ tại Estonia. Nguồn: Getty
Đánh giá về sự triển khai của các quân nhân Mỹ, Đại tá Mati Tikerpuu, chỉ huy Lữ đoàn Bộ binh số 2 của Lực lượng Phòng vệ Estonia, cho biết ông hy vọng có thể “phối hợp với các đồng minh ở cấp độ lữ đoàn và có thêm một đơn vị cơ động”.
Đại tá Richard Ikena, Chỉ huy trưởng Pháo binh Sư đoàn Bộ binh số 1 Mỹ, nói rằng quân đội Mỹ “rất vui mừng được đến Estonia” và “mong được kề vai sát cánh cùng các đồng minh”.
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Estonia cho biết thêm, Mỹ dự kiến sẽ triển khai một trung đội pháo HIMARS tới Estonia màn theo trang thiết bị và hệ thống chỉ huy và kiểm soát liên quan. Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur cho biết, điều này sẽ cho phép quân đội Estonia “tìm hiểu kỹ năng” vận hành các hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS trước khi tiếp nhận hệ thống này từ Mỹ vào năm 2025. Estonia khẳng định, sự hiện diện của các binh sỹ sẽ là bằng chứng cho thấy “những giá trị và lợi ích chung” của Washington và Tallinn, đồng thời củng cố mối quan hệ an ninh, quốc phòng giữa hai quốc gia.
Các quan chức quân sự Estonia cho rằng sở dĩ nước này mong muốn tăng cường sự hiện diện của NATO là do “môi trường an ninh đang xấu đi” ở châu Âu và “hành vi gây hấn” của Nga ở Ukraine.
Video đang HOT
Trong khi đó, Moscow đã nhiều lần lên án việc NATO triển khai lực lượng tới khu vực biên giới với nước này cũng như vận chuyển vũ khí vào Ukraine, cho rằng điều đó sẽ chỉ khiến xung đột kéo dài thêm./.
Trung Á đau đầu với sự thay đổi về cán cân quyền lực đảm bảo an ninh giữa Nga và Trung Quốc
Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã gây ra những làn sóng chấn động địa chính trị khắp Trung Á, làm thay đổi về cán cân quyền lực giữa Bắc Kinh và Moskva trong khu vực.
Quan điểm lâu nay về sự phân công lao động trong đó Trung Quốc là nhà đầu tư lớn và Nga là nhà đảm bảo an ninh ở Á - Âu đã không còn phù hợp.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phía trước bên phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (phía trước bên trái) tham dự một cuộc họp tại Uzbekistan vào tháng 9/2022. Ảnh: Reuters
Theo Đài phát thanh Tự do châu Âu (RFE/RL) ngày 14/12, trong một thỏa thuận ít phô trương, Tajikistan tháng trước đã đồng ý thực hiện các cuộc diễn tập chống khủng bố thường xuyên với lực lượng an ninh Trung Quốc trên lãnh thổ của mình. Thỏa thuận chính thức hóa sự hợp tác quân sự, an ninh ngày càng tăng giữa hai nước và nó cũng cung cấp một cái nhìn khác về ảnh hưởng đang gia tăng của Bắc Kinh đối với Trung Á sau cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong bối cảnh sức mạnh kinh tế của Nga ở Trung Á đang bị xói mòn do các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moskva và những thách thức do cuộc xung đột ở Ukraine, các nhà lãnh đạo Trung Á, đặc biệt là Tổng thống Kazakhstan Qasym-Zhomart Toqaev và Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon - đã tìm cách thu thút các đối tác mới và làm sâu sắc hơn quan hệ với các cường quốc khác.
Điều này dẫn đến một loạt chuyến thăm ngoại giao từ châu Âu đến Trung Á, trong đó có chuyến thăm Trung Á của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel vào tháng 10 và người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell vào tháng 11. Cả ông Toqaev và người đồng cấp Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev cũng đã tới Paris để gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào những dịp riêng biệt trong tháng 11.
Nhưng trước đó vào tháng 9, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ đại dịch COVID-19, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Kazakhstan trước khi tham dự hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Uzbekistan.
Trung Quốc là một thế lực kinh tế lớn ở Trung Á trong nhiều thập kỷ và nhiều quốc gia trong khu vực, chẳng hạn như Tajikistan và Kyrgyzstan, nợ Bắc Kinh hàng tỷ USD. Nhưng Bắc Kinh đã dần chuyển sang mở rộng hợp tác an ninh với khu vực trong những năm gần đây, với Tajikistan trở thành tâm điểm. Trung Quốc từ lâu đã lo ngại về chủ nghĩa khủng bố lan rộng trong khu vực từ Afghanistan, Pakistan và Tajikistan, tất cả đều giáp với khu tự trị Tân Cương ở phía Tây của nước này.
Do đó, lực lượng an ninh Trung Quốc được cho là đang điều hành một căn cứ an ninh dọc biên giới Tajikistan - Afghanistan với các đối tác Tajikistan của họ mặc dù Tajikistan chính thức phủ nhận. Bắc Kinh cũng đang cải tạo các tiền đồn biên giới cũ thời Liên Xô và xây dựng các trạm kiểm soát mới dọc biên giới Tajikistan với Afghanistan.
Vào tháng 10/2021, Dushanbe cũng thông báo rằng Trung Quốc sẽ tài trợ và xây dựng cơ sở vật chất mới cho đơn vị phản ứng nhanh đặc biệt của Tajikistan ở Khu tự trị Gorno-Badakhshan (GBAO).
Những thách thức
Có một thực tế dễ nhận thấy là các quốc gia Trung Á tiếp tục tìm cách tách mình ra khỏi đồng minh truyền thống của họ là Moskva. Các chuyên gia cho rằng thỏa thuận Tajikistan - Trung Quốc vào tháng 11 năm nay là một bước nhỏ khác được thực hiện bởi các quốc gia Trung Á để tạo khoảng cách với đồng minh truyền thống là Moskva, nhưng đây là một quá trình khá phức tạp.
Như Temur Umarov, một thành viên tại Quỹ Carnegie về Hòa bình Quốc tế giải thích: "Các nhà lãnh đạo Trung Á đều đang tìm cách đa dạng hóa những mối quan hệ đối tác của họ và giảm sự phụ thuộc vào Nga. Câu hỏi lớn là liệu Nga có đồng ý với điều đó hay không. Có một sự căng thẳng ngày càng tăng giữa nhu cầu tách ra khỏi các mối quan hệ lịch sử với Nga trong khi cũng tìm cách tránh một phản ứng mạnh mẽ từ Moskva để đáp lại. Vẫn còn rất nhiều sự nhạy cảm ở đây [ở Trung Á]. Khu vực này chưa bao giờ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan như hiện nay".
Tổng thống Kazakhstan Qasym-Zhomart Toqaev (phải) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Kazakhstan ngày 14/9. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Bradley Jardine, một thành viên tại Viện Kissinger của Trung tâm Wilson về Trung Quốc và Mỹ nhận định: "Quan điểm lâu nay về sự phân công lao động trong đó Trung Quốc là nhà đầu tư lớn và Nga là nhà đảm bảo an ninh ở Á - Âu đã không còn phù hợp".
Nhưng trong khi dấu ấn an ninh của Bắc Kinh tiếp tục mở rộng trong khu vực, điều này vẫn bị hạn chế về phạm vi và có sự chồng chéo ngày càng tăng với các lợi ích an ninh của chính Nga ở Trung Á.
"Không giống như Nga, các cuộc tập trận của Trung Quốc có quy mô nhỏ hơn, liên quan đến các cơ quan an ninh nội địa, hành động trong các tình huống như đột kích các nhóm khủng bố ở vùng núi hoặc chống lại các phần tử Hồi giáo tấn công các thị trấn ở Tân Cương. [Điều này] cho thấy chính sách đối ngoại khu vực của Trung Quốc vẫn hướng về trong nước như thế nào", chuyên gia Jardine nói.
Trong khi Trung Quốc có lợi thế để gia tăng sự hiện diện chính trị, kinh tế và quân sự ở Trung Á trong bối cảnh ảnh hưởng của Moskva bị suy giảm, lợi ích của Bắc Kinh không nhất thiết bị coi là chi phí tổn thất của Moskva. Ông Umarov lưu ý: "Tôi nghĩ rằng mức độ chú ý về sự cạnh tranh tiềm tàng với Nga và Trung Quốc thường bị thổi phồng quá mức khi nói đến an ninh ở Trung Á. Nga có thể chấp nhận sự hiện diện an ninh ngày càng tăng của Trung Quốc ở [Trung Á] và Điện Kremlin hiểu rằng theo nhiều cách, đây là một quá trình không thể tránh khỏi nằm ngoài tầm kiểm soát của họ".
Theo vị chuyên gia này, Bắc Kinh và Moskva đã tái khẳng định mối quan hệ của họ vào tháng 2 năm nay với tuyên bố quan hệ đối tác "không giới hạn". Mối quan hệ đó đã được thử thách trong cuộc xung đột ở Ukraine và dường như đã tồn tại, phần lớn, do sự thù địch chung đối với phương Tây.
Về phần mình, Raffaello Pantucci, thành viên cao cấp tại Viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh Anh (RUSI) có trụ sở tại London cho rằng trong khi cuộc xung đột ở Ukraine đã tạo cơ hội cho Trung Á mở rộng quan hệ đối tác với nhiều quốc gia, thì Trung Quốc vẫn gặp một số thách thức. Ông Pantucci nói: "Đây là một năm có nhiều thay đổi lớn, nhưng đối với Trung Quốc, mọi thứ không thay đổi đáng kể. Biên giới khó kiểm soát của Tajikistan với Afghanistan luôn là mối lo ngại thường xuyên đối với họ và đó là điều họ muốn tự mình giải quyết".
Giữa một năm đầy biến động đối với khu vực vốn chứng kiến tình trạng bất ổn và sự can thiệp của Nga vào Kazakhstan vào tháng 1, xung đột giữa Kyrgyzstan và Tajikistan, căng thẳng tiếp diễn ở GBAO và các cuộc biểu tình ở Uzbekistan, Bắc Kinh đã đề nghị hỗ trợ chính quyền địa phương nhưng "vẫn giữ khoảng cách giữa các cuộc khủng hoảng". Theo ông Pantucci, trong khi Trung Quốc lo lắng về sự bất ổn, họ vẫn không muốn trở thành "trọng tài cho các vấn đề của khu vực".
Báo động việc sử dụng thuốc quá liều gia tăng ở thanh thiếu niên Mỹ Ngày 15/12, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố kết quả nghiên cứu cho thấy tình trạng dùng thuốc quá liều ở những người từ 10-18 tuổi tại Mỹ đã tăng hơn 2 lần trong thời gian từ năm 2019-2021, đồng thời cảnh báo những rủi ro của thuốc giả có chứa chất fentanyl. Mỹ thu giữ...